Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
1.2. PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM
1.2.5. Công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng
Công tác bảo vệ các nạn nhân phải được thực hiện tức thời ngay từ khi tiếp nhận các nạn nhân được giải cứu, xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi MBPNTE và quá trình hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân sau này. Không chỉ các nạn nhân mà đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là người thân của họ cũng cần được cung cấp sự bảo vệ ở các mức độ. Các nạn nhân và người nhà của họ có quyền cầu các cơ quan nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ nạn nhân bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản cũng như bí mật và nhận dạng của họ. Còn việc hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng bản chất là việc khôi phục, trao cho họ điều kiện thực tế để thực thi các quyền như tất cả những người khác, xóa bỏ những hậu quả của hành vi MBPNTE còn ảnh hưởng đến cuộc sống của hộ (ví dụ như bị kì thị vì từng phải thực hiện việc bán dâm, mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc khuyết tật). Việc hỗ trợ tùy thuộc vào nhu cầu của từng nạn nhân, tuy nhiên các chế độ hỗ trợ phổ biến thường là hỗ trợ như cầu thiết yếu và chi phí đi lại ban đầu, hỗ trợ tâm lý – y tế, hỗ trợ giáo dục – dạy nghề, hỗ trợ giới thiệu việc làm hoặc vay vốn, hỗ trợ pháp lý.
Việc bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng QCN của nạn nhân, bình đẳng, không phân biệt đối xử, bảo đảm bí mật trên cơ sở sự đồng thuận của nạn nhân cũng như đặc thù riêng của nhóm cũng như tình trạng cụ thể của các nạn nhân. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân cũng đóng góp tích cực cho công tác phòng ngừa MBPNTE. Bởi lẽ trong thực tế không ít nạn nhân
sau khi được giải cứu, đưa trở về cộng đồng lại tiếp tục do không thể hòa nhập đã trở thành những kẻ mua bán người hoặc thực hiện các hành vi phạm tội khác.
HRBA trong giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi lẽ các nhà hoạch định chính sách hay đội ngũ làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công phải nhận thức rằng các nạn nhân đang được tạo điều kiện để khôi phục các quyền vốn có của họ, các quyền phổ quát được Luật nhân quyền quốc tế và pháp luật của quốc gia công nhận chứ không phải sự ban phát như công tác từ thiện. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về QCN cho cán bộ, công chức.
Điều 6 LPCMBN quy định nạn nhân của MBN có các quyền:
- Được yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của mình hoặc của người thân thích;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Được hưởng các chế độ hỗ trợ liên quan đến các nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, nạn nhân cũng có hai nghĩa vụ là:
- Cung cấp thông tin liên quan đến việc mua bán người cho cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người [37, Điều 6].
Một số biện pháp khái quát có thể nêu ra gồm:
- Tiếp nhận các nạn nhân, xác minh ban đầu và cũng cấp các giấy tờ định danh cho các nạn nhân nếu không còn (phần lớn các giấy tờ này đã bị các đối tượng mua bán người tước đoạt) trong đó chú trọng đến quyền về quốc tịch của các nạn nhân, hỗ trợ chi phí đi lại để họ trở về nhà hoặc cung cấp nơi cư trú tạm thời trong thời hạn phù hợp cho các nạn nhân nếu họ có nguyện vọng. Đặc biệt đối với các nạn nhân là trẻ em không thể trở về gia đình hoặc có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại khi trở về gia đình thì cần được cung cấp nơi cư phù hợp đến khi các em đủ 18 tuổi.
- Vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ, xoa dịu những tổn thương về thể thể chất và tinh thần của các nạn nhân cần được đề cao, tuy nhiên nếu có chứng cứ hoặc
cơ sở rõ ràng cho rằng các nạn nhân có thể tiếp tục bị xâm hại hoặc gây tổn thương thì cần có biện pháp bảo vệ cần thiết, thậm chí tách các nạn nhân khỏi gia đình (kể cả là với trẻ em và bố mẹ).
- Tôn trọng tuyệt đối quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các nạn nhân trong đó lưu ý việc quản lý thông tin về các nạn nhân của chính các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ các nạn nhân.
- Căn cứ các nguy cơ thực tế để thực hiện một số các biện pháp khác nhau để bảo vệ nạn nhân như: giữ bí mật các thông tin liên quan đến nạn nhân và gia đình họ như tên tuổi, nơi ở, nơi làm việc, phương thức liên lạc; hạn chế việc đi lại hoặc bố trí nơi tạm lánh, bố trí lực lượng có chức năng bảo vệ… Tuy nhiên tất cả các hạn chế về tự do đối với nạn nhân phải dựa trên cơ sở sự đồng thuận của nạn nhân và mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho họ trong và sau quá trình tố tụng.
- Cung cấp các hỗ trợ về y tế, tham vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý trong phạm vi nguồn lực cho phép.
- Giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, có hình thức phát hiện xử lý các hành vi kì thị, phân biệt đối xử hay các nguy cơ xâm hại khác đối với nạn nhân và gia đình họ.
- Khuyến khích các nạn nhân tham gia vào các hội nhóm tự lực (những người cũng là nạn nhân của MBPNTE hoặc có hoàn cảnh khó khăn), tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ tham gia vào việc hỗ trợ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng.