8. Bố cục của luận văn
3.1.1. chế Ottoman trong thế kỷ XVII
Giai đoạn thế kỷ XVII là một trong những giai đoạn ít được các sử gia quan tâm nhất trong lịch sử Ottoman. Nằm giữa sự thịnh trị của thời kỳ Cổ Điển và sự cách tân của thế kỷ XVIII (bắt đầu với Kỷ nguyên Tulip51), thế kỷ XVII thường được biết đến như là giai đoạn đế chế Ottoman lâm vào trì trệ, khủng hoảng và lụn bại. Tuy nhiên, nếu nhìn từ các lăng kính của thời kỳ cách tân thế kỷ XVIII và thời kỳ cải cách mạnh mẽ thế kỷ XIX, có thể thấy tất cả đều được bắt đầu với những sự kiện và biến động của thế kỷ XVII. Rõ ràng, thế kỷ XVII với đế chế Ottoman là thế kỷ của sự trì trệ và cũng là thế kỷ của sự thích ứng và chuyển đổi.
Một điều chắc chắn là trong giai đoạn thế kỷ XVII, đế chế Ottoman đang chịu khủng hoảng nặng nề. Bị bao quanh bởi ít nhất hai đối thủ đáng gờm ở cả phía Tây (Habsburg) và phía Đông (Safavid), đế chế Ottoman hiếm khi được hưởng một nền hòa bình lâu dài. Những gì mà người Ottoman có thể làm là cố gắng tránh nguy cơ phải đối mặt với các cuộc chiến trên nhiều mặt trận cùng lúc. Ottoman có lực lượng quân sự hùng mạnh, nhưng nó chỉ có một đội quân. Padishah có một cánh tay chắc khỏe, nhưng chỉ có thể với về một phía và ra một đòn. Chiến tranh liên miên sẽ thúc đẩy phát triển nhiều vấn đề trong nội bộ đế chế, từ việc tái tổ chức xã hội theo mô hình quân sự, đến việc hoàn thiện các hệ thống thuế khóa và làm nảy sinh sự bất mãn trong dân chúng cũng như các xu hướng bất đồng chính kiến trong triều đình. Đó là những gì mà đế chế Ottoman phải đối mặt trong thế kỷ XVII.
51Kỷ nguyên Tulip (Lâle Devri) là thời kỳ đế chế Ottoman được hưởng gần hai thập niên hòa bình, bắt đầu sau cuộc chiến tranh năm 1718 cho đến khi cuộc nổi loạn của Patrona Halil nổ ra năm 1730. Đây là thời kỳ bắt đầu cho những cải cách theo xu hướng phương Tây của người Ottoman, nhằm định hình lại đế chế sau những thất bại trong cuộc chiến cuối thế kỷ XVII.
Mặc dù có một thời gian tạm lắng trong đầu thế kỷ XVII (dù vẫn phải đối phó với phong trào ly khai của các tổng trấn và các cuộc nổi loạn ở Anatolia), nhưng đế chế Ottoman đã không ngừng tham gia các cuộc chiến tranh cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ. Toàn bộ hệ thống chính trị Ottoman đã kiệt sức và ngân khố đế chế đã trống rỗng. Triều đình Ottoman buộc phải đề ra những chính sách mới nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân khố, và xem xét đến việc cải tổ một phần quân đội vì sự thay đổi của công nghệ chiến tranh. Trong nửa đầu thế kỷ XVII, người Ottoman đã thành công trong cuộc chiến với Safavid, bằng các chiến dịch đánh chiếm Erivan, Tabriz và Baghdad trước khi ép Shah phải ký một hiệp ước hòa bình năm 1638. Bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII, các vezir-i azam đầy năng lực như Köprülü Mehmed Pasha hay Fazıl Ahmed Pasha có thể tiếp tục theo đuổi nhiều cuộc chiến tranh khác nhau, từ hải chiến với Venice cho đến tranh giành quyền tôn chủ với Habsburg ở Transylvania. Crete, căn cứ chính của Venice ở Đông Địa Trung Hải, bị chinh phục năm 1661. Khi quân Ottoman tiếp tục tiến về phía Tây Biển Đen trong cuộc chiến với Ba Lan (1672-1677), họ đã chứng minh đế chế tiếp tục là một cường quốc quân sự. Khi vezir-i azam Kara Mustafa Pasha cố gắng chinh phục Vienna năm 1683, ông đã bị đánh bại bởi một liên quân các quốc gia châu Âu được thành lập do lo ngại bước tiến của người Ottoman.
Người Ottoman đã bị buộc phải chiến đấu hàng thập kỷ trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Họ đối mặt với quân Habsburg ở nhiều khu vực khác nhau từ Hungary, Transylvania cho đến Bosnia và Serbia; với Venice tại Albania, Dalmatia và Morea; với Nga tại Crimea và Ba Lan tại Moldavia và Wallachia. Không chỉ sa lầy trong các cuộc chiến với những tổn thất to lớn về người và của, người Ottoman còn phải chịu những thiệt hại kinh tế khi hệ thống timar bị suy giảm. Triều đình Ottoman liên tục cho tiến hành di dân bắt buộc (engürü) nhằm ổn định lại vùng nông thôn và giảm tải áp lực dân số cho các thành thị đang quá tải bởi dòng người tị nạn và bần cùng hóa bởi chiến tranh, nhưng không mấy hiệu quả.
Gánh nặng về thuế tiếp tục tăng lên cùng với quá trình chuyển đổi từ việc nộp thuế bằng hiện vật sang nộp thuế bằng tiền mặt. Hệ thống thuế đã được tái cơ cấu lại và nhiều khoản thuế mới đã được áp dụng. [111, tr. 108-110] Tất cả chúng đều là
nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân khố, khi mà hai phần ba ngân khố vốn được chi cho quân sự. [90, tr. 538-541] Thất bại tại Vienna đã khiến cho sự chịu đựng của dân chúng đến giới hạn, và sự thờ ơ của Padishah Mehmed IV (1648-1687) trước nỗi khổ cực của dân chúng đã khiến cho triều đình phải tiến hành phế truất ông.
Cuộc tấn công của quân Habsburg vẫn tiếp tục, với việc Belgrade thất thủ năm 1688, và năm sau thì tới Nis, Vidin, Skopje và Prizren. Phòng tuyến dọc theo sông Danube đã bị chọc thủng. Cuộc chiến giữa nhà Habsburg với nước Pháp đã cho phép đế chế Ottoman có thể tái chiếm lại phần lớn lãnh thổ bị mất. Tuy nhiên, năm 1697, thất bại tại Zenta đã khiến lòng nhiệt thành cuối cùng của người Ottoman biến mất. Năm 1699, đế chế Ottoman ký hiệp ước Karlowitz nhằm cứu vãn những gì vẫn chưa bị mất. [16] Ba năm sau, một cuộc chính biến đã lật đổ Padishah Mustafa II (1695- 1703) và giết chết şeyhülislam Feyzullah Efendi. Với việc lật đổ Mustafa II, mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển đã sụp đổ, thay vào đó là một mô hình mới được thiết lập trong thế kỷ XVIII.