Quan điểm phát triển thị trường lao động cả nước

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động tỉnh thanh hoá (Trang 73 - 75)

- Tài nguyên

3.2.1. Quan điểm phát triển thị trường lao động cả nước

Trải qua các cuộc Đại hội, thị trường lao động đều được nhấn mạnh phát triển với tư cách là loại thị trường có quy mô lớn và quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường.

Chủ trương này đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng: "Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng XHCN, đặc biệt quan tâm những thị trường quan trọng nhưng còn sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ...";

"Phát triển thị trường lao động, người lao động được tìm và tạo việc làm ở mọi nơi trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu lao động với sự tham gia của các thành phần kinh tế";

"Mở rộng thị trường lao động trong nước, có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, bảo vệ lợi ích của người lao động và của người sử dụng lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động... tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người lao động tự tìm việc làm, nâng cao trình độ, đào tạo lại, học nghề mới".

Đến Đại hội X, quan điểm phát triển thị trường lao động đã được Đảng ta nhấn mạnh lại: "Phát triển thị trường lao động trong mọi khu vực kinh tế, tạo sự phối kết cung - cầu lao động, phát huy tính tích cực của người lao động trong

học nghề, tự tạo và tìm việc". Đại hội chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả thể chế thị trường lao động với việc "Hoàn thiện pháp luật, chính sách cho hoạt động và phát triển thị trường lao động, đổi mới và hiện đại hoá tổ chức, hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước; khuyến khích tổ chức các hội chợ việc làm; phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn, sàn giao dịch, giới thiệu việc làm tư nhân đi đôi với tăng cường quản lý, kiểm soát của Nhà nước, ngăn chặn các hành vi lừa đảo và các hiện tượng tiêu cực khác".

Trên cơ sở các quan điểm về thị trường lao động của Đảng, Nhà nước thể chế hoá thành các quy phạm mang tính pháp lý cao để áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay cơ sở pháp lý trực tiếp nhất là các quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2007. Theo đó, "người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm..."; "người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển chọn lao động, có quyền tăng giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật" (Điều 16, Bộ luật Lao động).

Hệ thống quan điểm của Đảng và thể chế của Nhà nước đảm bảo cho thị trường lao động tiếp tục vận hành trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường nhưng vẫn có sự lãnh đạo của Đảng và điều tiết quản lý của Nhà nước đảm bảo thực hiện được các mục tiêu kinh tế xã hội đã đặt ra.

Quan điểm phát triển thị trường lao động của Nhà nước ta nhằm hướng đến những mục tiêu sau:

- Đạt được sự phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động theo quy luật khách quan, lành mạnh, ổn định; khuyến khích sự đồng thuận trong thương lượng, thoả thuận để phát triển kinh tế, an ninh xã hội.

- Lao động làm công ăn lương tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng theo cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế, các vùng, các khu vực và xuất khẩu lao động.

- Nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường lao động trong tỉnh và đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động cả nước, khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường lao động bằng pháp luật, kiểm tra, thanh tra đảm bảo thực thi pháp luật lao động; đồng thời có giải pháp chính sách có tính "bà đỡ" cho thị trường lao động.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động tỉnh thanh hoá (Trang 73 - 75)