Chương 2 NỘI DUNG THẨM MĨ CỦA HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN
2.3. Người đàn bà với những khát vọng mãnh liệt
2.3.1. Khát vọng hướng đến cái chân - thiện - mĩ
Người đàn bà trong văn học, trong tác phẩm của Mạc Ngôn nói chung và bộ ba tiểu thuyết Đàn hương hình, Báu vật của đời và Rừng xanh lá đỏ nói riêng dù mỗi người đều có cuộc đời, số phận riêng nhưng ở họ vẫn có tình yêu thương cao đẹp, họ luôn có khát vọng hướng đến cái chân - thiện - mĩ.
Lỗ Toàn Nhi (Báu vật của đời) dù rất căm hận gia đình Thượng Quan nhưng bù lại chị rất yêu thương các con của mình. Mỗi người con của Lỗ thị đều lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, họ được người mẹ vĩ đại ấy sinh ra và nuôi lớn đúng vào lúc đất nước Trung Quốc có nhiều biến động. Mỗi đứa con lớn lên, mỗi người họ đều chọn một con đường, một cách sống, và một cách chết trên cuộc đời đầy gian truân khổ ải. Họ thậm chí còn xung khắc, thù ghét nhau bởi sự đối lập trong chính kiến, lí tưởng, nhưng điểm tựa duy nhất, nguồn an ủi duy nhất của họ chính là người mẹ Lỗ thị. Đối với các con, bà sẵn sàng làm ngọn gió, chắp thêm sức mạnh cho các con vươn đôi cánh bay thật xa, thật lâu và khi những đôi cánh ấy mệt mỏi, thì bà mẹ Lỗ thị lại là nguồn an ủi, là chốn quay về bình yên và an toàn nhất. Nỗi đau lớn nhất của bà là phải xa lìa con cái và không cho chúng được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với tình yêu của một người mẹ, Lỗ thị luôn nỗ lực để sinh tồn, vì chỉ có sinh tồn mới có thể nuôi dưỡng chăm lo cho các con. Cũng trong năm đó, Lỗ thị phải bàng hoàng, ray rứt mặt trắng nhợt, lảo đảo rồi ngã sóng soài ra nhà khi nhận được tiền bán thân của đứa con gái thứ tư - Tưởng Đệ. Vì muốn chữa bệnh cho mẹ và cứu lấy chị em trong cơn đói, Tưởng Đệ đã bằng lòng bán thân vào nhà chứa với giá ba trăm đồng. Sức mạnh sinh tồn của Lỗ thị thật mãnh liệt, chính niềm tin vào tương lai và tình yêu thương vô bờ đối với đàn con là động lực nuôi dưỡng ý chí sinh tồn của người mẹ vĩ đại ấy. Ngoài việc nuôi dưỡng đàn con tám gái một trai trưởng thành, trong suốt cuộc đời, Lỗ thị còn cưu mang thêm tám đứa cháu gọi bà bằng ngoại. Tám đứa cháu mỗi đứa một hoàn cảnh, mỗi đứa một xuất thân. Có đứa cha mẹ là đảng viên Cộng sản Đảng (Lỗ Chiến Thắng, Câm anh, Câm em), có đứa là con của đảng viên Quốc dân Đảng (Tư Mã Lương, Tư Mã Phượng, Tư
Mã Hoàng), có đứa là con của Hán gian (Sa Tảo Hoa), có đứa chỉ là con của thường dân (Hàn Vẹt). Dù cha mẹ chúng là ai, thuộc đảng phái nào, tư tưởng chính trị ra sao thì Lỗ thị vẫn dành cho chúng tình thương yêu, tình người thân thiết nhất: “Chiếc áo da báo của Lai Đệ chỉ có thể bọc con của Lai Đệ… mẹ bỏ lại con bé bọc trong chiếc áo da báo ở cổng nhà thờ, rồi chạy về nhà như bị ma đuổi. Nhưng chỉ chạy được hơn chục bước, chân mẹ đã cất không nổi nữa. Con bé khóc như lợn bị chọc tiết, tiếng khóc như sợi dây vô hình giữ chân mẹ lại…”.Tám đứa cháu, tám sinh linh nhỏ bé trong tay bà đều được bà yêu thương, chăm sóc, bà không cần biết cha chúng là ai, là người của đảng phái nào, đối với bà chúng là những đứa cháu ngoại. Bà luôn đưa tay nâng đỡ chúng, che chở chúng trước mọi nguy hiểm dù việc làm ấy của bà có thể nguy hiểm đến tính mạng: “Mẹ ưỡn ngực, thét lên chói tai: - Thằng súc sinh giết tao trước đi!
Mẹ xông tới mặt thằng câm cào vào mặt hắn. Mặt hắn xuất hiện bốn rãnh màu trắng, sau đó máu từ trong rãnh tứa ra… lát sau hắn “ầu ầu” lên mấy tiếng, đấm mẹ một quả, mẹ ngã bay về phía chúng tôi. Chúng tôi vừa khóc, vừa phủ phục trên mẹ” [54;304]. Những sinh linh bé bỏng ấy được chăm sóc, nuôi dưỡng bằng bàn tay đầy yêu thương của bà ngoại Lỗ thị. Cuộc sống của chúng thật sự đã gắn chặt với bà, chúng là sức mạnh là động lực là lí do giúp bà luôn kiên cường chiến đấu cho mục tiêu sinh tồn. Quả thật bên trong người phụ nữ ấy, luôn có một sức sống mãnh liệt, không chỉ ở khả năng thiên phú mà còn là có một niềm tin vào tương lai, là khao khát được sống, khao khát tìm được tình yêu, hạnh phúc gia đình đích thực. Mang trong mình niềm tin vào cuộc sống, đi tìm sự công bằng cho thân phận người nữ, người phụ nữ này đã đưa nhát búa đầu tiên đập vào nền móng vốn khập khiễng của những tập tục lạc hậu, là sự chống đối phản kháng lại chế độ phong kiến hà khắc.
Những cô gái nhà Thượng Quan, khi yêu họ yêu bằng trọn con tim.
Trong tình yêu, trái tim luôn có lí lẽ riêng của nó, và trái tim Chiêu Đệ cũng vậy, khi đã gặp được người làm chủ nó thì nó ngân lên những xúc động dạt dào
và có những lí lẽ riêng của mình: “Con biết mẹ định nói anh ta đã có ba vợ. Con sẽ làm vợ thư tư. Con biết mẹ định nói anh ta nhiều tuổi hơn mẹ. Con với anh ta không cùng họ, càng không phải đồng tông, chẳng phải cái gì hết!” [54; 118].
Tình yêu Chiêu Đệ dành cho Tư Mã Khố là thứ tình yêu “vĩnh kết đồng tâm”
chứ không phải là thứ tình yêu của một cô bé mười bảy tuổi. Điều đó được thể hiện qua tấm lòng sắt son của cô trong những ngày cùng Tư Mã Khố lên voi xuống chó, và đỉnh điểm là cái chết của cô trong bom đạn của bọn Lỗ Lập Nhân: “Tư Mã Khố bế xác chị Chiêu Đệ, cười như điên loạn, từ trong nhà xay đi ra” [54; 264]. Số lượng trang viết tác giả dành cho Chiêu Đệ không nhiều nhưng hình ảnh nhân vật không hề mờ nhạt. Chiêu Đệ là hình ảnh người phụ nữ dạt dào yêu thương và mạnh mẽ trong tình yêu. Dám sống, dám yêu và dám hi sinh cho tình yêu. Đó là phẩm chất của những cô gái Trung Quốc trong thời kì mới.
Mị Nương (Đàn hương hình) tuy là một người phụ nữ không biết giữ lễ nghĩa đối với chồng nhưng cô lại hết lòng yêu thương cha Tôn Bính của mình, mong muốn đeo đuổi hạnh phúc của mình và rất nhún nhường, không dám lên tiềng thất lễ với phu nhân quan huyện Tiền Đinh. Vì thương cha, muốn cứu cha thoát khỏi cái chết, Mi Nương đã làm tất cả, không chỉ trong lời nói khi thuyết phục Triệu Giáp, Tôn Bính mà còn thể hiện trong hành động: “Quả như lời ông Tám, đám hành khất xả thân để cứu cha tui. Vậy trong giờ phút nghiêm trọng này, tui không được hèn nhát. Nghĩ vậy, tui mạnh dạn lên, mình phải như Hoa Mộc Lan tòng quân thay cha, tui nghĩ tới Dư Thái Quân trăm tuổi vẫn làm tướng. Phân chó mặc phân chó, roi vọt kệ roi vọt. Không chịu khổ thì làm sao được người? Không xông pha nguy hiểm thì sao thành sự nghiệp, để tiếng thơm lưu truyền muôn thuở. Tui nghiến răng, dậm chân, nhổ nước bọt vào tay, tui níu dây thừng bước bước trèo… Tui bám sợi thừng mắc trên cành cây, nhắm mắt tụt xuống, rơi đúng một bụi trúc” [53; 529-530].
Nhân vật Lâm Lam trong Rừng xanh lá đỏ dù sau này là người đàn bà ăn chơi trác táng, nhưng trước đó cô la người phụ nữ thánh thiện với khát vọng cao
cả hướng tới một tình yêu đích thực. Mặc dù có quyền lực, được nhiều người bợ đỡ, kiếm tiền vì chức vụ của mình có thể nói la dễ như trở bàn tay nhưng cô sống giản dị, gần gũi trong những mối quan hệ với bạn bè của thuở hàn vi.
Xây dựng hình tượng nhân vật con người hướng thiện, Mạc Ngôn muốn nhấn mạnh rằng: con người dẫu trong hoàn cảnh, tình huống nào vẫn luôn thiết tha tin vào những dòng lấp lánh của lương tri, của tình người. Ẩn sâu trong lòng của những con người mất hết niềm tin vào cuộc đời ấy vẫn là những khao khát được yêu thương chân thành. Họ khao khát được yêu nên cũng cố gắng sưởi ấm trái tim người khác bằng những tình yêu còn lại của họ. Những con người mất niềm tin, lạc lừng, đơn độc ấy muốn hũa đồng với đồng loại, muốn giao hũa với cuộc đời, muốn được sống trong một hiện thực chan hòa yêu thương.