Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
2.2. THỰC TIỄN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN PHỤ NỮ
2.2.1. Thực trạng nạn MBPNTE tại Hải Phòng
Có thể nói rằng, hoạt động MBPNTE tại Hải Phòng dù không quá nghiêm trọng và phức tạp như khu vực các tỉnh biên giới phía bắc nhưng vẫn luôn tồn tại, biến đổi theo từng bối cảnh lịch sử và kinh tế của Hải Phòng.
Những năm đầu sau thống nhất đất nước, khi cả nước nói chung và Hải Phòng đối mặt với nhiều khó khăn thiếu thốn, đời sống người dân không đảm bảo, một số người dân đã lựa chọn Hải Phòng trở thành địa điểm để lên những chiếc
thuyền vào miền Nam hoặc vượt biên trái phép. Nhiêu người dân ở các vùng ven biển của Hải Phòng như Lập Lễ, Thủy Nguyên, hay Đại Hợp, Kiến Thụy vì cuộc sống khó khăn cũng đã lựa chọn con đường này. Cùng với đó là những người gốc Hoa vì nhiều lý do khác nhau đã ồ ạt rời khởi Hải Phòng những năm 1978-1979, trước giai đoạn đó Hải Phòng cũng từng có những khu phố người Hoa buôn bán sầm uất dọc sông Tam Bạc. Đích đến của họ thường là Hong Kong, Indonesia, Australia, Philippines rồi sau đó đi xa hơn. Nhiều người trong số họ bị chết trên biển, bị lừa gạt, trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người. Thế giới thường gọi họ là những thuyền nhân Việt Nam. Đây là thời kì với nhiều tranh cãi giữa các bên về vấn đề nhân quyền, tị nạn và việc trao trả những thuyền nhân Việt Nam [70]. Hải Phòng cũng từng phải đối mặt với vấn đề ở những “xóm bờ sông”, đó là những khu dân cư được hình thành tự phát dọc các bãi bồi ven sông ở Hải Phòng, phần lớn những gia đình ở đây đều mưu sinh bằng việc đánh bắt thủy sản trên những con thuyền nhỏ, họ ở nhiều nơi khác nhau tìm đến Hải Phòng để kiếm sống. Sau đó khi việc đánh bắt thủy sản không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống họ lên bờ tìm kiếm các công việc phổ thông như bê vác tại các cầu cảng, xây dựng,…. Những gia đình này không có hộ khẩu ở Hải Phòng, không được hưởng bất kì điều kiện phúc lợi nào như giáo dục, chăm sóc y tế cũng không có đất để sản xuất hay xây dựng nhà ở. Vì vậy tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm cũng diễn biến rất phức tạp trong đó có việc mua bán người. Ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này là khu vực “Mom thủy đội” thuộc địa phận phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, nơi có 47 hộ dân với 168 nhân khẩu sống trên các con thuyền cũ nát ven sông Tam Bạc, phần lớn đều sống trong điều kiện hết sức khó khăn, từ năm 2010 nơi đây mới được cấp điện, hiện vẫn không có nước sạch, trẻ em từ năm 2015 mới được đến trường. Ở đây có trường hợp của bà Nguyễn Thị Gái, sinh năm 1955, từng “chăn” hàng chục trẻ em, đánh đập, bắt chúng đi ăn xin cho mình, đến nay bà Gái không còn đủ sức làm việc đó nữa nên tự mình đi ăn xin tại khu vực xung quanh đây [66].
Sau đó đến giai đoạn những năm 2000, phụ nữ ở nông thôn Hải Phòng ồ ạt sang nước ngoài lấy chồng với mong muốn đổi đời hoặc ít nhất là thoát khỏi cuộc
sống khó khăn hiện tại. Đích đến của họ thường là Trung Quốc, Đài Loan và sau này là Hàn Quốc. Không có thống kê cụ thể nào về việc bao nhiêu người trong số họ đã bị lừa gạt và trở thành nạn nhân của MBN vì nhiều người sau khi xuất cảnh đã không còn duy trì được liên lạc với gia đình. Nhiều người trở về cũng thừa nhận mình đã bị mua bán, tuy nhiên nhiều người đã chấp nhận cuộc sống hiện tại do họ đã có con hoặc sinh sống ổn định. Tâm lý sợ bản thân và gia đình bị những người xung quanh kỳ thị cũng khiến các nạn nhân lựa chọn im lặng và thỏa hiệp. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Công an Hải Phòng đã phát hiện hơn 50 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán, trong đó đã trở về (được giải cứu và tự trở về) là 44 người. Công an thành phố đã xác định các huyện Kiến Thuỵ, Thủy Nguyên là tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người, là địa bàn có số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc) lớn nhất thành phố [1].
Từ sau khi Việt Nam mở của nền kinh tế, hội nhập với thế giới đến nay, hoạt động xuất khẩu lao động diễn ra nhộn nhịp, là một trong những giải pháp để giải quyết nguồn lao động dư thừa cũng như mang lại nguồn ngoại hối, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, người Việt Nam nói chung và người Hải Phòng nói riêng trong những năm 2000 và thậm chí đến tận ngày nay chủ yếu xuất khẩu lao động với ngành nghề lao động phổ thông, với năng lực ngoại ngữ và trình độ học vấn hạn chế. Khi rời khỏi Việt Nam họ trở thành những người lao động di trú – một trong những nhóm người dễ bị tổn thương, và cũng là nạn nhân yêu thích của những kẻ MBN. Trong giai đoạn 2011 -2015 Công an Hải Phòng đã thu thập được thông tin về các công ty tuyển dụng xuất khẩu lao động trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: Đưa người lao động ra nước ngoài để cưỡng bức lao động; tổ chức xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động... Phát hiện 04 đường dây đưa người lao động ra nước ngoài trái phép [1].
Theo thống kê của trang web Diamo.com, năm 2018 có 95% dân số Việt Nam từ 15-54 tuổi sở hữu 01 chiếc điện thoại, 67% dân số sử dụng internet, 55% dân số sử dụng mạng xã hội [71], với Hải Phòng nơi có mức sống ở mức khá cao so với cả nước thì tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn. Và các đối tượng MBPNTE thích
nghi rất nhanh với sự phát triển này. Thay vì các tiếp cận truyền thống nhiều rủi ro, dễ bị phát hiện bởi gia đình nạn nhân hay các cơ quan chức năng, những kẻ MBPNTE người triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook…), trò chơi trực tuyến trên Internet để làm quen, kết bạn, tạo dựng lòng tin, quan hệ yêu đương với các phụ nữ trẻ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý của gia đình để lừa bán ra nước ngoài. Điển hình là vụ: Cuối tháng 8/2014, qua mạng xã hội Zalo, đối tượng Nông Văn Căn, sinh năm 1987, ĐKNKTT: Mai Chung, Xuân Hòa, Bảo Yên, Lào Cai (lấy tên giả là Quân) đã làm quen với Phạm Thị P, sinh năm 1996, ở Thúy Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa và Phạm Thị N, sinh năm 1996, ở Ngọc Khuê, Ngọc Lặc, Thanh Hóa đang sống cùng gia đình tại Hải Phòng. Ngày 30/8/2014, Nông Văn Căn rủ P và N đi Hà Nội, Lào Cai chơi sau đó cùng Sùng A Giang (tức Nam), sinh năm 1991, ĐKNKTT: Tả Suối Câu, Cốc Mỳ, Bát Xát, Lào Cai lừa bán P, N sang Trung Quốc. Ngày 10/9/2014, Phạm Thị P, Phạm Thị N và Seo Thị S (ở xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã trốn được ra ngoài và đến trụ sở Công an Trung Quốc trình báo. Công an thành phố Hải Phòng phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai đón N, Ph về đoàn tụ cùng gia đình. Căn và Sùng sau đó đã bị truy tố và xét xử về tội mua bán người [1].
Hải Phòng là một thành phố du lịch biển với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà, cùng với đó là cuộc sống của một đô thị công nghiệp lâu đời với các hoạt động giải trí nhộn nhịp, và kéo theo các hoạt động này chính là nhu cầu về mại dâm. Từ trước đến nay Việt Nam vẫn nghiêm cấm các hành vi mua, bán dâm, hình sự hóa hành vi môi giới bán dâm, tuy nhiên các hành vi này vẫn âm thầm tồn tại trong thực tế. Và cũng bởi vì đây là hành vi phi pháp nên không thể có cơ chế quản lý nhà nước về hoạt động mại dâm cũng như nhân thân của những người hành nghề mại dâm. Cùng với đó là các hoạt động nhạy cảm tương tự như massage kích dục, tiếp viên tại các quán hát tự chọn,… Ở Việt Nam, những phụ nữ hành nghề mại dâm thường bị xã hội lên án, bị kì thị do tư tưởng văn hóa truyền thống, vì vậy không nhiều người tự nguyện lựa chọn làm việc này. Rất nhiều trong số họ có hoàn cảnh sống khó khăn, bị ép buộc thậm chí bị mua bán và buộc phải thực hiện
hành vi bán dâm để trả nợ cho những kẻ MBN. Điển hình là vụ việc: Khoảng tháng 02/2012, đối tượng Vũ Thị Loan, sinh năm 1983, ĐKHKTT: Dư Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng, trao đổi với Hoàng Đình Dũng, sinh năm 1985 ở Hợp Đức, Đồ Sơn, Hải Phòng về việc cần tìm các cô gái để đưa đến nhà nghỉ Hoàng Vy ở thị trấn Cát Bà, Cát Hải, Hải Phòng làm gái bán dâm. Từ tháng 3/2012 đến tháng 5/2012, Hoàng Đình Dũng và Vũ Văn Tuấn, sinh năm 1989 ở Nam Trực, Nam Định lừa bán Triệu Thị T, sinh năm 1989; Nông Thị V, sinh năm 1992 cùng trú tại: Nà Loọc, Bằng Lãng, Chợ Đồn, Bắc Kạn; Lê Thị T, sinh năm 1990, trú tại: Sa Ba, Trực Nội, Trực Ninh, Nam Định; Lanh Thị H, sinh năm 1990, trú tại: Nà Phia, Yên Phú, Bắc Mê, Hà Giang; Hà Thị Kiều O, sinh năm 1997, trú tại: Thôn Mát, Phúc Khánh, Yên Lập, Phú Thọ cho Loan làm gái bán dâm. Các nạn nhân sau đó đã được giải cứu, các đối tượng MBN đã bị điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật [1].
Không chỉ dừng lại ở việc lừa dối, dụ dỗ, đã từng xảy ra nhiều vụ việc các nạn nhân bị các đối tượng MBN bắt cóc, đánh đập sau đó đưa sang Trung Quốc bằng đường bộ qua tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn hoặc đưa lên những con tàu đánh cá rồi đưa tiến hành mua bán các nạn nhân tại vùng biển ngoài khơi Vinh Bắc Bộ. Điển hình là vụ việc:
Ngày 25/4/2016 anh Nguyễn Văn T (SN 1993, ĐKTT: Đại Bản, An Dương, Hải Phòng) bị bắt cóc tại địa bàn Hải Phòng sau đó bị đưa sang Trung Quốc cùng một số phụ nữ khác. Các đối tượng đòi 700.000.000 đồng tiền chuộc nếu không anh Tưởng sẽ bị bán để lấy nội tạng [2].
Công an TP Hải Phòng đã phối hợp C45, Cục Đối ngoại - Bộ Công an xây dựng kế hoạch giải cứu; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát Trung Quốc cùng Công an Trung Quốc đã giải cứu thành công, đảm bảo an toàn, tính mạng cho 07 nạn nhân (03 nam, 04 nữ) và bắt giữ 08 đối tượng người Việt Nam (06 nam, 02 nữ) vào ngày 28/4/2016 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Cá biệt cũng đã có báo cáo về việc một người có nguyên quán tại Hải Phòng là nạn nhân của MBN tại Anh. (năm 2017, Cảnh sát Anh đã đề nghị Công an Hải Phòng xác minh nhân thân 02 người nghi là nạn nhân của MBN tại Anh) [3].
Qua nghiên cứu các vấn đề thực tiễn nêu trên có thể tổng kết lại như sau:
Một là, bối cảnh dẫn tới việc MBPNTE tại Hải Phòng
- Điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là khu vực nông thôn, hải đảo và các khu dân cư tự phát.
- Một số phụ nữ, trẻ em nhẹ dạ cả tin hoặc có tâm lý thích hưởng thụ, lười lao động, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình.
- Các hoạt động xuất khẩu lao động hay kết hôn có yếu tố nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra MBPNTE.
- Hoạt động du lịch, giải trí dẫn tới nhu cầu không nhỏ về hoạt động mại dâm.
Hai là, về phương thức, thủ đoạn thực hiện việc MBPNTE
- Lừa dối các nạn nhân thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc các phương tiện thông tin, tách các nạn nhân khỏi gia đình và đưa khỏi địa phương, tiến hành khống chế, sau đó tiến hành bóc lột hoặc mua bán các nạn nhân.
- Bắt cóc, đưa các nạn nhân bằng đường bộ hoặc đường biển ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc sau đó đòi tiền chuộc hoặc tiến hành bóc lột, mua bán các nạn nhân.
- Kết hôn, hoặc đưa đi lao động tại ngoài sau đó tiến hành bóc lột hoặc mua bán, trao đổi các nạn nhân.
Ba là, việc sử dụng các nạn nhân của việc MBPNTE tại Hải Phòng chủ yếu vào hai mục đích
- Buộc các nạn nhân là trẻ em vào việc ăn xin, đánh giày hay các công việc phổ thông khác để thu các khoản lợi nhuận cho mình.
- Buộc các phụ nữ, trẻ em gái thực hiện hoạt động mại dâm, nhân viên massage, tiếp viên tại các nhà hàng, khách sạn hay các địa điểm giải trí khác.
- Đối với các nạn nhân bị đưa ra nước ngoài thì bị sử dụng vào các mục đích đa dạng hơn từ bóc lột sức lao động, mại dâm, hôn nhân cưỡng bức, ….