Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.1. Kỷ luật và kỷ luật tích cực
1.2.1.1. Kỷ luật
Theo Từ điển tiếng Việt: “Kỷ luật là tổng thể những điều quy định có tính
chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức để bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức, là hình thức phạt đối với người vi phạm kỷ luật ” [39].
Theo Từ điển từ và ngữ Hán Việt: “Kỷ luật là những quy tắc, quy định, luật
lệ, những chuẩn mực được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, do cơ quan, tổ chức đặt ra nhằm tạo khuôn khổ ứng xử chung trong tập thể để duy trì sự ổn định, trật tự nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý, công tác, lao động và rèn luyện. Kỷ luật cũng có thể do cá nhân tự đặt ra cho chính bản thân
mình nhằm mục đích tạo ra những nguyên tắc rèn luyện, sinh hoạt, học tập của bản thân hướng tới mục tiêu đặt ra.” [30].
Theo tác giả M. Ravi Babu: “Kỷ luật là thực hành giảng dạy hoặc huấn
luyện một người tuân theo các quy tắc hoặc quy tắc ứng xử trong cả thời gian ngắn
và dài hạn. Trong khi hình phạt nhằm kiểm soát hành vi của trẻ, thì kỷ luật nhằm phát triển hành vi của trẻ, đặc biệt là trong các vấn đề về hành vi. Nó có nghĩa là dạy cho trẻ sự tự chủ và tự tin bằng cách tập trung vào những gì chúng ta muốn trẻ học và những gì trẻ có khả năng học. Đó là cơ sở để hướng dẫn trẻ cách sống hài hòa với bản thân và hòa đồng với mọi người.” [61]
“Kỷ luật là sự rèn luyện về tinh thần và tính cách để tạo ra sự tự chủ hoặc
phục tùng. Con người sống trong một xã hội cần tuân thủ các quy tắc, quy định hay luật lệ để xã hội đạt được các mục tiêu đã đề ra. kỷ luật là chìa khoá vạn năng giúp cho con người thành công trong cuộc sống.” [6]
Nhìn chung, các tác giả đều có quan điểm chung kỷ luật là những quy định, quy ước, luật lệ mang tính pháp chế của một tổ chức, tập thể hay nhóm được đặt ra
mà tất cả mọi người trong tổ chức, tập thể hay nhóm đó phải chấp hành, tuân thủ nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi thống nhất với khái niệm sau đây về kỷ luật: Kỷ luật là “tổng thể những điều quy định bắt buộc mọi thành viên của tổ chức phải tuân thủ để duy trì trật tự, ổn định kỷ cương nội bộ trong mọi hoạt động thực hiện mục đích, tôn chỉ của mình. Kỷ luật của trường học là điều kiện cần thiết cho hoạt động giáo dục, dạy học đạt được mục tiêu” [20, tr. 218].
1.2.1.2. Kỷ luật tích cực
Xung quanh khái niệm KLTC (Positive Discipline) có rất nhiều ý kiến khác nhau. Các tác giả Jane Nelsen và Lynn Lott sử dụng khái niệm KLTC (positive discipline) đầu tiên: “KLTC là các quy tắc mà cha mẹ giáo dục con cái bằng các
biện pháp động viên, khuyến khích mà không cần trừng phạt thân thể hay tinh thần; không bỏ mặc con; hợp tác, lắng nghe, chia sẻ với con” [84].
Theo tác giả Nelsen, J. khái niệm “KLTC là một chương trình được thiết kế để
dạy những người trẻ tuổi trở thành thành viên có trách nhiệm, tôn trọng và năng động trong cộng đồng của họ. KLTC dạy các kỹ năng sống và xã hội quan trọng theo cách tôn trọng và khuyến khích sâu sắc cho cả trẻ em và người lớn (bao gồm cha mẹ,
GV, người chăm sóc trẻ em, nhân viên thanh niên và những người khác)” [36].
Nghiên cứu này cho chúng ta biết rằng trẻ em “Được lập trình sẵn” từ khi sinh ra để kết nối với những người khác, và những đứa trẻ cảm thấy được kết nối với cộng đồng, gia đình và trường học của chúng sẽ ít có hành vi sai trái hơn. Để thành công,
là thành viên đóng góp cho cộng đồng của mình, trẻ em phải học các kỹ năng sống và
xã hội cần thiết. KLTC dựa trên sự hiểu biết rằng kỷ luật phải được dạy.
Theo tác giả M. Ravi Babu: “KLTC là kết quả của các hoạt động và kinh
nghiệm khắc sâu vào đức tính tự kiểm soát của mỗi cá nhân dựa trên lý trí chứ không phải lực lượng. Đó là kết quả của thuyết phục chứ không phải của sự ép buộc. Nó đến từ việc làm hơn là nói. Giống như tôn giáo, nó không thể được dạy
mà chỉ có thể bị bắt và thực hành. Trẻ em cần được dạy để chúng hiểu và tuân theo các quy tắc xã hội. Mục tiêu cuối cùng của kỷ luật là để trẻ hiểu được hành vi của chính mình, chủ động, chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình, tôn trọng bản thân và người khác.” [61]
Nghiên cứu của Rudolf Dreikurs cho rằng KLTC là các quy định, thỏa thuận giữa GV và HS đã cùng nhau thống nhất và thực hiện nhằm giúp cho HS phát triển tiến
bộ, các thỏa thuận này phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi của HS, vì lợi ích của HS [92].
Theo Cheryl Erwin, KLTC là sự tôn trọng của GV dành cho HS, khuyến khích
HS tham gia vào các vấn đề liên quan, trong đó GV chấp nhận sai lầm của HS như là
sự việc xảy ra bình thường trong quá trình phát triển sẽ giúp HS phát triển lành mạnh hơn là cô lập và trừng phạt [68].
Theo tài liệu KLTC và quản lý lớp học, KLTC bắt nguồn từ sự tôn trọng nhân quyền, xuất phát điểm là trẻ em có quyền được học tập trong một môi trường
an toàn, thoát khỏi bạo lực, nhằm mục đích xây dựng một nền văn hóa nhân quyền nơi mọi người, người học cũng như nhà giáo dục đều được bảo vệ khỏi bị tổn hại và được đối xử công bằng, tôn trọng [66]. Tài liệu cũng đã phân tích sự khác nhau của KLTC và kỷ luật tiêu cực. Kỷ luật tiêu cực tập trung vào hình phạt, sử dụng các biện pháp nhằm mục đích làm tổn thương trẻ em về thể chất hoặc tinh thần như một cách để ngăn chặn hành vi sai trái, trừng phạt họ và ngăn chặn hành vi xấu trong tương lai. Nó bao gồm hình phạt về thể xác và tinh thần, làm HS xấu hổ, không lắng nghe hoặc ít lắng nghe HS, HS mất tự tin, phụ thuộc, sợ sai lầm, tự lập kém, đề cao hoặc để giải phóng sự tức giận của GV, không tôn trọng HS. Trái ngược với kỷ luật tiêu cực, KLTC nhằm mục đích giúp HS hiểu và tuân theo các quy tắc xã hội, cả trong và bên ngoài lớp học mà không sử dụng bạo lực về thể chất hoặc tinh thần. Nó nhấn mạnh việc dạy trẻ em làm những việc đúng thay vì trừng phạt chúng khi làm
sai. Nó nhằm mục đích để khuyến khích tính kỷ luật tự giác và tôn trọng lẫn nhau [66]. KLTC nhấn mạnh những gì HS cần làm, GV đưa ra những phương án cho HS lựa chọn; là quá trình thường xuyên, liên tục, cương quyết, nhất quán mang tính hướng dẫn; hệ quả của KLTC có liên quan đến hành vi tiêu cực của HS; lắng nghe, nêu gương để HS làm theo; Tập cho HS chịu trách nhiệm về hành vi, chủ động, tự tin, biết tự kiểm soát bản thân; GV giúp HS thay đổi, tập trung vào những hành vi không mong đợi ở HS; mang tính tích cực, tôn trọng HS; khuyến khích khả năng tư duy và lựa chọn của HS.
Như vậy, đặc điểm chính của KLTC là sự tham gia của HS trong việc xây dựng, quá trình triển khai thực hiện các nội quy, quy định liên quan đến sinh hoạt, học tập và rèn luyện trong nhà trường, từ đó HS được khơi dậy tính tích cực, chủ động, ý thức tự điều chỉnh hành vi ứng xử của cá nhân để tự giác thực hiện nội quy, quy chế trường học.
Từ phân tích trên và trong phạm vi nghiên cứu của luận án, theo chúng tôi,
KLTC trong nhà trường là những quy định, quy tắc, những chuẩn mực được xây dựng dựa trên nguyên tắc cùng nhau phối hợp để thực hiện một cách tự giác, công bằng, dân chủ. Những quy định này được xây dựng phù hợp với đặc điểm tâm sinh
lý của HS, tôn trọng nhu cầu và lợi ích của HS và tập thể, nhằm mục đích giúp HS hiểu và tuân theo các quy tắc xã hội cả trong và ngoài lớp học mà không sử dụng bạo lực về thể chất hoặc tinh thần.