2.2. Đánh giá thực trạng thi hành pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
2.2.1. thị hó a thách thức trong việc phát triển và quản lý đô thị ở Việt Nam
Hệ thống đô thị là những đại biểu chủ yếu của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị. Do đó, phát triển hệ thống đô thị như là một quy luật tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia, nhằm tiến tới xã hội văn minh hiện đại. Hệ thống đô thị đóng vai trò là một hệ thống khung xương phát triển của mỗi lãnh thổ, đất nước. Những quốc gia phát triển là những nước có mạng lưới đô thị dày đặc với sự phân hóa sâu sắc về quy mô dân số và lãnh thổ, cũng như cấu trúc không gian của nó. [78] Phần lớn nguyên nhân của đô thị hóa nảy sinh là khát vọng phát triển cấu trúc không gian của đô thị. Sự xuất hiện của các khu đô thị mới, khu công nghiệp và những thành phố chính là sự thay đổi về lượng rõ ràng nhất của đô thị.
Sự tiến bộ của cách mạng khoa học - kỹ thuật đã giúp cho đô thị phát triển, làm cho đô thị và nông thôn gần nhau hơn thông qua phân công lao động xã hội. Tuy vậy, khi các thành phố được mở rộng thì những vấn đề liên quan đến đi lại, nghỉ ngơi, tiếp xúc với thiên nhiên… của cư dân đô thị ngày càng cao. Đô thị càng phát triển và càng lớn thì cường độ di chuyển của người dân càng nhiều. Đó là những nguyên nhân cơ bản gây ra ô nhiễm môi trường do chất thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, tai nạn giao thông gia tăng.
Tính đến nay, cả nước có 779 đô thị gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 15 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 74 đô thị loại IV và 623 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt khoảng trên 34,5% (tăng 2,05% so với năm 2012), tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 80,5% (tăng 2,5% so với năm 2012), tỷ lệ thất thoát, thất thu khoảng 25,5% (giảm 3% so với năm 2012), tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt khoảng 84,5%...[11]
Đô thị hóa diễn ra rộng khắp trên mọi miền lãnh thổ đất nước ta, đô thị được xây mới ở tất cả các kích cỡ, ở bất cứ đâu có quỹ đất nông nghiệp có thể chuyển đổi. Quá trình đô thị hóa theo lãnh thổ ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, nhưng sự xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, một bộ phận lớn dân cư nông thôn bị mất tư liệu sản xuất (đất đai) không kịp chuyển đổi ngành nghề phù hợp đã bị bần cùng hóa bởi mặt trái của lối sống đô thị. Ít ai nhận ra rằng, ở Việt Nam chúng ta quá trình đô thị hóa xảy ra nhiều năm trước quá trình công nghiệp hóa, khiến cho mô hình và tư duy đô thị gặp sự khủng hoảng lớn. Đô thị Việt Nam càng phát triển càng bộc lộ nhiều yếu kém gây tác hại lâu dài. Các căn bệnh đô thị như giao thông, nước thải sinh hoạt, di dân tự do, xây dựng tràn lan, an ninh xã hội… ngày càng trầm kha. Công tác hoạch định đô thị chưa bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia.[52]
Có thể thấy rằng, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng “đô thị hóa giả tạo”: đô thị có sự mở rộng quá mức lãnh thổ sang khu vực nông thôn, trong khi đó cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng sản xuất của đô thị…
vẫn chưa phát triển tương xứng với quy mô, loại của đô thị, quy hoạch sử dụng đất còn tùy tiện, theo ý muốn của các nhà lãnh đạo, mà chưa quan tâm đến nhu cầu thật sự của kinh tế, xã hội. Đây là một vấn đề bức xúc, thách thức lớn cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển đô thị và vấn đề an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu lương thực ở nước ta, đặc biệt, cần hạn chế hiện tượng “đô thị hóa giả tạo”, mà chú trọng phát triển đô thị hóa theo chiều sâu: nâng cao chất lượng, phân bổ hợp lý mạng lưới quần cư đô thị theo lãnh thổ, sử dụng hợp lý quỹ đất cho phát triển đô thị, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau.