6. SỰ HẤP THU
6.1. Cơ quan hấp thu
Tất cả các đoạn của ống tiêu hóa ít nhiều đều có khả năng hấp thu:
6.1.1. Miệng
ở miệng sự hấp thu hạn chế vì thức ăn dừng lại ở đây ngắn. Miệng hấp thu được rượu và một số chất, được dùng để đưa vào cơ thể một số thuốc bị dịch vị hoặc dịch tụy phá huỷ, đặc biệt như trinitroglyxerin cấp cứu cơn đau thắt ngực.
6.1.2. Dạ dày
- Dạ dày đơn: hấp thu nước, rượu, đường glucose, amino acid, muối khoáng nhưng lượng hấp thu không nhiều.
Dạ dày trước của lồi nhai lại có sự hấp thu mạnh vì diện tích hấp thu rất lớn do có nhiều nhung mao, nhiều lá mỏng (lá sách). Các chất được hấp thu ở dạ dày trước: nước, acid béo bay hơi, glucose, amino acid, NH3' muối khoáng, đặc biệt là acid béo bay hơi được hấp thu một tỷ lệ khá lớn.
- Sự hấp thu ở dạ múi khế tương tự như dạ dày đơn.
6.1.3. Ruột non
Là cơ quan hấp thu chính của ống tiêu hóa, do cấu tạo đặc biệt của niêm mạc ruột non (đã trình bày ở phần 4.l). Đặc điểm cấu tạo nói trên của niêm mạc ruột non tạo điều kiện thuận lợi cho sự hấp thu các chất dinh dưỡng.
Tất cả các chất dinh dưỡng đều được hấp thu ở ruột non: đường đơn, amino acid được hấp thu vào máu, các acid béo được hấp thu vào mạch bạch huyết.
6.1.4. Ruột già
Sự hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột già: ít, vì phần lớn chất dinh dưỡng được hấp thu ở ruột non. Ở ruột già có sự hấp thu acid béo bay hơi, nước. Sự hấp thu nước ở đây rất mạnh. Ở một số loài gia súc như dê, cừu, quá trình hấp thu nước xảy ra triệt để nên phân tạo thành những viên rắn.