Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.2. Các nghiên cứu về quản lý giáo dục kỷ luật tích cực ở trường phổ thông
Các nghiên cứu tập trung vào công tác quản lý kỷ luật nói chung và quản lý giáo dục KLTC ở trường phổ thông nói riêng cũng được quan tâm nghiên cứu của một số tác giả trong và ngoài nước ở các cấp độ quản lý khác nhau.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em (CRC) khẳng định: “Trẻ em có
quyền được sống trong một môi trường an toàn mà không bị phân biệt đối xử; trẻ
em cần được sự bảo vệ và giúp đỡ cần thiết để đảm đương được đầy đủ trách nhiệm của mình trong cộng đồng; trẻ em cần được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông,…” [13]. Thực hiện Công
ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với công tác giáo dục trong nhà trường, trong
đó có quản lý giáo dục KLTC.
Tác giả Jones, Fredric H. cho rằng trừng phạt không giải quyết vấn đề kỷ luật.
GV có thể thúc đẩy HS hợp tác trong quá trình giáo dục và đào tạo. Thay cho biện pháp trừng phạt, GV và HS cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong giáo dục; GV giúp đỡ, khuyến khích HS nhận thức trách nhiệm qua các hành vi tự nguyện [76].
Nghiên cứu về vai trò quản lý môi trường giáo dục tích cực cho thế hệ trẻ, tác giả Vasilij, A. S. cho rằng thế giới trẻ em là một thế giới đặc biệt; trẻ sống trong thế giới của cái đẹp, của trò chơi, truyện cổ tích, âm nhạc, thơ ca, tranh vẽ, viễn tưởng và sáng tạo... Tổ chức trường lớp, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy đều phải tận dụng các yếu tố đó một cách tích cực để giúp cho trẻ sống trong
mơ ước, sống trong hy vọng [95].
Theo Durrant, J., việc quản lý lớp học hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải xác định các quy tắc làm cơ sở tạo ra một môi trường học tập tích cực cho HS của
mình bao gồm: “Lôi kéo HS thiết lập các quy tắc cho lớp học; giúp HS tìm ra
cách khắc phục lỗi sai của mình theo cách hữu ích cho HS; nhất quán, nhưng cũng công bằng và uyển chuyển; kiểm soát cơn giận của họ; tránh bị đe dọa và trừng phạt; giải thích quan điểm của HS và lắng nghe quan điểm của họ” [72].
Kết quả nghiên cứu quản lý lớp học bằng cách đình chỉ việc học của Camacho, K. A. & Krezmien, M. P. là “Các biện pháp đình chỉ học tập trung vào
các yếu tố ở cấp độ cá nhân HS và mối quan hệ của chúng với các biện pháp đình chỉ học… nghiên cứu này đã chỉ ra rằng các trường trung học đình chỉ nhiều HS hơn các trường tiểu học; các trường có thành tích học tập thấp hơn tỷ lệ lưu ban cao hơn; có tương đối ít nghiên cứu xem xét các quản lý chính sách kỷ luật trường học và mối quan hệ giữa cách thức kỷ luật trường học và kết quả kỷ luật” [99].
Nghiên cứu về quản lý kỷ luật bằng biện pháp đuổi học, tác giả Obsuth, I. và các cộng sự nêu: “Đuổi học như một biện pháp kỷ luật vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng này nhưng không có biện pháp nào được chứng minh là có hiệu quả. Nó nhằm mục tiêu giao tiếp xã hội và các kỹ năng xã hội rộng lớn hơn của họ với mục đích giảm thiểu việc bị đuổi học và các hành
vi có vấn đề từ đó đề xuất hình thức kỷ luật hiệu quả hơn là đuổi học” [108].
Trong khi đó nghiên cứu xem xét mối liên quan giữa quản lý kỷ luật lớp học
và các yếu tố quyết định, tác giả Chiu, M. M., Chow, Y. & Wing, B., có kết luận: “Ở
những trường có nhiều nữ sinh hơn, kỷ luật học đường tốt hơn, HS đạt thành tích cao hơn, GV hỗ trợ nhiều hơn hoặc quan hệ thầy trò tốt hơn, HS cho biết kỷ luật lớp học tốt hơn. Ở những quốc gia nghèo hơn, bình đẳng hơn hoặc có vai trò giới cứng nhắc hơn, HS cho biết kỷ luật trong lớp học cao hơn. Hơn nữa, mối liên hệ của các biến trường học với kỷ luật lớp học khác nhau giữa các quốc gia. Ở các quốc gia giàu có hơn, sự hỗ trợ của GV và mối quan hệ giữa GV và HS có mối liên hệ tích cực, mạnh
mẽ hơn với kỷ luật lớp học. Ở các quốc gia bình đẳng hơn, thành tích toán học của
HS có mối liên hệ tích cực, mạnh mẽ hơn với kỷ luật lớp học” [101].
Trong nghiên cứu về quản lý kỷ luật ở nhà trường, tác giả Nobes, S. R. & Hussin, M. thì cho rằng kỷ luật tự giác cao có khả năng tạo ra vốn con người có lòng tự trọng. Trường học là nơi xây dựng lòng tự trọng giữa các HS cũng như ở nhà. Quản lý kỷ luật ở trường đạt được rất cao và thành thạo tạo ra thế hệ con người cân bằng về thể chất, cảm xúc, tinh thần và trí tuệ [107].
Nhóm tác giả Haji, H., Gholamreza, Majdfar & Morteza có nghiên cứu về quản lý HS bằng phương pháp KLTC thì: “Mọi thủ tục kỷ luật phải mang tính giáo
dục - nghĩa là, nó phải dạy cho các hình thức hành vi và thái độ phù hợp của HS. Cơ
sở để ngăn ngừa các vấn đề kỷ luật là một chương trình giảng dạy được thiết kế tốt
và hiệu quả được HS coi là đáp ứng nhu cầu của họ. Và quản lý lớp bằng phương pháp KLTC sẽ thu hút ý thức công bằng của HS và thúc đẩy tính kỷ luật tự giác” [74].
Nghiên cứu của Collins, I. J. về kiểm tra việc quản lý HS bằng cách thực hiện can thiệp KLTC trong nhà trường và tác động của nó đối với niềm tin, giá trị
và thực hành của GV: “Phát hiện chính trong nghiên cứu này cho thấy quản lý HS
bằng KLTC đạt được một sự thay đổi tích cực trong niềm tin của GV, các giá trị và thực tiễn là kết quả của chương trình can thiệp tích cực, điều đó có nghĩa là can thiệp hành vi tích cực có xu hướng tác động tích cực đến niềm tin, giá trị của GV và thực hành của HS” [102].
Tác giả Rasha, S. A. S., nghiên cứu tác động của việc thực hiện các biện pháp KLTC đối với thành tích học tập bằng cách nghiên cứu so sánh ở hai trường
có nền tảng kinh tế xã hội khác nhau ở Cairo: “Nghiên cứu này cho thấy các biện
pháp KLTC được thống nhất ở cả hai trường; tuy nhiên HS ở trường có điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn có sự căng thẳng hơn do gia đình mong muốn HS vào đại học với mức học phí thấp hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy việc thực hành KLTC được thực hiện nhiều hơn trong trường có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn” [91].
Kết quả nghiên cứu về hiệu quả quản lý lớp học dựa vào thái độ của GV đối với KLTC của Chia-Ling, S. và các tác giả cho thấy: “Sự khác biệt mà GV đến từ
nhiều nền tảng và môi trường học đường khác nhau có thái độ KLTC và hiệu quả quản lý lớp học ở thể hiện ở 4 kết quả: GV có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ, độ tuổi
từ 41 đến 50 có thái độ KLTC tốt nhất; GV có tuổi đời dưới 30, vừa làm công tác giảng dạy vừa làm công tác quản lý, thâm niên công tác dưới 5 năm, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có hiệu quả quản lý lớp tốt hơn; GV dạy ở các trường vùng sâu vùng
xa có sĩ số dưới 100 HS có thái độ KLTC và hiệu quả quản lý lớp tốt hơn; thái độ KLTC hơn của GV tác động rõ rệt đến hiệu quả quản lý lớp học” [69].
Theo Durrant, J. (Tổ chức Save the children), quản lý HS bằng phương pháp KLTC: “Một khi nền tảng giáo dục về quyền con người được thiết lập, chúng ta có
thể xây dựng phương pháp kỷ luật tôn trọng quyền của HS và dạy cho các em những
gì các em cần học. Có 6 phương pháp KLTC là: KLTC là toàn diện; KLTC dựa trên điểm mạnh; KLTC mang tính xây dựng; KLTC mang tính toàn diện; KLTC là chủ động và KLTC có sự tham gia” [72].
Ozan, M. B., có nghiên cứu về hiệu quả quản lý lớp học bằng các nội dung
đa phương tiện trong phương pháp KLTC: “Tầm quan trọng của nội dung đa
phương tiện đối với việc học hiệu quả, quản lý lớp học hiệu quả và xây dựng hành
vi trong khuôn khổ phương pháp KLTC đã được nhấn mạnh. Trong đó cả HS nam
và nữ đều đồng ý rằng nội dung đa phương tiện góp phần tích cực vào việc học tập hiệu quả” [90].
Tài liệu tập huấn KLTC và quản lý lớp học trên cơ sở phân tích vai trò, tầm quan trọng của KLTC đã xác định các nguyên tắc, các biện pháp quản lý lớp học bằng KLTC [66].
Tại Việt Nam, trong thư Bác Hồ gửi ngành giáo dục, đào tạo lần cuối vào năm 1968: “Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống
vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường
và nhân dân" [34].
Trung tâm hỗ trợ phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em DWC thực hiện dự án Thúc đẩy quản lý cộng đồng tại Việt Nam - PCM phát hành tài liệu tập huấn giáo dục KLTC dành cho GV trung học cơ sở. Dưới góc độ quản lý giáo dục KLTC, tài liệu
đã cung cấp cho GV thuộc đối tượng dự án các biện pháp giáo dục KLTC như: Thay đổi cách ứng xử trong lớp học; quan tâm đến những khó khăn của HS; tăng cường sự tham gia của HS trong xây dựng nội quy lớp học; xây dựng một tập thể lớp học tốt. Và hướng dẫn một số biện pháp giáo dục KLTC áp dụng tại lớp học như: Xây dựng nội quy lớp; xây dựng hộp thư vui; hãy khen ngợi - đừng chê bai; công nhận những đặc điểm tốt; xây dựng hộp thư điều em muốn nói; suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân [52].
Dưới góc độ quản lý giáo dục KLTC, tài liệu bồi dưỡng giáo viên THPT về giáo dục KLTC (Bộ GDĐT, dự án phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2) đã cung cấp một số biện pháp giáo dục KLTC áp dụng trong quản lý lớp học như: Nhóm biện pháp thay đổi cách cư xử trong lớp học; quan tâm đến hoàn cảnh của HS; tăng cường sự tham gia của HS trong xây dựng và giám sát nội quy lớp học; xây dựng tập thể lớp học thân thiện, gắn bó. Một số hình thức tổ chức giáo dục nhằm thực hiện giáo dục KLTC trong trường là xây dựng môi trường sư phạm thân thiện; tổ chức cho HS tham gia xây dựng nội quy trường học; xây dựng mạng lưới trợ giúp;
tổ chức các hoạt động gắn kết các thành viên trong nhà trường; tổ chức hoạt động gắn kết với cộng đồng, hướng dẫn GV xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp
giáo dục KLTC trong quản lý lớp học cũng như xây dựng kế hoạch giáo dục KLTC cấp trường [7].
Tác giả Trần Quốc Thành nêu ra các tác hại lâu dài về sự thực thi các nội quy trường lớp mà không có sự tham gia của HS. Khi HS có những biểu hiện hành vi không mong đợi thì bị GV trừng phạt thân thể hoặc xúc phạm tinh thần ở các mức
độ khác nhau dù pháp luật không cho phép. Tác giả cũng nêu ra lợi ích lâu dài của phương pháp giáo dục bằng KLTC, trong đó HS được tham gia xây dựng nội quy, quy tắc, phương pháp, hình thức xử lý công việc nội bộ trường, lớp. Khi vi phạm,
HS sẽ thực hiện những biện pháp kỷ luật do chính mình tham gia đề xuất, góp ý xây dựng, từ đó HS thực hiện nội quy, quy định trường, lớp một cách tự giác, tự nguyện, công bằng và nhất quán giúp HS phát triển toàn diện về nhân cách [46].
Bàn luận về vấn đề quản lý giáo dục KLTC trong giáo dục HS, có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu với các góc độ và phương diện khác nhau. Hầu hết các tác giả đều quan tâm nhiều đến quản lý giáo dục KLTC trong phạm vi quản
lý lớp học. Việc quản lý giáo dục KLTC trong giáo dục HS THPT thì chưa có công trình nào nghiên cứu một cách cơ bản, hệ thống dưới góc độ khoa học giáo dục.