- Gắn kết nội dung đào tạo nghề với giải quyết việc làm Tiếp tục củng cố,
3.3.2.3. Nhóm các giải pháp tác động đến thị trường lao động xuất khẩu
Một trong những phương hướng chỉ đạo chung đối với phát triển thị trường lao động của tỉnh là đẩy mạnh thị trường xuất khẩu lao động. Đây cũng được coi là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh Thanh Hoá hiện nay.
Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài đã mang lại nguồn thu nhập cho người lao động và đóng góp nguồn thu ngoại tệ cho nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn nhiều tồn tại, chưa mang lại hiệu quả mong muốn cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy để phát triển thị trường đưa lao động ra nước ngoài làm việc có hiệu quả, cần:
- Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động của loại thị trường này, ngoài việc ban hành Luật đưa lao động người Việt Nam ra nước ngoài làm việc có thời hạn cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, triển khai sâu rộng đến các địa phương có hoạt động xuất khẩu lao động.
- Xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với bên môi giới lao động của nước bạn, tránh tình trạng người lao động bị thất nghiệp buộc phải trở về nước với gánh nặng nợ nần chồng chất.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo dựng lại niềm tin cho người lao động tiếp tục tham gia vào các thị trường vốn có, đồng thời khuyến khích người lao động tham gia vào các thị trường mới.
- Tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy tiếng và văn hoá của nước tiếp nhận lao động cho người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức nghề nghiệp nhất định, vốn ngôn ngữ cũng như hiểu biết về văn hoá, phong tục, pháp luật nước bạn… để nhanh chóng hoà nhập
với môi trường mới, tôn trọng các yếu tố văn hoá truyền thống và tuân thủ pháp luật của nước bạn.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn cho người lao động xuất khẩu. Ngân hàng chính sách Thanh Hoá đã cho các đối tượng lao động xuất khẩu vay lãi suất thấp với tỷ lệ tối đa là 80% so với tổng kinh phí người lao động phải chi trả cho lần tham gia xuất khẩu lao động và vay không cần thế chấp. Với chính sách ưu đãi này đã góp phần khuyến khích, thu hút người lao động tham gia vào thị trường này và tạo tâm lý yên tâm cho họ trước khi đi làm ở nước ngoài.
Ngoài ra các địa phương trong tỉnh tuỳ vào điều kiện của mình mà có thể hỗ trợ phần nào chi phí cho người lao động. Ở huyện Yên Định, ngoài việc Ngân hàng chính sách cho vay ưu đãi, người lao động còn được huyện hỗ trợ 300.000đ/người và được tính vào chi phí khi làm các thủ tục cần thiết cho người lao động trước khi ra nước ngoài. Tuy số tiền không nhiều nhưng với mô hình này đã góp phần khuyến khích người dân tham gia tích cực vào thị trường xuất khẩu lao động, tạo lập niềm tin cho người lao động trước khi họ đi ra nước ngoài làm việc.
- Hoạt động của các công ty môi giới lao động xuất khẩu thời gian qua đã hoạt động khá tốt nhưng trong thời gian tới cùng với việc tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu lao động thì cần phải tìm kiếm các công ty môi giới (không phân biệt của Nhà nước hay của tư nhân) có đủ năng lực, có uy tín trong hoạt động xuất khẩu lao động, đảm bảo cho thị trường này hoạt động thực sự có hiệu quả.
- Bên cạnh đào tạo nghề cho người lao động, các cơ sở đào tạo còn có trách nhiệm giáo dục cho người lao động ý thức, tác phong lao động, lòng tự tôn của con người Việt Nam, tránh tình trạng rượu chè, gây gổ đánh nhau, vô tổ chức trong lao động gây mất niềm tin của nước bạn với lao động của Việt Nam.
Do yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động quốc tế đòi hỏi người lao động phải liên tục tự hoàn thiện năng lực làm việc của bản thân, nâng cao sức cạnh tranh trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chưa có các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nên xuất khẩu lao động tại chỗ chưa có điều kiện để phát triển nhưng trong thời gian tới với chính sách kêu gọi đầu tư nước
ngoài (đặc biệt là đầu tư vào khu công nghiệp Nghi Sơn) sẽ tạo điều kiện để hình thức xuất khẩu lao động này hình thành và phát triển ở tỉnh Thanh Hoá.