HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tiếp cận từ góc độ quyền con người và thực tiễn tại thành phố hải phòng (Trang 93 - 98)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

3.1.HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

- Sửa đổi Luật PCMBN 2011 theo hướng quy định rõ về khái niệm, hành vi, mục đích của việc MBN phù hợp với Nghị định thư Palermo, đồng bộ hóa các quy định về quyền của nạn nhân của MBN và trách nhiệm bảo vệ các quyền đó của các cơ quan chuyên môn hiện nay đang tản mát trong nhiều văn bản khác nhau. Trong đó cần lưu ý đến một số quyền như yêu cầu các cơ quan chức năng giữ bí mật đời tư và nhận dạng, quyền yêu cầu bồi thường.

- Bổ sung một quy định vào Điều 28 Luật PCMBN trong đó thừa nhận giấy tờ chứng nhận do các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ quốc tế và Việt Nam hoạt động trên lĩnh vực phòng, chống mua bán người cấp cho nạn nhân bị mua bán, đồng thời sửa đổi Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 theo hướng bổ sung quy định về những tài liệu, chứng cứ cụ thể cần thiết để chứng minh một người là nạn nhân bị mua bán.

- Nghiên cứu, sửa đổi các quy định tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT/BCA- BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 10/02/2014 theo hướng đơn giản hóa tối đa trình tự thủ tục xác minh nạn nhân của MBN.

- Nghiên cứu, sửa đổi Luật trẻ em và các văn bản liên quan theo hướng quy định Trẻ em là người dưới 18 tuổi.

- Bổ sung các quy định cụ thể hóa nguyên tắc tôn trọng quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc và về việc chấm dứt nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài vào Luật Nuôi con nuôi hoặc Nghị định số 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn

thi hành luật này để tăng cường hiệu quả phòng ngừa mua bán trẻ em qua việc cho nhận con nuôi trong và ngoài nước.

- Sửa đổi các nghị định về xử lý vi phạm hành chính, quy định điều kiện kinh doanh, cấp phép hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh MBPNTE như xuất khẩu lao động, dịch vụ lưu trú, Karaoke,… theo hướng ràng buộc trách nhiệm phòng ngừa MBPNTE, xiết chặt các điều kiện kinh doanh, hoạt động, tăng nặng hình phạt nếu xảy ra vi phạm. Đồng thời miễn trách nhiệm hành chính đối với các hành vi mà nạn nhân bị buộc phải thực hiện.

- Sửa đổi các nghị định về xử lý hành chính đối với các hành vi xâm hại, lạm dụng phụ nữ, trẻ em (các hành vi chưa đến mức xử lý hình sự theo quy định của BLHS 2015) theo hướng tăng nặng hình phạt, bổ sung thêm các hình phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh, tịch thu tài sản thu lợi bất chính.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục trong Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này để có thể thu thập đầy đủ thông tin về người Việt Nam ra nước ngoài làm việc mà không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của công dân, qua đó làm giảm nguy cơ mua bán người từ việc người lao động tự mình hoặc được đưa ra nước ngoài làm việc.

- Sớm có văn bản hướng dẫn thi hành các điều 348, 349, 350 của Bộ luật hình sự, phân biệt rõ các tội phạm này và tội phạm MBN. Hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với các hành vi không quá nghiêm trọng mà các nạn nhân buộc phải thực hiện do bị đe dọa, uy hiếp đến tính mạng hoặc trong quá trình chạy trốn khỏi các đối tượng MBN.

- Sửa đổi một số quy định của BLTTHS 2015 theo hướng bổ sung người báo tin về tội phạm, người chứng kiến, người phiên dịch, người dịch thuật vào diện những người được bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 484 BLTTHS năm 2015, bổ sung cho người đại diện của người được bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần có quyền đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ người tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự [72].

- Nghiên cứu phương thức Tuyên án bảo đảm bí mật thông tin và nhận dạng của các nạn nhân trong các vụ án MBPNTE, ví dụ như viết tắt tên, không tuyên đọc tên, địa chỉ của nạn nhân khi tuyên án.

- Xây dựng các quy định để hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân của MBPNTE trong tố tụng dân sự. Nghiên cứu ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn áp dụng các quy định về kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLTTHS, BLTTDS theo hướng đơn giản hóa các thủ tục và giấy tờ chứng minh thiệt hại trong các vụ MBN để hỗ trợ nạn nhân trong việc đòi bồi thường. Xác định án lệ hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm xác định danh mục các khoản tiền mà nạn nhân có thể yêu cầu các đối tượng bồi thường. Nghiên cứu xây dựng các quy định cho phép người thân sống phụ thuộc vào các nạn nhân của MBN được quyền yêu cầu các khoản chu cấp hợp lý trong thời gian các nạn nhân chưa được giải cứu hoặc trở về.

- Sửa đổi các Điều 20, 21 Nghị định 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 theo hướng quy định mọi nạn nhân bị mua bán,kể cả cư trú hoặc không cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, đều được hưởng những dịch vụ hỗ trợ về tâm lý và y tế nếu có nhu cầu (trong một khoảng chi phí hợp lý mà ngân sách có thể chi trả).

- Nghiên cứu xây dựng quy định cho phép trích số tiền tịch thu tài sản của các đối tượng MBN do phạm tội MBN mà có, số tiền thu được hoạt động xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến hoạt động phòng, chống MBN (xuất khẩu lao động, dịch vụ giải trí) để thành lập các quỹ hỗ trợ nạn nhân của MBN.

- Nghiên cứu trách nhiệm của các cơ quan dân cử như Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát hiệu quả của công tác phòng, chống MBN, đặc biệt là công tác sử dụng ngân sách cho hoạt động này.

- Đẩy nhanh việc xây dựng ban hành Luật về hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập các hội, nhóm về phòng, chống MBPNTE.

- Kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, quan tâm thu hẹp chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn. Cụ thể:

+ Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp.

+ Sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiếp tục bố trí ngân sách cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới xác định các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó đặc biệt lưu ý đến tiêu chí về mức thu nhập của người dân, tiêu chí về y tế, giáo dục, môi trường. Đồng thời thực hiện các biện pháp chống thất thu ngân sách phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi trốn thuế, chuyển giá để tạo thêm nguồn lực đầu tư cho xã hội.

+ Đào tạo nghề, hỗ trợ các khoản tín dụng lãi suất thấp cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí, giảm giá điện, nước, miễn học phí,...

+ Đẩy mạnh đầu tư cho các cơ sở giáo dục, dạy nghề, giảm các khoản đóng góp, chi phí khác đối với người học tập. Tạo cơ hội xóa mù cho phụ nữ, cơ hội học hành cho trẻ em thông qua biện pháp miễn giảm học phí, hỗ trợ cơ sở vật chất, trường lớp, mở lớp học tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

+ Thực hiện mục tiêu 100% người dân tham gia BHYT, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế trong đó chú trọng chất lượng dịch vụ y tế của tuyến cơ sở.

- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi thực hiện các dự án đầu tư công cũng như tư nhân, đặc biệt chú ý đến sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

- Nhận diện nạn nhân MBPNTE giả định trong nhóm những người dễ bị tổn thương để kịp thời có những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ (trẻ em lang thang, mồ côi, phụ nữ nghèo, khuyết tật,…) Thu hút sự tham gia của các nhóm có nguy cơ vào các hội, nhóm phòng, chống MBPNTE.

- Kiên định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường vai trò phản biện xã hội, đảm bảo tự do ngôn luận, tự do báo chí, xử lý nghiêm minh các vi phạm khi phát hiện. Có giải pháp hiệu quả để loại bỏ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, ngăn chặn việc bảo kê, tiếp tay của các công chức nhà nước cho các hoạt động vi phạm pháp luật nói chung, MBPNTE nói riêng.

- Tăng cường tinh giảm biên chế, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Cụ thể:

+ Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên nghiệp vụ, cải thiện hiệu suất làm việc, giảm dần số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

+ Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất đạo đức cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ra khỏi bộ máy.

+ Cung cấp hiểu biết cơ bản về quyền con người, quyền công dân cũng như trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực thi các quyền này.

+ Đào tạo chuyên sâu về công tác phòng, chống MBPNTE cho các cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ này tại các cơ quan nhà nước ví dụ như về phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi MBPNTE hay đặc điểm tâm lý của các nạn nhân và các kỹ năng cần thiết khi làm việc, tiếp xúc với họ.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống MBPNTE, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đao phòng, chống MBN tại địa phương.

- Thiết lập cơ sở dữ liệu chung quốc gia về công tác phòng, chống MBN, nâng cao chất lượng công tác thống kê, công khai cơ sở dữ liệu về hoạt động này (tuy nhiên cần chú ý vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và nhận dạng của các nạn nhân).

- Đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên không gian mạng bằng những giải pháp pháp lý cũng như kỹ thuật, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ loại bỏ nhũng nội dung độc hại, ngăn chặn khả năng tiếp cận của những kẻ MBN với các nạn nhân tiềm năng. Đồng thời phát hiện, xử phạt và xóa bỏ các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng mang tính kì thị, xúc phạm, bôi nhọ, làm tổn thương các nạn nhân của MBPNTE.

- Tăng cường công tác tuần tra, quản lý biên giới, quản lý xuất, nhập cảnh. Xây dựng hệ thống thông tin chung về các đối tượng từng có tiền án, tiền sự hoặc tình nghi liên quan đến hoạt động MBN để áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

- Tăng cường thanh tra lao động, nghiên cứu giải pháp quản lý người lao động làm việc tại các hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, lao động giúp việc tại hộ gia đình.

- Đầu tư, xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân của MBPNTE, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các nạn nhân bằng nguồn lực tối đa cho phép. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý. - Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, phòng chống hành vi rửa tiền, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Có giải pháp giảm dần việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch dân sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tiếp cận từ góc độ quyền con người và thực tiễn tại thành phố hải phòng (Trang 93 - 98)