Phần mềm hệ thống là các chương trình giúp người sử dụng quản lý, điều hành hoạt động của các thiết bị phần cứng (máy tính, máy in, máy fax, thiết bị nhớ…). Nó như một bộ phận kết nối giữa máy tính với các chương trình ứng dụng mà người sử dụng muốn thực hiện. Có hai nhóm phần mềm hệ thống:
- Hệ điều hành quản lý tất cả các nguồn lực của hệ thống máy tính và cung cấp một
giao diện để người sử dụng có thể sử dụng được các nguồn lực của hệ thống (DOS, WINDOWS, UNIX,…). Nó có chức năng lên kế hoạch cho các chương trình của máy tính, phân phối tài nguyên và giám sát các hoạt động của máy tính; cụ thể là:
+ Cung cấp chỗ trong bộ nhớ sơ cấp cho dữ liệu và các chương trình; kiểm tra các thiết bị ra, vào.
+ Phối hợp hoạt động giữa các khu vực của máy tính để đảm bảo cho người sử dụng có thể cùng lúc thực hiện nhiều công việc khác nhau.
+ Giám sát các hoạt động của máy tính, người sử dụng máy tính và bất kỳ sự xâm nhập trái phép vào hệ thống.
Một số hệ điều hành đã và đang được sử dụng là DOS, Windows, UNIX, LINUX… Các hệ điều hành hiện đại như Windows của Microsoft sử dụng giao diện đồ hoạ với các biểu tượng, nút bấm, thanh công cụ sắp xếp dễ hiểu, thao tác thực hiện khá dễ dàng. Ban đầu là các phiên bản như Windows 98, Windows 2000; hiện nay các phiên bản Windows XP, Windows 7 và Windows 8 rất mạnh, đáng tin cậy và được sử dụng phổ biến nhất.
- Các phần mềm biên dịch ngôn ngữ và phần mềm tiện ích
+ Các chương trình dịch thuật ngôn ngữ đặc biệt nhằm biến đổi các chương trình viết bằng ngôn ngữ thuật toán (như COBOL, FOTRAN, C…) sang ngôn ngữ máy để máy tính có thể thực thi được.
+ Các phần mềm tiện ích thực hiện các nhiệm vụ thông thường và có tính lặp như sao chép, sắp xếp phân loại, tính toán, xoá bộ nhớ sơ cấp… Chúng có thể được chia sẻ bởi tất cả mọi người sử dụng cũng như có thể dùng trong nhiều ứng dụng khi được yêu cầu.