HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ SẢN XUẤT

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ (Trang 129 - 131)

6.3.1 Khái niệm

Sản xuất là hoạt động của các tổ chức nhằm biến nguyên vật liệu, trí tuệ và năng

lượng thành sản phẩm cung cấp cho thị trường nhằm mục đích thu lợi nhuận. Các hoạt động sản xuất bao gồm hai nhóm chính:

- Các hoạt động cần thiết để chuẩn bị cho quá trình sản xuất như: + Thiết kế và xây dựng nhà máy sản xuất;

+ Đánh giá và lựa chọn địa điểm sản xuất; + Đánh giá và lập kế hoạch phát triển công nghệ;

+ Xác định tiến trình sản xuất, quy trình thiết kế sản phẩm;

+ Đặt ra các mục tiêu sản xuất để đáp ứng các yêu cầu dự báo bán hàng do bộ phận Marketing đặt ra.

- Các hoạt động sản xuất ra các sản phẩm mà hệ thống Marketing dự định đưa vào kinh doanh, cụ thể là:

+ Mua sắm, lưu trữ và đảm bảo sẵn sàng nguyên vật liệu cũng như các yếu tố sản xuất cần thiết khác cho quá trình sản xuất.

+ Lên kế hoạch cho các thiết bị, điều kiện sản xuất và lược lượng lao động cần thiết để biển đổi các nguyên vật liệu thành sản phẩm, sẵn sàng cho hoạt động kinh doanh của bộ phận Marketing.

+ Thiết kế và kiểm nghiệm các sản phẩm.

+ Sản xuất đúng yêu cầu về số lượng, chất lượng trong khuôn khổ chi phí ngân sách theo dự toán vào đúng thời điểm như mục tiêu sản xuất đã đặt ra.

Sản xuất là một dây chuyền gồm nhiều công đoạn, mà sau mỗi công đoạn giá trị sử dụng được cộng thêm cho sản phẩm. Một cách tổng quát, dây chuyền sản xuất bao gồm các nhóm hoạt động cơ bản sau:

- Mua nguyên vật liệu. Hoạt động này nhằm tìm kiếm và mua nguyên vật liệu và thiết

bị cần thiết để làm ra sản phẩm. Số lượng và chủng loại nguyên vật liệu cần mua phụ thuộc vào yêu cầu để làm sản phẩm và mức tồn kho. Việc mua hàng thường kèm theo các hoạt động đặt hàng, thanh toán tiền, kiểm kê và kiểm tra chất lượng của các loại nguyên vật liệu và thiết bị trước khi nhập kho.

- Dự trữ. Mục đích chính của dự trữ là đảm bảo nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng cho

dây chuyền sản xuất trong điều kiện không chắc chắn về mức độ sử dụng chúng. Tuy mức độ dự trữ càng nhiều thì dây chuyền càng ổn định, nhưng chi phí dự trữ sẽ cao. Do đó, hoạt động này chủ yếu là hoạch định và duy trì mức độ dự trữ nguyên liệu hợp lý cho từng công đoạn sản xuất.

- Sản xuất. Sản xuất là hoạt động cơ bản để biến đổi nguyên liệu thành sản phẩm cung

cấp cho thị trường, bao gồm thiết kế sản phẩm và lập kế hoạch sản xuất sản phẩm dựa trên việc xem xét năng suất, nguồn lực, chất lượng sản phẩm và trang thiết bị dùng để sản xuất. Vấn đề chính của các HTTT quản lý sản xuất là sản xuất sản phẩm có chất lượng và số lượng thỏa mãn thị trường nhưng với thời gian và chi phí chấp nhận được.

- Phân phối, bao gồm các hoạt động nhập hoặc xuất hàng từ nơi mua nguyên liệu đến

nơi lưu trữ, từ kho lưu trữ đến nơi sản xuất và từ nơi sản xuất đến nơi bán hàng. Do đó vấn đề cần quan tâm là phải tối ưu về thời gian và chi phí vận chuyển.

Các HTTT quản lý sản xuất cung cấp thông tin cần thiết để lên kế hoạch, tổ chức

thực hiện, điều hành và quản lý sản xuất. Hệ thống này kiểm soát gần như toàn bộ các giai đoạn của quá trình chuẩn bị các điều kiện để tổ chức sản xuất và quá trình biến đổi nguyên vật liệu thành sản phẩm. Với HTTT quản lý sản xuất tốt, người quản lý có thể quyết định cách thức tổ chức sản xuất và phương pháp sản xuất tối ưu nhất, nơi dùng làm kho dự trữ hợp lý nhất và giải pháp vận chuyển hàng tốt nhất… Từ đó, tổ chức sẽ có được sản phẩm với chất lượng và chi phí hợp lý nhất.

Các chức năng cơ bản:

HTTT quản lý sản xuất cung cấp các thông tin hỗ trợ cho quá trình ra các quyết định quản lý sản xuất và gồm các chức năng cơ bản như sau:

- Kiểm tra chất lượng các yếu tố đầu vào, đầu ra của quá trình sản xuất; - Quản lý hàng dự trữ và giao nhận hàng;

- Hoạch định và theo dõi năng lực sản xuất, các điều kiện sản xuất; - Phân chia nguồn lực, kiểm tra kế hoạch sản xuất;

- Thiết kế các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; - Lập kế hoạch và lựa chọn địa điểm kinh doanh; - Thiết kế và thành lập các nhà máy sản xuất; - Tìm kiếm các công nghệ sử dụng trong sản xuất;

- Xác định các quy trình thiết kế sản phẩm và tiến trình sản xuất… 6.3.2 Sơ đồ luồng dữ liệu vào - ra

Hình 6.6 Tổng quan về HTTT quản lý sản xuất

Nguồn dữ liệu đầu vào của HTTT quản lý sản xuất bao gồm: - Kế hoạch chiến lược và chính sách kinh doanh của doanh nghiệp,

- Các dữ liệu đầu ra từ các HTTT xử lý giao dịch như hệ thống nhận và kiểm tra nguyên vật liệu, xử lý đơn đặt hàng, công nợ phải trả, công nợ phải thu, …

- Các dữ liệu từ bên ngoài như thông tin về dây chuyền, công nghệ sản xuất mới; các kỹ thuật thiết kế mới…

Các thông tin đầu ra của HTTT quản lý sản xuất bao gồm các báo cáo như báo cáo kế hoạch nguyên vật liệu, báo cáo kiểm tra chất lượng sản phẩm, lịch sản xuất, mẫu sản phẩm,…; các quyết định chiến lược về sản xuất (phương án xây dựng nhà máy sản xuất, lựa chọn địa điểm sản xuất, công nghệ sản xuất…).

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ (Trang 129 - 131)