CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU ĐỂ GIẢM NHẬP SIÊU VỚI TRUNG QUỐC
3.4 Giải pháp đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu để hạn chế nhập siêu với
3.4.2 Giải pháp của chủ thể Doanh nghiệp
3.4.2.1 Đổi mới quan điểm và chiến lược kinh doanh với thị trường Trung Quốc Để đổi mới căn bản cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc hiện tại hướng đến mục tiêu giảm nhập siêu, ngoài những nỗ lực của Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cũng cần có sự đổi mới căn bản trong quan điểm và chiến lược kinh doanh với thị trường Trung Quốc.
(1)Doanh nghiệp sản xuất đổi mới công nghệ sản xuất, thiết kế, bao bì sản phẩm
Đổi mới tiêu chuẩn sản xuất, nuôi trồng: Với nhóm hàng rau củ quả, doanh nghiệp hoặc các hộ nông dân cần nâng cao chất lượng nhóm hàng này thông qua cách áp dụng các tiêu chuẩn GAP, VietGAP, GlobalGAP, trong nuôi trồng và thu hoặch. Cần đặc biệt tuân thủ các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật trong khâu nuôi trồng và bảo quản. Để bắt kịp và hội nhập với thế giới, nhà sản xuất Việt Nam cần tuân thủ các quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp sạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đổi mới công nghệ chế biến, gia tăng chủng loại hàng hóa: Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao hàm lượng chế biến và chất lượng sản phẩm. Cần đẩy mạnh khâu chế biến nhóm hàng nông thủy sản theo hướng tiện lợi cho người tiêu dùng Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng sản phẩm. Cần nghiên cứu sâu về khẩu vị vùng miền của người tiêu dùng Trung Quốc để có phương pháp chế biến thích hợp. Với chè và cà phê, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thành thị Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần cải thiện năng lực chế biến, tiến tới chế biến sâu. Cần tăng cường chủng loại chè và cà phê chế biến với nhiều hương vị, quy cách đóng gói, cách pha chế tiện lợi… để phù hợp với khẩu vị khác nhau của người tiêu dùng.
Đổi mới thiết kế và bao bì: Để hàng Việt Nam tiếp cận và đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng thu nhập cao tại Trung Quốc, bên cạnh việc chú trọng vấn đề chất lượng, doanh nghiệp sản xuất còn rất cần chú trọng đổi mới thiết kế sản phẩm quan tâm đến khâu thiết kế bao bì sản phẩm. Cần kết hợp giữa đặc tính của sản phẩm với nghiên cứu quan điểm thẩm mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc để thiết kế ra các mẫu bao bì riêng cho hàng xuất khẩu vào thị trường này. Cần đảm bảo bao bì có tính mỹ thuật, nổi bật, đặc sắc và giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.
(2)Doanh nghiệp thương mại đổi mới chiến lược kinh doanh với thị trường Trung Quốc
Trước một thị trường láng giềng lớn và tiềm năng như Trung Quốc, mọi doanh nghiệp Việt Nam đều cần có một chiến chiến lược kinh doanh dài hạn và đạt mục tiêu thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Các doanh nghiệp chưa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần đặt mục tiêu xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường này để tận dụng triệt để các ưu đãi của ACFTA cũng như ưu thế về mặt địa lý, tạo nguồn thu nhập xuất khẩu lâu dài.
Các doanh nghiệp đã có quan hệ xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, cần không ngừng tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu chính ngạch với giá trị hợp đồng lớn cho các đối tác là các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng từ bỏ quan điểm chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc những hàng hóa mình có sẵn vì thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khó tính, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các loại hàng hóa nhập khẩu có chất lượng cao và an toàn cho sức khỏe. Doanh nghiệp thương mại cần liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất để đặt hàng theo đúng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm, nông sản, thuỷ sản chịu sự kiểm dịch gắt gao từ phía Trung Quốc, cần có chiến lược xuất khẩu lâu dài, tìm kiếm khách hàng là các doanh nghiệp Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ bền vững.
Doanh nghiệp cần cố gắng ký kết hợp đồng cung cấp nông sản ổn định trung và dài hạn, thực hiện đúng giao kèo cũng như tuân thủ luật Hợp đồng và pháp luật của hai nước. Chỉ như vậy, hợp tác kinh doanh mới bền vững, kim ngạch xuất nhập khẩu mới ổn định.
3.4.2.2 Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tầm vi mô (1) Xúc tiến thương mại nói chung
Doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong việc khai thác các thị trường mới để tránh rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường như Trung Quốc.
Khai thác thị trường xuất khẩu mới: Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin và nghiên cứu nhu cầu các thị trường nhập khẩu tiềm năng, đặc biệt là các
thị trường có FTA với Việt Nam. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các thị trường tiềm năng, nắm vững được kết cấu, hiểu rõ sức mua cũng như kênh tiêu thụ của từng thị trường. Các thị trường mới nổi ở khu vực Trung Đông, châu Phi với nhu cầu nhập khẩu nông sản rất lớn là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường châu Á khác cũng rất tiềm năng trong xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ…cũng cần được doanh nghiệp tích cực khai thác hơn.
Khai thác thị trường nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ mới: Để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục tìm kiếm các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày cùng như máy móc công nghệ nguồn hiện đại khác. Cần tận dụng ưu đãi từ các thị trường có ký FTA với Việt Nam để nhập khẩu với mức thuế ưu đãi. Với nguyên phụ liệu dệt may và da giày, bên cạnh việc nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước để tự cung cấp, doanh nghiệp cần tiếp tục chuyển hướng nhập khẩu từ thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ, Achentina, Pháp, Áo…Về máy móc công nghệ sản xuất, doanh nghiệp Việt cần tăng cường nhập khẩu từ các nước Âu, Mỹ hoặc Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nắm bắt thông tin về ưu đãi trong các FTA đã ký kết: Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững thông tin về các ưu đãi thuế quan, ưu đãi về hạn ngạch cũng như quy tắc xuất xứ trong các FTA song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết. Đây là thông tin liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, không chờ đợi sự hỗ trợ của chính phủ. Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược dài hạn, phù hợp để thâm nhập thị trường. Cần đầu tư kinh phí thuê tư vấn, tiếp cận thị trường từ nhiều kênh để xác định mức giá hợp lý cho từng thị trường, tránh bị thua thiệt do giá quá thấp hoặc không thiêu thụ được hàng vì giá quá cao.
(2) Xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc
Lựa chọn và tìm hiểu thông tin về đối tác Trung Quốc: Để kinh doanh lâu dài và thành công trên thị trường này, doanh nghiệp Việt cần nắm rõ cách thức thẩm tra lý lịch thương nhân Trung Quốc nhằm xác định đúng đối tác. Có thể liên hệ với một số doanh nghiệp đặc biệt do Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ định và cấp giấy
phép hoạt động trong lĩnh vực thẩm tra lý lịch thương nhân hay năng lực kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc. Với các đối tác giao dịch gián tiếp qua mạng, đối tác được giới thiệu qua trung gian hoặc đối tác lớn, cần kiểm tra kỹ lý lịch thương nhân để quyết định hợp tác lâu dài hay trước khi ký những hợp đồng giá trị lớn.
Doanh nghiệp Việt cũng có thể lựa chọn đối tác thông qua danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc được Bộ Thương mại Trung Quốc, Ủy ban Xúc tiến mậu d ịch Trung Quốc thẩm định và công bố hàng năm. Bên cạnh đó, cũng có thể thông qua sự giới thiệu của hệ thống các Hiệp hội ngành hàng Trung Quốc. Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, các chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh và Phòng Trung Quốc-Vụ thị trường Châu Á- Thái Bình Dương thuộc bộ Công thương là những địa chỉ doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về thông tin.
Tích cực tham dự các Hội chợ quốc tế tại Trung Quốc
Các hội chợ quốc tế tổ chức tại Trung Quốc cũng là nơi lý tưởng để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường, xây dựng mối quan hệ bạn hàng tại thị trường Trung Quốc. Hội chợ Canton Fair Quảng Châu, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN là hai hội chợ thường niên quy mô rất lớn với nhiều ngành nghề tham dự. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng có thể tham gia các hội chợ đa ngành khác như Hội chợ Phúc Kiến, Hội chợ Côn Minh hoặc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc-CIIE từ 2018 sẽ trở được tổ chức định kỳ hàng năm. Doanh nghiệp ngành dệt may có thể tham dự Triển lãm quốc tế phụ kiện và máy móc ngành may thêu Trung Quốc, Hội chợ quốc tế nguyên phụ liệu dệt may Thượng Hải mùa xuân, Triển lãm quốc tế ngành dệt may Thượng Hải. Doanh nghiệp hàng máy móc thiết bị có thể tham gia Hội chợ quốc tế trang thiết bị y tế, dụng cụ y khoa Trung Quốc, Triển lãm quốc tế ngành sản xuất thiết bị y tế Medtec China, Triển lãm quốc tế Bắc Kinh về máy xây dựng, Triển lãm thiết bị điện Thượng Hải, Triển lãm thiết bị nguyên phụ liệu ngành chế biễn gỗ Trung Quốc, Triển lãm quốc tế ngành giấy Trung Quốc. Các doanh nghiệp ngành mỹ phẩm làm đẹp Việt Nam có thể tham gia Hội chợ mỹ phẩm và sắc đẹp Trung Quốc.
3.4.2.3 Doanh nghiệp phụ trợ nỗ lực tự phát triển
Doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ cũng cần nỗ lực hết mình để phát triển, cung cấp hiệu quả nguyên phụ liệu và thiết bị linh kiện cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu không làm được điều này, công nghiệp chế biến của Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, nhập siêu từ Trung Quốc rất khó cải thiện.
Tăng cường liên kết giữa với các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam: Các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam muốn trở nên mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn thì điều đầu tiên cần làm là phải có sự liên kết chặt chẽ hiệu quả với nhau. Thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp hay Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phụ trợ Việt cần hỗ trợ và thúc đẩy nhau, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhau. Các doanh nghiệp cần nhiệt tình chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết ngành trong lĩnh vực và khu vực mình hoạt động. Liên kết dọc trong chuỗi giá trị dệt may được thể hiện từ khâu nguyên liệu, kéo sợi, dệt vải, nhuộm, in, thiết kế, may, phân phối và cuối cùng là marketing sản phẩm. Các doanh nghiệp ngành dệt và sản xuất phụ kiện ngành may cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ngành may. Tương tự, các doanh nghiệp thuộc da và phụ kiện cho ngành da giày cần tạo dựng liên kết chặt chẽ với các công ty sản xuất giày dép để tạo thành liên kết hàng ngang hiệu quả.
Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là kênh quan trọng nhất tổng hợp được hết các nguồn ngoại lực. Thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp phụ trợ trong nước cần tích cực đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI. Đây chính là một hình thức dùng ngoại lực để tăng nội lực. Hình thức liên kết phổ biến nhất với công ty FDI là liên kết hàng dọc, trong đó công ty trong nước tạo quan hệ ổn định để cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, qua đó được các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý. Tại Việt Nam hiện nay, với thực trạng doanh nghiệp FDI là nhân tố góp phần gây nhập siêu lớn nhất do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất phục vụ xuất khẩu, sự liên kết hiệu quả giữa các công ty phụ trợ trong nước với doanh nghiệp FDI lại càng có ý nghĩa.
Tăng cường liên kết với các công ty đa quốc gia: Các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể đẩy mạnh liên kết hàng ngang với các công ty đa quốc gia. Liên kết hàng
ngang là tiến hành hợp tác với các công ty đa quốc gia về nhiều mặt để sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới; lúc đầu có thể sản xuất và cung cấp dưới thương hiệu của công ty nước ngoài, xuất khẩu theo mạng lưới của công ty nước ngoài (sản xuất theo hình thức OEM: Original Equipment Manufacturing), tiến tới tự thiết kế sản phẩm (sản xuất theo hình thức ODM: Own Design Manufacturing), tạo ra những sản phẩm riêng để bán cho công ty đa quốc gia, cuối cùng tiến đến giai đoạn xây dựng thương hiệu, làm chủ hoàn toàn sản phẩm công nghiệp (sản xuất theo hình thức OBM: Own Brand Manufacturing). Quá trình chuyển từ OEM sang ODM đến OBM là quá trình trưởng thành và tự lập của các công ty trong nước, cũng là con đường tất yếu để đổi mới cơ cấu sản xuất trong nước, từ đó đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam cần tăng cường liên kết chuỗi với các nước có ngành dệt may và da giày phát triển mạnh như Mỹ, Nhật. Hàn Quốc, Ấn Độ…để học tập kinh nghiệm. Cần tiến tới việc tạo dựng những khối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dệt may, da giày. Với điều kiện hiện tại, doanh nghiệp dệt, sợi Việt Nam có thể liên doanh với các doanh nghiệp Ấn Độ để tạo ra chuỗi cung ứng nguyên liệu. Sản phẩm dệt may Ấn Độ như vải, sợi tự nhiên, bông và nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ có chất lượng tốt và đa dạng mẫu mã,có khả năng cạnh tranh cao cả về chất lượng và giá cả. Mở rộng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dệt may với Ấn Độ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp Việt chủ động được nguồn nguyên phụ liệu dệt may phục vụ xuất khẩu.
Bảng 3.1: Phương hướng liên kết hàng ngang giữa doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các công ty đa quốc gia
OEM Các công ty đa quốc gia giao thiết kế hoàn chỉnh cho nhà sản xuất Việt Nam
Nhà sản xuất Việt Nam nhập nguyên liệu về sản xuất
Nhà sản xuất Việt Nam bán lại sản phẩm cho hãng có thương hiệu hoặc người trung gian.
-Hàm lượng R&D thấp -Giá trị gia tăng thấp -Phía Việt Nam thu về chủ yếu là phí gia công
ODM Nhà sản xuất Việt Nam tự thiết kế sản phẩm
Điều kiện:
-Đầu tư mạnh cho hoạt động R&D cấp doanh nghiệp
-Chú trọng khâu thiết kế sản phẩm
Nhà sản xuất Việt Nam giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu, sử dụng nguyên phụ liệu trong nước để sản xuất.
Điều kiện:
-Phát triển công nghiệp phụ trợ
Nhà sản xuất Việt Nam bán lại sản phẩm cho công ty đa quốc gia
-Hàm lượng R&D cao -Giá trị gia tăng cao hơn -Chưa có thương hiệu riêng
OBM Nhà sản xuất Việt Nam tự chủ thương hiệu, tự thiết kế riêng sản phẩm của mình Điều kiện:
- Đầu tư cho hoạt động R&D cấp doanh nghiệp -Đầu tư cho khâu Marketing
-Chú trọng dịch vụ sau bán hàng
- Chú trọng khâu xây dựng thương hiệu
Nhà sản xuất Việt Nam nhập nguyên liệu về sản xuất, nâng tối đa tỷ lệ sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sản xuất Điều kiện:
-Phát triển công nghiệp phụ trợ
Nhà sản xuất bán Việt Nam lại sản phẩm cho công ty đa quốc gia, người bán lẻ hoặc người tiêu dùng cuối cùng.
-Hàm lượng R&D cao -Giá trị gia tăng cao -Có thương hiệu riêng và nguồn khách hàng riêng -Gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
3.4.2.4 Triển khai phát triển thương hiệu và phân phối hàng Việt tại Trung Quốc Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam còn cần quyết tâm chinh phục thị trường tiềm năng lớn này.
(1) Nghiên cứu sản phẩm phù hợp với từng nhóm tiêu dùng Trung Quốc
Thị trường tiêu dùng Trung Quốc vốn phát triển nhanh nhất thế giới với tầng lớp trung lưu đông đảo có sức tiêu dùng lớn. Với địa thế có chung đường biên giới với Việt Nam, đây phải được coi là một thị trường hấp dẫn không thể bỏ qua đối với bất kỳ nhà sản xuất Việt Nam nào. Trên cơ sở nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của người dân thành thị Trung Quốc, tương ứng với từng nhóm người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt có thể cung cấp các sản phẩm sau:
Sản phẩm thiết kế độc đáo, thời thượng và có cá tính riêng cho nhóm tiêu dùng trẻ: Để chinh phục nhóm khách hàng hậu 9x ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo ra các sản phẩm tiêu dùng có cá tính riêng. Nhóm khách hàng tiềm năng này có sức tiêu thụ lớn, sẵn sàng thử cái mới. Các doanh nghiệp sản xuất từ hàng tiêu dùng thông thường đến mỹ phẩm, thậm chí cả phần mềm máy tính đều có cơ hội chiếm thị phần ở Trung Quốc nếu có các sản phẩm sáng tạo. Những phần mềm giải trí trên smartphone như Flappy Birds hay phần mềm học tiếng Anh được nhiều giải thưởng quốc tế Monkey Junior đều có thể coi là những sáng tạo chắc chắn thu hút được sự quan tâm và thử nghiệm của những người tiêu dùng hậu 9x Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm có thiết kế độc đáo và thời thượng, vì sẽ càng có khả năng được những người trẻ chia sẻ nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó đại diện cho thị hiếu của những người chia sẻ thông tin về sản phẩm. Nếu có thể, vào những ngày lễ đặc biệt của Trung Quốc, doanh nghiệp có thể tung ra các sản phẩm được thiết kế bao bì riêng, mang đậm bản sắc văn hóa nước này. Điều này sẽ giúp nâng cao doanh số bán hàng vì đánh trúng tâm lý người tiêu dùng.