Bi kịch trong gia đình

Một phần của tài liệu Người đàn bà trong tiểu thuyết của mạc ngôn (qua đàn hương hình, báu vật của đời và rừng xanh lá đỏ) (Trang 59 - 62)

Chương 2 NỘI DUNG THẨM MĨ CỦA HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG TIỂU THUYẾT MẠC NGÔN

2.2. Người đàn bà - hiện thân của những nỗi thống khổ ở đời

2.2.2. Bi kịch trong gia đình

Nếu như ở Việt Nam, sự kết nối những cá nhân để hình thành cộng đồng bắt đầu từ làng xã, thì ở Trung Quốc, mô hình cộng đồng cơ sở lại là gia đình,

dòng tộc. Đối với người Trung Hoa thời xưa, "gia trang" nổi lên như một mô hình cộng đồng thay cho làng xã, và thậm chí, có thể hình thành như những

"khu tự trị" với những quy chế, luật định riêng, một kiểu "lệ làng" song song với pháp luật. Thậm chí, trong những thời buổi loạn lạc, có những gia trang đã nổi lên như những thế lực cát cứ. Điều đó nói lên vai trò của gia đình trong đời sống văn hóa Trung Quốc. Gia đình quan trọng như vậy, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng vô cùng quan trọng và chắc chắn sẽ cũng rất quan trọng đối với sự quân bình các trạng thái xã hội. Tuy nhiên, với hệ thống các quan niệm truyền thống, nhất là hệ tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ Trung Quốc suốt mấy ngàn năm lịch sử đã không được coi trọng. Là "nữ nhi nan hóa", họ luôn đứng sau cái bóng của đàn ông, trong góc buồng, xó bếp với một sự níu buộc của chữ

"tòng". Nếu nói người phụ nữ là đại diện cho những thân phận bị hành hạ, người phụ nữ Trung Hoa xưa có thể coi là điển hình. Trong gia đình, họ luôn là những thân phận bi kịch.

Trong Báu vật của đời, Lỗ thị là một nhân vật khổ sở, một người vợ khổ sở, một người mẹ khổ sở. Bà sinh ra với một định mệnh là phải chăm lo, phải phục dịch, phải chịu đựng sự chà đạp. Riêng với việc sinh ra một đàn con đông đúc, có thể coi đã là một gánh nặng vô cùng, vô tận. Thực hiện nghĩa vụ của người vợ, chưa hết, bà còn phải thực hiện nghĩa vụ của người mẹ đến những tàn hơi cuối. Điều gì đã khiến một người mẹ phải cho đứa con của mình bú, bú và bú - một đứa con bất trị đã trở thành một thứ tội nợ đối với bà. Điều gì đã khiến một người phụ nữ đẹp một vẻ đẹp mê đắm, với "mông to vú nở" rốt cuộc trở thành một bà già nhàu nát, teo tóp? Đấy không phải bởi sức nặng của gia đình thì là vì sao? Bà đã lấy chồng, đã sinh nở, đã lần lượt nuôi nấng, chăm bẵm những đứa con, để rồi chúng lần lượt lớn lên, chúng lần lượt để bà trong cô đơn.

Trong Đàn hương hình, Tôn Mi Nương nổi lên như hiện thân của một người phải chịu quá nhiều trách nhiệm, phải gánh vác hết tất cả những gì lẽ ra là của đàn ông. Lấy phải một anh chồng bất toàn, đấy là một bất hạnh. Nhưng cái

bất hạnh lớn nhất của cô là đã phải lo lắng giải quyết những hệ lụy mà ông bố, trong một phút ngẫu hứng, một chút sĩ diện vặt, sĩ diện hão đã phải vào vòng lao lí và đối mặt với thảm án tử hình. Cô đã tìm mọi cách, kể cả dâng cả thân thể của mình, phục vụ đám quan lại như một thứ nô lệ tình dục, để cứu ông bố ấy.

Chưa bao giờ được một giây phút hạnh phúc, dù chỉ là thứ hạnh phúc thật mong manh. Chưa bao giờ được sống là mình, kiếp sống của Tôn Mi Nương là một kiếp vô tăm tích. Đây là những suy nghĩ của cô: "Đêm hôm ấy, tui không sao chợp mắt, trăn trở trên giường suốt. Cha đẻ tui là Tôn Bính bị quan huyện Tiền Đinh - cái tên qua sông đấm b. cho sóng ấy - bắt giam vào đại lao. Tệ mấy thì vẫn là cha, ruột rối như tơ vò, tui không ngủ được. Càng mất ngủ càng rầu ruột, càng rầu ruột càng mất ngủ. Tui nghe ngoài cũi - nơi những con vật sắp bị giết thịt - tiếng chó sủa eng éc, tiếng lợn kêu gâu gâu. Lợn mà kêu tiếng chó, chó lại kêu tiếng lợn! Chó eng éc thì vẫn là chó, lợn gâu gâu thì vẫn là lợn, cha đẻ tuy không yêu, thì vẫn là cha! Eng éc, gâu gâu, ồn quá, buồn quá!" [53; 9]. Bi kịch là ở chỗ, một người cha không tử tế, đã từng đẩy cô vào bi kịch, nhưng cô vẫn phải cứu. Và, hơn nữa, đoạn văn trên có vẻ như là suy nghĩ của cô về cha, nhưng xét đến cùng, đấy là ý thức của cô về thân phận của mình. Hay đây nữa:

"Căn buồng hướng tây mới có nửa năm mà đã lạnh lẽo như nhà mồ. Mèo cũng không dám chui vào bắt chuột. Tui không dám vào căn buồng, bước chân vào là nổi da gà. Những lúc rỗi rãi, tiểu Giáp vào buồng chơi, vào là xoắn lấy ông bố của hắn đòi kể chuyện, chẳng khác một đứa trẻ lên ba. Ngày tam phục, hắn dứt khoát ở lì trong buồng bố, không thèm về nhà ngủ cùng tui, hắn coi bố là vợ, và tui là bố hắn" [53;12].

Lâm Lan trong Rừng xanh lá đỏ được xây dựng như là kiểu mẫu của một phụ nữ Trung Quốc thời cải cách mở cửa với khát vọng và bản lĩnh vươn lên để khẳng định mình, nhưng cũng là mẫu người của sự tha hóa, biến chất. Vượt qua bao nỗi đắng cay ở đời, kể cả việc đánh đổi những giá trị làm người, nàng cũng đã leo lên được chức phó thị trưởng. Bằng quyên lực có được, và bằng vũ khí

sắc đẹp của một cơ thể hừng hực, nàng trở thành một người "quyền nghiêng thiên hạ". Nhưng sau mỗi buổi đón nhận những lời chúc tụng, những khép nép, nịnh bợ của thiên hạ; sau mỗi cuộc truy hoan đầy khoái lạc, cô lại trở về trong ốc đảo của mình với một gia đình tan nát. Một gia đình mà người chồng không thể cùng cô nắm tay nhau để chia sẻ, để đi đến cái đích cuối cùng của cuộc đời;

một ông bố chồng lăm le thỏa mãn nhục dục với cô. Mỗi lúc cùng đường, hay cũng có thể vì một lí do nào đó, cô trở về với gia đình quá khứ, thì cũng chỉ là một địa chỉ của sự buồn đau, tức tưởi...

Nhìn chung, mỗi người một vẻ, người đàn bà trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn, mặc dù có thể có người vẫn được tận hưởng đôi chút khoái cảm của cuộc sống, những khoái cảm do quyền lực mang lại, những khoái cảm về niềm kiêu hãnh làm người, khoái cảm xác thịt... Nhưng đấy chỉ là những làn gió nhẹ chợt đến để tô đậm thêm tính chất bi kịch của họ, trong đó có bi kịch giữa gia đình.

Rốt cuộc, họ đều là những thân phận bị chà đạp, bị hắt hủi.

Một phần của tài liệu Người đàn bà trong tiểu thuyết của mạc ngôn (qua đàn hương hình, báu vật của đời và rừng xanh lá đỏ) (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w