Pháp luật thực định điều chỉnh về quy hoạch đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam (Trang 54 - 59)

2.1. Pháp luật thực định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở

2.1.2. Pháp luật thực định điều chỉnh về quy hoạch đô thị

Quy hoạch đô thị được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản quy định chi tiết Luật này. Quy hoạch đô thị gồm các loại:

Một là, quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới;

Hai là, quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;

Ba là, quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.

2.1.2.1. Lập quy hoạch đô thị

Khâu đầu tiên trong quy hoạch đô thị chính là lập quy hoạch đô thị. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã dành 6 mục với 24 Điều để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lập quy hoạch đô thị. Lập quy hoạch đô thị bao gồm tổ chức lập quy hoạch đô thị, lấy ý kiến về quy hoạch đô thị, lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và đánh giá tác động môi trường chiến lược trong quy hoạch.

Thứ nhất về tổ chức lập quy hoạch đô thị

Trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị theo Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thuộc về: Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ đầu tư. Như vậy, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước mà còn của cả chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư. Đây là quy định mang tính tiến bộ của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, bởi lẽ chủ đầu tư mới là người hiểu chính xác về dự án, cũng như những công trình phải xây dựng trong khu vực được giao, do đó họ có thể đưa ra những phương án khả thi phù hợp với từng dự án quy hoạch đô thị.[41]

Để dự án quy hoạch đô thị đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế cuộc sống thì một trong các công việc không thể thiếu đó là lấy ý kiến về quy hoạch đô thị.

Đối tượng lấy ý kiến là các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị. Hình thức lấy ý kiến được quy định phong phú bao gồm: lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát phiếu điều tra, phỏng vấn, trưng bày công khai, giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Những đối tượng sống trên mảnh đất có quy hoạch, những người chịu tác động của dự án mới là những người có thể chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của phương án quy hoạch, điều gì là phù hợp với cuộc sống của họ. Do đó, quy định về việc lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến quy hoạch đô thị là biện pháp hữu hiệu trong công tác quy hoạch đô thị ở Việt Nam.

Thứ ba về lập đồ án quy hoạch đô thị

Theo Điều 24 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thì căn cứ để lập đồ án quy hoạch đô thị bao gồm: chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên đã được phê duyệt; quy hoạch ngành đã được phê duyệt; nhiệm vụ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt; quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành; bản đồ địa hình; tài liệu, số liệu về kinh tế - xã hội của địa phương và ngành có liên quan.

Trên cơ sở căn cứ đó, đồ án quy hoạch đô thị được phân chia thành các loại: đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương; đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã; đồ án quy hoạch chung thị trấn; đồ án quy hoạch chung đô thị mới; đồ án quy hoạch phân khu; đồ án quy hoạch chi tiết. Nội dung của các loại đồ án quy hoạch đô thị khác nhau thì cũng có sự khác biệt, tuy nhiên, có một số nội dung chung đó là: quy mô, chỉ tiêu dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược. Nội dung cụ thể của các loại đồ án quy hoạch đô thị được quy định từ Điều

15 đến Điều 20 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.

Thời gian lập quy hoạch đô thị được quy định cụ thể đối với từng loại đồ án quy hoạch đô thị tại Điều 2 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị được lập cho các đối tượng: giao thông đô thị; cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; cấp nước đô thị; thoát nước thải đô thị; cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị; thông tin liên lạc; nghĩa trang và xử lý chất thải rắn. Nguyên tắc lập đồ án và nội dung đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị được quy định chi tiết tại mục 2 với 10 Điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.

Thứ năm, về đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch đô thị

Đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược bao gồm:

Một là, đánh giá hiện trạng môi trường đô thị về điều kiện khí tượng thủy văn, chất lượng nước, không khí, hệ sinh thái, địa chất, xói mòn đất; chất thải rắn, nước thải, tiếng ồn; khai thác và sử dụng tài nguyên, thay đổi khí hậu; các vấn đề xã hội, cảnh quan, văn hoá và di sản để làm cơ sở đưa ra các giải pháp quy hoạch đô thị;

Hai là, dự báo diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị; Ba là, đề ra các giải pháp tổng thể phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động và lập kế hoạch giám sát môi trường.

Nhìn chung, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã có nhiều quy định chặt chẽ, cụ thể, bao quát nhiều vấn đề của việc lập quy hoạch đô thị từ tổ chức lập, lấy ý kiến và có sự xuất hiện của đánh giá môi trường chiến lược, được coi là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

2.1.2.2. Thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị

Việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị được quy định tại chương III Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 với 5 điều từ Điều 41 đến Điều 45, và được quy định chi tiết tại Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm

định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của mình và nhiệm vụ, đồ án quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh, cấp huyện thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cùng cấp, trừ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng được cấp giấy phép quy hoạch. Thẩm định quy định đô thị được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định với thành phần gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan. Thời gian thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị được quy định cụ thể tại Điều 32 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.

Nội dung thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị bao gồm: Sự phù hợp của nhiệm vụ quy hoạch đô thị với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch đô thị cấp trên; Yêu cầu về nội dung đối với từng loại nhiệm vụ quy hoạch đô thị được quy định tại Điều 23 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Nội dung thẩm định đồ án quy hoạch đô thị bao gồm: Việc đáp ứng các điều kiện của tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 10; Căn cứ lập đồ án quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 24; Sự phù hợp của đồ án quy hoạch đô thị với nhiệm vụ và yêu cầu quy hoạch đô thị quy định tại Điều 6 và các yêu cầu về nội dung đối với từng loại đồ án quy định tại các mục 3, 4 và 5 Chương II của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị được quy định tại Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm phê duyệt nhiệm vụ và đồ án các loại quy hoạch đô thị của các chủ thể: Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, Ủy ban nhân dân huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân huyện thuộc tỉnh; chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng.

Như vậy, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý nhà nước mà còn có trách nhiệm của các tổ chức

xã hội, xã hội nghề nghiệp, của các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị.

2.1.2.3. Điều chỉnh quy hoạch đô thị

Điều chỉnh quy hoạch đô thị được chia làm hai loại: điều chỉnh tổng thể quy hoạch đô thị và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị. Điều chỉnh quy hoạch đô thị chỉ được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, khi có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên và địa giới hành chính làm ảnh hưởng lớn đến tính chất, chức năng, quy mô của đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch;

Thứ hai là khi hình thành các dự án trọng điểm, quan trọng có ý nghĩa quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị;

Thứ ba, khi quy hoạch đô thị không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch đô thị và ý kiến cộng đồng;

Thứ tư, khi có sự biến động về điều kiện khí hậu, địa chất, thủy văn;

Thứ năm, điều chỉnh quy hoạch đô thị để phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị phải đảm bảo các nguyên tắc: Tập trung vào nội dung cần điều chỉnh, nội dung không điều chỉnh của đồ án đã phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý; Việc điều chỉnh phải trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định rõ các yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về sử dụng đất, giải pháp tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng khu vực; giải pháp về cải tạo mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình hạ tầng xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển.

2.1.2.4. Giấy phép quy hoạch

Giấy phép quy hoạch là cơ sở pháp lý để chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng; là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng.

Giấy phép quy hoạch được cấp trong các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết;

Trường hợp thứ hai, dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu nhưng chưa đủ căn cứ để lập quy hoạch chi tiết;

Trường hợp thứ ba, dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở;

Trường hợp thứ tư, dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất.

Nội dung giấy phép quy hoạch bao gồm: phạm vi, quy mô khu vực lập quy hoạch đô thị, chỉ tiêu sử dụng đất cho phép, các yêu cầu về khai thác sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trên mặt đất, dưới mặt đất, bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với khu vực chủ đầu tư được giao đầu tư, thời hạn của Giấy phép quy hoạch.

Thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)