- Theo mức độ can thiệp của Nhà nước.
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển thị trường lao động ở nước ta.
Thị trường lao động đã xuất hiện ở Châu Âu, thị trường lao động đã tồn tại hàng trăm năm nay, kể từ khi loài người bước sang hình thái kinh tế - xã hội Tư bản chủ nghĩa. Song ở nước ta thị trường lao động mới chính thức được thừa nhận và phát triển khoảng hơn 20 năm trở lại đây.
2.1.1.1. Thị trường lao động Việt Nam trước đổi mới
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chúng ta đã phủ nhận sự tồn tại của thị trường lao động, không thừa nhận sức lao động là hàng hoá, coi thị trường lao động là bóc lột, là tư bản chủ nghĩa, là chệch hướng xã hội chủ nghĩa...
Trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, Nhà nước đóng vai trò duy nhất và quyết định nhất trong giải quyết việc làm cho người lao động. Vì thế, Nhà nước đã thực hiện chính sách "mọi người đều có việc làm" nhằm đảm bảo cho tất cả các lao động được làm việc và có thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình. Với ý nghĩa đó, Nhà nước trực tiếp tham gia điều phối các quan hệ lao động, di chuyển lao động bằng các mệnh lệnh hành chính, trực tiếp tuyển dụng lao động và quyết định mức lương của người lao động. Song, tiền lương không được coi là giá cả sức lao động, nhà nước trả lương cho người lao động tuỳ thuộc vào khả năng Ngân sách Nhà nước... Trên thực tế, với chính sách đảm bảo việc làm cho mọi lao động, Nhà nước đã giải quyết được việc làm cho mọi người, thất nghiệp không là vấn đề được đặt ra nhưng thiếu việc làm là vấn đề phổ biến nhất.
Do sức lao động không được thừa nhận là hàng hoá nên tiền công, tiền lương cũng không được coi là giá cả sức lao động, Nhà nước thực hiện phân
phối thu nhập theo phương pháp bình quân, đã không phát huy được tính tích cực của mỗi lao động trong công việc nên việc sử dụng kém hiệu quả nguồn lực con người và các nguồn lực khác là vấn đề tất yếu xảy ra.
Chính những quan niệm lệch lạc đó đã kiềm hãm không cho thị trường lao động Việt Nam có điều kiện để hình thành và phát triển một cách tự nhiên như tính tất yếu vốn có của nó. Do thiếu việc làm trong khi tiền lương thấp, nền kinh tế chậm phát triển, mọi thứ đều trông chờ vào bao cấp của Nhà nước... Nhưng trên thực tế các hoạt động thuê mướn sức lao động vẫn diễn ra (đạp xích lô... ), "manh nha" cho sự ra đời của thị trường lao động. Vì thế, trước năm 1986, thị trường lao động Việt Nam hình thành và phát triển một cách bất hợp pháp, méo mó và mang nặng tính tự phát.
2.1.1.2. Thị trường lao động Việt Nam giai đoạn sau đổi mới đến nay
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được coi là đại hội của công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội đã đánh dấu sự thay đổi về quan điểm, về tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta, là sự khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển các loại thị trường ở nước ta và trong đó có cả sự thay đổi về quan niệm đối với thị trường lao động.
Trong những năm cuối của thập kỷ 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nước ta chuyển đổi nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường (hiện nay gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), đã thúc đẩy quá trình giải phóng sức sản xuất, sức lao động của xã hội. Nhà nước khuyến khích sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, người lao động được tự do tham gia vào khu vực kinh tế này. Đại hội VI đã thừa nhận và khẳng định sự tồn tại của thị trường lao động như một tất yếu khách quan; Thừa nhận sức lao động là một loại hàng hoá đặc biệt, nó có cả giá cả và giá trị; Các yếu tố của thị trường lao động được tạo lập theo cơ chế thị trường và Nhà nước cũng xây dựng hàng loạt các chính sách mới nhằm thể chế hoá các hoạt động trên thị trường lao động... Đây chính là những nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự ra đời và phát triển của thị trường lao động nước ta.
Một dấu mốc quan trọng nữa đối với sự hình thành và phát triển thị trường lao động Việt Nam là Hiến pháp 1992 cũng đã thừa nhận sự tồn tại của thị trường lao động, khẳng định quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động... Đến năm 1993, thông qua cải cách chế độ tiền lương đã khẳng định vai trò của sức lao động, thừa nhận sức lao động là một loại hàng hoá và tiền lương chính là giá cả của hàng hoá đấy; Năm 1995, sự ra đời của Bộ luật Lao động Việt Nam được coi là cơ sở pháp lý trực tiếp cao nhất, có vai trò quan trọng nhất làm nền tảng để phát triển thị trường lao động. Bộ luật đã ghi nhận: "Người lao động có quyền làm việc cho bất kỳ chủ doanh nghiệp nào ở bất kỳ nơi đâu nếu không bị pháp luật cấm"; và "Các chủ doanh nghiệp có quyền thuê mướn bất kỳ người lao động nào thông qua đàm phán trực tiếp hoặc thông qua các trung tâm việc làm và có quyền gia tăng hoặc cắt giảm số lượng nhân công cho phù hợp với đòi hỏi của hoạt động kinh doanh phù hợp với pháp luật". Và đây cũng là văn bản pháp lý lần đầu tiên quy định cụ thể các vấn đề về hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tiền lương tối thiểu, các điều kiện bảo hộ lao động... Với sự ra đời của Bộ luật Lao động và hệ thống các chính sách thị trường đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường lao động nước ta để thị trường lao động thực sự tham gia và phát triển đồng bộ trong hệ thống các loại thị trường đang tồn tại ở nước ta.
Hiện nay, sau hơn 20 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động nước ta đang trên đà phát triển và hoàn thiện, đã góp phần rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thời gian qua.