KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tiếp cận từ góc độ quyền con người và thực tiễn tại thành phố hải phòng (Trang 62 - 67)

Chương 1 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MUA BÁN PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

2.1. KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

2.1.1. Vị trí địa lý, vị trí địa chính trị

Được thành lập vào năm 1888, Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là thành phố lớn thứ 3 Việt Nam, lớn thứ 2 miền Bắc sau Hà Nội và là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam, là đô thị loại I, trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ [69].

Hải Phòng nằm ở vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Đông. Thành phố Hải Phòng cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía Đông Đông Bắc [69].

Về vị trí địa chính trị: Hải Phòng là nơi có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin và an ninh, quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Hải Phòng là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc. Là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của Vùng duyên hải Bắc Bộ và là một trong 2 trung tâm phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hải Phòng là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, nằm ngoài Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Hải Phòng còn giữ vị trí tiền trạm của miền Bắc, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân và Bộ Tư Lệnh Quân Chủng Hải quân Việt Nam [69].

Về hành chính: thành phố Hải Phòng với diện tích có diện tích 1507,57 km² (trong đó diện tích đất liền là 1208,49 km²) có 15 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo với 223 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 70 phường, 10 thị trấn và 143 xã [69].

Bờ biển Hải Phòng dài hơn 125 km mang lại nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển như dịch vụ cảng biển – logistic, du lịch hay đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như phòng chống tội phạm.

Về giao thông vận tải: Hải Phòng có đủ cả năm hình thức vận tải hiện nay của Việt Nam là đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, đường hàng không đồng thời là đầu mối giao thông của cả phía bắc Việt Nam và khu vực miền Nam Trung Quốc. Hệ thống giao thông liên kết vùng của Hải Phòng được đánh giá cao so với mặt bằng chung của cả nước với hệ thống các đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Hạ Long, đường bộ ven biển, sân bay quốc tế Cát Bị, Cảng nước sâu Tân Vũ – Lạch Huyện,…

Tại Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 29/01/2019, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng kỳ vọng rất lớn cho sự phát triển của Hải Phòng. Mục tiêu đến năm 2030 phải đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt [6, tr.5].

2.1.2. Cơ cấu dân cư

Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Hải Phòng có tổng số dân là 2.028.514 người (tăng 0.99% so với năm 2009). Mật độ dân số trung bình là 1299 người/km2, cao thứ 8 cả nước [5].

Về cơ cấu theo giới:

Nam: 1.007.767 người, chiếm 49,68% Nữ: 1.020.747 người, chiếm 50,32% Về cơ cấu phân bố dân cư:

- Thành thị: 922.619 người, chiếm %. - Nông thôn: 1.105.895 người, chiếm%.

Về cơ cấu độ tuổi năm 2018 [8]: - Người trên 60 tuổi: 16,02%.

- Người từ đủ 18 tuổi đến 60 tuổi: 53,21 % - Trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi: 22,37% - Trẻ em dưới 5 tuổi: 8,4%

Biểu đồ 2.1: Cơ cấu dân cư thành phố Hải Phòng theo độ tuổi năm 2018

(Nguồn: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hải Phòng (2018),

Các chỉ tiêu DS-KHHGĐ của thành phố Hải Phòng, Hải Phòng).

Có thể nhận thấy, Hải Phòng đang trong thời kỳ “dân số vàng” với số lượng người trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là áp lực lớn cho tương lai nếu không tận dụng tốt.

2.1.3. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội

Với vai trò địa chính trị hết sức quan trọng cùng với nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xã hội nhưng trong những đầu của thế kỷ 21 Hải Phòng có giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội khá trầm lắng, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2011 khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn Hải Phòng gặp khó khăn, tham nhũng trong khu vực kinh tế nhà nước gây ra những thiệt hại nặng nề. Cùng với đó là năng lực quản lý của bộ máy chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế dẫn tới việc Hải Phòng dần đánh mất đi vị thế của thành phố lớn thứ ba cả nước.

Từ vị trí địa phương có quy mô nền kinh tế lớn thứ 2 miền bắc sau Hà Nội, năm 2017 Hải Phòng tụt xuống vị trí thứ 4 sau Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên [54].

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay nền kinh tế Hải Phòng đang có những bước phát triển khởi sắc. Theo báo cáo số 311/BC –UBND ngày 15 tháng 11 năm 2018 của UBND thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh thì một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế của thành phố đều đạt mức khá cao [58]. Cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng trưởng 16,25% so với cùng kỳ năm 2017.

- Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 4277 USD trong khi chỉ tiêu này của Việt Nam đạt 2.587 USD [74].

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng 22,5% so với năm 2017. - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản đạt 2,78%.

- Khách du dịch đạt 7.792.000 lượt, tăng 16,18% so với cùng kỳ năm 2017. - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 96.435,9 tỷ đồng.

- Chi ngân sách cho đầu tư phát triển đạt 11.589,5 tỷ tổng (chiếm 50,94% chi ngân sách).

- Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên địa bàn đạt trên 17 tỷ USD với 629 dự án còn hiệu lực.

Các chỉ tiêu về xã hội của Hải Phòng cũng đạt được những thành quả đáng kể: - Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chiếm 1,41%, giảm 0,65% so với năm 2017. - Tỉ lệ thất nghiệp thành thị chiếm 3,96%

- Số lao động mới được giải quyết việc làm: 54.000 người. - Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%.

- Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,5%, trong đó ngân sách thành phố chi 67,9 tỷ đồng cấp 105.505 thẻ bảo hiểm y tế tro các đối tượng bạo trợ xã hội, người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 99%. - Tỉ lệ người dân trên 15 tuổi biết đọc biết viết đạt 99%,

Năm 2019, Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học chiếm 2,9% [5].

Cùng với đó là công tác bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ được quan tâm. Các thiết chế văn hóa công cộng, giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương được bảo tồn, phát triển.

Năm 2019, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng giao cho các Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng đề án hỗ trợ vật liệu xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng đã giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến khối Trung học phổ thông theo lộ trình. Cụ thể, đến năm 2020, thành phố sẽ miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến bậc học trung học cơ sở. Đến năm 2021, Hải Phòng sẽ miễn toàn bộ học phí đối với học sinh bậc trung học phổ thông [75].

Nhìn chung, thời gian gần đây Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó bảo đảm các quyền con người kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt là công tác bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vấn đề như:

- Tình hình tội phạm tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm ma túy. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu [4].

- Việc phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp cũng như tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến nhu cầu về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng rất lớn, nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nhiều trường hợp phải tiến hành cưỡng chế. (Một số điểm nóng về vấn đề này hiện nay ở Hải Phòng là Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm tại huyện Thủy Nguyên, Khu công nghiệp DEEPC III ở huyện Cát Hải, dự án khách sạn Pullman số 20 Trần Phú,…) Nguyên nhân do yếu tố lịch sử để lại, sự buông lỏng quản lý đất đai trong một thời kì kéo dài, người dân một số nơi chưa đồng thuận với mức bồi thường, hỗ trợ khi phải di dời.

- Nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế trong khi chi thường xuyên còn cao. Tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước chưa đảm bảo, xảy ra một số vụ việc tham nhũng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Năm 2018 Hải Phòng đứng cuối trong bảng xếp hạng chỉ số công khai ngân sách địa phương do Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách công bố [76].

- Hải Phòng đang có sự chênh lệch rõ ràng về sự phát triển mà mức sống của người dân tại thành thị và nông thôn. Trong khi khu vực các quận nội thành như Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An… tương đối phát triển thì khu vực ngoại thành đặc biệt là một số huyện xa trung tâm như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo lại kém phát triển hơn khác nhiều, điều kiện thụ hưởng an sinh xã hội cũng kém hơn. Ví dụ như việc chưa được sử dụng nước sạch từ hệ thống chung của thành phố mà phải mua của các nhà máy nước tư nhân với chất lượng không ổn định, các bệnh viện, trường học cũng có cơ sở vật chất hạn chế hơn… Tỉ lệ trẻ em chưa từng đi học hoặc đang trong độ tuổi đi học không đi học ở nông thôn thường cao hơn, thậm chí gấp đôi khu vực thành thị [5].

- Công tác cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức còn chưa đạt yêu cầu. Nhận thức về quyền con người, quyền công dân, về trách nhiệm giải trình của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân, nói nhiều – làm ít.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em tiếp cận từ góc độ quyền con người và thực tiễn tại thành phố hải phòng (Trang 62 - 67)