Truyền thuyết phong vật hiểu một cách đơn giản là truyền thuyết nói về các phong tục và sản vật của những địa phương nhất định. Đây chủ yếu là những câu chuyện kể về nguồn gốc các phong tục, kỵ hèm, hội hè, trò diễn, diễn xướng dân gian,…hoặc các sản vật có gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
Hà Giang gồm 22 dân tộc anh em sống trong môi trường mang tính cộng đồng cao, nhưng mỗi dân tộc vẫn giữ những phong tục tập quán và lễ hội mang bản sắc riêng. Nhìn vào bảng thống kê ở trên, chúng tôi thấy tiểu loại này có số lượng nhiều hơn truyền thuyết phản ánh những nhân vật lịch sử. Tiểu loại này đã bảo lưu được nhiều phong tục tập quán truyền thống của mình. Người Cơ Lao Đỏ đã lưu truyền cho nhau từ đời này qua đời khác những truyện kể giải thích các phong tục đó, nhằm khắc sâu cho thế hệ sau những giá trị tốt đẹp trong đời sống tinh thần của cha ông. Ở Túng Sán, các phong tục tập quán của người Cơ Lao Đỏ thường gắn với sinh hoạt hằng ngày, với tín ngưỡng dân gian,…gắn với một sự kiện lịch sử đặc biệt. Cho đến nay, người Cơ Lao Đỏ vẫn lưu truyền cho con cháu nghe truyền thuyết nói về Sự tích chiếc váy cổ truyền. Truyền thuyết về chiếc váy kể rằng, xưa kia phụ nữ Cơ Lao mặc loại váy hình ống, được làm từ lông cừu. Thời đó, người Cơ Lao nuôi rất nhiều cừu không chỉ để thịt hoặc bán mà quan trọng hơn là để lấy lông làm sợi rồi dệt, khâu thành những chiếc áo và váy đẹp. Hiện nay, vẫn có một số cụ già người Cơ Lao Đỏ nói rằng, xưa kia phụ nữ Cơ Lao Đỏ mặc váy ngắn. Điều này có thể đúng, bởi lẽ trước đây đồng bào làm áo từ lông cừu. Cũng vì thế, ở thời xa xưa khi nói về Việc cưới xin trước đây, theo tập quán của người Cơ Lao Đỏ, các cô gái muốn đi lấy chồng phải sau 3 năm mới được tổ chức lễ cưới, kể từ ngày làm lễ ăn hỏi. Trong thời gian 3 năm đó, dưới sự hướng dẫn của người mẹ, có sự giám sát của người bố, con gái phải dệt được một chiếc váy đẹp bằng lông cừu để làm cơ sở
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
đánh giá tài năng trong ngày cưới. Người Cơ Lao Đỏ quy định rằng, váy được gọi là đẹp thì phải cứng, nếu đặt xuống đất hoặc ném ra xa vẫn không bị đổ. Và đây là tiêu chuẩn để xác định tài năng của cô dâu. Đúng hôm cưới, khi đã có mặt nhiều người để chứng kiến, đại diện nhà trai mở chiếc váy do chính cô dâu tự làm và kéo thành ống rồi ném từ trên gác xuống nền nhà. Nếu thấy chiếc váy đó vẫn dựng đứng, tức là không bị đổ cô dâu được đánh giá là chăm chỉ, cẩn thận, giỏi giang trong mọi công việc. Trường hợp sau khi ném, thấy váy bị đổ, cô dâu và bố (mẹ) của cô dâu được đánh giá là chưa thật sự giỏi giang, thậm chí còn bị đánh giá thấp về vai trò của cha mẹ trong việc chỉ bảo, dạy dỗ con gái.
Người Cơ Lao Đỏ cũng có những phong tục lạ, khác với những nơi khác. Người Cơ Lao Đỏ hay kể về Sự tích ta dà Cơ Lao, có nghĩa là người Cơ Lao bị đánh rụng răng. Chuyện này chúng tôi cũng thấy có mối liên quan đến việc cưới xin của người Cơ Lao Đỏ trước đây. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia người Cơ Lao Đỏ có tập quán, khi cô dâu vừa về đến cửa nhà chồng thì bị mẹ chồng hành hạ cho đến khi gãy răng. Mẹ chồng lấy một đôi đũa cắm vào hai chiếc răng của cô dâu và lấy dùi gõ, chỉ khi nào gõ rụng hai chiếc răng này, cô dâu mới được phép bước chân vào nhà. Một hôm, mẹ chồng thực hiện tập quán đánh rụng răng cô dâu trong lúc cô dâu vừa mới về đến cửa nhà chồng. Nhưng đợt này thật không gặp may, bởi vì ngay sau khi bị đánh rụng răng, cô dâu lăn ra chết. Thương tiếc cho thân phận của cô dâu xấu số, mẹ chồng đã thắp hương vái lạy tổ tiên và tuyên bố rằng, kể từ nay trở đi không ai được đánh gãy răng cô dâu nữa. Song, tên gọi ta dà Cơ Lao và cốt truyện của nó vẫn còn lưu truyền mãi trong cộng đồng người Cơ Lao Đỏ.
Khảo sát tiểu loại truyền thuyết này, chúng tôi còn thấy hiện nay còn có một phong tục, cái tên gắn với đời sống của người Cơ Lao Đỏ. Truyền thuyết giải thích tên gọi Nuôi lợn không được đánh. Theo truyền thuyết, có một gia đình nuôi một con lợn nhưng không nấu cám lẫn ngô, khoai nên con lợn chán ăn. Sau một thời gian con lợn gầy tóp và chết, con lợn lên thiên đình báo cáo nó khổ lắm, ở với người suốt ngày bị đánh, phải ăn và uống nước mắt của mình, bây giờ làm sao lấy lại nước mắt của mình. Một thời gian, con lợn được đầu thai làm con trai của gia
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
đình kia. Sau đó, hai vợ chồng sinh được một cậu con trai rất thông minh. Gần 12 tuổi thằng bé chết, hai vợ chồng cho rằng con trai mình chính là con lợn ngày trước đã bị đánh, không cho ăn, nay trở về đòi lại nước mắt nên đã khai đường mai táng cho đứa trẻ lên thiên đình. Hiện nay, trong chăn nuôi người Cơ Lao Đỏ không bao giờ đánh lợn, chăm sóc lợn rất chu đáo, còn đứa trẻ nào chưa đủ 12 tuổi mà chết, không làm ma chỉ đưa đi chôn cất.
Theo người Cơ Lao Đỏ, vào ngày mùng 2 tết và ngày 13/ 7 âm lịch, người Cơ Lao Đỏ có tập quán tổ chức lễ cúng ma tổ tiên lợn, thường gọi là ma lợn (sai sâu), nghi lễ này gắn liền với truyền thuyết kể rằng: Xưa kia, người Hán đuổi con lợn bắt để giết thịt, họ đuổi mãi, đuổi mãi, con lợn chạy sang làng của người Cơ Lao Đỏ. Cùng đường, con lợn chạy vào buồng của một gia đình Cơ Lao Đỏ, được người Cơ Lao Đỏ che chở, con lợn thoát chết. Từ đó, con lợn trở thành ma lợn làm nhiệm vụ phù hộ cho người Cơ Lao Đỏ nuôi lợn và làm ăn sinh sống ngày càng phát đạt. Bởi vậy, người Cơ Lao Đỏ có tập quán dựng bàn thờ ở trong buồng ngủ của chủ nhà để thờ cúng các loại ma buồng, trong đó có ma lợn, nhằm tạ ơn ma lợn đã phù hộ, giúp đỡ việc chăn nuôi của họ được thuận buồm xuôi gió, không có dịch bệnh. Đồng thời cũng thỉnh cầu con ma lợn tiếp tục phù hộ cho gia đình để khi nào có lợn thịt tết lại cúng tạ ơn.
Truyền thuyết cũng giải thích về nguồn gốc của các dòng họ. Ở Túng Sán có nhiều dòng họ, đó là những họ Sú, Cáo, Min, Vương, Chéng, Tráng,… nhiều người Cơ Lao Đỏ vẫn còn được nghe chuyện kể về Sự xuất hiện dòng họ Sú trong cộng đồng người. Truyện kể rằng, trước kia người Cơ Lao ở Việt Nam không có họ Sú. Sự xuất hiện họ Sú là cả một câu chuyện đầy tính hấp dẫn. Có một người đàn ông từ Trung Quốc đến vùng người Cơ Lao Đỏ ở Túng Sán, Hoàng Su Phì để buôn bán thuốc phiện. Ở Trung Quốc, người đàn ông này đã có vợ và hai người con trai, nhưng do mắc nợ với chủ buôn ở bên đó nên không dám trở về quê. Ông ta xin ở rể tại một gia đình người Cơ Lao họ Cáo ở Hoàng Su Phì, có 6 người con trai đều mang họ mẹ. Được 20 năm, người con trai ở Trung Quốc đến Hoàng Su Phì để buôn bán thuốc phiện và tình cờ gặp bố đẻ của mình. Một hôm hai bố con bàn kế hoạch sẽ cùng đi chợ vào một ngày nào đó với ý định bỏ trốn về Trung Quốc. Hôm sau, trước khi rời khỏi nhà, ông ta rất thương tiếc các con chưa ai biết dòng dõi của
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
mình, nên đã lấy than củi viết lên cánh cửa bằng chữ Hán họ của ông ta là Sú, và yêu cầu các con đổi lại họ Cáo thành họ Sú để cho người Cơ Lao có thêm một dòng họ. Nhờ đó mà hiện nay người Cơ Lao ở Việt Nam có dòng họ Sú.
Qua khảo tả năm truyền thuyết, người đọc có thể hình dung rõ hơn về phong tục tập quán, các dòng họ mang tính riêng của người Cơ Lao Đỏ. Và từ bất kì một góc độ nào, có thể thấy rằng nhân dân luôn ghi nhớ, lưu giữ được những phong tục truyền thống tốt đẹp trong đời sống tinh thần của cha ông. Như vậy, mặc dù số lượng truyền thuyết không được nhiều so với những thể loại khác song nhóm truyền thuyết này lại là nơi ghi nhận những nét riêng, độc đáo nhất của người Cơ Lao Đỏ.