Con người từ xa xưa đã luôn sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, đấu tranh chinh phục thiên nhiên đồng thời cũng khai thác các nguồn lợi từ trong tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống vất chất của mình. Khai thác nguồn lợi trong tự nhiên là hoạt động kinh tế mang tính chất chiếm đoạt, tàn dư của kinh tế nguyên thủy. Bắc Sơn có thảm thực vật và quần thể động vật rất phong phú, là điều kiện thuận lợi cho ngành kinh tế cổ xưa hái lượm, săn bắt và đánh cá tồn tại và phát triển.
Hái lượm: đồng bào dân tộc Tày nói chung và ở Bắc Sơn nói riêng sống ở khu vực có sản vật tự nhiên phong phú, diện tích rừng rộng lớn, chiếm tới 3/4 diện tích tự nhiên của huyện, trong rừng có nhiều sản vật có thể làm thức ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh. Vì vậy, từ xa xưa dân cư ở đây đã biết tận dụng những nguồn lợi có sẵn đó để phục vụ cho cuộc sống của mình và là hoạt động kinh tế quan trọng không thể thiếu trong giai đoạn trước. Hái lượm cung cấp một phần rau xanh và thuốc chữa bệnh tùy theo mùa có thể kiếm nhặt các loại rau rừng như: rau ngót, rau bò khai, rau dớn, rau tàu bay; các loại măng như: măng nứa, măng vầu, măng tre, măng mai; nấm, mộc nhĩ và các loại quả có bột, có đường, quả dùng làm thức ăn, phổ biến nhất là trám (trám trắng và trám đen). Trong những ngày mùa thất bát hoặc trong những ngày giáp hạt các loại cây củ rừng có bột như báng, củ mài, củ bấu, bột đao
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
26
còn được dùng để ăn thay cơm, giải quyết nhu cầu lương thực để cứu đói. Ngoài ra họ còn hái các loại thuốc quý về chữa bệnh như thục địa, sơn khương, sa nhân, quế chi, cam thảo. . . đặc biệt hầu như nhà nào cũng có rễ gió và ngâm rượu rễ gió để chữa cảm mạo, đau bụng và xoa bóp. Đồng bào dân tộc Tày có rất nhiều bài thuốc quý bằng các loại cây trong rừng chữa được nhiều loại bệnh, có nhiều thầy lang có tiếng được nhân dân trong vùng biết đến. Hình thức thu hái cá nhân, cộng đồng cư dân tôn trọng quyền phát hiện sản vật của cá nhân. Chẳng hạn, một người phát hiện ra tổ ong mật ở một cây nào đó thì sẽ đánh dấu vào thân cây hoặc kí hiệu ở gần đó thì người khác sẽ không có quyền khai thác.
Săn bắt : cùng với hái lượm, săn bắt và săn bắn muông thú vừa để bảo vệ mùa màng, vừa để cung cấp thức ăn hàng ngày. Đối tượng bao gồm tất các các loại muông thú rừng trong khu vực họ cư trú như: chim, gà rừng, sóc, chồn, cáo, nhím, dúi, cầy vòi đến các loại thú lớn như hươu, nai, hổ, báo . . . Dụng cụ dùng để săn bắt bao gồm cung, nỏ, súng kíp và hệ thống cạm bẫy các loại. Phổ biến nhất là cung và nỏ. Công việc bẫy thú rừng này do nam giới thực hiện, mùa bẫy thú thường là sau mùa thu hoạch. Hình thức săn bắt có cả cá nhân và tập thể, đối với hình thức tập thể, khi săn được thú thì sản phẩm được chia đều cho các nhà.
Ngoài ra đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Sơn còn khai thác thủy sản. Đối tượng là các loại cá tôm và các loại nhuyễn thể, giáp xác hay lưỡng thể có thể ăn được. Ở Bắc Sơn có khá nhiều suối, đầm, ao, hồ tự nhiên nên nguồn lợi thủy sản cũng khá phong phú. Hình thức đánh bắt khá phong phú: vó, chài, lưới,đơm, câu, xúc, đánh ruốc cá. Trong các vùng thung lũng, mỗi mùa mưa lũ, nước từ các hang núi dâng lên đầy lũng mang theo nhiều loại cá vốn sống lâu ngày ở trong các hang, thường là cá lớn, không vẩy như cá quả, cá nheo, cá trê . . . Nước đọng lại trong các thung lũng hàng tháng, khi nước rút, đồng bào
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
27
dùng phên, mành đan hoặc rơm cỏ chặn cửa hang không cho cá rút theo, khi nước rút hết họ bắt được một số lượng lớn các loại cá, có khi lên tới hàng tạ.
Kinh tế tự nhiên là một bộ phận cấu thành nền kinh tế của người Tày ở Bắc Sơn, đồng thời trong đó cũng chứa những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên: khi hái rau rừng, đồng bào không hái quá mức, không chặt cây, bẻ cành; đào củ cũng để lại một đoạn ngắn dưới lòng đất sau đó lấp lại để cây tiếp tục phát triển. Săn bắn thì hạn chế vào mùa sinh sản, đánh bắt cá thì không dùng những hình thức gây hại tới môi trường tự nhiên của sinh vật.
Ngày nay do quá trình khai thác rừng quá mức nên diện tích rừng rậm ngày càng ít, theo đó các nguồn lợi trong thiên nhiên cũng dần cạn kiệt. Một số loài thú lớn hầu như không còn, các loại thú nhỏ còn rất ít, chỉ gặp ở các vùng sâu, ở những nơi ít có người sinh sống, các loại rau, củ, quả muốn kiếm cũng phải đi xa hơn. Thêm vào đó, sự phát triển của kinh tế nông nghiệp và kinh tế hàng hóa cũng làm cho kinh tế tự nhiên giảm dần, không còn đóng vai trò quan trong trong đời sống của cư dân như trước đây. Tuy vậy, kinh tế tự nhiên vẫn không mất đi mà nó vẫn luôn tồn tại, sản phẩm của nó một số đã trở thành đặc sản của vùng được nhân dân ở các vùng khác biết đến và nó vẫn góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày của cư dân trong huyện, làm phong phú thêm các loại thực phẩm của người dân.