Tập quán sinh đẻ, nuôi dạy con cái

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người tày ở huyện bắc sơn tỉnh lạng sơn (Trang 55)

Các dân tộc nói chung, dân tộc Tày nói riêng lấy sinh con đẻ cái làm tiêu chuẩn hàng đầu trong việc dựng vợ gả chồng. Họ cho rằng có đông con mới là có phúc, không có con là vô phúc, là tuyệt giống nòi. Vì vậy, xung quanh việc sinh đẻ có khá nhiều tập tục truyền từ đời này sang đời khác nhằm bảo vệ giống nòi dân tộc. Tuy tục lệ này đều diễn ra trong một chu trình như nhau, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng tộc người, thậm chí từng nhóm mà có các nghi thức, tín ngưỡng, kiêng kị khác nhau.

- Những kiêng kị khi phụ nữ có thai :

Trong hoàn cảnh và điều kiện sống cụ thể của mình, khi mà mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em khoa học như ngày nay chưa có, người Tày đã tìm mọi cách để bảo vệ bà mẹ và thai nhi. Những lo lắng trước sự an toàn của sản phụ và thai nhi đã dẫn đến những kiêng khem khá nghiêm ngặt. Hầu hết những kiêng kị này đều bắt nguồn từ những giải pháp ma thuật chữa bệnh của hình thái tôn giáo sơ khai, nhằm đem lại niềm tin, hi vọng. Ngoài ra, các giải pháp đó còn mang lại những sự thăng bằng cho tâm lý, tình cảm của bà mẹ tương lai và những người xung quanh trước sự kiện quan trọng này.

Khi có thai người phụ nữ vẫn đi làm bình thường nhưng tránh làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm như trèo cây, leo núi cao, nhảy qua hào. . . nhưng việc phải đảm bảo các công việc đồng áng và việc nhà cũng đã là những công việc rất vất vả, đa phần phụ nữ Tày vẫn phải lao động cực nhọc cho đến tận lúc sinh mới được nghỉ ngơi.

Trong thời kì mang thai người phụ nữ không được đi vào đám tang, những nhà mới có người chết hoặc những bãi tha ma có mả mới, không được

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

53

đi vào các nơi thờ cúng linh thiêng. Phụ nữ đang mang thai cũng không được đi thăm người đẻ vì họ quan niệm rằng, nếu đi thăm người đẻ, người đang mang thai sẽ dễ bị sẩy thai hoặc sinh non. Khi ăn cơm ở chỗ đông người, không được ngồi cùng mâm với một phụ nữ khác cũng đang mang thai, nếu chẳng may ngồi nhầm thì hai người phải đổi đũa cho nhau. Khi đang mang thai, người phụ nữ cũng không được tự tay mình cắt tiết gà, vịt, không bước qua dây buộc ngựa vì như vậy người phụ nữ đó cũng sẽ mang thai 12 tháng và con sẽ bị tràng hoa quấn cổ, không được đánh rắn vì sợ sau này con sẽ bị thè lưỡi như rắn . . . không được tự tay mình hái chanh, cam hoặc bưởi vì làm như vậy các loại cây đó vào các mùa quả tiếp theo sẽ bị sần và không có nước, hoặc nhẹ hơn là đang ngọt sẽ chuyển thành chua, không hái rau thơm vì sẽ làm rau thơm tàn lụi.

Trong ăn uống, gia đình phụ nữ mang thai cũng rất chăm lo đến việc bồi bổ cho bà mẹ và thai nhi bằng các loại thực phẩm giàu dưỡng chất như các loại thịt, cá, trứng, các loại quả giàu vitamin để cung cấp đầy đủ chất cho thai nhi phát triển và bà mẹ đủ sức khỏe chống lại các loại bệnh ảnh hưởng tới thai nhi.

Tuy nhiên, trong ăn uống phụ nữ mang thai cũng phải kiêng kị một số món ví dụ như không được ăn ốc vì sau này con sẽ bị dớt dãi, không ăn cơm cháy vì sợ con bị dính ruột, không an cơm rang vì sợ sau đẻ sẽ bị sót rau . . .

Gia đình có người mang thai cũng phải kiêng kị hết sức cẩn thận như không được sửa nhà, gia đình không được kê lại giường trong buồng của bà mẹ đang mang thai, không được mang đồ mới vào buồng, đặc biệt không được đặt bất cành cây hoặc củi tươi lên giường ngủ của phụ nữ đang mang thai . . . vì những điều đó sẽ khiến cho người đó bị động thai hoặc xảy thai ngay lập tức.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

54

Hàng xóm láng giềng cũng phải có những kiêng kị nhất định đối với gia đình có sản phụ như đi đám ma về, hoặc nhà đang có tang, phụ nữ mới xảy thai, hỏng thai không được vào nhà có phụ nữ mang thai. Họ quan niệm rằng những người gặp phải chuyện không may sẽ mang tới điều không may cho người đang mang thai. Đặc biệt, đối với những người bị coi là có ma gà thì việc đến nhà có phụ nữ đang mang thai chơi là điều cấm kị.

Ngoài những điều kiêng kị trong sinh hoạt, ăn uống người phụ nữ đang mang thai cần phải có trạng thái tinh thần tốt nhất. Người mẹ tương lai cần vui vẻ, ăn nói dịu dàng, tránh cãi vã và hết sức tránh những cảnh tượng hãi hùng để tâm hồn được thư thái.

- Những tục lệ khi sinh đẻ :

Khi gần đến ngày sinh đẻ, bà mẹ sẽ chuẩn bị một số tã lót và vật dụng cần thiết cho sự ra đời của đứa trẻ. Người phụ nữ tự quét dọn căn buồng của mình cho sạch sẽ, gọn gàng.

Trước đây người phụ nữ thường sinh tại nhà, họ sinh ngay chính tại căn buồng của mình. Họ tự đỡ đẻ, hoặc do mẹ chồng đỡ cho. Nếu không có mẹ chồng hoặc những ca đẻ khó gia đình thường cho mời bà đỡ, thường là một người có quan hệ họ hàng, được coi là người phúc hậu, đức tính tốt và có kinh nghiệm đỡ đẻ.

Khi nhà có người ở cữ, gia đình sẽ buộc một bó lá ở cổng hoặc ở chân cầu thang, đây là dấu hiệu để thông báo cho người ngoài biết, tránh để người lạ vào nhà và tránh tà ma. Người Tày quan niệm rằng, đứa bé mới ra đời nên hồn vía còn yếu ớt, không nên để khách lạ vào nhà. Nếu chẳng may gặp phải người vía dữ hoặc người có ma gà vào nhà thì hồn vía đứa bé sẽ hoảng sợ bỏ đi mất. Như vậy đứa bé sẽ khóc đêm, bị ốm hoặc sẽ bị chết. Việc buộc một nắm lá ở cổng hoặc chân cầu thang cũng còn có ý nghĩa thông báo cho mọi

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

55

người trong bản biết đứa bé mới sinh là trai hay gái. Nếu là con trai, chủ nhà sẽ buộc một nắm lá và một thanh củi cháy dở, nếu là con gái, chủ nhà sẽ buộc một nắm lá với một miếng giẻ.

Sau khi sinh xong sản phụ được chăm sóc và kiêng khem rất cẩn thận. Trong khoảng thời gian sau khi sinh, sản phụ được cho ăn những thức ăn giàu chất dinh dưỡng, thông thường là thịt gà mái tơ nấu với gừng nghệ, chân giò nấu với đu đủ, cơm nếp để bổ máu, ấm người, có nhiều sữa cho con bú và tốt cho sản phụ. Sản phụ chỉ được ăn một số loại rau như rau ngót, xu hào, cải bắp. Ngoài ra, để bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ, người Tày thường cho sản phụ uống một số loại thuốc lấy từ trong rừng như cho uống nước sa nhân để ấm bụng, uống thuốc sắc từ cây vang để bổ máu . . .

Bên cạnh đó sản phụ cũng kiêng nhiều loại thực phẩm như không ăn thịt trâu, thịt vịt, thịt ngan vì độc và dễ bị lạnh bụng, không ăn các loại cá, cua, ốc, hến . . . vì tanh, con bú sữa sẽ bị chảy dãi, cam, nhọt. Về rau củ quả, sản phụ không được ăn rau bí vì cả mẹ và con sẽ bị ngứa, không ăn rau cải vì sẽ bị ho và về già sản phụ sẽ đi tiểu nhiều, không ăn các loại măng, đặc biệt măng vầu vì các loại mang rất độc không tốt cho sản phụ và sẽ dễ bị mất sữa.

Trong sinh hoạt hằng ngày, sản phụ phải tránh ra ngoài 40 ngày đầu, chỉ được ở trong buồng mình, luôn phải đội khăn che đầu, mặc áo dài tay, kiêng tắm gội, không được đến gần bếp lửa, không được đến chỗ của bố và anh chồng, đặc biệt không được đi ngang qua những chỗ thờ cúng linh thiêng.

Trẻ sinh ra được ba ngày thì gia đình làm lễ cúng và lập bàn thờ mụ, người Tày gọi là “mẻ Gióoc” (mẹ Hoa), để tạ ơn và cầu mong bà mụ (mẹ Hoa) phù hộ cho đứa bé luôn an toàn, hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh. Nếu đứa trẻ là con đầu lòng thì bên ngoại đem lễ và bàn thờ mụ đến đặt ở trong buồng ngủ của đứa bé. Trên bàn thờ mụ luôn đặt một bát hương và một bát hoa bằng giấy, những ngày giỗ chạp, lễ, tết gia đình sẽ đặt lên đấy một chiếc đùi gà và

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

56

thắp hương cúng bái. Ngoài tính chất lễ nghi, lễ lập bàn thờ mụ còn là dịp mời hai bên gia đình nội ngoại đến để chức mừng và cầu phúc cho đứa bé mới ra đời. Thông thường bà ngoại sẽ làm bánh dày nghệ để đặt bàn thờ mụ và đem cho con gái 2 con gà, mấy chục ống gạo nếp cùng với nghệ để người mẹ ăn trong tháng.

Khi đứa trẻ được một tháng gia đình sẽ làm lễ đầy tháng (đo bươn, lẩu bươn) cho đứa trẻ. Đây là một nghi lễ rất quan trọng trong phong tục sinh đẻ của người Tày. Ngoài việc ăn uống để chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới, cúng bái để báo cáo trình diện với tổ tiên, người Tày còn có một tục lệ rất quan trọng trong ngày đầy tháng là “khai háy khai hon” (đi bán tật khóc nhè của trẻ con). Vào buổi sáng đầy tháng của đứa bé, bà mẹ sẽ đi chợ sớm, với quan niệm rằng lần đi chợ đầu tiên này sẽ mang tật khóc nhè của đứa bé ra chợ bán, như vậy sau ngày đầy tháng đứa bé sẽ trở nên ngoan ngoãn, ít quấy khóc hơn. Đồng thời, khi đi chợ vào ngày đầy tháng, người mẹ sẽ mua sách, bút và muối đem về nhà, sách bút thì được đặt lên bàn thờ mụ để cầu mong bà mụ truyền dạy cho đứa bé thói quen đọc sách và cầu mong sau này đứa bé sẽ chăm chỉ học hành, thông minh sáng dạ.

Cũng trong ngày đầy tháng, cha mẹ của đứa bé sẽ nhờ một người trong gia đình hoặc trong dòng họ có đức tính tốt, lao động cần cù, bồng đứa bé ra bờ rào gần nhà, nhặt lấy một số cây củi, hoặc bẻ cây bờ rào bó lại thành bó đem theo vào nhà, với ý nghĩa cầu mong sau này đứa bé lớn lên sẽ không lười nhác mà luôn luôn lao động chăm chỉ.

Những người hàng xóm và họ hàng đến mừng lễ đầy tháng đều mang theo quà biếu, thông thường sẽ là gà, gạo nếp, vải để người mẹ khâu vá quần áo cho đứa trẻ, hoặc là quần áo, giày, mũ của những đứa trẻ khỏe mạnh để lấy vía may cho đứa trẻ. Món quà đặc biệt trong lễ đầy tháng của người Tày là chiếc địu “ăn đa” của bà ngoại tặng. Chiếc địu đó do chính tay bà ngoại khâu

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

57

và thêu từ tấm vải “rằm – khấu” (ướt - khô) mà chàng rể tặng mẹ vợ trong ngày cưới. Việc tặng chiếc địu mang ý nghĩa hết sức sâu sắc đồng thời cũng là một lời căn dặn của bà ngoại về nghĩa vụ chăm sóc đứa con, hi sinh hết mình vì con đối với người mẹ.

Trong ngày đầy tháng cũng là lễ đặt tên cho con của người Tày. Tên lúc này được gọi là “tên nọi”, tên này được đặt bằng tiếng Tày, không hoa văn, không phải chọn tên đẹp, thông thường là tên các con vật như “tua ma”(con chó), “tua mèo”(con mèo), hoằng cu (thằng cu), tếnh, nhình (bé gái). Họ quan niệm đứa bé còn nhỏ mà đặt tên đẹp thì dễ bị ma quỷ quấy nhiễu, làm hại. Đến khi đứa bé lớn lên mới đặt tên chính thức, theo âm Hán – Việt. Tuy nhiên, việc đặt tên cũng có những kiêng kị nhất định như không được đặt trùng tên với ông bà, tổ tiên và chú bác, anh em thân cận. Đặc biệt không được lấy tên những người đã khuất, vì như vậy mỗi lần gọi tên sẽ phạm vào linh hồn những người đã mất, quấy nhiễu sự yên ổn của người nơi chín suối, làm cho linh hồn người đó không được yên sẽ quay về quấy phá, làm hại đứa bé và cả gia đình.

Sau lễ đầy tháng, người mẹ được bồng con ra khỏi buồng, nhưng vẫn không được đi qua nơi thờ tự. Người mẹ cũng bắt đầu tập cho con nằm nôi, để tiện cho việc người mẹ vừa trông con ngủ, vừa làm một số việc vặt trong nhà. Khi được 40 ngày “đo tí típ”, người phụ nữ bắt đầu đi làm bình thường, gửi con cho ông bà trông nom, khi đứa bé lớn hơn một chút, trong những ngày bận rộn không có người trông, người mẹ có thể địu con đi làm.

Những đứa bé thông minh láu lỉnh hoặc hay đau ốm thường xuyên, người Tày thường phải làm lễ nhận con nuôi như con nuôi thầy Tào, con nuôi thầy thuốc và còn có hình thức nhận con xin “lục so”. “Lục so” là hình thức nhận con của chính mình, thông thường đó là những đứa trẻ khó nuôi. Sau khi làm lễ xong, gia đình đưa bé cho một người đàn bà khác cõng đứa bé ra khỏi

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

58

nhà, ra đến ngoài đường thì quay trở lại, cha đứa trẻ đứng ở đầu ngõ hoặc ở cổng nhận lại đứa con mình và coi đó là con đi xin.

Trong một số trường hợp, vì nhiều lí do, đứa trẻ chết yểu, người Tày không tổ chức tang lễ mà lo liệu mọi việc rất nhanh chóng, đưa đứa bé xấu số ra khỏi nhà vào ban đêm. Sau 40 ngày, gia đình sẽ làm lễ “tống gióoc héo” (đưa hoa héo). Họ quan niệm, một đứa trẻ yểu mệnh giống như một bông hoa héo trong số các bông hoa mà bà mụ (mẹ Hoa) ban cho người mẹ. Khi đứa trẻ chết thì người Tày sẽ làm lễ để đưa đứa trẻ đó về nơi có những linh hồn đồng cảm đang trú ngụ, như vậy, đứa bé sẽ không thấy tủi tân, không quanh quẩn bên cha mẹ và quấy nhiễu người nhà. Sau khi làm lễ xong, người nhà không còn nhắc đến đứa bé nữa và cũng không lập bàn thờ thờ cúng, không đắp mộ cao và không tảo mộ hàng năm giống như người lớn.

Người Tày rất quý trọng và thương yêu con cái, họ thường chỉ dạy nhẹ nhàng, rất ít khi mắng chửi hoặc đánh đòn. Họ tập cho con cái làm việc ngay từ nhỏ với những công việc phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi, còn nhỏ thì chăn vịt, chăn trâu, lớn hơn một chút thì trông em, từ 10 đến 15 tuổi con trai thì cùng bố mẹ lên rừng đốn củi, tập săn bắt, tập cày, bừa, nhổ mạ, đan lát . . . con gái thì học nấu nướng, thêu thùa, khâu vá, cấy hái . . . cứ như vậy những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc và sự dạy bảo tận tình của gia đình, hòa nhập dần vào cuộc sống sinh hoạt của dòng họ, làng bản, từng bước trở thành thành viên của cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống.

Những tập tục trong sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Tày rõ ràng còn mang nhiều yếu tố thần bí, mê tín. Nhưng nó chứng tỏ sự quan tâm của các bậc ông bà, cha mẹ đối với các thế hệ tiếp nối. Đồng thời các tập tục đó cũng chứa đựng những tri thức tộc người về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em với nhiều bài thuốc quý, là sự đóng góp độc đáo cho nền y học cổ truyền nước nhà. Và đặc biệt tập tục nuôi dạy con cái của người Tày mang nhiều nét đẹp trong giao tiếp sinh hoạt gia đình cần được bảo tồn và phát huy.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người tày ở huyện bắc sơn tỉnh lạng sơn (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)