Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.3. Lý luận về giáo dục kỷ luật tích cực ở trường trung học phổ thông
1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh trung học phổ thông và ý nghĩa của giáo dục kỷ luật tích cực ở trường trung học phổ thông
1.3.1.1. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh trung học phổ thông
Theo các nhà tâm lý học, HS THPT đang ở giai đoạn đầu của tuổi thanh niên, thời kỳ đang có nhiều thay đổi về thể chất, sinh lý, tâm lý, tình cảm, hành vi [24].
Sự phát triển về thể chất, sinh lý: HS lứa tuổi THPT thuộc giai đoạn cuối vị thành niên, là những người ở độ tuổi phát triển nhanh, mạnh cả về thể chất lẫn sinh lý; cơ thể của các em đã đạt được mức phát triển của người trưởng thành, nhưng chưa hoàn thiện so với người lớn. Ở giai đoạn này, HS có cơ thể phát triển nhanh, bên cạnh đó, sức mạnh, sự bền bỉ, sự dẻo dai được tăng cường. Cơ thể của HS lứa tuổi THPT có sự thay đổi rõ ràng về nội tiết tố nên có sự tác động đến các đặc điểm giới tính nguyên phát, cùng với sự tác động của môi trường lên sinh lý, tâm lý của
HS. Học sinh THPT chưa trưởng thành hoàn thiện về thể chất, sinh lý do đó các em
dễ bị tổn thương về sức khỏe như hay mệt mỏi, rối loạn vận động, mất cân bằng về trao đổi chất dẫn đến thiếu calci, choáng váng …
Sự phát triển tâm lý: Hoạt động của học sinh THPT ngày càng phong phú và phức tạp nên vai trò xã hội và hứng thú xã hội của HS không chỉ về số lượng và phạm vi mà còn biến đổi về chất lượng. Ở học sinh THPT, tính chủ định được phát triển mạnh ở tất cả các quá trình nhận thức: Khả năng tri giác, khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu tượng đồng thời các em có tình cảm, ý chí, hành vi chưa ổn định. Học sinh THPT thường xuyên đối diện với các khó khăn như: Định hướng nghề nghiệp trong tương lai; áp lực về học tập và thi cử; gặp khó khăn trong các mối quan hệ về cha mẹ, gia đình, GV và vấn đề về ngoại hình.
Sự phát triển tự ý thức và hình thành thế giới quan là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của học sinh THPT, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát
triển tâm lý của các em [24]. Ý thức làm người lớn khiến các em thích khẳng định mình, muốn thể hiện bản thân, muốn được người khác quan tâm, chú ý đến mình.
Vì vậy, cha mẹ, thầy cô cần phải lắng nghe ý kiến của các em, giúp các em có sự đánh giá khách quan về bản thân mình, xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tự điều chỉnh, tránh những suy nghĩ lệch lạc, phiến diện dẫn đến các biểu hiện hành vi không tích cực. Đồng thời phải khéo léo, tế nhị khi phê phán những hành vi chưa đúng đắn của HS, giúp các em thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi của mình, tuyệt đối không dùng bạo lực làm tổn thương đến các em.
Về giao tiếp và đời sống tình cảm: Học sinh THPT là lứa tuổi thể hiện tính chất tập thể lớn nhất. Ở lứa tuổi này, HS được sinh hoạt, học tập, rèn luyện, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa đóng vai trò quan trọng. Ở độ tuổi này, HS có nhu cầu được
tự khẳng định bản thân rất cao, mong muốn có vị trí bình đẳng trong nhóm lớp, có nhu cầu được tôn trọng và các em cũng thể hiện tính tự lập rõ nét; phạm vi giao tiếp được mở rộng, nhu cầu về hoạt động và không gian riêng của các em cũng phức tạp hơn. Độ tuổi này cũng xuất hiện một loại tình cảm đặc biệt, đó là tình yêu, các em cảm nhận được sự xao xuyến, bối rối, ngượng ngùng. Sự phát triển ngôn ngữ, xu hướng giao tiếp và đời sống tình cảm phong phú nhưng đan xen cùng với tâm lý chưa vững vàng khiến cảm xúc của các em đôi khi không ổn định. HS lứa tuổi THPT thường xuyên dễ có cảm xúc cục bộ. các em hay cảm thấy thất vọng, dễ bị tổn thương; nhưng cũng nhanh chóng trở nên sôi nổi, lạc quan. Đây cũng là độ tuổi HS bắt đầu đã nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội.
Từ đó, đội ngũ GV đặc biệt là GVCN trong giáo dục KLTC cần chú ý xây dựng mối quan hệ tốt giữa HS với GV được dựa trên quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. GV phải thực sự tin tưởng vào HS, tạo điều kiện để HS thỏa mãn tính tích cực, độc lập trong học tập và rèn luyện; tạo điều kiện để nâng cao tinh thần trách nhiệm của HS bằng cách tổ chức đa dạng hoạt động tích cực nhằm giúp HS giáo dục lẫn nhau và tự giáo dục. GV không được quyết định thay hay làm thay cho
HS, vì nếu làm thay các em sẽ cảm thấy mất hứng thú và bị làm phiền. GV cần phối hợp các lực lượng giáo dục để tạo nên sức mạnh tổng hợp đến HS ở mọi nơi, mọi lúc theo một nội dung thống nhất.
Nhìn chung lứa tuổi học sinh THPT là thời kỳ đặc biệt quan trọng đối với cuộc đời con người, là thời kỳ có sự biến đổi lớn về chất trong toàn bộ nhân cách như sự phát triển của tự ý thức, sự hình thành thế giới quan, xu hướng nghề nghiệp, hoạt động giao tiếp … để các em sẵn sàng bước vào cuộc sống tự lập sau này.
CBQL, GV đặc biệt là GVCN phải hiểu rõ các đặc điểm tâm sinh lý của HS lứa tuổi này để có nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp để đạt kết quả giáo dục tối ưu.
Vì vậy, giáo dục KLTC rất phù hợp với đặc điểm tâm lý của HS ở lứa tuổi THPT, lứa tuổi đang đứng trước “ngưỡng cửa cuộc đời”, giai đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của các em trong cuộc đời sau này.
1.3.1.2. Ý nghĩa của giáo dục kỷ luật tích cực ở trường trung học phổ thông
Tác giả Babu, R. cho rằng ý nghĩa của KLTC ở quan điểm “Kỷ luật là một
phần thiết yếu của giáo dục. Một lớp học có kỷ luật phù hợp là một lớp học trong
đó các quy tắc hợp lý và chúng được trẻ em chấp nhận tốt đến mức vi phạm tương đối hiếm. Nó không phải là nơi mà các vi phạm thường xuyên xảy ra và bị trừng phạt nghiêm khắc…” [61].
Thực hiện giáo dục KLTC mang lại cho bản thân HS, GV, nhà trường, gia đình và xã hội những lợi ích cụ thể, thiết thực như sau [7; 66]:
Đối với HS: Giáo dục KLTC làm cho HS, (1) Có nhiều cơ hội chia sẻ và bày
tỏ, được mọi người quan tâm, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, không mất niềm tin; (2) Tích cực chủ động hơn trong học tập; (3) Tự tin trước mọi người, khả năng của
HS được phát huy; (4) nhận ra lỗi của mình, cảm thấy hòa nhập với tập thể; (5) Được sự quan tâm của GV, tiếp thu bài tốt hơn; (6) Vui vẻ đến lớp, thích học hơn; (7) Gần gũi với bạn bè, thầy cô hơn. Từ các ý nghĩa này, giáo dục KLTC làm cho
HS phát huy được khả năng của bản thân, HS tự nhận ra được lỗi lầm, hạn chế của
họ để khắc phục sửa chữa, phát triển toàn diện bản thân. Đồng thời, giáo dục KLTC giúp HS cảm thấy an toàn ở trường lớp, vì thế các em có điều kiện thể hiện bản thân mình trong học tập và các phong trào đoàn thể.
Đối với GV: Giáo dục KLTC sẽ giúp GV, (1) Giảm được áp lực quản lý lớp
học do HS hiểu và tự giác chấp hành kỷ luật. Từ đó GV tạo được sự tin tưởng nơi
HS, được HS tôn trọng và quý mến; (2) Xây dựng được mối quan hệ thân thiện giữa
GV và HS; (3) Xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất cao trong lớp học; (4) Nâng cao hiệu quả quản lý lớp học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; (5) Được sự đồng tình ủng hộ từ phía gia đình HS và xã hội. Trong đó, mối quan hệ thân thiết giữa
GV - HS được đảm bảo mà bầu không khí tâm lý trong dạy học và giáo dục trong nhà trường được cải thiện; hiệu quả các hoạt động do GV thiết kế, tổ chức sẽ cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục trong nhà trường.
Đối với nhà trường, gia đình và xã hội:
(1) Giáo dục KLTC giúp nhà trường thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT
2018. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả giáo dục KLTC góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, trường học an toàn, nơi mà “người học, CBQL, GV, nhân viên và khách đến làm việc được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần, không bị bạo lực học đường; được bảo vệ, đối xử công bằng, nhân ái và phát huy dân chủ” [8], giúp HS phát triển được phẩm chất, năng lực của mình, tạo được niềm tin đối với gia đình và xã hội.
(2) Giáo dục KLTC góp phần giáo dục được những công dân tốt, có khả năng phục vụ và cống hiến cho gia đình, xã hội trong tương lai, góp phần đào tạo công dân toàn cầu đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
(3) Giáo dục KLTC giúp gia đình an tâm tin tưởng nhà trường và GV, phối hợp tốt với nhà trường để giáo dục con cái, tạo được mối quan hệ, phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình từ đó chất lượng dạy học và giáo dục được nâng cao, gia đình hạnh phúc.
(4) Giáo dục KLTC được thực hiện tốt trong nhà trường sẽ góp phần giảm trừ các tệ nạn xã hội, đẩy lùi các hành vi bạo lực; tiết kiệm được các khoản chi phí để chăm sóc, điều trị để trợ giúp gia đình, nâng cao đời sống cộng đồng, xã hội phồn vinh.
Như vậy, giáo dục KLTC phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em [13], Luật trẻ em của Việt Nam [41]. Giáo dục KLTC phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam đã được quy định trong Luật giáo dục [42]. Nghị quyết số 29 của BCH TW Đảng khoá XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” [14]. Chương trình GDPT 2018 đã xác định các phẩm các năng lực chung, các năng lực đặc thù gắn với các môn học và hoạt động giáo dục [8].
Để thực hiện các vấn đề trên có hiệu quả, ngành giáo dục không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học mà còn phải thay đổi quan niệm, nhận thức và hành
vi trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong đó có việc thực hiện các biện pháp giáo dục KLTC.