6. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Mấy nét về cuộc đời Mạc Ngôn
Mạc Ngôn là bút danh. Tên thật của nhà văn là Quản Mạc Nghiệp. Sinh ngày 17/2/1955, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ngay từ nhỏ Mạc Ngôn đã là một cậu bé thông minh, ham học và tỏ ra có năng khiếu văn chương. Khi còn là một đứa trẻ nghịch ngợm ngày ngày chăn trâu trên đồng cỏ quê hương, Mạc Ngôn đã thích đọc sách, ông đã phải lao động không công một cách cật lức cho nhà giàu để được mượn sách đọc. Có được sách ông đọc rất say sưa và thường xuyên khóc, cười với nhân vật, thậm chí yêu các nhân vật nữ trong sách. Lên lớp 4 Mạc Ngôn viết một bài về ngày Quốc tế lao động 1-5 khi trường tổ chức đại hội Thể dục thể thao. Bài viết được thầy giáo Trương khen ngợi hết lời. Sau đó Mạc Ngôn còn viết rất nhiều bài luận, tất cả các bài viết đều được thầy giáo đọc trước lớp, được dán lên cả bảng tin nhà trường, thậm chí có bài còn được các trường trung học lân cận lấy làm bài văn mẫu. Nhưng năm 11 tuổi cách mạng văn hoá nổ ra, Mạc Ngôn phải nghỉ học khi chưa học hết bậc tiểu học, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn. Trong khoảng 10 năm kể từ ngày đó, tuổi thơ ông suốt ngày chăn dê ở ngoài đồng “đói khát và cô đơn luôn là người bạn đồng hành”. Mạc Ngôn trong một bài phỏng vấn đã tâm sự: “Cuộc sống nghèo khổ đã bám tôi suốt hai mươi năm. Nỗi sợ hãi đói khát luôn ám ảnh cuộc sống và tác phẩm của tôi sau này. Nếu được chọn lại tôi muốn chọn lấy tuổi thơ có cơm no áo ấm”.
Do thành phần xuất thân của gia đình nên việc đi học trở lại của Mạc Ngôn chấm dứt, tấm bằng trung học không thể lấy được, ngay cả đến đi bộ đội
cũng không phải dễ, làm công nhân cũng chẳng có chút hi vọng gì và xem ra tương lai của Mạc Ngôn thật ảm đạm và mờ mịt… Trong tuyệt vọng, Mạc Ngôn đã lục lọi những cuốn sách giảng văn của anh cả khi còn học trung học ra, đọc đi đọc lại một cách say mê đến khi thuộc thì thôi, đầu tiên là độc những truyện ngắn và những đoạn trích tiểu thuyết rồi đến tản văn…
Cô đơn, đau khổ tuyệt vọng với cuộc sống tù đọng tăm tối không thể dìm chết một Mạc Ngôn đầy niềm khao khát, và ông phấn đấu để được học bắt đầu bằng con đường vào quân ngũ, cố gắng phấn đấu thật tốt để được đi học đại học. Sau 4 năm liên tục nỗ lực, Mạc Ngôn đã được nhập ngũ.
Tháng 2 năm 1976 Mạc Ngôn vào bộ đội. Ôm giấc mơ vào đại học, chiến sĩ Quản Mạc Nghiệp đã làm việc cật lực đến độ không thiết gì đến bản thân… việc gì ông cũng hoàn thành tốt. Với thành tích ấy Mạc Ngôn đã dành được sự tán thưởng và cảm tình của toàn đơn vị. Cuối năm 1977, lãnh đạo đơn vị quyết định cho Mạc Ngôn đến Bắc Kinh dự thi tại Học viện kĩ thuật công trình do quân đội quản lí. Vô cùng phấn khởi vì cơ hội học tập đã đến, ông đã miệt mài ngày đêm với quá trình tự học gian khổ của mình. Nhưng khi kì thi đến thì cấp trên gọi điện không phải thi nữa vì không có tên trong danh sách! Qua một phen lao đao, về cơ bản việc thi đại học đã tan vỡ. Không lâu sau, Mạc Ngôn được điều động về một đơn vị mới ở Bảo Định, đảm nhiệm chức vụ giáo viên chính trị kiêm nhân viên quản lí thư viện. Để có thể lên lớp, Mạc Ngôn đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về lí luận chính trị và nhiều sách văn học nghệ thuật, không ngừng học tập phấn đấu, trang bị cho mình vốn văn hoá cần thiết để trở thành nhà văn. Quá trình lao động và học tập không mệt mỏi ấy đã mở toang cánh cửa vào trường đại học tưởng chừng như đã đóng từ lâu đối với Mạc Ngôn vào ngày 1 tháng 9 năm 1984. Ông đã trúng tuyển vào khoa Văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng, và đến năm 1986 thì ông tốt nghiệp.
Năm 1988 trúng tuyển lớp nghiên cứu sinh khoa Lí luận sáng tác thuộc Học viện Văn học Lỗ Tấn, trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, lấy bằng Thạc sĩ
năm 1991. Lúc ấy ông cũng là sáng tác viên danh tiếng của Cục Chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.