Cốt truyện mang màu sắc huyền thoại

Một phần của tài liệu Người đàn bà trong tiểu thuyết của mạc ngôn (qua đàn hương hình, báu vật của đời và rừng xanh lá đỏ) (Trang 105)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.3. Cốt truyện mang màu sắc huyền thoại

Huyền thoại không phải là sản phẩm của thời hiện đại. Nó vốn xuất hiện từ thuở ấu thơ của loài người trong hình thức tư duy nguyên hợp. Với tư cách là một thể loại, huyền thoại, hay thần thoại ra đời với nhiệm vụ chính là giải thích thế giới. Nhưng trong văn học hiện đại, "chủ nghĩa huyền thoại" xuất hiện như một phương thức, một phương tiện khái quát hiện thực hữu hiệu, khi mà lối phản ánh hiện thực theo hình thức của bản thân nó không còn là một quy phạm - như đã được chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XIX xác lập một cách chắc chắn, và sau đó kéo dài bởi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngay từ những năm đầu thế kỉ XX, với sự xuất hiện của các J.Joyce, T.Mann, F.Kafka..., chủ nghĩa huyền thoại đã bắt đầu chiếm lĩnh thế giới tiểu thuyết và nội hàm khái niệm cũng như bút pháp của nó ngày càng được mở rộng. Có thể thấy, Mạc Ngôn, trong các tác phẩm của mình, đã một mặt kế thừa được truyền thống văn hóa văn học Trung Quốc - một trong những cái nôi của các thần thoại, truyền thuyết, một mặt tiếp thu được những thành tựu của tiểu thuyết thế kỉ XX. Chính vì thế nên, bên cạnh những chi tiết gợi nhớ kí ức của huyền thoại cổ tham gia cấu tạo các cốt truyện, ta còn thấy sự xuất hiện các motip huyền thoại hiện đại.

Ba tiểu thuyết của Mạc Ngôn mà chúng ta đang nghiên cứu, có thể coi là một thế giới tràn ngập các huyền thoại. Huyền thoại về những vị anh hùng đánh giặc, huyền thoại về sự sinh nở, huyền thoại về sự phát triển, trưởng thành của các nhân vật trong Báu vật của đời, huyền thoại về bộ râu của Tôn Bính, về người anh hùng mang dáng dấp của một nghệ sĩ hay tên thổ phỉ Tôn Bính, huyền thoại về loại cực hình bằng gỗ đàn hương... trong Đàn hương hình, huyền thoại về những người mò ngọc, về những viên ngọc trai trong Rừng xanh lá đỏ...

tất cả đều tham gia thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khiến nó thêm phần hấp dẫn bởi tính chất gay cấn, kì lạ. Nó tráng lên không - thời gian của tác phẩm một lớp men lung linh, huyền ảo như chính cái kì vĩ, phần nào huyền bí của đất nước Trung Hoa rộng lớn, nó góp phần làm cho hình tượng người đàn bà, vì thế, cũng huyền ảo, kì bí hơn, lung linh hơn.

Trong Báu vật của đời có huyền thoại về Lãnh Đệ hoá thân thành Tiên Chim. Gần với motif “biến dạng” từ người thành bọ hung trong tác phẩm “Hoá thân” của nhà văn Frankz Kafka, nhưng Tiên Chim trong “Báu vật của đời” lại được mọi người chào đón, kính trọng vì cô xuất hiện là để giở phép thần thông trừng phạt bọn lưu manh và giúp nhân dân chữa bệnh với những toa thuốc toàn là thức ăn chim… Ở đây, chúng ta còn được tiếp xúc với rất nhiều những chi tiết, hình ảnh mang màu sắc huyền thoại khác, bàng bạc khắp tác phẩm, như là hoài niệm về một nền văn hóa dân gian Trung Hoa, thậm chí hơn thế, như kéo người đọc về với không gian văn hóa dân gian Trung Hoa rực rỡ mà đằm thắm trong chiều sâu vô tận, trong chiều rộng bát ngát. Từ cấu trúc cốt truyện đến từng chi tiết; từ việc sinh nở của Lỗ thị, nhất là việc sinh ra đôi Kim Đồng Ngọc Nữ (bản thân tên hai nhân vật này cũng mang màu sắc huyền thoại như sự ra đời của chúng), cho đến những trận đánh trong thời kì chống Nhật... Đặc biệt là số phận Kim Đồng. Đấy là một huyền thoại bi tráng về một con người kì lạ, có nguồn gốc kì lạ, dòng giống kì lạ - một thứ tạp chủng thần kì, mà nếu để ý, ta sẽ thấy dường như hiện lên ở đó hình bóng một đất nước Trung Quốc vừa hoang dã, man dại nhưng lại mang trong mình những nét văn minh, tốt đẹp; vừa bảo thủ, cố chấp, hung tợn nhưng cũng mềm yếu, và đôi khi nhân văn nữa.

Trong Đàn hương hình, đấy là những huyền thoại về con người, về những anh hùng hay nghệ nhân, về những linh vật mà người ta vẫn truyền tai nhau từ truyền thống. Huyền thoại về ria mép hổ chẳng hạn: ria mép hổ có nhiều loại, trong đó sợi dài nhất quý giá vô ngần. Người nào có được sợi ria đó giắt trong người, có thể nhìn thấy bản tướng của người khác. Mẹ tớ bảo con

người sống ở trên đời đều do con vật đào thai mà sinh ra. Nếu ai có cái râu hổ quý giá kia, thì trong con mắt người đó không bao giờ có con người. Trên phố, trong quán rươu, trong nhà tắm đều là trâu ngựa chó mèo tuốt tuột! Mẹ kể, có một người lúc ở Quan Đông, đập chết con hổ lấy được cái râu quý đó, sợ mất, lấy vải bọc ba lượt bên trong, ba lượt bên ngoài, lại còn khâu vào bên trong lần áo bông. Về đến nhà, bà mẹ hỏi: “Con ơi, con ở Quan Đông chắc là giàu có lắm rồi?”. Anh chàng vênh váo nói: “Giầu thì chưa giầu, nhưng con được một báu vật”. Anh ta vừa nói vừa lấy ra cái gói vải, mở từng lớp lấy chiếc râu hổ cho mẹ xem. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì không thấy bà mẹ đâu cả, chỉ thấy một con chó già, mắt kèm nhèm. Sợ quá, anh ta bỏ chạy, giữa sân đụng phải con ngựa gì một cú như trời giáng. Anh ta trông thấy con ngựa miệng ngậm tẩu, đang rít thuốc phì phèo, lỗ mũi phả ra từng làn khói trắng sáng, sắp ngất xỉu, anh ta định vọt qua tường bỏ chạy, con ngựa già gọi đúng tên cúng cơm của anh: “Tiểu Bảo đấy phải không? Thằng ôn, không nhận ra bố đẻ à?” [53;102].

Nhìn chung, thế giới tiểu thuyết của Mạc Ngôn, đặc biệt trong ba cuốn chúng tôi đang khảo sát, là thế giới của những chi tiết hoang đường, huyền thoại, thế giới của cốt truyện mang màu sắc huyền thoại. Điểm thành công của Mạc Ngôn là ông không mang huyền thoại cổ dán vào tác phẩm như một thứ trang sức, mà ông, trên cơ sở tiếp thu truyền thống dân tộc và tiếp nhận những tinh hoa của văn học hiện đại, đã sáng tạo một thế giới huyền thoại mang dấu ấn cá nhân khá rõ. Đấy là thứ huyền thoại có thể mở ra một thế giới hiện thực sâu rộng hơn, về mọi phía, phía anh hùng, phía gàn dở, phía trữ tình đằm thắm, phía trào tiếu nực cười... Điều quan trọng là cốt truyện ấy khiến người đọc có thể được tiếp cận với hình tượng người đàn bà trong sự cảm nhận sâu hơn, da diết hơn. Họ cũng mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, trữ tình hơn và kì bí hơn.

Một phần của tài liệu Người đàn bà trong tiểu thuyết của mạc ngôn (qua đàn hương hình, báu vật của đời và rừng xanh lá đỏ) (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w