8. Bố cục của luận văn
4.3. Ảnh hưởng của mô hình đế chế Ottoman đối với khu vực vùng biên của
Hồi giáo: Trường hợp Hồi quốc Aceh
Mô hình chính trị của Ottoman đã ảnh hưởng đến nhiều thế lực Hồi giáo trong thế kỷ XVI-XVII. Sức lan tỏa của nó không chỉ dừng lại ở Tây Á hay vùng Bắc Ấn Độ, mà còn tới cả những vùng biên viễn của đạo Hồi. Hồi quốc Aceh ở Đông Nam Á là một ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng của mô hình đế chế Ottoman đối với thế giới Hồi giáo.
Hồi quốc Aceh ở miền Bắc Sumatra là một trong nhiều thế lực đã nổi lên sau sự sụp đổ của Malacca năm 1511. Thực tế ban đầu Aceh không phải là một thế lực mạnh trong khu vực eo biển Malacca và Bắc Sumatra. Cho đến đầu thế kỷ XVI, Aceh vẫn chỉ là một tiểu quốc và luôn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó; cho tới khi Sultan Ali Mughayat Syah với sự trợ giúp của các thương nhân Hồi giáo, đã đánh bại cuộc tấn công của người Bồ Đào Nha và đẩy lùi họ khỏi khu vực trồng hồ tiêu ở Pasai và Pidie trong những năm 1520 – 1525. [78, tr. 22] Chiến thắng của Aceh diễn ra cùng lúc với sự thất bại của Sultan Malacca trong cuộc chiến với người Bồ Đào Nha. Với chiến thắng đó, Aceh bắt đầu vươn mình trở thành quyền lực mới chi phối trong khu vực. Tuy nhiên, sức mạnh của Aceh giống như các nhà nước tiền nhiệm của nó, Malacca và Pasai, dựa trên sức mạnh của thương mại và hàng hải. Sức mạnh này không vững chắc và rất bấp bênh, nhất là khi đường cung cấp gạo bị phong tỏa và thương mại suy giảm. Đứng trước sức ép từ cả người Bồ Đào Nha lẫn các thế lực Hồi giáo khác trong khu vực, Aceh bắt buộc phải lựa chọn một mô hình phát triển mới sau khi chứng kiến sự thất bại của mô hình cảng quốc Hồi giáo vẫn tiếp tục được nhiều Hồi quốc khác áp dụng ở Đông Nam Á.
Người Aceh nhanh chóng hướng sự chú ý của mình sang phía tây, bắt liên lạc với các thế lực Hồi giáo ở Trung Đông, những người vốn có kinh nghiệm và công nghệ trong cuộc chiến với người Kitô giáo. Cùng vào thời điểm đó, đế chế Ottoman sau những chiến thắng vô song ở Hungary và Địa Trung Hải bắt đầu hướng sự chú ý
sang phía Đông. Việc đánh chiếm Baghdad (1534) cùng các cảng tại Yemen như Mocha (1535) và Aden (1538), với đỉnh điểm là việc Hadim Suleyman Pasha mang 70 tàu chiến từ Biển Đỏ tiến vào Ấn Độ Dương để tấn công pháo đài Diu của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ; đã mở màn cho giai đoạn đế chế Ottoman tăng cường thiết lập ảnh hưởng mạnh mẽ của mình tại Ấn Độ Dương.65 Tin tức về người Ottoman thông qua nhiều con đường khác nhau chắc chắn đã nhanh chóng được lan truyền khắp các Hồi quốc ở Ấn Độ Dương, trong đó có cả Aceh. Sứ thần Aceh nhanh chóng được cử tới Constantinople, dâng cống phẩm và cầu xin sự bảo vệ từ Padishah.66 Những toan tính về chính trị, tôn giáo và kinh tế nhanh chóng gắn kết hai thế lực này lại với nhau, và một mối quan hệ bang giao kéo dài trong bốn thể kỷ đã được thiết lập.
Song song với quá trình thiết lập quan hệ với đế chế Ottoman, các Sultan Aceh đã nhận ra rằng mô hình của người Ottoman là một lựa chọn lý tưởng cho việc định hình mô hình nhà nước của họ. Thứ nhất, Aceh nhận thấy rằng xuất phát điểm của đế chế Ottoman hoàn toàn không khác gì với tình trạng hiện tại của họ. Hai thế kỷ trước khi người Ottoman tiến vào Ấn Độ Dương, những gì thuộc về nhà nước Ottoman chỉ là một lãnh địa nhỏ nằm trên vùng biên của thế giới Hồi giáo tại Anatolia. Ngay trước khi thế kỷ XIV kết thúc, người Ottoman đã kịp chinh phục toàn bộ Anatolia bằng tay trái cùng phần lớn Balkan bằng tay phải. Trong hai thế kỷ tiếp theo, người Ottoman thách thức mọi thế lực hùng mạnh nhất từ bán đảo Iberia đến vùng châu thổ sông Indus, và không một thế lực nào cả Kitô giáo lẫn Hồi giáo dám mạo hiểm đơn độc đối đầu với đế chế này. Từ một tiểu quốc nhỏ yếu nhất tại vùng biên trở thành một đế
65 Việc tàu chiến Ottoman tiến vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương được xem như là một phản ứng của triều đình Ottoman trước hoạt động hải quân và thương mại của người Bồ Đào Nha ở “vùng biển của đạo Hồi.” Đầu tiên là đáp trả lại việc người Bồ Đào Nha xâm nhập Biển Đỏ và tấn công các cảng hậu cần cho hai thánh địa Mecca và Medina. Thứ hai là nhằm tái cân bằng lực lượng và sau đó là giành lại ưu thế trong lĩnh vực buôn bán hương liệu - một trong những nguồn thu chủ yếu cho ngân khố của đế chế và là nguồn gốc cho sự thịnh vượng và sức mạnh của thế giới Hồi giáo trong quá khứ.
66 Thời gian chính xác của việc xác lập mối quan hệ Ottoman-Aceh trong thế kỷ XVI vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Thông cáo ngoại giao của Ottoman năm 1873 nhấn mạnh vào thời điểm sau cuộc chinh phục Ai Cập (1516- 1517). Trong khi một nguồn từ châu Âu nhấn mạnh vào năm 1547 khi một phái đoàn do một người cai trị tên là Alauddin cử đến Istanbul để cầu viện chống lại người Bồ Đào Nha. Trong số các nhà cai trị ở Đông Ấn vào thời điểm đó, có một nhà cai trị nổi bật trùng có tên Alauddin. Đó là Sultan Aceh Alauddin Riayat Shah (1537/1539-1571), người được xem là tên bạo chúa trong mắt người Bồ Đào Nha ở eo biển Malacca và kẻ thù nguy hiểm nhất của khu đồn trú Malacca. [76, tr. 68]
chế quy mô thế giới, Ottoman nhanh chóng trở thành hình mẫu phát triển trong con mắt của người Aceh.
Bên cạnh đó, mô hình Ottoman khẳng định quyền lực tối cao và phổ quát của Sultan, điều mà không chỉ Aceh mà nhiều quốc gia cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo đều mong muốn đạt được đến. Đó là mô hình với một hoàng đế chuyên chế, độc đoán nhưng anh minh; người cai trị nơi mà các tiểu quốc và lãnh địa trở thành các khu vực hành chính, các quý tộc trở thành các triều thần và uy quyền của nhà cai trị tăng lên đến đỉnh điểm để Padishah có thể tuyên bố những điều tương tự như Louis XIV đã tuyên bố sau này. [8, tr. 144-145] Hay như Machiavelli nhận định: “Toàn bộ chế độ quân chủ của người Turk được chi phối bởi một chúa tể duy nhất, và tất cả những người còn lại là bề tôi và nô lệ của ngài. Ngài chia lãnh thổ của mình thành các ‘sanjak’ (phân khu quân sự) và bổ nhiệm các quan chức cai quản, rồi tùy theo ý chí của mình mà thuyên chuyển hoặc bãi chức họ.” [109, tr. 129]
Cuối cùng, những thách thức về mặt tôn giáo đã đưa đến việc Aceh lựa chọn mô hình Ottoman. Trong bối cảnh mà đối thủ của mình là Johor liên tục tỏ ra thái độ thân hữu với người Bồ Đào Nha, Aceh hiểu rằng cần một con đường phát triển mới để đương đầu với liên minh Johor - Bồ Đào Nha trong khu vực. Đồng thời sự trỗi dậy của nhà nước Safavid theo dòng Shi’ite ở Iran cũng như sự hiện diện của người Bồ Đào Nha ở Ấn Độ Dương đã đánh động đến tinh thần đoàn kết của thế giới Hồi giáo Sunni. Chiến thắng của người Ottoman trước quân Safavid năm 1514 có lẽ đã được Sultan Aceh cũng như các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác ở Đông Nam Á biết đến thông qua các thương gia từ Ấn Độ sang. Vì vậy, Aceh quyết định chọn mô hình của đế chế Ottoman thay vì các mô hình nhà nước khác.
Việc áp dụng và phát triển mô hình Ottoman đến đỉnh cao ở Aceh diễn ra trong khoảng 150 năm, từ triều đại của Ali Mughayat Syah (1514 - 1530) đến triều đại của Iskandar Thani (1636-1641). Ali Mughayat Syah cùng với con trai mình Sultan Alauddin al-Kahar (1537/39-71) và cháu trai Ali Ri'ayat Syah I (1571-79) là hiện thân của những thế hệ sultan ghazi (chiến binh), những người đặc trưng cho một mô hình nhà nước quân sự - nơi mà chiến tranh với “những kẻ ngoại đạo” và “phản đạo” sẽ
được tiến hành cho đến khi nào mọi thế lực đều quy phục dưới uy quyền của Hồi giáo. Sau một cuộc khủng hoảng cung đình ngắn nhưng khốc liệt với ba sultan bị thay thế trong vòng bốn tháng trong năm 1579, Aceh quay trở lại sự ổn định dưới triều đại của Alauddin Mansur Syah (1579 - 1585/6). Bắt đầu từ triều đại của Alauddin Mansur Syah, tương tự như chu trình của mô hình Ottoman, Aceh dần chuyển sang mô hình nhà nước tập quyền mạnh và đạt đến đỉnh cao dưới thời Iskandar Muda (1607-1636). [106, tr. 846] Sau triều đại của Iskandar Thani, Aceh chứng kiến một giai đoạn các
sultana (vương hậu) chấp chính. Đây là thời điểm mô hình Ottoman thời kỳ cổ điển ngày càng trở nên không còn phù hợp với tình hình thực tế và Aceh dần suy giảm, nhường đường cho Hồi quốc Johor trỗi dậy.
Quá trình chuyển đổi từ một nhà nước theo hình thái bán phong kiến (và trong một số trường hợp khá tương đồng với mô hình mandala) sang mô hình nhà nước tập quyền với sự tập quyền cao nằm trong tay Sultan và chính quyền trung ương đã được thúc đẩy bởi hai mâu thuẫn vốn có trong nền chính trị Aceh xuất phát từ bản chất của mối quan hệ bán phong kiến. Đầu tiên là mâu thuẫn theo chiều ngang: Aceh không phải là thế lực hùng mạnh duy nhất trong khu vực. Các Sultan Aceh phải nỗ lực làm hài lòng các chư hầu của mình để duy trì lòng trung thành của họ, vì Aceh chỉ là một trong nhiều thế lực cạnh tranh lẫn nhau để mở rộng hệ thống chư hầu của mình. Nếu các Sultan Aceh không phải là một nhà cai trị đầy hứa hẹn, chư hầu của họ sẽ nhanh chóng chuyển đổi lòng trung thành cho một tôn chủ khác như Johor, Brunei hay cả Bồ Đào Nha. Thứ hai là mâu thuẫn theo chiều dọc: Luôn có một khả năng tiềm tàng việc một chư hầu của Aceh sẽ phát triển thành một thế lực độc lập và thách thức uy quyền của Aceh. Hiển nhiên, Aceh hiểu rõ mâu thuẫn thứ hai, vì chính Hồi quốc này cũng từng là chư hầu của nhiều thế lực trong khu vực. Hai mâu thuẫn càng trở nên phức tạp khi chúng tương tác với nhau. Tăng cường sức mạnh và đặc ân cho một chư hầu để ngăn họ đầu quân cho một tôn chủ khác, Sultan có thể góp phần giúp cho chư hầu độc lập và thách thức lại uy quyền của mình; nhưng nếu Sultan cắt giảm các ưu đãi và đặc ân cho chư hầu, ông ta sẽ khiến họ chuyển lòng trung thành sang cho đối thủ của ông ta.
Để giải quyết mâu thuẫn về chiều ngang, Aceh tăng cường mở rộng lãnh thổ ra khắp khu vực Tây Bắc Sumatra và liên tục tấn công Malacca. Còn với mâu thuẫn theo chiều dọc, người Aceh nhanh chóng học hỏi người Ottoman, cố gắng thay thế mối quan hệ bán phong kiến bằng mối quan hệ giữa Sultan và tất cả những người còn lại trong vai trò nô bộc của Sultan, thường được gọi là chế độ nô lệ chính trị. Sự khác biệt giữa quan hệ bán phong kiến với quan hệ nô lệ chính trị chính là ở vấn đề sự ổn định của các mối quan hệ chính trị. Chư hầu hôm nay có thể phản bội hay lật đổ tôn chủ ngay ngày mai, trong khi các nô lệ chính trị là những người lệ thuộc vào Sultan hầu như sẽ tuân phục hoàn toàn Sultan và mối liên hệ giữa Sultan - nô bộc gần như không thể bị phá vỡ. Do đó mà quan hệ chủ nô-nô lệ vững chắc hơn hẳn mối quan hệ tôn chủ-chư hầu.
Khi áp dụng mô hình Ottoman vào Hồi quốc của mình, người Aceh đã sớm nhận ra rằng mô hình này được duy trì và vận hành thông qua ba yếu tố cơ bản nhất: (1)
Tính chính danh của nhà cai trị; (2) Khả năng kiểm soát và phân phối nguồn lực; (3)
Cân bằng hai yếu tố tôn giáo và thế tục giữa các thần dân. [31, tr. 70-71] Chừng nào các Sultan Aceh vẫn đảm bảo được ba yếu tố này, vị thế của Aceh tại thế giới Malayu sẽ không thể bị đánh đổ dễ dàng.
Trong bối cảnh của khu vực eo biển Malacca nói riêng và thế giới Ấn Độ Dương thế kỷ XVI - XVII nói chung, có rất nhiều thế lực đã cạnh tranh với Aceh trong vấn đề chính danh về nhà nước kế thừa Malacca, đặc biệt là Johor. Bởi vậy mà Aceh phải thiết lập tính chính danh của mình bằng nhiều phương thức khác nhau. Trước tiên, Aceh cử phái viên của mình tới Istanbul nhằm xin sự công nhận của Padishah (hoàng đế) Ottoman (với vai trò Khalifa của Hồi giáo) về tính chính danh của những triều Sultan Aceh theo đúng như truyền thống của nền chính trị Hồi giáo. [141] [42, tr. 128] Tiếp đến, Aceh đặt mình vào vai trò của người bảo vệ Hồi giáo ở Đông Nam Á trước sự tấn công của “những kẻ ngoại đạo” và “những kẻ phản đạo.” Cuối cùng, để phù hợp và được lòng dân ở những nơi mà Hindu giáo vẫn còn nhiều ảnh hưởng, các Sultan Aceh đã sử dụng liền lúc hai thuật ngữ sultanate và kerajaan chỉ vương quốc của mình. [78, tr. 38] Sultanate do một Sultan cai trị có thể được thay thế bằng
thuật ngữ này biểu hiện cho sự thống nhất quốc gia và quyền lực của Sultan Aceh, về việc nhà nước tôn trọng các nền tảng cơ bản của cả thần dân Hồi giáo lẫn những thần dân không theo Hồi giáo.
Hiển nhiên Sultan là trung tâm của nhà nước Aceh, với quyền lực được hình thành bởi hai gốc rễ căn bản của nền chính trị Hồi giáo: Sharia (luật thánh) và Adat
(luật tục). Trong thuật ngữ chính trị Hồi giáo, Sharia là phổ quát, không thể thay
đổi, là ý chí của Allah còn Adat có thể thay đổi và được tạo ra bởi ý chí của người
trần, là hai gốc rễ phản ánh bản chất kép cho thẩm quyền tuyệt đối của Sultan Aceh, người đứng đầu trên cả mặt quản lý nhà nước lẫn quản lý tôn giáo. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt dưới thời Iskandar Muda, các Sultan Aceh thậm chí xưng danh mình là
Khalifa al-Raḥmān (Phụ tá cho Đấng Rất Mực Độ Lượng) hay Zill Allàh fì al-'àlam
(Cái bóng của Allah dưới trần gian); [78, tr. 56, 58-60] đồng nghĩa với đó là thế chỗ của các Khalifa Ottoman trong một thỏa thuận bốn bên giữa Allah, Sultan Aceh, các triều thần của Sultan, thần dân. Allah trao cho Sultan quyền cai quản các thần dân của Allah (vedī'at'u-llah), và sau đó Sultan trao tiếp quyền lực xuống cho các bề tôi của mình. Nhiệm vụ của Sultan là cai trị cả chiến tranh và hòa bình, trừng phạt những bề tôi nếu họ phạm lỗi hoặc nổi loạn. Tuy nhiên, nền chính trị Aceh cũng giống như Ottoman, không bao gồm bất kỳ hạn chế chính thức nào cho quyền hạn của Sultan. Nếu một Sultan cai trị không công bằng, không có một cơ chế chính thức nào để trừng phạt ông ta. Ông ta sẽ đối mặt với sự trừng phạt của Allah sau khi qua đời.
Cũng như đế chế Ottoman, người Aceh đã xác định vai trò trung tâm của Hồi giáo khi bị thách thức bởi một đối thủ đến từ cùng tôn giáo. Ottoman đã Hồi giáo hóa đế chế một cách mạnh mẽ từ thời Selim I (1512 - 1520) khi họ đối mặt với một đế chế Ba Tư Safavid đang trỗi dậy, còn Aceh đã xác định vị thế chủ đạo của Hồi giáo khi phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt của Hồi quốc Johor. Hệ thống luật pháp của Aceh như đã nói bao gồm hai khía cạnh sharia và adat, đồng nghĩa với đó là tồn tại hệ thống hai tòa án song song - tôn giáo và thế tục. [78, tr. 104] Sharia mang tinh thần định hướng chung cho sự vận hành hệ thống tư pháp của Hồi quốc theo các nguyên tắc căn bản của Hồi giáo, còn adat được sử dụng cho các sinh hoạt đời sống
thường nhật, cũng như để áp dụng cho các tranh chấp liên quan giữa người Hồi giáo và không theo Hồi giáo.
Tổ chức bộ máy nhà nước của Aceh hoàn toàn được mô phỏng theo bộ máy nhà nước Ottoman với những đặc điểm của việc Hồi giáo hóa hệ thống chính trị. Vai trò của Shaykh al-Islām (Đại giáo sĩ) của Aceh tương đương với đồng nghiệp của họ ở triều đình Ottoman, vừa là người tham vấn đặc biệt cho Sultan về vấn đề tôn giáo vừa