Biểu tượng của nguyên lí mẹ

Một phần của tài liệu Người đàn bà trong tiểu thuyết của mạc ngôn (qua đàn hương hình, báu vật của đời và rừng xanh lá đỏ) (Trang 55)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.3.Biểu tượng của nguyên lí mẹ

Trong Báu vật của đời, lịch sử vùng Cao Mật hay nói rộng ra là lịch sử của Trung Quốc trong vòng chín mươi lăm năm đã được Mạc Ngôn khắc họa một cách khách quan qua hình ảnh của những đứa con gái nhà Thượng Quan. Với những mảng màu sắc phong phú và những cung bậc cảm xúc đa dạng khiến bức tranh xã hội Trung Quốc thu nhỏ thật sự sống động và tươi nguyên. Trong tác phẩm, Mạc Ngôn dựng nên hình ảnh người mẹ Trung Quốc vĩ đại suốt đời hi sinh cho con, cho cháu thông qua hình ảnh Lỗ thị. Lỗ thị là hình ảnh của các bà mẹ Trung Quốc tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống và sự hi sinh, sự yêu thương vô hạn đối với thế hệ tương lai của gia đình, đất nước. Người mẹ ấy luôn dang rộng đôi tay che chở cho đàn con trước nanh vuốt kẻ thù. Giặc ngoại xâm, các thế lực chính trị thay nhau đến rồi đi, bao biến thiên, bi kịch đã xảy ra với vùng đất Cao Mật, với gia đình Thượng Quan, nhưng rồi người mẹ Lỗ thị với sức mạnh kiên cường, tình yêu bao la và niềm tin mạnh mẽ cùng đàn con vượt qua tất cả. Có thể dẫn ra hàng loạt những dẫn chứng để minh chứng cho điều vừa nói. Hai nạn đói kinh hoàng năm 1941 và 1960 đã tác động mạnh mẽ đến Lỗ thị và gia đình Thượng Quan. Năm 1941, để cứu lấy đàn con, Lỗ thị phải đứt ruột đưa đàn con đi bán, bán mà không cần tiền, chỉ cần xin đối xử tốt với cháu. Lỗ thị nghĩ rằng nếu chúng được nhận làm con của những gia đình giàu

sang trong hoàn cảnh này thì những đứa con của bà sẽ được sống sót. Cũng trong năm đó, Lỗ thị bàng hoàng, đau đớn, “lảo đảo rồi ngã sóng xoài ra nhà” khi nhận được tiền bán thân của đứa con gái thứ tư - Tưởng Đệ. Năm 1960, Lỗ thị đã biến bao tử của mình thành chiếc túi chứa đậu, vì thương con, sợ con chết đói, bà đã trộm đậu của hợp tác xã rồi nuốt vào, về nhà lại nôn ra, lấy đậu để nuôi con, cháu mình. Những cô gái nhà Thượng Quan được người mẹ Lỗ thị sinh ra trong lúc đất nước Trung Hoa đang trong cơn đau sinh nở. Đàn con của Lỗ thị có đủ mọi thành phần của xã hội - đó là một xã hội Trung Quốc thu nhỏ. Mỗi đứa lựa chọn cho mình một con đường, một cách sống và một cách chết riêng trong hành trình cuộc sống. Chín chị em nhà Thượng Quan với những thăng trầm, những nỗi trần ai cùng cực, mỗi người cũng là một thiên tiểu thuyết. Người mẹ Lỗ thị trong Báu vật của đời của Mạc Ngôn đó là một người mẹ với lòng khoan dung vô bờ bến xuyên suốt tác phẩm. Một phụ nữ tượng trưng cho một đất nước ở khả năng thiên phú, cho dù bị chà đạp, tiêu diệt đến đâu thì vẫn trường tồn. Bởi lẽ khả năng đó cũng chính là sự sống và nó nhân danh sự sống. Dù sau mỗi lần biến động ấy, người phụ nữ ấy “...bắt đầu già đi từ cặp vú, cặp vú già đi bắt đầu từ đầu vú... Hai đầu vú của mẹ vốn dĩ ngỏng lên thì nay rũ xuống như bông kê chín... màu phấn hồng cũng chuyển sang màu đỏ sậm... Điều không yên tâm là, lần suy yếu này để lại một nếp hằn giữa đầu và bầu vú như trang giấy bị gập”, “đã nếm trải đủ mùi gian khổ, nhưng sữa mẹ vẫn nhiều!” [54; 102-210]. Những cô con gái nhà Thượng Quan về sau lại kế thừa vẻ đẹp truyền thống “vú to mông nẩy” của nhà Thượng Quan. Cứ như thế vẻ đẹp đó được nâng lên thành biểu tượng cho nguồn sống và sự bất diệt của con người. Đêm nằm bên mộ mẹ, ngước mắt nhìn lên trời sao, ngẫm nghĩ về cuộc đời đau khổ chất chồng của mẹ mình, Kim Đồng chỉ thấy hiện ra những bầu vú. “Báu vật trên trời là mặt trời mặt trăng và những vì sao. Báu vật của đời là vú to mông nẩy!” [54; 816]. Hình ảnh người phụ nữ, người mẹ dù không trường tồn về thân xác nhưng luôn bất diệt về tinh thần. Bởi lẽ, họ là hiện thân của sự sống, tình yêu bất diệt.

Một phần của tài liệu Người đàn bà trong tiểu thuyết của mạc ngôn (qua đàn hương hình, báu vật của đời và rừng xanh lá đỏ) (Trang 55)