Chương 2 NỘI DUNG THẨM MĨ CỦA HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN
2.1. Người đàn bà - một biểu tượng văn hoá
2.1.1. Biểu tượng của văn hoá phồn thực
Có thể thấy, trong nhiều tiểu thuyết của Mạc Ngôn, hình ảnh người đàn bà nổi lên như một kiểu nhân vật đặc biệt, dù vị trí của họ trong tác phẩm có khi là trung tâm, có khi chỉ là một trong hệ thống những nhân vật chính, cũng có khi chỉ là nhân vật phụ. Người đàn bà xuất hiện trong tiểu thuyết của nhà văn này cũng nhiều khi như một ẩn số với những nét dáng khác nhau, những ý nghĩa thẩm mĩ khác nhau. Nhưng, có một điểm rất dễ nhận thấy là tất cả họ, ít nhiều đều mang trong mình nét biểu tượng của văn hóa phồn thực. Họ xuất hiện, thường là những số phận cay đắng, nhưng trước hết, bao giờ họ cũng mang một nét đạp nào đó, của ngoại hình, của đời sống tâm hồn, dẫu rằng, nhìn toàn cục, họ có thể còn là biểu tượng của sự tha hóa, của dục vọng tầm thường.
Nói tới văn hóa phồn thực trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn, trước hết phải kể đến tác phẩm Báu vật của đời - một tác phẩm mà ngay cái tên của nó cũng gợi lên một ám ảnh vừa đẹp đẽ vừa xót xa. Tác phẩm vốn có tên là Phong nhũ phì đồn - mà - có người dịch là "mông to vú nở" kể về số phận, lịch sử nổi chìm của gia đình nhà Thượng Quan. Ở đây xuất hiện một hệ thống các nhân vật nữ, nhất là những nhân vật nữ trong một gia đình đông đúc, với những dáng vẻ khác nhau cùng với sự khác nhau của những khúc quanh số phận. Ở họ có một điểm chung, là đều khổ sở, nhưng mỗi người ít nhiều mang một nét đẹp riêng, đều có sức hấp dẫn nhất định, để rồi lần lượt những người đàn ông trở thành nạn nhân bị cuốn vào nét đẹp đó. Đặc biệt là vẻ đẹp của người mẹ, một vẻ đẹp hấp dẫn cả người đàn ông Kitô giáo với chức phận chăn dắt các con chiên của mình. Sự mê đắm không thể cưỡng nổi của bà đã khiến kêu gọi niềm dục vọng sâu xa ở ông,
để rồi, xuất hiện một cặp đôi hình hài, và cặp đôi ấy rồi sẽ chịu bao bi lụy do thời đại mang lại. Nổi bật lên ở người mẹ là hình ảnh “Bầu vú”. Ở tác phẩm này ta thấy một Lỗ thị với vẻ đẹp “vú to mông nẩy” nhà Thượng Quan trải qua bao biến động vẫn là điểm tựa vững chắc của đàn con là một biểu tượng của văn hóa phồn thực. Hình ảnh người mẹ với lòng khoan dung vô bờ bến xuyên suốt tác phẩm. Một phụ nữ với khả năng thiên phú, cho dù bị chà đạp, tiêu diệt đến đâu thì vẫn trường tồn, khả năng đó cũng chính là sự sống và nó nhân danh sự sống.
Dù sau mỗi lần biến động ấy, người phụ nữ ấy “...bắt đầu già đi từ cặp vú…Hai đầu vú của mẹ vốn dĩ ngỏng lên thì nay rũ xuống như bông kê chín... màu phấn hồng cũng chuyển sang màu đỏ sậm... Điều không yên tâm là, lần suy yếu này để lại một nếp hằn giữa đầu và bầu vú như trang giấy bị gập”, “đã nếm trải đủ mùi gian khổ, nhưng sữa mẹ vẫn nhiều!” [54; 102, 210]. Những cô con gái nhà Thượng Quan về sau lại kế thừa vẻ đẹp truyền thống “vú to mông nẩy” của nhà Thượng Quan. Cứ như thế vẻ đẹp đó được nâng lên thành biểu tượng cho nguồn sống và sự bất diệt của con người.
Đêm nằm bên mộ mẹ, ngước mắt nhìn lên trời sao, ngẫm nghĩ về cuộc đời đau khổ chất chồng của mẹ mình, Kim Đồng chỉ thấy hiện ra những bầu vú.
“Báu vật trên trời là mặt trời mặt trăng và những vì sao. Báu vật của đời là vú to mông nẩy!” [54; 816]. Hình ảnh người phụ nữ, người mẹ dù không trường tồn về thân xác nhưng luôn bất diệt về tinh thần. Bởi lẽ, họ là hiện thân của sự sống, tình yêu bất diệt.
Tượng trưng cho vẻ đẹp của giới nữ được thể hiện qua “bầu vú”, hình ảnh “bầu vú” xuất hiện 621 lần trong tác phẩm. Mọi đàn ông trên vùng đất Cao Mật đều khao khát có nó. Sự khao khát chiếm lĩnh bầu vú không chỉ giới hạn ở những người đàn ông mà còn cả ở những đứa trẻ. Bầu vú là tín hiệu biểu hiện cho thế giới tinh thần và sinh lí của người phụ nữ. Người phụ nữ của Mạc Ngôn mặc dù cũng là thứ hình tượng muôn đời, là một thứ sinh linh khó hiểu nhưng bên cạnh đó luôn có sự trải nghiệm sinh lí, dục vọng sống, đầy phức tạp, rối rắm
và tất cả họ chỉ được nhận diện qua bầu vú, khuôn mặt họ bị nhòa đi, chỉ gắn kết dấu hiệu giống nòi qua vành tai, chóp mũi và bầu vú tuyệt đẹp. Bầu vú mang trong mình dòng sữa duy trì sự sống, nó gắn liền với hình ảnh về người mẹ bất diệt. Vẻ đẹp của bầu vú không liên quan gì đến nhân cách con người cũng như tư tưởng xã hội nên chính ta cũng không thể dùng định kiến xã hội để đánh giá và thẩm định nó, kết tội nó là dâm hay không dâm? Trong tác phẩm tất cả các sự kiện lịch sử xã hội, những thăng trầm số phận của con người trở nên vô nghĩa, mờ nhạt trước các hình ảnh mang đậm nét nữ tính này. Ngay trong gia đình Thượng Quan, bảy người đàn bà chia theo những lực lượng chính trị đối lập nhau, nhưng họ có một vẻ đẹp riêng rất dễ nhận ra chính là vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của bầu vú. Bầu vú họ đẹp đơn giản vì họ là đàn bà, vì họ đảm nhận một chức năng của tạo hóa là sinh dưỡng. Như vậy bầu vú chính là vẻ đẹp dục tính gợi khát vọng trần tục và ham muốn của con người. Nhưng vẻ đẹp ấy không chỉ biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở mà còn mang ý nghĩa thanh lọc tẩy rửa tội lỗi, loại trừ cái ác.
Trong Đàn hương hình, Tôn Mị Nương cũng là một nhân vật khiến người ta thấy sức sống của một vẻ đẹp đầy nữ tính, như là dấu hiệu của sự sinh sôi, cho dù khả năng ấy đã bị chặn đứng bởi những bi kịch mà cô gánh chịu. Vẻ đẹp ấy đã khiến cho những người đàn ông chung quanh cô không thể cưỡng nổi, vẻ đẹp có thể khiến cho cả tri huyện Tiền Đinh mặt sắt cũng phải ngoan ngoãn cúi đầu: "Tui day day bờ vai lão, bầu vú nặng trịch của tui nghỉ ngơi trên gáy lão, miệng tui tuôn ra hàng tràng những câu nũng nịu. Với quan lớn Tiền thì thủ đoạn trên đã khiến quan bủn rủn chân tay, tôi bảo sao làm vậy" [53; 29]. Chỗ khác, vẻ đẹp ấy hiện ra trong lần áo mỏng: "Hôm ấy, tui mặc đồ mỏng, lại thêm mồ hôi ướt đẫm - cha nuôi bảo mồ hôi tui thơm mùi hoa hồng. Tui huy động bằng hết những bảo bối trên người, cái mông tròn lẳn vổng ra sau, bộ ngực xinh xinh nhô ra trước, cho bọn háo sắc thèm rỏ rãi!" [53; 40]. Ở đây, vẻ đẹp phồn thực không chỉ được phát hiện trong các chi tiết trực tiếp miêu tả cơ thể, mà là
trong mùi mồ hôi, như là ngầm ý về một vẻ đẹp từ trong chiều sâu của đời sống tinh thần, của một sức sống hừng hực bản năng. Trong Rừng xanh lá đỏ, Lâm Lam được miêu tả: "Chùm đèn pha lê đột nhiên bung ra ánh sáng màu vàng kim, chiếc xắc da màu xanh da trời bay đánh vút một cách ngổ ngáo, đôi dày cao gót màu xanh da trời bay đánh vù, chiếc quần dài màu xanh da trời bay lên nhẹ nhàng, rồi sau đó là đôi tất lụa màu xanh da trời, chiếc nịt vú màu xanh da trời, quần xịp màu xanh da trời bay lên. Trong khoảnh khắc, bà phó thị trưởng thường mặc màu xanh da trời của thành phố Nam Giang, trở lại một mĩ nhân trong ngọc trắng ngà, không mảnh vải trên người, chạy ào vào buồng tắm (...) hơi nước vật vờ bay trong ánh đèn màu vàng kim, đọng một lớp trên mặt gương lớn, người phụ nữ với đường cong tuyệt mĩ trong gương trở thành bóng trắng mờ ảo, da nàng mịn mà săn, vú đầy và căng như quả bóng" [52; 12-13]. Đoạn văn này miêu tả, trước hết là những chi tiết gợi dục, như là một bằng chứng cho sự tha hóa của Lâm Lan, một bà phó thị trưởng thành danh bằng cách không từ một thủ đoạn nào có thể nghĩ ra. Nhưng ở đây người đọc vẫn hoàn toàn có thể cảm nhận được, từ những nét gợi dục ấy là những gì mênh mông của một vẻ đẹp phồn thực. Thêm nữa, ở đây không chỉ có những dòng miêu tả da thịt, nó còn được miêu tả bởi cách vung vãi chậm rãi của những thứ trang phục mà xanh da trời, đem đến bên cạnh sắc dục là một chút gì đó nên thơ, dù chỉ là một chút mà thôi. Điều đáng chú ý là, những hành động, dáng vẻ được miêu tả ở đây là của một phụ nữ đã bốn lăm tuổi, cái tuổi mặn mà và tràn trề ham muốn: "ba mươi như sói, bốn mươi như hổ, sói hổ băm bổ không bằng đàn bà bốn lăm". Cũng nhân vật Lâm Lan, khi còn nhỏ, khi còn là một học sinh trung học, đã được miêu tả như là một người vượt trội về hình thể - những phẩm chất vượt trội có thể khiến người ta liên tưởng đến người đàn bà hừng hực sinh khí sau này:
"Cách đây ba mươi năm, em còn là cô nữ sinh trung học, để tóc kiểu bàn chải.
Khi ấy, em lông mày rất đậm, da đen giòn, cặp mắt to ném ra những cái nhìn bạo dạn, không sợ bất cứ cái gì. Chân em rất dài, nên nửa người trên tưởng như
rất ngắn" [52; 20]. Cần nói thêm rằng, bên cạnh vẻ đẹp, những nổi trội về hình thể, thế giới đàn bà trong ba tiểu thuyết này của Mạc Ngôn luôn hừng hực một sức sống, một khát vọng bản năng, nhiều khi da diết, điều mà chúng tôi còn sẽ trở lại sau này.