3.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quản lý đô thị ở Việt Nam trong quản lý đô thị ở Việt Nam
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại các nước đang phát triển đã dẫn đến những thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế xã hội của các đô thị. Với những bất lực của nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần có sự can thiệp để định hướng cho sự phát triển đó, đặc biệt là đối với đất đô thị là nguồn tài nguyên hiếm hoi. Có ba lý do để Nhà nước cần có vai trò quan trọng với công cụ quy hoạch để can thiệp vào thị trường đất đô thị là:
Một là nhằm giảm thiểu những tính không hoàn thiện và sự bất lực của thị trường từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường.
Hai là điều hòa các lợi ích cá nhân và xã hội.
Ba là tái phân phối nguồn tài nguyên khan hiếm để những nhóm thiệt thòi trong xã hội đều được hưởng lợi từ phát triển đô thị.
Với công cụ pháp luật, Nhà nước tạo điều kiện cho các tác nhân tham gia phát triển đô thị một cách bình đẳng, công bằng thông qua việc bố trí các chức năng sử dụng đất đô thị hợp lý, hiệu quả, định hướng cho các hoạt động phát triển đất đô thị đáp ứng các nhu cầu cá nhân và xã hội và tạo điều kiện tham gia cho mọi tầng lớp xã hội, tăng tính trách nhiệm cộng đồng và tăng tính xã hội cho các hoạt động phát triển đô thị.
Như ở trên tác giả đã phân tích, những tồn tại, hạn chế của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đó là hệ thống pháp luật không đồng bộ, thống nhất, hiệu quả thực thi pháp luật còn thấp, vì vậy cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan cũng như cần có những giải pháp triển khai những quy định pháp luật quy hoạch, sử dụng đất tại Luật Đất đai năm 2013 tại các đô thị.
Quy hoạch sử dụng đất nói chung và đất đô thị nói riêng nhằm mục đích khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm, khai thác vị trí để phục vụ cho các chức năng cần thiết của đô thị như ở, thương mại, dịch vụ, công nghiệp,… và tạo ra các giá trị tài sản tư nhân và nhà nước, làm giàu cho xã hội. Hoạt động quy hoạch đó diễn ra trong bối cảnh thực tiễn của các đô thị với điều kiện tự nhiên như địa chất thủy văn, địa hình, khí hậu… với các hoạt động sử dụng đa dạng phong phú của các cá nhân, tổ chức nhà nước và tư nhân, và với các hoạt động phát triển tạo ra các cấu trúc sử dụng đất mới hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn phù hợp với nhu cầu đa dạng của cuộc sống đô thị, phát triển đô thị đất nước.
Để mục đích của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt được, cần có một loạt các quy định và chính sách pháp luật ban hành là công cụ mà Nhà nước đề ra. Trước hết, đó là hệ thống chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình lập quy hoạch… để định hướng trước mắt và lâu dài cho công tác quy hoạch. Sau đó là các công cụ phát triển mà Nhà nước có thể trực tiếp và gián tiếp tác động tích cực đến phát triển đô thị. Các công cụ này cần mang tính đa dạng để đáp ứng mọi điều kiện thực tế và các mức độ yêu cầu khác nhau của phát triển, tất cả đều hướng tới một mục đích chung là phát triển đô thị hiệu quả và bền vững. Các công cụ này đồng thời phải mang tính linh hoạt để áp dụng được trong cơ chế thị trường biến động.