Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỶ LUẬT TÍCH CỰC Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
3.2. Các biện pháp quản lý giáo dục kỷ luật tích cực ở các trường trung học phổ thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
3.2.2. Xây dựng kế hoạch giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương và từng trường trung học phổ thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long
3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp
Mục tiêu của biện pháp này là xây dựng kế hoạch giáo dục toàn diện của nhà trường có lồng ghép kế hoạch giáo dục KLTC ở các trường THPT phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực tiễn của từng trường THPT và đặc điểm của HS.
3.2.2.2. Nội dung của biện pháp
Theo CTGDPT 2018, các trường phổ thông được tự chủ trong việc xây dựng
kế hoạch giáo dục nhà trường sao cho phù hợp với điều kiện của địa phương, của nhà trường và đặc điểm của HS. Kế hoạch giáo dục nhà trường có vị trí rất quan trọng, là xương sống, là trụ cột của nhà trường. Kế hoạch có tính khoa học, phù hợp thực tiễn của nhà trường, của địa phương và đặc điểm của HS THPT Đồng bằng sông Cửu Long và có tính khả thi sẽ thúc đẩy nâng cao được chất lượng giáo dục
cũng như kết quả các hoạt động trong trường nói chung và hiệu quả của giáo dục KLTC nói riêng và ngược lại. Hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch một cách khoa học từ khâu dự thảo đến lấy ý kiến góp ý để ban hành cần sát thực tiễn của nhà trường và đảm bảo khả thi cao. Kế hoạch xây dựng phải dân chủ, công bằng, chú trọng lồng ghép giáo dục KLTC; được sự tham gia đóng góp ý kiến, sự thống nhất cao để phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể của các thành viên trong trường; ban hành
kế hoạch như là nghị quyết để mọi người ai cũng có trách nhiệm tham gia, khi triển khai và thực hiện thì sẽ đạt hiệu quả giáo dục KLTC cao.
Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch giáo dục chung của nhà trường, trong đó có
kế hoạch thực hiện giáo dục KLTC ở các trường THPT vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với điều kiện cụ thể của từng trường THPT, với đặc điểm HS THPT, với điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục của khu vực. Đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với đồng bằng phù sa màu mỡ; “văn hóa lúa nước” còn đậm chất nên nhìn chung HS có tâm lý an phận, ý chí và nghị lực, sự nỗ lực cao trong học tập của HS hạn chế; con người chân thật, hiền hòa, một bộ phận CMHS mải mưu sinh và ít quan tâm đến việc học tập của con em nên việc phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục còn hạn chế… Vì vậy, Hiệu trưởng cần tính đến đặc điểm này khi xây dựng kế hoạch giáo dục KLTC ở các trường THPT. Căn cứ vào kế hoạch giáo dục chung của nhà trường, từng tổ bộ môn, từng bộ phận, từng cá nhân xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện, có lồng ghép giáo dục KLTC phù hợp thực tiễn cụ thể của đơn vị cơ sở, đặc biệt GVCN lập kế hoạch giáo dục KLTC lớp chủ nhiệm. Hiệu trưởng hoặc người được hiệu trưởng phân công duyệt kế hoạch, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch giáo dục KLTC của GV, GVCN và các bộ phận.
3.2.2.3. Cách thức thực hiện biện pháp
Bước 1: Hiệu trưởng căn cứ vào mục tiêu, nội dung giáo dục của cấp THPT, thực tiễn địa phương và từng trường THPT vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nội dung của giáo dục KLTC để xây dựng kế hoạch giáo dục chung của
năm học của nhà trường, trong đó dự kiến các nội dung thực hiện giáo dục HS bằng giáo dục KLTC.
Bước 2: Hiệu trưởng cho phổ biến kế hoạch giáo dục chung đến các bộ phận, hội đồng giáo dục, GV, CMHS và HS trong trường cùng thảo luận đóng góp ý kiến.
Bước 3: Hiệu trưởng xem xét, rà soát các ý kiến đóng góp điều chỉnh, bổ sung thành kế hoạch chính thức ban hành trong nhà trường.
Bước 4: Các bộ phận căn cứ vào kế hoạch giáo dục của hiệu trưởng để xây dựng kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn được phân công có lồng ghép giáo dục KLTC. Hiệu trưởng hoặc người được hiệu trưởng phân công duyệt
kế hoạch.
Bước 5: GVCN xây dựng kế hoạch giáo dục KLTC của lớp chủ nhiệm phù hợp với đặc điểm của HS và kế hoạch chung của trường. GV dạy lớp xây dựng kế hoạch cá nhân có lồng ghép giáo dục KLTC trong giảng dạy bộ môn.
Tóm lại, các nội dung liên quan giáo dục KLTC cần cụ thể, chi tiết để dễ dàng, thuận lợi khi tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá. Đoàn thanh niên và các lực lượng giáo dục trong nhà trường; ban đại diện CMHS và các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường cũng cần có kế hoạch thực hiện công việc có lồng ghép các nội dung giáo dục KLTC; Đoàn thanh niên lồng ghép giáo dục KLTC vào các hoạt động thanh niên cho các chi đoàn; Ban đại diện CMHS lồng ghép giáo dục KLTC vào chương trình hành động, phối hợp với nhà trường giáo dục HS.
3.2.2.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
Chủ thể thực hiện biện pháp này là Hiệu trưởng trường THPT, phối hợp với các bộ phận trong và ngoài trường như Đoàn thanh niên, các tổ chuyên môn, GVCN lớp, GV bộ môn, ban Đại diện CMHS... Kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với nhân sự, địa phương, cơ sở vật chất nhà trường; kế hoạch phải đảm bảo mục tiêu, nội dung, biện pháp khả thi để lồng ghép thực hiện giáo dục KLTC ở các trường THPT vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong kế hoạch cần có sự phân công hợp lý, không chồng chéo giữa các bộ phận, cá nhân thực hiện giáo dục KLTC.
Hiệu trưởng, trưởng các bộ phận trong trường, ban Đại diện CMHS cần làm tốt công tác lấy ý kiến; tuyên truyền, phổ biến để kế hoạch đến được với các tổ chức, cá nhân trong tất cả các lực lượng giáo dục.
Để đạt được mục tiêu giáo dục KLTC ở các trường THPT, hiệu trưởng có kiểm tra toàn bộ kế hoạch của các bộ phận, cá nhân GV, đặc biệt là kế hoạch của GVCN phải có các nội dung, phương pháp, hình thức rõ ràng để thực hiện giáo dục KLTC ở trường THPT vùng Đồng bằng sông Cửu Long.