2.4. Phân tích hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo mô hình CAMEL
2.4.4. Khả năng sinh lời
Để đánh giá khả năng sinh lời của MSB Nha Trang, ta có thể dựa trên các chỉ tiêu sau:
2.4.4.1. Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản bình quân (ROA):
Chỉ tiêu này biểu diễn khả năng sinh lời của tài sản, tức phản ánh số lợi nhuận trước thuế được tạo ra là bao nhiêu trên 1 đơn vị tài sản Có. Chỉ tiêu này được biểu diễn ở dạng chỉ số nên rất thuận tiện và trực quan khi so sánh khả năng sinh lời của tài sản theo trục thời gian cũng như giữa các ngân hàng với nhau.
Các nhà đầu tư khi đưa ra quyết định thường nhìn vào hệ số này để đánh giá được khả năng sinh lời
Bảng 2.10: Bảng phân tích tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản
2006 2007 2008
Lợi nhuận sau thuế (trđ) 1,618 2,466 3,562
Tổng tài sản bình quân (trđ) 129,144 198,518 286,731
Lợi nhuận sau thuế/TTS bình quân 1.51% 1.47%
(Trong đó tổng tài sản bình quân được tính bằng cách lấy số liệu của năm nay cộng năm trước chia 2, do thiếu số liệu về tổng tài sản của năm 2005 nên tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân bị khuyết của năm 2006)
Do đặc thù hoạt động của ngành nên khối lượng tài sản của một ngân hàng thương mại bao giờ cũng lớn, khiến chỉ số ROA thường thấp hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp phi tài chính. Tại Việt Nam, chỉ số ROA của các ngân hàng
thường chỉ xoay quanh mức 1% - 2%. Xét trong năm 2006, ta có số liệu về ROA, ROE của một số ngân hàng như sau:
Bảng 2.11: Bảng so sánh các chỉ số ROA Tên ngân hàng Lợi nhuận sau thuế ROA
(tỷ đồng) 2006 2007
VCB 2.877 1.9% 1.2%
AGRB 1.231 0.4% 0.6%
BIDV 1.076 0.7% 0.8%
ACB 506 1.5% 2.7%
STB 470 2.4% 3.1%
EIB 258 1.7% 1.8%
MHB 74 0.5% 0.6%
(Nguồn: Báo cáo phân tích ngành ngân hàng của BVSC)
Nhìn vào bảng 2.11 ta có thể thấy hiện nay VCB vẫn đang dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế tới 2.877 tỷ đồng đồng thời chiếm tỷ lệ ROA rất cao trong khối ngân hàng thương mai ( ROA 1,9%). Mặc dù lợi nhuận sau thuế không lớn bằng VCB nhưng STB lại có tỷ lệ ROA cao nhất trong nhóm này ROA = 2.4%. Trong khi đó với ROA của MSB trong 2 năm 2007 = 1.47% và năm 2008 = 1.51%, ta có thể thấy được khả năng sinh lời ( lợi nhuận sau thuế / tổng tài sản) chỉ ở mức khá. Đạt được mặt bằng chung của khối này. Trong năm nay ngân hàng MSB đang tiếp tục cố gắng để nâng cao được tỷ lệ ROA lên tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và chất lượng của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành cổ phiếu của ngân hàng.
2.4.4.2. Thu nhập lãi suất ròng/ Tổng thu nhập:
Thu nhập lãi suất ròng trên tổng thu nhập: chỉ tiêu này phản ánh tỷ trọng của thu nhập lãi suất ròng trên 100 đơn vị tổng thu nhập. Chỉ tiêu này tăng phản ánh thu nhập từ hoạt động chính của ngân hàng có xu hướng tăng nhanh hơn thu nhập từ các dịch vụ, và ngược lại.
Bảng 2.12: Bảng tính thu nhập lãi suất ròng trên tổng doanh thu
2006 2007 2008
Thu nhập lãi suất ròng (trđ) 3,872 6,931 8,730
Tổng thu nhập (trđ) 4,062 7,171 9,143
Thu nhập lãi suất ròng/ Tổng thu nhập 95.31% 96.66% 95.49%
Trong năm 2008, thu nhập lãi chiếm 95,49%, còn lại là từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác. Con số tương ứng của năm 2007 là 96,66%, năm 2006 là 95,31%. Có thể thấy tuy đã có những chiến lược tạo ra những sản phẩm dịch vụ trọn gói từ việc tích hợp những tiện ích khác nhau của các loại hình sản phẩm, từ sản phẩm huy động đến sản phẩm tín dụng và thanh toán nhưng vẫn chưa đạt được sự đa dạng về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối chưa cao. Ngân hàng vẫn đang phụ thuộc rất cao vào hoạt động tín dụng, một hoạt động chịu nhiều rủi ro. Trong năm 2008 = 95.49% có sự giảm sút so với năm 2007= 96.66% là do một phần sự khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng ở nước ta. Các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đa dạng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng đến với sản phẩm của mình.
2.4.4.3. Tổng tài sản sinh lời/ Tổng tài sản:
Tổng tài sản sinh lời trên tổng tài sản: chỉ tiêu này phản ánh khả năng của ngân hàng sử dụng tài sản vào sinh lời là như thế nào. Nó biểu diễn có bao nhiêu đơn vị tài sản được sử dụng để sinh lời trên 100 đơn vị tổng tài sản. Nhìn chung nếu chỉ tiêu này giảm thì ngân hàng phải làm việc nỗ lực hơn, tăng thu dịch vụ và giảm chi phí thì mới có thể duy trì được mức lợi nhuận hiện hành
Bảng 2.13: Bảng tính tổng tài sản sinh lời trên tổng tài sản
2006 2007 2008
Tổng tài sản sinh lời (trđ) 127,300 186,361 269,188
Tổng tài sản (trđ) 129,144 198,518 286,731
Tổng tài sản sinh lời/TTS 98.57% 93.88% 93.88%
Nhìn từ bảng trên ta có thể thấy được rằng qua 3 năm tổng tài sản sinh lời của ngân hàng tăng qua hàng năm cùng với tổng tài sản cũng tăng theo tỷ lệ thuận năm 2006 là 127 tỷ, năm 2007 là 186 tỷ và năm 2008 là 269 tỷ. Tỷ lệ này có thể cho ta thấy được các dịch vụ của ngân hàng vẫn đáp ứng được yêu cầu của thị trường và khách hàng. Duy trì ở mức trên 93%, đây cũng là một tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên có một sự giảm sút của tỷ lệ này trong năm 2007 so với 2006 từ 98.57% xuống còn 93.88%, nguyên nhân là do năm 2007 là năm phát triển mạnh của ngành ngân hàng, mở thêm nhiều dịch vụ mới, cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các ngân hàng thương mại nên làm cho tỷ lệ này giảm sút. Ngân hàng đã cố gắng thể hiện và phát triển hơn trong năm 2008 giữ vững được tỷ lệ này trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu của ngành tài chính.
Nhìn chung có thể nói khả năng sinh lời của MSB chỉ đạt ở mức trung bình, tuy khả năng trong việc sử dụng tài sản là khá tốt, không tạo được mức tăng trưởng ấn tượng hay đột phá, đồng thời cơ cấu thu nhập thiếu sự đa dạng, chủ yếu vẫn là thu nhập từ lãi (chiếm tới hơn 95% trong tổng thu nhập). Tình trạng này thể hiện ngân hàng vẫn đang phụ thuộc rất cao vào hoạt động tín dụng, mặc dù các dịch vụ mà ngân hàng có thể cung cấp cho khách hàng là vô cùng phong phú và chất lượng (như các dịch vụ bảo lãnh, dịch vụ tài trợ thương mại,…), cho thấy tình trạng marketing ngân hàng chưa được thực hiện tốt, khách hàng vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các tiện ích mà ngân hàng có thể mang lại.