Phần lớn nguồn tiền trong ngân hàng thương mại là các khoản tiền gửi phải trả khi có yêu cầu. Do vậy ngân hàng thường xuyên phải đối đầu với nhu cầu chi trả. Nếu yêu cầu này của khách hàng không được thực hiện ngay, nguồn tiền gửi có thể bị giảm sút nhanh chóng, thậm chí có thể làm cho ngân hàng bị phá sản. Hoạt động chủ yếu của ngân hàng là cấp tín dụng, do vậy ngân hàng phải có trách nhiệm đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng hợp pháp của khách hàng.
Thực hiện chức năng trung gian tài chính, trung gian thanh toán, ngân hàng thường xuyên phải duy trì khả năng thanh toán, tức duy trì thanh khoản của ngân hàng.
Chức năng cơ bản của hệ thống tài chính là cung cấp thanh khoản. Sự ổn định của hệ thống ngân hàng liên quan chặt chẽ tới khả năng cung cấp thanh khoản của nó.
Đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán của khách chính là đảm bảo an toàn thanh khoản. Vào những năm 1970 các ngân hàng thương mại nước ngoài cho các nước kém phát triển (LDCs) vay hàng trăm tỉ đô la. Vào những năm 1980, các khoản cho vay này trở nên khó thu hồi (khủng hoảng nợ), các ngân hàng này mất khả năng thanh toán tiền gửi của khách hàng, thua lỗ và bị phá sản. Vào những năm 1990, các hãng chứng khoán gặp nguy khốn bởi sự sụp đổ của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán ở Nhật. Các ngân hàng thương mại Nhật – người tài
trợ cho các hãng chứng khoán, đã không thu được nợ, mất khả năng chi trả cho người gửi tiền. Đầu những năm 1990, một số quỹ tín dụng ở Việt Nam làm ăn thua lỗ gây hoang mang cho khách hàng, dẫn đến việc dân rút tiền hàng loạt tại các quỹ tín dụng khác, tạo nên sụp đổ hàng loạt các quỹ tín dụng.
Như vậy việc đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng một cách thường xuyên và trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp là yêu cầu cấp thiết, là nội dung quan trọng trong công tác quản lý của ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản.
Nó liên quan tới sự tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng và cả hệ thống.
Khả năng thanh khoản là một chuẩn mực đối với hoạt động của ngân hàng.
Đây là một chi tiêu rất nhạy cảm. Trong thực tế cho thấy một ngân hàng có chất lượng tài sản Có tốt nhưng khi có một khoản tiền rút ra mà ngân hàng không có khả năng chi trả sẽ dẫn đến bất tín nhiệm của khách hàng. Khả năng thanh toán được lượng hóa qua các chỉ tiêu:
Các nhu cầu thanh toán bao gồm:
Nhu cầu rút tiền của người gửi: các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm,…
Nhu cầu tín dụng của khách hàng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ mà ngân hàng cam kết cho vay.
Các khoản tiền vay đến hạn trả.
Lãi phải trả cho các khoản tiền gửi, tiền vay.
Trong nhu cầu thanh toán có hai bộ phận quan trọng đó là nhu cầu rút tiền và vay tiền của khách hàng. Sự khác biệt về kì hạn của các dòng tiền vào (cung thanh toán) và dòng tiền ra (cầu thanh toán) tạo ra sự khác biệt về cung cầu thanh khoản.
Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu thanh toán của ngân hàng:
Nhóm nhân tố gây ra tâm lý hoảng loạn của khách hàng gửi tiền như:
bất ổn về chính trị, tham nhũng trong hệ thống tài chính, các khoản cho vay xấu dẫn đến mất khả năng thanh toán của một ngân hàng làm lan sang các ngân hàng khác.
Nhóm nhân tố liên quan đến thu nhập và nhu cầu chi tiêu của khách hàng như tính thời vụ trong sản xuất và tiêu dùng, mức thu nhập và tiết kiệm, mật độ dân số và số doanh nghiệp có trên địa bàn.
Nhóm nhân tố cạnh tranh trên địa bàn giữa các tổ chức tín dụng như lãi suất huy động, chính sách tín dụng,… của mỗi tổ chức tín dụng.
Nhóm nhân tố tạo nên sức mạnh và uy tín của bản thân ngân hàng như nguồn nhân lực, công nghệ, uy tín, thị phần.
Tại nước ta quy định tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tỷ lệ tối thiểu phải bằng 1 giữa tài sản Có có thể thanh toán ngay so với các tài sản Nợ phải thanh toán ngay.
Tài sản Có có thể thanh toán ngay bao gồm:
Tiền mặt.
Ngân phiếu thanh toán còn giá trị lưu hành.
Vàng, kim loại quý, đá quý có thể bán ngay.
Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (trừ tiền gửi dự trữ bắt buộc).
Tiền gửi không kì hạn (gốc, lãi) tại các tổ chức tín dụng khác trong nước và nước ngoài.
Tiền gửi có kì hạn tại các tổ chức tín dụng khác trong nước và nước ngoài đến hạn thanh toán (gốc, lãi).
Tối đa 95% các khoản cho vay đối với các tổ chức tín dụng đến hạn thu nợ.
Tối đa 90% các khoản cho vay đối với các tổ chức, cá nhân đến hạn thu nợ.
Các loại giấy tờ có giá đến hạn thanh toán hoặc có thể bán được ngay hoặc có thể đem chiết khấu, tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước.
Các khoản thu từ các cam kết mua, bán ngoại tệ có kì hạn đến hạn thực hiện.
Các khoản khác đến hạn thu.
Tài sản Nợ phải thanh toán ngay bao gồm:
Tối thiểu 15% tiền gửi không kì hạn của tổ chức, cá nhân.
Tiền gửi có kì hạn của tổ chức, cá nhân đến hạn thanh toán (gốc, lãi).
Tối thiểu 15% tiền gửi tiết kiệm không kì hạn của cá nhân.
Tiền gửi tiết kiệm có kì hạn của cá nhân đến hạn thanh toán (gốc, lãi).
Các khoản vay của tổ chức tín dụng khác đến hạn trả nợ (gốc, lãi).
Giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành đến hạn thanh toán (gốc, lãi).
Các khoản phải trả thuộc cam kết bán, mua ngoại tệ có kì hạn đến hạn thực hiện
Số tiền phải trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh, thanh toán L/C.
Số tiền cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng.
Các khoản khác đến hạn trả.
Đồng thời, theo “Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng” thì tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn ngân hàng thương mại được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, đây là một chỉ tiêu quan trọng ngân hàng cần phải đảm bảo.
Nguồn vốn để cho vay trung và dài hạn bao gồm:
- Nguồn vốn huy động có kì hạn ổn định từ 1 năm trở lên.
- Vốn vay trong nước thông qua việc phát hành trái phiếu ngân hàng.
- Vốn vay ngân hàng nước ngoài.
- Một phần nguồn vốn tự có và quỹ dự trữ của ngân hàng.
- Vốn tài trợ ủy thác của Nhà nước và các tổ chức quốc tế.
- Một phần nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo tỷ lệ cho phép.
Nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo “Quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước ban hành bao gồm:
Tiền gửi không kì hạn, có kì hạn dưới 12 tháng của tổ chức (kể cả tổ chức tín dụng khác), cá nhân.
Tiền gửi tiết kiệm không kì hạn, có kì hạn dưới 12 tháng của cá nhân.
Nguồn vốn huy động dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn.
Phần chênh lệch lớn hơn giữa số tiền vay của tổ chức tín dụng khác và tiền cho tổ chức tín dụng đó vay có kì hạn dưới 12 tháng.
Các chỉ tiêu khác đánh giá khả năng thanh khoản:
Khi phân tích khả năng thanh khoản người ta thường chú ý xét các chỉ tiêu sau:
- Hệ số thanh toán nhanh = (tiền và các khoản tương đương tiền + đầu tư tài chính ngắn hạn + các khoản phải thu) / Nợ ngắn hạn
- Tổng dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi: chỉ tiêu này được biết đến như là tỷ lệ “tín dụng trên tiền gửi”, phản ánh khả năng của ngân hàng sử dụng tiền gửi để cho vay (tạo tài sản chịu rủi ro) là như thế nào. Chỉ tiêu này thấp phản ánh tính thanh khoản của ngân hàng càng cao.