Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
1.2. PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
1.2.3. Công tác phòng ngừa mua bán phụ nữ và trẻ em
Việc phát hiện, hạn chế tiến tới xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện xảy ra hành vi MBPNTE như đã phân tích ở trên bao gồm hai nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, phòng ngừa, giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương, gia tăng “sức đề kháng” của các đối tượng là nạn nhân tiềm năng của MBPNTE. Nhiệm vụ này được thực hiện qua việc trao quyền, tôn trọng và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện để họ được thực thi quyền của họ trong thực tế.
Thứ hai, triệt tiêu ý định thực hiện hành vi phạm của các đối tượng có ý định thu lợi từ MBPNTE. Nhiệm vụ này có thể thực hiện thông qua công tác giáo dục nâng cao nhận thức về quyền hay chế tài đối với hành vi MBPNTE từ đó hạn chế dần các
nhu cầu chính dẫn đến nạn MBPNTE đó là lao động giá rẻ hay mua bán dâm, cải thiện đời sống người dân, hạn chế dần việc phải thực hiện hành vì vi nghèo đói.
Trước hết phải nhận thức rằng xuất phát từ tính không thể phân chia của QCN thì các QCN đều có tầm quan trọng như nhau, về nguyên tắc không có quyền nào có giá trị cao hơn quyền nào. Tuy nhiên trong một số bối cảnh và đối tượng cụ thể, có thể ưu tiên thực hiện một số quyền nhất định. Ngoài một số QCN cơ bản cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi tình huống như quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử, quyền không bị tra tấn, quyền không bị buộc làm nô lệ, quyền tự do và an toàn cá nhân, quyền tự do tư tưởng và tôn giáo, quyền sở hữu tài sản …. thì trong từng giai đoạn khác nhau của công tác phòng chống MBPNTE cần tập trung hơn vào các quyền khác nhau.
Sự thiếu thốn về các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cơ bản có thể dẫn đến những hành vi bất chấp các quy phạm pháp luật và đạo đức, trái với mong muốn nguyện vọng của bản thân để thỏa mãn các nhu cầu đó, khiến họ dễ dàng trở thành mục tiêu để các đối tượng mua bán người tiếp cận, lừa dối, dụ dỗ hoặc cưỡng ép. Ở một khía cạnh khác, việc thiếu thốn này cũng như nhận thức hạn chế về QCN, quyền công dân cũng có thể là một phần nguyên nhân thúc đẩy các đối tượng thực hiện hành vi MBPNTE để đạt được lợi ích cho bản thân.Vì vậy việc thực thi tốt các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là giải pháp trực tiếp nhất để phòng ngừa MBPNTE. Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cần được tập trung tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy thực thi có thể nêu ra như:
- Quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử;
- Quyền làm việc là quyền được tạo điều kiện làm việc để sống có nhân phẩm, được tự do chấp nhận và lựa chọn việc làm;
- Quyền hưởng an sinh xã hội là quyền được tiếp cận và duy trì những lợi ích bằng tiền hoặc hiện vật để bảo vệ con người trong một số hoàn cảnh khó khăn (thiếu thu nhập do bệnh tật, khuyết tật, thai sản, tai nạn lao động; không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe,…);
- Quyền có mức sống thích đáng bao gồm quyền có nơi cư trú thích đáng, quyền về lương thực và thực phẩm, quyền về nước;
- Quyền về giáo dục gồm các quyền thụ hưởng và quyền tự do giáo dục; - Quyền tham gia vào đời sống văn hóa bao gồm việc tự do lựa chọn, tiếp cận và đóng góp vào đời sống văn hóa;
Việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa này có thể phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế, có các bước phát triển tương ứng với nguồn lực của các quốc gia tuy nhiên cũng đòi hỏi các quốc gia phải chủ động, tích cực, nỗ lực tối đa trong phạm vi nguồn lực của quốc gia mình. Khi thực thi các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội cần lưu ý đến các khía cạnh “sẵn có, tiếp cận được, chất lượng và phù hợp” [56, tr.73].
- Khía cạnh “sẵn có” yêu cầu các nhà nước đảm bảo sự tồn tại về mặt pháp lý, tức là sự công nhận trong pháp luật đối với một lợi ích được hưởng thụ và sự tồn tại trong thực tế của lợi ích ấy.
- Khía cạnh “tiếp cận được” bao gồm bốn yếu tố: Không phân biệt đối xử, tiếp cận được về mặt thể chất (phù hợp với thể chất của mọi người, trong khoảng cách địa lý phù hợp và an toàn), tiếp cận được về mặt tài chính (mọi người có khả năng chi trả chi phí để tiếp cận), tiếp cận được về mặt thông tin (mọi người có quyền tìm kiếm, thu thập, truyền bá thông tin về các quyền lợi được hưởng từ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa).
- Khía cạnh “chất lượng” và “phù hợp” với mỗi quyền cụ thể lại được hiểu khác nhau nhưng nhìn chung được coi là nhưng tiêu chuẩn về các quyền lợi được hưởng từ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa.
Khác với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, các quyền dân sự, chính trị đòi hỏi phải thực hiện ngay lập tức, không phụ thuộc và nguồn lực kinh tế. Việc đảm bảo tốt mỗi quyền này đều đóng góp tích cực cho công tác phòng chống MBPNTE. Ví dụ như quyền tự do lập hội với việc hình thành các hội nhóm, tổ chức phi chính phủ sẽ tham gia vào việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em hay phản biện chính sách quản lý của nhà nước về lĩnh vực này. Hay quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng sẽ
phản ánh sự ủng hộ hay phản đối, sự hài lòng hay không đối với các chính sách phòng ngừa MBPNTE của Nhà nước.
Một số biện pháp khái quát có thể nêu ra gồm:
- Thay đổi, hoàn thiện pháp luật, chính sách để phù hợp với các quy định của Luật nhân quyền quốc tế (bao gồm việc ký, phê chuẩn các công ước, nghị định thư về QCN, về phòng chống mua bán người và nội luật hóa các quy định này), xóa bỏ các quy định lỗi thời, có tính phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em.
- Cải thiện năng lực quản trị của Nhà nước mà cụ thể là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, những người làm việc cho các cơ quan nhà nước, phân công phân quyền hợp lý, thực hiện Nhà nước pháp quyền và hạn chế quyền lực nhà nước không xâm hại đến QCN cũng như xác lập cơ chế pháp lý để theo dõi, giám sát sự tiến bộ của quốc gia trong bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em (ví dụ thành lập Cơ quan Nhân quyền quốc gia).
- Xây dựng cơ chế quản lý nhân khẩu và cư trú linh hoạt và hiệu quả, cung cấp các giấy tờ pháp lý cá nhân cần thiết.
- Ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, trẻ em bằng mọi biện pháp, kể cả bằng chế tài hình sự, thiết lập các cơ chế pháp lý để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, trẻ em.
- Thúc đẩy các chính sách phát triển, chính sách kinh tế để đảm bảo QCN tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em, tập trung vào việc xóa bỏ đói nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững.
- Phân bổ ngân sách, nguồn lực quốc gia nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em (đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận việc làm,…), tăng cường minh bạch trong sử dụng ngân sách và đề cao trách nhiệm giải trình.
- Nâng cao chất lượng và khả năng đáp ứng của các dịch vụ công cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ này của phụ nữ và trẻ em (y tế, giáo dục, an ninh…).
- Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về các quyền của họ, phổ biến các kiến thức về mua bán người trong cộng đồng, đặc biệt là với các đối tượng là nạn nhân tiềm năng của MBPNTE như phụ nữ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, sống trong hoàn cảnh đói nghèo, mồ côi,….
- Giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức tôn trọng QCN của cộng đồng, xóa bỏ các phong tục có tính phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em.
- Tạo cơ hội thuận lợi hơn để người dân thực hiện hiệu quả quyền tham gia, quyền đòi hỏi và khiếu nại về các quyền.
- Tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em tham gia các hội, nhóm, tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ tiếp cận và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân, đặc biệt là các ngành giải trí và du lịch để các ngành này tham gia tích cực vào việc phòng chống MNPNTE
- Bảo đảm hiệu quả trong việc thực thi pháp luật chống lại các vi phạm về quyền của phụ nữ và trẻ em thông qua việc cải thiện năng lực của các cơ quan hành pháp và tư pháp cũng như hoàn thiện pháp luật tố tụng.