Thực trạng pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam (Trang 62 - 64)

2.2. Đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

2.2.2. Thực trạng pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị

Hiện nay, hệ thống quy hoạch ở nước ta có thể phân thành 04 loại chủ yếu: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm; Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; Quy hoạch sử dụng đất và 4 cấp: cấp quốc gia (cả nước), cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện và được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Trong những năm qua, quy hoạch đã từng bước trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hệ thống văn bản pháp luật về công tác quy hoạch được ban hành, hoàn thiện. Chất lượng công tác quy hoạch cũng dần được tăng lên. Nhận thức của các ngành, các cấp đối với công tác quy hoạch tiến bộ rõ rệt. Vị trí, vai trò của công tác quy hoạch được nâng cao và được khẳng định ngày càng rõ trong xã hội. [80]

Tuy nhiên, hệ thống quy hoạch của nước ta còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp gây tốn kém nguồn lực và làm giảm hiệu lực của các quy hoạch, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế. Do có quá nhiều loại quy hoạch ngành được phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên có tình trạng một khu vực đất đai vừa được quy hoạch phát triển du lịch vừa được quy hoạch xây dựng cảng biển, quy hoạch khai thác khoáng sản. Chất lượng quy

hoạch còn thấp, tầm nhìn ngắn, thiếu tính khả thi. Điều này thể hiện ở việc các quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, không đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Các dự báo về nhu cầu thị trường, sức ép cạnh tranh, các yếu tố tác động tích cực và tiêu cực chưa được tính toán toàn diện, dẫn đến các định hướng phát triển chưa đủ căn cứ. Các mục tiêu phát triển nhiều khi xuất phát từ mong muốn chủ quan của những nhà làm quy hoạch mà không tính đến nhu cầu của thị trường và các nguồn lực có được. Còn tồn tại không ít dự án quy hoạch còn thiếu tầm nhìn dài hạn, nhiều dự án, công trình đề xuất chỉ giải quyết vấn đề mang tính tình thế.

Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng quy hoạch còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và các Sở, ngành ở địa phương. Các quy hoạch do các ngành xây dựng được coi như của riêng bộ, ngành đó mà chưa là của "quốc gia" hay của địa phương đó. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chưa đi trước một bước, làm căn cứ để xây dựng các quy hoạch khác. Thời gian tiến hành lập quy hoạch và thời kỳ quy hoạch cũng không được thống nhất. Công tác thẩm định quy hoạch còn nhiều hạn chế, trách nhiệm của hội đồng và các thành viên hội đồng thẩm định chưa được quy định rõ. [80]

Chi phí lập quy hoạch không hề rẻ, trung bình xây dựng một quy hoạch sử dụng đất của một quận, huyện là gần 2 tỷ đồng, chi phí xây dựng quy hoạch đô thị cũng cao xấp xỉ. Mặt khác, đối với đô thị thì quy hoạch xây dựng cần thiết hơn quy hoạch sử dụng đất, do đã là đô thị thì xây dựng mới là chủ yếu. Sự bất cập này đã nảy sinh ra tiêu cực. Không ít tư vấn đã nhận ra rằng trong một đô thị thì sự trùng lắp giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng là rất lớn nên khi được giao làm quy hoạch sử dụng đất, họ lấy ngay quy hoạch xây dựng rồi bôi màu (theo quy định của từng loại đất) cho thành quy hoạch sử dụng đất. [80] Rõ ràng, ở đây đã có một khoản tiền lớn bị thất thoát. Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng có làm quy hoạch sử dụng đất nhưng chỉ là quy hoạch sử dụng đất mang tính chiến lược, không đi sâu,chi tiết đến từng địa phương như Việt Nam. Quy hoạch sử dụng đất ở các nước này chỉ định ra những chỉ giới về đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đô thị… trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường… chung cho cả nước. Các

ngành, các địa phương căn cứ vào quy hoạch chung này để xây dựng quy hoạch cho riêng mình. Việt Nam không nên đi ra ngoài thông lệ đó bởi thực tế đã chứng minh sự bất cập trong việc chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Trong khi lập quy hoạch, các ngành, các địa phương phải giải quyết hài hòa và tích hợp được tất cả các lợi ích của mọi người thì quy hoạch mới khả thi, trong bản đồ quy hoạch phải là sự hài lòng, thắng lợi của tất cả các chủ thể: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư thì xã hội mới phát triển bền vững được.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)