Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
1.2. PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
1.2.2. Mối quan hệ giữa phòng, chống mua bán phụ nữ trẻ em và bảo đảm
đảm quyền con người
Nhân quyền, hay Quyền Con Người (Human rights), được xem là sự kết tinh những giá trị nhân văn cao đẹp trong văn hóa nhân loại, là những chuẩn mực toàn cầu mà các cá nhân và cộng đồng hướng tới và đấu tranh để bảo đảm nhân phẩm và hạnh phúc của mình.
QCN là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong hệ thống luật pháp quốc gia và các văn kiện pháp lý quốc tế. Bảo vệ và thúc đẩy thực thi QCN chính là bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ giá trị con người, bảo vệ các tự do cơ bản, tạo điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người.
Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 (UDHR) đã khẳng định: tất cả mọi người (kể cả nạn nhân bị mua bán) đều có những QCN cơ bản sau [22]:
- Quyền tự do;
- Quyền được tôn trọng phẩm giá; - Quyền được sống, tự do và an toàn;
- Quyền không bị giam giữ như nô lệ hay trong tình cảnh như nô lệ; - Quyền không bị đối xử tệ bạc;
- Quyền bình đẳng; - Quyền riêng tư; - Quyền có gia đình;
- Quyền làm việc trong điều kiện thuận lợi; - Quyền được học hành;
- Quyền được tham gia; - Quyền được ra quyết định;
Các quyền này sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong hai công ước là ICCPR và ICESCR. Dân sự, chính trị và Kinh tế, xã hội, văn hóa là hai nhóm quyền chính cấu thành các quyền và tự do cá nhân cơ bản. Bên cạnh đó là các QCN thuộc thế hệ thứ ba mới được nghiên cứu và cổ vũ trong thời gian gần đây như quyền phát triển, quyền được sống trong hòa bình,…
Nguyên tắc cơ bản của Luật nhân quyền quốc tế đó là các QCN được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người. Tuy nhiên sự bình đẳng này phải được hiểu là mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại đều có cơ hội được hưởng các quyền như nhau trong những điều kiện, hoàn cảnh, năng lực sẵn có như nhau. Như vậy, các nhóm xã hội phải chịu thiệt thòi và có xuất phát điểm thấp hơn xứng đáng và cần thiết được hưởng các quyền đặc thù để có thể đạt được sự bình đẳng thực chất [13, tr.15]. Năm 1979 Công ước CEDAW ra đời, không nhằm xác lập các QCN mới cho phụ nữ mà hướng tới những cách thức, biện pháp loại trừ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong việc hưởng thụ các QCN của họ đã được thừa nhận trong luật pháp quốc tế. Còn Công ước CRC với cách tiếp cận khẳng định trẻ em là một chủ thể của các quyền và quá trình phát triển, trẻ em là một nhóm xã hội dễ bị tổn thương với các nhu cầu đặc biệt, có quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt.
Vấn đề bảo vệ QCN luôn được nhắc đến như một giải pháp và mục tiêu hướng đến trong các văn kiện quốc tế về phòng chống mua bán người. Và nhiệm vụ xóa bỏ hoạt động mua bán người cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các công ước quốc tế, các nghị định thư về QCN. Điều đó phần nào đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa đảm bảo QCN và phòng chống MBPNTE. Xóa bỏ nạn
MBPNTE là một trong những nhiệm vụ cơ bản để bảo vệ, thực thi quyền con người. Cùng với đó khi các quyền con người của phụ nữ và trẻ em được tôn trọng, bảo vệ tốt sẽ giảm thiểu đi tính dễ bị tổn thương của họ, tạo cho họ “sức đề kháng” nhất định với MBPNTE. Đặc biệt đối với các nạn nhân của MBPNTE sau khi được giải cứu thì việc bảo vệ quyền con người của góp phần lớn trong việc trợ giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, việc nghiên cứu chính sách phòng chống MBPNTE theo hướng tiếp cận dựa trên quyền là một hướng đi hợp lý, có hiệu quả.
Tiếp cận dựa trên quyền (Human Rights – based Approach) là phương pháp tiếp cận lấy QCN là trung tâm để xem xét giải quyết vấn đề. HRBA là việc trao quyền cho mọi để họ biết và đòi hỏi về các quyền mà họ được hưởng, đồng thời nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cá nhân, thiết chế trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi các QCN [16, tr.213].
Đây là phương pháp mới, hiện nay chủ yếu mới được thực hiện trong các chương trình liên kết hợp tác của LHQ với chính phủ các quốc gia. Tuy nhiên HRBA là phương thức tiếp tiên tiến trong việc hoạch định chính sách, xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình phát triển của nhà nước của mọi tổ chức hay cơ quan nhà nước. Trong khuôn khổ hợp tác, cả chính phủ sở tại và các cơ quan của LHQ đều phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của HRBA:
Các mối quan hệ giữa chính quyền và người dân không phụ thuộc vào thiện chí của các chính phủ đối với việc đáp ứng nhu cầu của người dân. Thay vào đó, các chính phủ, khi cam kết các tiêu chuẩn cần phải đồng ý rằng họ có trách nhiệm đảm bảo tất cả các quyền được thực hiện và không ai có thể bị phân biệt đối xử hoặc phải chịu sự bất bình đẳng do đặc điểm cá nhân họ như giới tính, thành viên của nhóm thiểu số,v.v... [16, tr.28].
HRBA được đánh giá là rất hiệu quả, phù hợp với các hoạt động đòi hỏi tính liên kết, hợp tác [16, tr.26]. Xóa bỏ MBN nói chung và MBPNTE nói riêng là nhiệm vụ có tính chất toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực từ tất cả các quốc gia. Tuy có sự khác biệt về trình độ phát triển, năng lực quốc gia, truyền thống văn hóa lịch sử nhưng QCN – giá trị văn minh chung của nhân loại sẽ là nơi để tất cả tìm được tiếng nói
chung, điều này cho thấy tính chính xác khi lựa chọn HRBA trong công tác phòng chống mua bán người. HRBA luôn chú trọng đến quá trình thực hiện mà không chỉ kết quả, nhấn mạnh vào việc trao quyền cho người dân và thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước về các nghĩa vụ bảo về quyền.
Với những phân tích ở trên có thể nhận thấy, sử dụng phương pháp HRBA trong xây dựng và thực thi pháp luật, hoạch định chính sách và thực hiện công tác phòng chống MBPNTE sẽ mang lại hiệu quả mang tính căn cơ, lâu dài, đạt được kết quả ngay ở khâu phòng ngừa thay vì phải dành nhiều nguồn lực cho công tác phát hiện và xử lý và giải quyết hậu quả sau này. Tại Khung hành động quốc tế để thực thi Nghị định Parlemo do UNODC đưa ra thì HRBA là nguyên tắc cơ bản đầu tiên khi thực hiện công tác phòng, chống MBN [80].
Nhà nước với những nghĩa vụ cụ thể, những chuẩn mực quốc tế đã được công nhận sẽ có những định hướng, mục tiêu rõ ràng cũng như giới hạn trong việc vi phạm QCN. Tuy nhiên nếu tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước trong công tác phòng chống MBPNTE sẽ hạn chế các nguồn lực cho công tác này đồng thời thiếu đi cơ chế đánh giá tính hiệu quả, tiếng nói phản biện và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Nhận thức này cũng phù hợp với việc bảo vệ QCN khi mà các chủ thể có trách nhiệm không chỉ bao gồm Nhà nước mà còn có các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế hay các tập đoàn, công ty đa quốc gia.