Bối cảnh thiết lập mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 39 - 43)

8. Bố cục của luận văn

1.2. Sự phát triển của đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển (1453-1603)

1.2.2. Bối cảnh thiết lập mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển

Trong suốt thời gian tồn tại lâu dài của mình, Ottoman không hề có một hệ thống chính quyền tĩnh tại hoặc bất biến. Rõ ràng là một hệ thống hành chính của mô hình nhà nước ghaza rốt cuộc đã không còn có thể đáp ứng được những yêu cầu của

24Ahmed I (1603-1617) là Padishah Ottoman đầu tiên không nhận đất phong trước khi lên ngôi, và được biết đến nhờ các công trình công cộng (imaret) mà ông cho xây dựng tại thủ đô và các tỉnh. Ahmed cũng là người đầu tiên thông qua việc không xử tử các hoàng tử sau khi một Padishah lên ngôi, nhằm đảm bảo tương lai trong hoàng gia khi Padishah chưa có người kế tục. Vợ của ông, Kösem Sultan (1589-1651) là người cai trị thực sự của đế chế sau khi ông qua đời, thông qua việc chấp chính cho Murad IV (1623-1640), Ibrahim I (1640-1648) và những năm đầu triều đại Mehmed IV (1648-1687).

một nhà nước dần trở nên tập quyền và mở rộng, chưa kể đến những yêu cầu của một đế chế thế giới vào thế kỷ XVI. Do đó, triều đình Ottoman thận trọng phát triển các chính sách trong những thế kỷ hình thành đế chế của mình. Trong thời kỳ Cổ Điển, một mô hình đế chế đang dần được xác lập, kéo dài trong suốt thời kỳ từ Mehmed II đến Süleyman I - một công cuộc tiến hành trong một trăm năm.

Người Ottoman gọi đế chế của mình là Devlet-i Alîye-i Osmânîye (Nhà nước Vĩ đại của gia đình Osmanli) với một quan niệm rằng đế chế là một mô hình nhà nước đặc thù. Sự phát triển của đế chế đồng nghĩa với sự phát triển của mô hình nhà nước, nhà nước và đế chế là đồng nhất. Khi Mehmed II biến Constantinople thành thủ đô duy nhất của đế chế Ottoman; ông đồng thời phải xây dựng một thiết chế chính trị và mô hình đế chế mới bên cạnh những nỗ lực tái thiết lại thủ đô thời hậu chiến. Không mất nhiều thời gian, và có lẽ cũng không có lựa chọn nào tối ưu hơn, Mehmed II xác lập một mô hình quan hệ chính trị mới với Padishah là trung tâm và mọi nhân vật còn lại trong đế chế là nô lệ của ông ta, hiện thực hóa lại những tham vọng còn dang dở từ thời Bayezid I. Tuy vậy, hoàn cảnh lịch sử mới đã đặt ra cho đế chế Ottoman không ít những thách thức.

Trước hết, xu hướng cát cứ vẫn tiếp tục hiện hữu, đặc biệt tại Anatolia và miền Tây Balkan, nơi các thế lực và triều đại địa phương vẫn tiếp tục tồn tại trong vai trò chư hầu của Ottoman. Tại Anatolia, các gia đình quý tộc lâu đời vẫn nắm giữ nhiều tài sản (chủ yếu là đất đai) thông qua các quỹ vakif (lạc quyên). [31, tr. 77] Việc sử dụng hệ thống vakif trên thực tế là cách các gia đình quý tộc bảo đảm sự kế thừa tài sản truyền đời mà không phải chịu các nghĩa vụ, bởi trên danh nghĩa chúng là tài sản tôn giáo. Tại Balkan, dù những nỗ lực nhằm biến những vùng đất được chinh phục trở thành tài sản riêng của Padishah hay miri (công hữu), thì một thực tế là nhà Osmanli chỉ đóng vai trò đứng đầu một nhóm năm gia tộc đầu tiên đã quy phục theo Osman. Bốn gia tộc còn lại là Malkoçoğlu, Turhanlı, Evrenosoğlu và Mihalli, những lãnh chúa vùng biên đã nắm giữ nhiều tài sản và ảnh hưởng tại khu vực Balkan. [107, tr. 141]

Bên cạnh đó, bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương của Ottoman vẫn có một tỉ lệ đáng kể các quý tộc thế tập. Các vị trí trong triều đình Ottoman tiếp tục được nắm giữ bởi các gia đình quý tộc Turk ở Anatolia cũng như các dòng họ quý tộc gốc Kitô giáo. Gia đình Çandarlı25 đã nắm giữ chức vụ vezir-i azam (đại tể tướng) trong 64 năm, và tiếp tục có mặt trong divan-i humayun (cơ mật viện) một thời gian dài sau đó. Hậu duệ của Mihalli đã lãnh đạo lực lượng akıncı (kỵ binh xung kích) cho đến thời điểm cuộc vây hãm Vienna đầu tiên năm 1529. Một hậu duệ của triết gia Sufi Jalal ad-Din Rumi26 (1207-1273) nắm giữ một vị trí trong chính quyền dưới thời Süleyman I. Con cháu của Malkoçoğlu vẫn làm một sanjak-beyi (huyện trưởng) tại Bosnia, trong khi con cháu Evrenosoğlu vẫn quản lý một số khu vực tại Hy Lạp vào năm 1537. [86, tr. 187-188]

Tình hình khu vực Đông Địa Trung Hải nói riêng và thế giới nói chung trong nửa cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI cũng mang đến những thách thức và cơ hội cho đế chế Ottoman. Sau chiến thắng tại Constantinople năm 1453, không còn bất cứ thế lực nào đủ khả năng ngăn chặn sức mạnh của Ottoman tại Balkan và Anatolia.

Tuy nhiên, sau đó người Ottoman phải đối mặt với một thực tế rằng khi các tiểu quốc vùng đệm biến mất, họ sẽ phải tiếp giáp với những thế lực hàng đầu thời bấy giờ, phải kể đến như: (1) Tại Danube, sau khi chinh phục Wallachia và Moldavia, người Ottoman đối mặt với Hungary, và đằng sau Hungary là đế chế Habsburg (2) Ở Địa Trung Hải, dù sức mạnh hải quân Ottoman đang lên nhưng quyền lực của các thành bang thương mại Italy vẫn chưa bị tổn thất đáng kể nhờ các căn cứ tại vùng Biển Aegean và Biển Adriatic (3) Ở miền nam Anatolia, tình hình tương tự cũng diễn ra. Người Ottoman phải đối mặt với đế chế Mamluk, thế lực hùng mạnh và lâu đời nhất của Hồi giáo sau biến cố năm 1258 (4) Ở bên kia cao nguyên Anatolia, người Shi’ite đang chuẩn bị trỗi dậy với một đế chế Ba Tư Savafid.

25Gia đình Çandarlı là một trong những gia đình quyền lực nhất vào thời kỳ kiến quốc của Ottoman. Gia đình này đã có đến năm người nắm giữ chức vụ vezir-i azam suốt 64 năm, một trường hợp vô tiền khoáng hậu trong lịch sự Ottoman. Ngay cả sau khi Mehmed II ra lệnh chặt đầu Çandarlı Halil Pasha, một người con trai của ông này là Ibrahim vẫn tiếp tục giữ chức vụ kadi ở Edirne, và kadıasker ở Rumelia (1465) cũng như làm

lala (thầy giáo) cho hoàng tử kế vị Bayezid. Ibrahim Pasha cuối cùng trở thành một vezir vào năm 1486, và sau đó là vezir-i azam (1498).

26Jalal ad-Din Rumi (1207-1273) là một học giả Ba Tư theo Hồi giáo Sufi. Ảnh hưởng của ông đặc biệt rõ nét ở những khu vực vùng biên của Hồi giáo.

Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI cũng là thời điểm mà phương Tây đang nỗ lực khai phá các tuyến đường mới sang phương Đông. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi hoàn thành công cuộc resconquista (tái chinh phục), đã tiến hành nhiều chuyến hải trình đến Ấn Độ cũng như Tân Thế Giới. Tinh thần Thập Tự Chinh và tham vọng chiếm lĩnh nguồn tài nguyên giàu có của phương Đông cuối cùng đã dẫn đến cuộc đối đầu giữa Kitô giáo và Hồi giáo trong việc khống chế thương mại Đông-Tây. Vượt trội hơn nhờ công nghệ hàng hải và hỏa khí, người Bồ Đào Nha đã kiểm soát hoạt động trung chuyển thương mại từ phương Đông sang phương Tây. [120, tr. 71-80] Thương mại truyền thống của người Hồi giáo tại Ấn Độ Dương gần như biến mất trong bốn thập kỷ sau khi Vasco da Gama đến được Ấn Độ năm 1498. [9, tr. 66] Hàng loạt các thế lực Hồi giáo từ Tây Á đến Đông Nam Á đã bị suy sụp và sụp đổ bởi nguồn thu chính cho ngân khố từ thương mại quá cảnh đã không còn nữa. Bản thân đế chế Ottoman cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi nền kinh tế của mình phụ thuộc vào việc đánh thuế hàng hóa từ phương Đông tới Địa Trung Hải.

Mặc dù vậy, đế chế Ottoman cũng có không ít những thuận lợi cho phép thực hiện thành công những ý tưởng đổi mới. Bên cạnh việc kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm và cả bài học thất bại của các thế hệ trước năm 1453, Mehmed II và những người kế tục ông còn có những điều kiện khách quan quan trọng khác. Trước hết là tính chính danh của vương triều Osmanli. Triều đại Osmanli thành lập như là kết quả của công cuộc ghaza trong hơn một thế kỷ. Hơn thế, uy danh của người Ottoman được đẩy lên đỉnh điểm khi họ được tin đã hoàn thành lời sấm truyền của Thiên sứ Muhammad về số phận của Constantinople, điều mà không một quân vương Hồi giáo nào có thể làm được trước đó. Cũng do vậy, uy tín của những Padishah Ottoman là rất lớn, khi họ được xem là những người được Allah bảo hộ và ban phước. Những nhân tố đó đã phần nào cắt nghĩa, các Padishah Ottoman sau năm 1453 đã hiện thực hóa những chủ trương từng bị thất bại.

Đồng thời, người Ottoman cũng tận dụng được bối cảnh quan hệ quốc tế lúc bấy giờ để có thể phát triển nhanh chóng. Balkan và Anatolia không có thế lực nào có thể đối địch với họ. Bên kia dòng Danube, vương quốc Hungary mặc dù đóng vai trò là một thế lực đáng gờm, nhưng không thể tái phát động các đợt tấn công vào

Rumelia như đã từng làm trong những năm 1440 và chỉ có thể duy trì việc phòng thủ. Thế giới Kitô giáo bị chia rẽ bởi chiến tranh, bạo loạn và các mâu thuẫn tôn giáo dẫn đến không thể có một quyết tâm chung chống lại người Ottoman. Trong khi đó, thế giới Hồi giáo tại Tây Á cũng đang trong giai đoạn khủng hoảng. Các liên minh bộ lạc ở Iraq và Ba Tư như Aq Qoyunlu và Qara Qoyunlu27 tan rã nhanh như lúc chúng được thành lập. Đế chế Mamluk đang suy yếu bởi việc thu nhập bị giảm mạnh và các tranh chấp cung đình. Người Safavid dù đang nổi lên như một mối đe dọa chính của Ottoman ở phía Đông, nhưng luôn chịu sức ép từ các bộ lạc du mục ở Trung Á. Chính nhờ các thách thức và cơ hội như vậy, người Ottoman đã nỗ lực để thiết lập một mô hình phù hợp trong bối cảnh mới. Có thể thấy, mô hình đế chế Cổ Điển không phải được hình thành tức thời, mà là tổng hòa những nhân tố khách quan và chủ quan, những yếu tố nội tại và ngoại sinh, những tương tác đồng đại và lịch đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)