Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tiếp cận từ góc độ quyền con người và thực tiễn tại thành phố hải phòng (Trang 86 - 93)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

2.3.3.Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

2.3. ĐÁNH GIÁ

2.3.3.Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Về nguyên nhân khách quan:

- Việt Nam nằm ở Đông Nam Á – một khu vực“nóng” về nạn mua bán người của thế giới; Hải Phòng có đường bờ biển dài, gần với biên giới Trung Quốc và các tuyến hàng hải quốc tế dẫn tới khó kiểm soát việc xuất, nhập cảnh vào đưa người ra nước ngoài trái phép.

- Hoạt động MBPNTE diễn ra ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

- Chính sách đổi mới, mở cửa của Việt Nam cùng với các yếu tố như toàn cầu hóa, đầu tư nước ngoài, sự phát triển nhanh chóng của các ngành giao thông và công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho sự giao lưu ngày càng dễ dàng của người Việt Nam và người dân các nước khác trên thế giới, song cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các hoạt động mua bán người

- Mặt trái của kinh tế thị trường cổ súy lối sống thực dụng, vô cảm, phá vỡ nền tảng văn hóa gia đình truyền thống, tư tưởng sống thoáng của một bộ phận giới trẻ dẫn tới việc ham muốn lợi ích vật chất, thích hưởng thụ, dễ dãi trong quan hệ, giao lưu kết bạn khiến các đối tượng MBPNTE dễ tiếp cận, dụ dỗ.

- Nhu cầu sử dụng nạn nhân của MBPNTE trên thế giới vẫn rất cao, tạo ra các lợi ích vật chất lớn thúc đẩy lòng tham của những kẻ MBN. Chênh lệch phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia, giữa Hải Phòng và các địa phương là vấn đề không thể giải quyết một sách duy lý trí và đòi hỏi những nỗ lực dài hạn.

- Một số nạn nhân tự trở về nhưng không tố cáo hành vi MBPNTE do tâm lý lo sợ bị kì thị, phân biệt đối xử bởi những người xung quanh.

Về nguyên nhân chủ quan:

- Năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là cán bộ tuyến cơ sở, không được đào tạo bài bản, chuyên sâu về công tác phòng, chống MBPNTE, phần lớn là kiêm nhiệm nhiều công tác.

- Nguồn lực dành cho công tác phòng, chống MBPNTE còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật của các cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBPNTE còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm, cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

- Việt Nam hiện còn rất thiếu khả năng bảo trợ tư pháp và hỗ trợ cho công dân mình là nạn nhân bị mua bán hay cưỡng bức lao động ở nước ngoài do số lượng đại sứ quán và năng lực của các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài còn hạn chế.

Về nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật phòng, chống MBN của Việt Nam:

- Luật phòng, chống MBN chưa quy định rõ khái niệm MBN, một số quy định chưa phù hợp với nghị định thư Palermo, nhiều nội dung về quyền của các nạn nhân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước chưa cụ thể.

- Luật Trẻ em 2016 định nghĩa “trẻ em là công dân dưới 16 tuổi”, Bộ luật Hình sự cũng phân chia đối tượng MBN thành hai nhóm đủ 16 tuổi và dưới 16 (tại điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự), thấp hơn so với định nghĩa trẻ em theo Nghị định thư Palermo (trẻ em là người dưới 18 tuổi). Điều này khiến cho những người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi ở Việt Nam không được hưởng sự bảo vệ chặt chẽ khỏi nạn buôn người như với trẻ em theo quy định của Nghị định Palermo.

- Khuôn khổ pháp luật về nuôi con nuôi của Việt Nam đã hoàn thiện hơn trước rất nhiều, song nguyên tắc tôn trọng quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc vẫn chưa được cụ thể hoá cả trong Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này, khiến cho một số cha mẹ đẻ có thể cho con làm con nuôi mặc dù vẫn có điều kiện nuôi dưỡng. Ngoài ra, cả Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đều chưa quy định về việc chấm dứt nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và hệ quả của việc đó. Đây là những kẻ hở có thể dẫn đến việc mua bán trẻ em thông qua việc cho nhận con nuôi.

- Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý về phòng chống tệ nạn mại dâm, qua đó gián tiếp ngăn ngừa tình trạng mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích bóc lột tình dục; tuy nhiên các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm chưa đề cập đến vấn đề MBPNTE. Thêm vào đó, quy định

về cấp phép cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm còn bất cập, các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn thiếu và chưa đủ tính răn đe. Những điều này làm hạn chế hiệu quả của việc phòng, chống MBPNTE vì mục đích bóc lột tình dục.

- Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các văn bản hướng dẫn cho phép công dân xuất cảnh chỉ cần có visa, hộ chiếu mà không cần làm tờ khai hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho người dân song đồng thời gây khó khăn cho việc kiểm soát tình trạng lao động tự ra nước ngoài làm việc hoặc được đưa ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp – những bối cảnh có nguy cơ cao với nạn mua bán người.

- Pháp luật Việt Nam đã quy định trách nhiệm hành chính, dân sự nhưng chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, mặc dù theo Công ước TOC và Nghị định thư tùy chọn bổ sung Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, các quốc gia thành viên phải quy định trách nhiệm hình sự, dân sự hoặc hành chính với những tổ chức tham gia vào quy trình buôn bán người. Hậu quả là hiện chưa thể xử lý nghiêm khắc một số hành vi liên quan đến mua bán người do pháp nhân gây ra ở Việt Nam, như lợi dụng việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng để bóc lột sức lao động, hay lợi dụng việc cho nhận con nuôi nước ngoài để mua bán trẻ em. Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhưng mới chỉ ở một số tội danh cụ thể, và không có các tội danh về MBN.

- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định nhiều biện pháp bảo vệ tính mạng và đời tư của nạn nhân và nhân chứng trong quá trình tố tụng hình sự nói chung. Các quy định này đã có nhiều điểm tiến bộ, toàn diện hơn so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (việc người tố giác tội phạm cũng có quyền yêu cầu được bảo vệ). Tuy nhiên vẫn có nhiều quy định chưa đầy đủ, đồng bộ (người có quyền yêu cầu tiến hành biện pháp bảo vệ, người báo tin về tội phạm không được yêu cầu bảo vệ…), cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong thực tiễn.

Đồng thời Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và thông tư liên tịch số 02/2018/TT- TANDTC ngày 21/9/2019 của Tòa án đã có các quy định về việc bảo đảm bí mật đời tư cho các nạn nhân là người dưới 18 tuổi hoặc theo yêu cầu chính đáng của

đương sự thì các phiên tòa có thể được xét xử kín, tuy nhiên phải tuyên án công khai. Điều này gây khó khăn cho việc bảo vệ bí mật đời tư và nhân dạng của nạn nhân sau khi xét xử.

- Pháp luật Việt Nam vẫn chưa loại trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán nên họ vẫn có thể bị xử phạt hành chính trong một số trường hợp, ví dụ như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh. Thậm chí trong một số trường hợp ví dụ như làm giả giấy tờ tùy thân họ còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Điều này có thể gây cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị, làm tổn hại đến quá trình hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

- Các quy trình xác minh nạn nhân của MBPNTE quy định tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT/BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH ngày 10/02/2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao được đánh giá là còn quá phức tạp, tổn nhiều thời gian. Bên cạnh đó Pháp luật Việt Nam cũng chưa thừa nhận các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này cũng là một chủ thể trong việc xác định nạn nhân bị mua bán theo như quy định của Nghị định thư Palermo và khuyến nghị của UNOCD, vì vậy làm giảm khả năng phát hiện và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong thực tế.

- Nghị định 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, vì vậy, những nạn nhân không vào cư trú tại các cơ sở đã nêu thì không được hưởng những dịch vụ này.

- Luật PCMBN đã quy định một bộ máy PCMBN, song mới chỉ bao gồm khối nhà nước mà chưa đề cập đến các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ. Thêm vào đó, bộ máy PCMBN hiện hành chủ yếu tập trung vào hệ thống cơ quan hành pháp và ở mức độ nhất định là hệ thống cơ quan tư pháp, mà chưa đề cập đến các cơ quan dân cử. Trong khi đó Việt Nam cũng chưa có cơ chế giám sát nhân quyền quốc gia hay Tòa án bảo hiến. Những bất cập đó làm giảm hiệu quả của bộ máy PCMBN trong việc hoàn thiện và giám sát thực thi pháp luật, chính sách, cũng như khó huy động được những nguồn lực và kinh nghiệm tốt của các chủ thể phi nhà nước trong các hoạt động PCMBN, đặc biệt là việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

- Hiện nay Luật PCMNC chưa quy định quyền kiện đòi yêu cầu bồi thường của nạn nhân. Nhìn chung các nạn nhân vẫn có thể kiện đòi bồi thường dân sự theo các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (do bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm) của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên không có văn bản pháp luật hay án lệ nào cho biết danh mục các khoản tiền mà các nạn nhân có thể yêu cầu, mức tiền có thể yêu cầu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các nạn nhân mà còn tạo ra tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện, không thống nhất.

Mặt khác, nếu vấn đề bồi thường của các nạn nhân không được thực hiện trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự (thường được gọi là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự) mà vì một lý do nào đó được giải quyết trong một vụ án dân sự thì hoàn toàn không có quy định nào cho việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, quy trình tố tụng dân sự cũng thường kéo dài do quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án không thể nhanh chóng như cơ quan Công an.

Chưa có cơ chế nào cho phép những người sống phụ thuộc vào các nạn nhân của MBPNTE (cha, mẹ đã già yếu, con dưới 18 tuổi, chồng không có khả năng lao động) được yêu cầu các khoản bồi thường khi các nạn nhân chưa trở về, kể cả khi những kẻ thực hiện hành vi mua bán người thân của họ đã bị xét xử và tuyên có tội.

- Chưa có Luật về hội và các cơ sở pháp luật khác, do đó việc thực thi quyền tự do lập hội để thành lập các tổ chức phi chính phủ, các hội, nhóm độc lập để thực hiện hoạt động phòng, chống MBPNTE còn gặp nhiều vướng mắc.

- Mặc dù Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế đa phương, khu vực và song phương về PCMBN, tuy nhiên chủ yếu mới nằm ở khu vực Đông Nam Á, và mới đây nhất là Anh, số lượng các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự cũng còn rất hạn chế.

Kết luận chương 2

Thành phố Hải Phòng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học lớn của Việt Nam, là cửa ngõ giao thương với thế giới của miền Bắc. Trong những năm qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội và biến sự phát triển đó thành những sự cải thiện trong chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên Hải Phòng cũng đã và đang gặp những khó khăn mà nhiều địa phương khác gặp phải như sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vấn đề an ninh trật tự hay tham nhũng trong khu vực công.

Về nạn MBN ở Hải Phòng, tuy không diễn ra phức tạp như đối với các tỉnh biên giới phía bắc nhưng vẫn tồn tại và chưa thể xóa bỏ với hầu hết nạn nhân trong các vụ án MBN đã bị phát hiện là phụ nữ và trẻ em. Bối cảnh dẫn tới tình trạng này xuất phát từ những khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng các nạn nhân của MBPNTE để phục vụ cho các hình thức bóc lột vẫn rất lớn hay sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của các nạn nhân.

Công tác phòng, chống MBN người nói chung và MBPNTE đã được các cơ quan chức năng của thành phố quan tâm thực hiện, các chương trình kế hoạch phòng, chống MBPNTE được xây dựng và triển khai nghiêm túc với sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan từ hành pháp tới tư pháp. Đến nay, công tác này đã đạt được kết quả bước đầu khi năm 2018 không phát hiện vụ án MBN nào trên địa bàn, các trường hợp đã phát hiện đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, công tác chăm sóc trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội được quan tâm.

Tuy nhiên những tồn tại của Hải Phòng trong công tác phòng, chống MBPNTE của Hải Phòng có thể nêu ra như

- Việc chủ động phát hiện các vụ việc MBPNTE của các cơ quan chức năng còn hạn chế.

- Phụ nữ và trẻ em nông thôn tiếp tục có nguy cơ cao hơn trở thành nạn nhân của MBPNTE do sự chênh lệch phát triển với khu vực thành thị.

- Công tác tuyên truyền phòng, chống MBPNTE, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh MBN, công tác điều tra, xác minh các nguồn tin về MBPNTE còn nhiều hạn chế, bất cập.

- Nguồn lực dành cho công tác phòng, chống MBPNTE chưa đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân của những hạn chế này đến từ các điều kiện khách quan và những yếu kém mang tính chủ quan của các cơ quan nhà nước cũng như những thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật.

Chương 3

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

Trên cơ sở thực tiễn công tác phòng, chống MBPNTE, những kết quả đã đạt được cũng như những tôn tại hạn chế đã phân tích ở trên, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống MBPNTE tại Việt Nam, tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tiếp cận từ góc độ quyền con người và thực tiễn tại thành phố hải phòng (Trang 86 - 93)