Gia đình và hôn nhân

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người tày ở huyện bắc sơn tỉnh lạng sơn (Trang 42)

Gia đình và hôn nhân là biểu hiện sắc thái quan trọng trong văn hóa tộc người, nó ẩn chứa rất nhiều thông tin về phong tục tập quán, nếp sống và các khuôn mẫu ứng xử giữa con người với con người trong gia đình và xã hội.

Quan hệ gia đình :

Đồng bào Tày thường gọi “gia đình” đồng nghĩa với “rườn” (nhà), “tu rườn” (nhà cửa). Đặc điểm tiêu biểu của gia đình người Tày là gia đình phụ quyền, mang đậm tính gia trưởng, cho tới ngày nay chế độ gia trưởng vẫn tồn tại ở mức độ khác nhau. Quy mô gia đình có từ 4 đến 7 người, gia đình 2 – 3 người chiếm tỉ lệ thấp, vì người Tày quan niệm đông con là có phúc. Xưa kia phổ biến nhất là tiểu gia đình có 3- 4 thế hệ bao gồm ông bà, bố mẹ và con cái chưa lập gia đình, cũng có gia đình có tới 5 thế hệ cùng chung sống. Ngày nay phổ biến la gia đình 2 – 3 thế hệ, trong đó gia đình 2 thế hệ ngày càng chiếm ưu thế. Ông bà thường ở với con trưởng cùng các cháu, còn con thứ chỉ có vợ chồng và các con.

Với hình thái gia đình như vậy, khi bố mẹ còn sống thì bố mẹ là người quản lý, nhưng quyền lực tập trung trong tay ông bố. Tính phụ hệ được thể hiện rõ, người đàn ông là chủ gia đình (chẩu rườn) có quyền quyết định tất thảy mọi công việc trong nhà, điều khiển mọi công việc sản xuất, tổ chức sinh hoạt, có trách nhiệm cúng bái và trong quan hệ xã hội giao tiếp với bên ngoài. Trong nhà con cái mang họ và danh tộc (tên gọi dân tộc) của cha trong trường hợp kết hôn ngoại tộc. Vì vậy, khi con gái đi lấy chồng, sang cư trú bên nhà chồng mặc dù không phải đổi họ theo họ của nhà chồng thì cũng phải làm lễ bái tổ tiên nhà chồng xin được làm thành viên trong họ nhà chồng. Những cặp vợ chồng không có con trai thì phải nhận con trai của những người anh em trong họ về làm con nuôi để nối dõi tông đường, một số trường hợp lấy con rể. Người ở rể phải tôn thờ họ vợ, con cái mang họ nhà vợ, song

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

40

người con thường thờ cả họ mẹ và họ bố. Tập quán này cũng giống với người Nùng, “với nếp sống này, ta thấy tư tưởng Khổng giáo chi phối quan hệ gia đình của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn” [48;189].

Người Tày trước đây thường trọng nam hơn nữ, đặc biệt trong việc phân chia tài sản, chỉ có con trai mới có quyền thừa kế, nữ giới hầu như không được hưởng bất kì một thứ của cải nào của bố mẹ, dù rằng con gái cũng góp phần làm ra của cải trong nhà, nếu có chỉ là một ít của hồi môn, đó thường là trang sức bằng bạc và một số vật dụng gia đình như xoong nồi, chăn màn khi đi lấy chồng . . . nhà giàu có thì có thể cho trâu bò nhưng tuyệt đối không chia ruộng đất cho con gái vì như vậy ruộng đất sau này sẽ rơi vào tay con cháu dòng họ khác. Điều này được phản ánh trong thành ngữ của người Tày xưa kia “nhình khai, chài dự” (con gái thì bán, con trai thì mua), người Tày cũng quan niệm như một số dân tộc khác là “con gái là con của người ta, con dâu mới đích thực mẹ cha mua về”. Việc phân chia tài sản thường được thực hiện khi bố mẹ mất, hoặc khi bố mẹ còn sống nhưng trong các con trai, có con trai thứ lập gia đình ra ở riêng. Thông thường của cải sẽ được chia đều nhưng người “lục cốc ”(anh cả) thường vẫn được phần nhiều hơn vì được ở nhà bố mẹ và được hưởng luôn cả phần tài sản của bố mẹ khi bố mẹ qua đời, cũng bởi vì trách nhiệm của anh cả nặng nề hơn. Đó là phải có trách nhiệm chính việc chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ, nhất là lúc bố mẹ ốm đau, phải đứng chủ làm tang ma khi bố mẹ qua đời, trông nom việc thờ tự, và lo các việc chung của dòng họ. Việc phân chia tài sản của bố mẹ dưới hình thức chủ yếu là sự thỏa thuận đồng tình giữa các anh em, không có di chúc, không có văn tự quy định, nhưng khi đã phân chia xong tài sản thì không có tình trạng kiện cáo tranh chấp tài sản giữa anh em trong nhà và cũng không có tình trạng anh em cãi vã dẫn đến chia li do khúc mắc khi phân chia tài sản. Khi bố còn sống quyền quyết định phân chia tài sản như thế nào hoàn toàn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

41

thuộc thuộc về người bố, còn nếu bố đã mất thì anh cả đứng ra để thỏa thuận với các anh em về việc phân chia tài sản.

Trong một gia đình có những nguyên tắc ứng xử riêng. Vợ phải nghe lời chồng, con cái phải nghe lời bố mẹ, kính trọng ông bà, em phải nghe anh. Đặc biệt là con dâu phải tuân theo những quy tắc ứng xử chặt chẽ: không được đi ngang qua trước bàn thờ tổ tiên trong nhà, không ngồi vào chỗ tiếp khách của nam giới ở phía ngoài, không ngồi cùng chiếu hoặc đối diện với bố chồng, anh chồng, không được đi tới chỗ ngủ và chỗ dành riêng cho bố, chú bác và anh chồng. Con dâu luôn tỏ thái độ kính trọng, nghe theo những lời chỉ bảo của bố chồng và anh chồng. Khi đi làm nương rẫy hoặc làm đồng con dâu không được làm cùng một chỗ với bố chồng. Nếu con dâu muốn bày tỏ điều gì đó với bố chồng, anh chồng thì phải thông qua chồng hoặc mẹ chồng, bất đắc dĩ thì mới nói trực tiếp với bố chồng nhưng không được nhìn thẳng, không được đứng đối diện với bố chồng khi nói. Nếu cùng sưởi lửa thì con dâu luôn phải ngồi phía dưới, ngồi nghiêng người vào bếp lửa, tránh ngồi đối diện với bố chồng. Bố chồng và anh chồng cũng không bao giờ vào buồng con dâu, em dâu, không trực tiếp đưa bất cứ đồ vật gì cho con dâu mà phải đặt vật cần đưa ở vị trí nào đó, để con dâu tự cầm lấy. Ngay cả khi con dâu đang ở cữ, cả nhà đi vắng, bố chồng cũng không trực tiếp đưa cơm hoặc bất cứ vật gì. Khi cháu khóc, ông cũng không được phép vào buồng bế cháu mà phải nhờ người khác vào bế hộ ra ngoài. Quan hệ giữa mẹ vợ và con rể cũng tương tự như vậy, nhưng bớt khắt khe hơn.

Trong nhà của người Tày cũng quy định rõ ràng nơi ăn chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt của từng giới. Mặt bằng ngôi nhà phần nhiều được chia theo chiều dọc, phía trên bếp lửa là không gian sinh hoạt của Nam giới, gian chính giữa có bàn thờ, gọi là “nả nưa” (mặt trên), phía dưới của bếp lửa, bao gồm cả bếp là không gian sinh hoạt của nữ giới gọi là “nả tẩu” (mặt dưới). Tuy nhiên nhà

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

42

ở Tân Tri lại được phân bổ theo chiều ngang, cách đặt bàn thờ cũng khác. Song tựu chung lại này phụ nữ tuyệt đối không được nằm ngủ ở gian ngoài và gian có bàn thờ, mọi sinh hoạt của phụ nữ hầu như chỉ diễn ra ở “ nả tẩu”. Vì vậy, buồng của con dâu bao giờ cũng là căn buồng sát với gian bếp, thẳng từ cửa đi vào, như vậy con dâu khi đi lại, làm bếp sẽ không phải đi qua “nả nưa”. Hơn nữa khi đi lại trong nhà phụ nữ cũng phải hết sức chú ý, không được đi mạnh, ngồi không được quay lưng vào bàn thờ tổ tiên.

Trong các hoạt động kinh tế lao động sản xuất, giữa các thành viên trong gia đình cũng có sự phân công tương đối. Sự phân công về lao động này dựa trên đặc trưng của công việc và điều kiện sức khỏe của từng giới, từng thành viên trong nhà. Nam giới làm các công việc nặng nhọc như làm nhà, cày bừa, xẻ gỗ, đánh cá, săn bắn . . . phụ nữ làm những công việc như : cấy hái, làm bờ, làm cỏ, bỏ phân, chăn nuôi lợn gà . . . trẻ con trong nhà thường đi chăn trâu, chăn bò hoặc ở nhà nấu cơm, trông em. Vào những ngày nông nhàn phụ nữ còn trồng bông, dệt vải, lấy củi, . . . đàn ông thì đan lát, săn bắt. “Theo cách phân công lao động này, nam nữ đều có việc ở ngoài đồng, trên nương, đồng thời, lúc ở nhà cũng người nào việc nấy” [42;30]. Nhìn chung, mặc dù không phải làm nhiều việc nặng nhọc nhưng người phụ nữ trong gia đình lại phải làm nhiều việc hơn nam giới, họ làm việc từ sáng sớm đến tối mới được nghỉ ngơi. Tuy vậy, với bản tính chịu thương, chịu khó người phụ nữ vẫn luôn hết lòng vì gia đình và vì chồng vì con.

Với những nguyên tắc ứng xử có phần khắt khe cùng với những quy định rõ ràng trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt, nên trong cuộc sống gia đình người Tày thường hòa thuận, êm ấm. Trong gia đình hầu như không có tình trạng chồng vợ to tiếng với nhau, con cái chăm ngoan, nghe lời bố mẹ. Các thế hệ trong cùng một gia đình luôn tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau, họ rất coi trọng tình cảm gia đình thiêng liêng, đặc biệt người phụ nữ Tày luôn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

43

luôn nhẫn nhịn, hiếu thuận với gia đình chồng, chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái, đảm bảo gia đình luôn luôn êm ấm. Đây là một trong những yếu tố làm nên tính bền vững của gia đình người Tày. Vì vậy, tình trạng li hôn do bất hòa, do chồng hay vợ ngoại tình ở người Tày hầu như là không có.

Gia đình của người Tày luôn luôn đảm bảo những yếu tố như cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Trong các gia đình có 2 - 3 thế hệ cùng chung sống, con cái lớn mặc dù đã có gia đình riêng, nhưng con cái vẫn ăn chung với bố mẹ, không có tình trạng hai bếp, nấu ăn riêng như một số gia đình thuộc các dân tộc khác. Họ rất coi trọng tình đoàn kết gắn bó trong gia đình, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Đây là một đặc trưng, đồng thời cũng là một nét đẹp, một truyền thống đáng quý về nếp sống gia đình của người Tày ở Bắc Sơn.

Cách xưng hô trong gia đình cũng thể hiện sự thân mật, tôn trọng lẫn nhau. Bất kể là con đẻ hay con dâu con rể đều xưng là “lục” (con) với bố mẹ, con dâu (khi đã có con) và cháu nội thì gọi bố, mẹ chồng và ông, bà nội là “Ôong, giá”, con rể (khi đã có con) và cháu ngoại thi gọi bố và mẹ vợ, ông và bà ngoại là “ta, tai”, cháu xưng với ông bà là “lan”. Một số nơi cháu gọi ông, bà là “pú, ké” hoặc “ké chài, ké nhình”. Đây là một cách gọi thể hiện tình cảm trìu mến của người cháu đối với ông bà.

Một số gia đình người Tày có tục nhận con nuôi, gọi là “lục liệng”. Việc nhận con nuôi xuất phát từ nhiều lí do, có thể là gia đình không có con hoặc sinh con ra khó nuôi, họ nhận con nuôi về để lấy vía may của đứa con được nhận “au mính”, hoặc một số gia đình không có con trai, họ nhận là con trai để sau này nối dõi tông đường. Trong trường hợp nhận con nuôi về để sau này thừa kế tài sản và trông nom việc thờ cúng thì người con đó phải được họ hàng chấp nhận và kí vào văn tự chuyển nhượng quyền thừa kế khi người nhận nuôi mất đi. Khi được chấp thuận, người con nuôi đó được coi là

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

44

con cháu của dòng họ, được nhận sự yêu thương chăm sóc của bố mẹ nuôi không khác gì con đẻ. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp nhận con nuôi nhưng không cùng chung sống với bố mẹ nuôi, cũng không có quyền thừa hưởng tài sản từ bố mẹ nuôi. Đó là trường hợp “con nuôi danh nghĩa” vẫn sống với cha mẹ đẻ [56;261]. Nhưng cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với bố mẹ nuôi, phải thường xuyên thăm nom, chăm sóc bố mẹ nuôi, giúp đỡ khi gia đình bố mẹ nuôi có việc. Đối với người con nuôi dược coi như con đẻ, có quyền thừa kế tài sản phải làm bổn phận của người con trong gia đình bố mẹ nuôi, phải báo hiếu và thờ cúng khi bố mẹ nuôi mất giống như với bộ mẹ đẻ mình.

Tuy nhiên, việc nhận con nuôi không thực sự phổ biến, nhất là nhận con nuôi kế thừa tài sản và trong coi việc thờ cúng. Đồng bào chủ yếu nhận con cháu trong họ để làm con nuôi, nhất là những người có quan hệ máu mủ, không ngoài mục đích để tài sản không rơi vào tay người khác, không cùng dòng máu của mình. Đồng bào quan niệm rằng “khó ná kin khấu vằn, gần măn ná liệng lục vậu” (khó khăn không ăn thóc giống, người không có con không nuôi con người ngoài).

Các mô típ kết hôn:

Hôn nhân là sự tác hợp giữa một người nam và một người nữ bởi các tập quán hoặc luật pháp của xã hội tạo thành một gia đình.

“Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” đó là lẽ thường trong xã hội. Trai, gái lớn ở đây không phải là căn cứ vào độ tuổi trưởng thành theo pháp luật quy định (trên 18 tuổi) như ngày nay. Người ta thường căn cứ vào tuổi dậy thì của con, chóng lớn, nói năng e thẹn trước người khác giới, biết làm việc nhà. Việc đồng áng mà tính chuyện cưới xin cho con. Vì vậy, độ tuổi kết hôn của người Tày xưa kia là tương đối sớm, nữ thì 14 – 15 tuổi, nam thì 16 -17 tuổi. Tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến vì người Tày quan niệm lập gia đình khi

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

45

còn trẻ thì ông bà còn khỏe mạnh còn khả năng chăm sóc và trông nom con cháu. Hơn nữa bố mẹ hai bên gia đình cũng mong muốn con mình sớm thành lập gia thất, trong khi bố mẹ còn khỏe mạnh, còn đủ sức lo việc lớn cho con cái và cũng để sớm có cháu nối dõi. Đồng bào cho rằng khi chết đi mà không có cháu đích tôn nối dõi thì không có phúc và không yên tâm khi nhắm mắt hoặc sẽ bị dân làng trách mắng và cười chê vì chưa hoàn thành nghĩa vụ của người cha người mẹ khi ở trên trần thế . Vì vậy, khi con cái đến tuổi được cộng đồng chấp nhận thì họ dựng vợ gả chồng cho con theo ý mình.

Theo đó, trước đây cha mẹ thường lo chuyện hôn sự cho con cái từ khi chúng còn nhỏ hoặc sắp đến tuổi lập gia đình, cũng có trường hợp hai nhà hứa hôn với nhau từ khi con mới lọt lòng. Hôn nhân của người Tày chủ yếu là do cha mẹ sắp đặt, có phần ép buộc, họ gọi là “rặt hâu nắng ní” (đặt đâu ngồi đấy). Tính tự nguyện trong hôn nhân rất ít. Trai gái trong bản hoặc vài bản kế cận trong các dịp lễ hội đầu xuân, trong các phiên chợ, trong các đám cưới. . . họ vẫn tự do giao lưu kết bạn, tìm hiểu nhau bằng cách đối đáp qua các điệu lượn, thông qua đó họ hiểu rõ về nhau hơn, nhiều đôi trai gái đã yêu nhau sau nhiều lần gặp gỡ. Tuy nhiên, họ không thể chủ động trong việc kết hôn vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là sự đồng tình của bố mẹ hai bên. Mặt khác họ còn phụ thuộc vào việc “lá số” (lục mệnh). Đồng bào Tày rất kiêng kị việc lấy chồng hoặc lấy vợ ở những nhà có ma gà, vì họ cho rằng người đó sẽ đem lại điều không may mắn cho gia đình. Đồng thời việc cưới vợ hoặc chồng có ma gà sẽ bị cả họ khai trừ, láng giềng xa lánh.

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người tày ở huyện bắc sơn tỉnh lạng sơn (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)