Bối cảnh đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc giai đoạn 2018-2030

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với trung quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu (Trang 107 - 111)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU ĐỂ GIẢM NHẬP SIÊU VỚI TRUNG QUỐC

3.1. Bối cảnh đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc giai đoạn 2018-2030

3.1.1 Thị trường Trung Quốc

3.1.1.1 Một số dự báo về thị trường Trung Quốc

Theo dự báo của ngân hàng Thế giới và Goldman Sachs, Trung Quốc có khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2025 và sẽ có sự “trỗi dậy nổi bật”. Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ giải quyết được các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, đẩy mạnh cải cách chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng (Goldman Sachs, 2016).

Với sáng kiến “Một cành đai, một con đường”, Trung Quốc đang từng bước thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế toàn cầu. Trong lĩnh vực tương mại, Trung Quốc tiếp tục gia tăng thương mại với mục tiêu sử dụng các nước láng giềng thànhthị trường cung cấp nguyên liệu thô, tài nguyên, năng lượng giá trị thấp. Các quốc gia láng giềng đang phát triển, hoặc có ký FTA với Trung Quốc, các nước có nhận đầu tư từ Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng để tiêu thụ máy móc, thiết bị công nghệ trung bình giá rẻ của Trung Quốc.Định hướng phát triển thương mại của Trung Quốc với các nước đang phát triển là thâm nhập thông qua thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan.

Về chính sách đầu tư: Để giải quyết nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu ngày càng cao cũng như tạo công ăn việc làm cho số lượng người dân thất nghiệp ngày càng nhiều, trong giai đoạn tới, Trung Quốc chú trọng lĩnh vực bất động sản và khai thác tài nguyên. Đồng thời tận dụng các dự án này, chủ đầu tư cũng đưa một số lượng lớn lao động phổ thông trình độ thấp sang làm việc tại các nước nhận đầu tư. Đây là một xu hướng không thể xem thường vì nó mang đến nguy cơ mất đất, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, người dân bản địa mất việc làm, đe doạ đến an ninh quốc gia (Trích dẫn Wang, Rui, Qin, 2014).

Về hoạt động thương mại đối ngoại, quy mô xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc có xu hướng tăng nhanh sang các thị trường đang phát triển. Nhóm hàng xuất khẩu

chủ lực của nước này trong thời gian tới là máy móc, thiết bị công nghệ thông tin.

Dự đoán trong giai đoạn 2021-2030, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 18%. Nhóm hàng máy móc, thiết bị công nghiệp sẽ có xu hướng nâng cao tỷ trọng và chiếm 32% giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, hóa chất cũng là nhóm hàng có xu hướng tăng tỷ trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ dần dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu hàng hóa theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao trong giai đoạn từ này đến 2030. Về cơ cấu hàng nhập khẩu, trong giai đoạn tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu máy móc công nghiệp. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng máy công nghiệp chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khập của nước này (Trịnh Thị Thanh Thủy, 2017)

3.1.1.2 Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu

Thị trường Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao và khắt khe hơn về an toàn thực phẩm. Nước này đã ban hành Luật an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, nhất là với mặt hàng nông thủy sản. Tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.

Mặt hàng gạo: cơ quan chức năng Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận cho 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu. Không những thế, qua kiểm soát nhập khẩu, nếu phía Trung Quốc phát hiện doanh nghiệp gạo Việt Nam vi phạm quy định sẽ rút giấy phép xuất khẩu. Hình thức quản lý này tương tự các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang áp dụng. Do đó, doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài phải tự kiểm soát chất lượng, thực hiện đúng cam kết, tự bảo vệ thương hiệu.

Nhóm hàng rau quả: Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết Trung Quốc đã sửa đổi các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo thông báo của cơ quan kiểm dịch tỉnh Quảng Tây, kể từ ngày 1-4-2018 sẽ quản lý nhập khẩu trái cây từ Việt Nam bằng cách truy xuất nguồn gốc tương tự như các quốc gia Mỹ, Úc đang thực hiện. Điều này có nghĩa rau quả Việt Nam sẽ được Trung Quốc kiểm soát từ vùng trồng như các thị trường đòi hỏi chất lượng cao chứ không cho qua dễ dàng như hiện nay. Nếu Trung

Quốc siết chặt vấn đề nhập khẩu biên mậu, sẽ chỉ có tám loại quả là thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít được phép nhập khẩu chính ngạch.

Những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa. Việc gia tăng kiểm soát chất lượng hoa quả nhập khẩu từ phía Trung Quốc là động thái đáng chú ý vì có tác động rất mạnh đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Nhóm hàng thủy hải sản: để xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đáp ứng ba điều kiện: thứ nhất là doanh nghiệp phải nằm trong danh mục những nhà sản xuất thủy sản được cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận; Thứ hai là hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng; thứ ba là sản phẩm phải nằm trong danh mục sản phẩm thủy sản được nước này công nhận.

3.1.1.3 Sự xuất hiện của các nhóm tiêu dùng mới ở Trung Quốc

Theo kết quả điều tra của tập đoàn Kantar TNS Trung Quốc tiến hành với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành, có thể thấy hiện tại Trung Quốc đã xuất hiện thêm ba nhóm người tiêu dùng mới:

Thế hệ trẻ hậu 9x: Thế hệ trẻ Trung Quốc đang hướng đến những thương hiệu mới, đủ độc đáo, có những sản phẩm sáng tạo chủ đạo có thể đáp ứng được mong muốn trở nên “độc, lạ” của mình. Họ có tiêu chuẩn ngày càng cao đối với chất lượng thực phẩm và hướng đến nhóm thực phẩm hữu cơ, thực phẩm nhập khẩu và thực phẩm tinh chế.

Nhóm người độc thân: số lượng người độc thân Trung Quốc dư dả vật chất và thời gian đang ngày càng nhiều. Nhóm người này có tiềm năng trở thành khách hàng có sức tiêu thụ lớn của phân đoạn thị trường quần áo đắt tiền, nhà hàng cao cấp, nghỉ dưỡng xa xỉ và các dịch vụ cao cấp.

Nhóm người già về hưu ngoài 60 tuổi: Trong 10 năm tới, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc sẽ chiếm trên 20% (hiện tỷ lệ này là 15%). Thế hệ người tiêu dùng này có khả năng tài chính và nhu cầu tiêu dùng lớn. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm thực sự thỏa mãn nhu cầu. Với họ, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm được coi trọng hơn bao bì bên ngoài rất nhiều.

3.1.2. Thị trường Việt Nam

3.1.2.1 Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế

Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII (tháng 1/2016) đã nêu rõ:

“Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm tới tùy thuộc vào kết quả thực hiện các đột phá chiến lược và các giải pháp cơ bản về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

3.1.3.2 Hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ

Việc đàm phán các hiệp định FTA khu vực rộng lớn hơn đang là một xu hướng phát triển lớn mới, nhất là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được thúc đẩy bởi cuộc đua nhằm đạt được những tiêu chuẩn FTA cao hơn và nhu cầu hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn hướng tới hỗ trợ các chuỗi giá trị hoàn thiện hơn. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã ký kết 12 FTA, bao gồm:

FTA đa phương: ASEAN-AEC, ASEAN- Ấn Độ, ASEAN-Australia/New Zealand;

ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN- Hồng Kông, CPTPP.

FTA song phương: Việt Nam- Nhật Bản, Việt Nam- Chile, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam- Liên minh kinh tế Á Âu.

Ngoài ra còn 4 FTA đang đàm phán chưa ký kết là RCEP (ASEAN+6), Việt Nam- EU, Việt Nam- EFTA, Việt Nam-Israel.

3.1.2.3 Sự tăng trưởng của nhóm người thu nhập trung lưu

Nhóm người có thu nhập trung bình cao (hay thu nhập khá) ngày càng nổi lên thành một nhóm tiêu dùng quan trọng ở Việt Nam. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng của nhóm thu nhập này ngày càng tăng. Theo số liệu Điều tra mức sống hộ gia đình, trong giai đoạn 2002-2010, thu nhập danh nghĩa của nhóm này tăng trung bình 19%/năm, là mức tăng cao nhất trong tất cả các nhóm thu nhập. Theo báo cáo

của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen ước tính rằng dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020. Trong số đó, có tới 2/3 là những người tiêu dùng kết nối- những người thường xuyên kết nối internet và đồng thời có mức sẵn sàng chi tiêu cao. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chi tiêu hằng năm của nhóm người tiêu dùng này này tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỉ USD trong năm 2025, chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hằng năm.

Nhóm thu nhập này có một đặc điểm quan trọng là thị hiếu tinh tế, thích cái mới (không nhất thiết là phải nhập ngoại), và không quá nhạy cảm về giá cả. Nếu đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng này thì các doanh nghiệp Việt Nam không những có được một thị trường lớn và ổn định, mà còn có thể liên tục cải tiến và nâng cấp hoạt động kinh doanh (từ thiết kế, xây dựng thương hiệu đến hệ thống phân phối).

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với trung quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu (Trang 107 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(223 trang)