Nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam (Trang 71 - 74)

2.3. Những khó khăn, tồn tại của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý

2.3.5. Nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại

Các tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xuất phát chủ yếu từ các nguyên nhân sau đây:

Một là do hệ thống pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và đầy đủ

Hiện nay, công tác quy hoạch được điều chỉnh bởi rất nhiều luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Quy hoạch đô thị được điều chỉnh bởi Luật Quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng; quy hoạch sử dụng đất tại Luật Đất đai; đánh giá môi trường chiến lược dự án quy hoạch tại Luật Bảo vệ môi trường… Do không có một luật điều chỉnh chung các loại quy hoạch, các quy định tại các luật và nghị định liên quan đến quy hoạch mâu thuẫn với nhau dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả của hệ thống quy hoạch. Ngoài ra trong các văn bản pháp luật cũng chưa có các quy định đầy đủ, chặt chẽ về nội dung, tính pháp lý của quy hoạch cũng như các quy định về tổ chức triển khai, giám sát thực hiện quy hoạch dẫn đến các hạn chế của công tác quy hoạch.

Hai là, việc phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương mà chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ dẫn đến sự chia cắt, mâu thuẫn của các quy hoạch

Việc xây dựng, quản lý quy hoạch hiện nay được thực hiện trên nền tảng quản lý nhà nước đã được phân cấp mạnh mẽ [48]. Các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương được tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt một cách tương đối "khép kín", việc tham gia, phối hợp của bộ, ngành, địa phương khác là chưa chặt chẽ, nhiều khi mang tính hình thức, dẫn đến sự chia cắt, mâu thuẫn và không đảm bảo nguồn lực thực hiện các quy hoạch.

Ba là, do chất lượng của đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch còn hạn chế

Những người lập quy hoạch, kế hoạch là những người vẽ nên tương lai, bức tranh về hình dáng phát triển của đô thị. Đội ngũ những cá nhân, tổ chức làm công tác tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là những người phải thực sự có chuyên môn, có tầm nhìn. Tuy nhiên, trên thực tế, do những hạn chế của đội ngũ

những người tham gia vào quá trình lập, thẩm định quy hoạch nên chất lượng của nhiều quy hoạch còn thấp, tầm nhìn ngắn hạn.

Do công tác dự báo còn nhiều bất cập, việc sử dụng các công cụ hiện đại vào công tác quy hoạch còn hạn chế dẫn đến quy hoạch có tầm nhìn ngắn hạn, mang nhiều tính chủ quan, áp đặt, mong muốn hơn là dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc. Đội ngũ những người làm thẩm định và tư vấn lập quy hoạch còn thiếu và chưa có những quy định cụ thể về chuyên môn, hành nghề nên nhiều khi công tác thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục, công tác tư vấn lập quy hoạch chất lượng còn thấp. [80]

Bên cạnh đó, việc quản lý đội ngũ tư vấn còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều địa phương buông lỏng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cá nhân hành nghề lập quy hoạch sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa được quan tâm đúng mực dẫn đến năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cá nhân hành nghề tư vấn còn ở mức yếu kém.

Những bất cập trên đây đặt ra cho công tác quản lý đất đai phát triển đô thị ở nước ta trong thời gian tới nhiều vấn đề lớn cấp bách phải thực hiện.

Trước hết phải hình thành quy hoạch về định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị, tránh tình trạng phát triển đô thị tự phát không theo quy hoạch. Việc quy hoạch hệ thống đô thị cần phải xác định được quy mô, phạm vi phát triển của các đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và giới hạn tình trạng tự phát kéo dài nối liền các đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.

Tiếp đến cần thống kê, điều tra nắm chắc thực trạng sử dụng đất đai của các đô thị hiện có; xây dựng quy hoạch chi tiết việc phát triển không gian và sử dụng đất đô thị để công bố công khai rộng rãi nhằm hạn chế các hoạt động sử dụng tự phát sai quy hoạch, hướng các hoạt động tư nhân đi theo định hướng quy hoạch đã phê duyệt. Xúc tiến việc thực hiện các phương án quy hoạch ở những nơi, những khâu trọng điểm.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, công cụ và bộ máy quản lý việc sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị từ Trung ương đến các thành phố, các quận và cấp phường.

Kết luận chương 2

Dưới góc độ đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị và thực trạng thực thi pháp luật lĩnh vực này, bằng các phương pháp so sánh, phân tích, bình luận, chứng minh luật học, tác giả đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại của hệ thống pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng trong quản lý đô thị ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy còn nhiều điểm chưa phù hợp cần phải khắc phục trong các quy định về quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, đặt ra các yêu cầu phải hoàn thiện về mặt pháp lý các quy định trong lĩnh vực này.

Chương 3

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)