CHƯƠNG 5 ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
5.2. Các phương pháp đào tạo và phát triển
5.2.1. Đào tạo có hệ thống
Đào tạo phải có hệ thống, chương trình đào tạo cần được thiết kế, lập kế hoạch
và thực hiện cụ thể để đáp ứng các nhu cầu đã xác định. Đào tạo cần được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và thực hiện chúng một cách có hiệu quả, đồng thời tác động của việc đào tạo cần được đánh giá cẩn thận. Khái niệm này ban đầu được phát triển cho các hội đồng đào tạo công nghiệp ở Hoa Kỳ vào những năm
1960, bao gồm một mô hình bốn giai đoạn đơn giản như được minh họa trong Hình 5.2.
Hình 5.2. Mô hình đào tạo có hệ thống
a. Đào tạo kịp thời
Đào tạo kịp thời là đào tạo gắn liền với nhu cầu cấp thiết và gắn hoạt động này với công việc trước mắt hoặc trong tương lai. Đào tạo kịp thời dựa trên việc xác định các yêu cầu, ưu tiên và kế hoạch mới nhất của tổ chức, chương trình đào tạo xem xét bất kỳ vấn
đề nào liên quan đến việc ứng dụng những nội dung đã học vào trong công việc và nhằm đảm bảo rằng những gì được giảng dạy có thể áp dụng vào công việc hiện tại.
b. Đào tạo quy mô nhỏ
Đào tạo quy mô nhỏ hướng đến đến cung cấp các cơ hội để hình thành một kỹ năng cụ thể hoặc một phần kiến thức cụ thể trong một chương trình đào tạo ngắn, tập trung vào một hoạt động, chẳng hạn như sử dụng một phần mềm cụ thể, đưa ra phản hồi hoặc xử lý một vấn đề về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Hình thức này có thể được thực hiện thông qua e-learning. Loại đào tạo này có thể là một phương tiện hữu ích để
162 phát triển một kỹ năng hoặc hiểu biết để sử dụng ở nơi làm việc thông qua một buổi học
và không ảnh hưởng nhiều đến lịch trình làm việc.
c. Các hình thức đào tạo
Trong thực tế, có nhiều tiêu thức phân loại hình thức đào tạo khác nhau.
(1). Theo định hướng nội dung đào tạo:
- Đào tạo định hướng công việc: Là hình thức đào tạo kỹ năng thực hiện một loại
công việc nhất định, nhân viên có thể sử dụng những kỹ năng này để làm việc trong các doanh nghiệp khác nhau.
- Đào tạo định hướng doanh nghiệp: Đào tạo về các kỹ năng, cách thức, phương
pháp làm việc điển hình trong doanh nghiệp. Khi nhân viên chuyển sang doanh nghiệp khác, kỹ năng đào tạo đó thường không áp dụng được nữa.
(2). Theo mục đích của nội dung đào tạo:
Bao gồm các hình thức: đào tạo, hướng dẫn công việc cho nhân viên; đào tạo, huấn luyện kỹ năng; đào tạo kỹ thuật an toàn lao động; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật; đào tạo và phát triển các năng lực quản trị,… Các hình thức đào tạo nhìn chung rất đa dạng.
- Đào tạo, hướng dẫn công việc cho nhân viên nhằm cung cấp các thông tin, kiến
thức mới và các chỉ dẫn cho nhân viên mới tuyển về công việc và về doanh nghiệp, giúp cho nhân viên nhanh chóng thích nghi với điều kiện, cách thức làm việc trong doanh nghiệp.
- Đào tạo, huấn luyện kỹ năng nhằm giúp nhân viên nâng cao trình độ và các kỹ
năng phù hợp để thực hiện công việc theo yêu cầu.
- Đào tạo kỹ thuật an toàn lao động hướng dẫn nhân viên cách thức thực hiện
công việc an toàn, nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động. Đối với một số công việc nguy hiểm, có nhiều rủi ro như công việc của thợ hàn, thợ lặn, thợ xây, thợ điện,… hoặc tại một số doanh nghiệp có nhiều rủi ro trong hoạt động như khai khoáng, luyện kim,… thì việc đào tạo kỹ thuật an toàn lao động là yêu cầu quan trọng, nhân viên bắt buộc phải tham dự các khóa đào tạo này và ký tên vào sổ an toàn lao động trước khi làm việc.
- Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật thường được tổ chức định kỳ
nhằm giúp đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật luôn được cập nhật với các kiến thức,
kỹ năng mới.
163
- Đào tạo và phát triển các năng lực quản trị nhằm giúp cho các quản trị gia được
tiếp xúc, làm quen với các phương pháp làm việc mới, nâng cao kỹ năng thực hành và các kinh nghiệm tổ chức quản lý, khuyến khích nhân viên trong doanh nghiệp. Chương trình thường chú trọng vào các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phân tích
và ra quyết định.
(3). Theo cách thức tổ chức:
- Đào tạo chính quy: Học viên được tách hẳn khỏi công việc hàng ngày tại doanh nghiệp, do đó thời gian đào tạo ngắn và chất lượng đào tạo thường cao hơn so với các hình thức đào tạo khác. Tuy nhiên, số lượng người tham gia đào tạo theo hình thức này rất hạn chế.
- Đào tạo tại chức: Áp dụng đối với cán bộ, nhân viên vừa đi làm vừa tham gia các khóa đào tạo. Thời gian đào tạo có thể thực hiện ngoài giờ làm việc kiểu các lớp buổi tối hoặc có thể thực hiện trong một phần thời gian làm việc, ví dụ mỗi tuần học một số buổi hoặc mỗi quý tập trung học một vài tuần,… tùy theo điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp.
- Lớp cạnh doanh nghiệp: Thường áp dụng để đào tạo nhân viên cho các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp có cơ sở đào tạo riêng nhằm tuyển sinh đào tạo những nghề phổ biến, sau đó lựa chọn những học viên xuất sắc của khóa đào tạo, tuyển vào làm việc trong doanh nghiệp. Học viên sẽ học lý thuyết tại lớp sau đó tham gia thực hành ngay tại các phân xưởng trong doanh nghiệp. Các lớp đào tạo này thường rất hiệu quả, học viên vừa nắm vững về lý thuyết, vừa làm quen với điều kiện làm việc, thực hành ngay tại doanh nghiệp, thời gian đào tạo ngắn, chi phí đào tạo thấp. Tuy nhiên, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có khả năng tổ chức hình thức đào tạo kiểu các lớp cạnh xí nghiệp.
- Kèm cặp tại chỗ: Là hình thức đào tạo theo kiểu vừa làm vừa học, người có
trình độ tay nghề cao giúp người có trình độ tay nghề thấp hoặc người mới vào làm việc. Quá trình đào tạo diễn ra ngay tại nơi làm việc.
(4). Theo địa điểm hoặc nơi đào tạo: Đào tạo tại nơi làm việc và đào tạo ngoài nơi làm
việc.
(5). Theo đối tượng học viên:
- Đào tạo mới: Áp dụng đối với những người lao động phổ thông, chưa có trình
độ tay nghề, người lao động mới lần đầu đi làm việc hoặc đã đi làm việc nhưng chưa có
kỹ năng để thực hiện công việc.
164
- Đào tạo lại: Áp dụng với những người lao động đã có kỹ năng, trình độ lành
nghề nhưng cần thay đổi công việc do yêu cầu của doanh nghiệp.
Việc lựa chọn hình thức đào tạo nào để đem lại hiệu quả cao nhất phụ thuộc vào các yêu cầu về quy mô đào tạo, mức độ phức tạp, nội dung cần đào tạo và điều kiện trang bị kỹ thuật, tài chính,… cụ thể trong từng doanh nghiệp.
d. Học tập tổng hợp
Học tập tổng hợp là việc sử dụng kết hợp các phương pháp học tập để tăng hiệu quả tổng thể của quá trình học tập thông qua việc cung cấp các phần khác nhau của chương trình học tập để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Một chương trình học tập tổng hợp
có thể được lập kế hoạch cho một cá nhân bằng cách sử dụng kết hợp các hoạt động học tập trong kế hoạch phát triển cá nhân, bao gồm các phương tiện học tập điện tử, các hoạt động học tập nhóm, huấn luyện hoặc cố vấn và hướng dẫn được xây dựng trong một khóa học tại công ty hoặc bên ngoài. Đào tạo chung cho các nhóm học viên có thể bao gồm học trực tuyến, các chương trình hướng dẫn đã được xây dựng kế hoạch, trải nghiệm theo kế hoạch và các khóa học bên ngoài.