Vị trí của Hồi giáo trong mô hình đế chế Ottoman

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 80 - 86)

8. Bố cục của luận văn

2.2. Bản chất của mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển

2.2.3. Vị trí của Hồi giáo trong mô hình đế chế Ottoman

Một điều chắc chắn rằng Hồi giáo là một trong những bản sắc quan trọng nhất của Ottoman. Dù vậy, bản thân Hồi giáo không thực sự thống trị cả về mặt tư tưởng hay thể chế trong đế chế Ottoman. [35, tr. 10] Có thể lý giải một cách chi tiết nguyên nhân của điều này thông qua việc xem xét một cách cẩn thận các cơ sở nền tảng của đế chế Ottoman trong giai đoạn 1453-1603.

Trước tiên, thách thức lớn nhất của người Ottoman là phải thiết lập sự thống trị lâu dài và vững chắc trên một lãnh thổ rộng lớn với hàng chục sắc tộc cũng như tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Thành công của người Ottoman dựa trên việc đàm phán dàn xếp những mâu thuẫn giữa các sắc tộc-tôn giáo với chính quyền thống trị, cũng như giữa các sắc tộc-tôn giáo với nhau. Trong nỗ lực như vậy, người Ottoman phải đảm bảo sự cân bằng giữa những người Do Thái với Kitô giáo, giữa Slav, Vlach và Armenia, giữa Hồi giáo Sunni với Shi’ite và các nhóm Sufi; cũng như kết hợp truyền thống bản địa với truyền thống chính trị của mình, quản lý cộng đồng và tổ chức thu thuế. Bởi lẽ đó, bất kể tôn giáo nào đều hợp pháp với triều đình trung ương, và ngăn người Ottoman áp đặt Hồi giáo lên toàn bộ đế chế.

Thứ hai, việc thiết lập mô hình đế chế Ottoman là duy trì sự tách biệt một cách có chủ đích giữa hai vai trò của tôn giáo: (1) Tôn giáo là một tổ chức chính trị (2) tôn giáo là một hệ thống kết nối một cộng đồng chung đức tin. Tôn giáo như một tổ chức chính trị sẽ giúp việc quản lý đế chế, trong khi tôn giáo là một hệ thống kết nối đức tin sẽ đảm nhận trách nhiệm đời sống thường nhật. Sự phân tách này không hoàn toàn riêng biệt, thay vào đó có thể được kết nối thông qua vai trò của các kadi (phán quan), những người đảm nhận việc phân xử cho cả người Hồi giáo lẫn không theo Hồi giáo trong địa hạt của mình.

Ngay cả khi Hồi giáo được củng cố trong đế chế Ottoman từ sau cuộc chinh phục của Selim I, thì vai trò của tôn giáo này cũng không thay đổi đáng kể so với những cấu trúc đã được thiết lập trước đây. Từ thời Selim I trở đi, các Padishah bắt đầu có các ý thức về việc xây dựng một đế chế Ottoman như một đế chế Hồi giáo, nhưng dường như Hồi giáo chỉ được áp dụng mạnh mẽ dưới dạng thức mà các

Padishah cho rằng họ có thể kiểm soát được. Người Ottoman tạo ra một đẳng cấp tôn giáo và một hệ thống giáo dục tôn giáo đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Bởi vậy mà Hồi giáo dù được xem là quốc giáo, thì vẫn phụ thuộc vào lợi ích của đế chế. Hồi giáo hoạt động như là một tổ chức chính trị của đế chế Ottoman, và các thành viên của nó chỉ có thể là các quan chức nhận lương của chính quyền.

Quá trình Hồi giáo hóa chính thể của đế chế Ottoman chỉ thực sự mạnh mẽ và rõ nét từ thời kỳ của Süleyman I trở đi. Trước đó, Mehmed II đã cho mời nhiều học giả Hồi giáo tới Constantinople, biến nhiều thánh đường Kitô giáo thành thánh đường Hồi giáo và xây dựng một xu hướng chính thống của Hồi giáo, thì ông vẫn tập trung vào xây dựng một đế chế theo mô hình La Mã hơn là mô hình Hồi giáo. Tuy nhiên, đến thời Süleyman I, quá trình Hồi giáo hóa được đẩy mạnh bởi các yêu cầu trong nước cũng như quốc tế. Đầu tiên, đế chế Ottoman cần một lực lượng các học giả Hồi giáo Sunni theo trường phái Hanafi để củng cố bản sắc Hồi giáo của Ottoman. Thứ hai, việc mở rộng đế chế một cách nhanh chóng chỉ trong ba thập kỷ đã đòi hỏi thêm nhiều nhân lực trong việc quản lý hành chính và tư pháp. Dưới thời Süleyman I, các

kadi được cử đến mọi vùng đất của đế chế, duy trì công lý nhân danh Padishah và đảm trách công việc của một người thuộc về cả một nhà nước Hồi giáo lẫn một nhà nước quan liêu thế tục. Şeyhülislam cũng do Padishah bổ nhiệm để đảm trách việc cố vấn với góc nhìn của Hồi giáo, còn vezir-i azam bổ nhiệm các chức vụ tôn giáo thấp hơn. Có thể thấy, Hồi giáo một lần nữa phải khuất phục trước sức mạnh của nhà nước. Đổi lại, nhà nước Ottoman nhờ có Hồi giáo đã có một bộ máy quan liêu được tổ chức tốt nhất trong thế giới Hồi giáo đương thời.

Trong thời kỳ Ottoman, các kadi đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong các mối quan hệ giữa nhà nước và dân chúng. Một phán quan địa phương không chỉ đại diện trung gian giữa nhà nước và dân chúng, mà còn đóng vai trò trung gian giữa văn hóa triều đình và văn hóa dân gian, giữa những người biết chữ và đại bộ phận không biết chữ, giữa trung ương và địa phương. Họ không đơn giản là các chức sắc tôn giáo thông thường, họ là chức sắc tôn giáo của triều đình. Đối với dân chúng, họ đại diện cho cả hai yếu tố Hồi giáo và nhà nước.

Các kadi làm việc theo tinh thần của Sharia, chi phối lối sống thường nhật của các tín đồ Hồi giáo, đảm bảo việc thực hành niềm tin của Hồi giáo cũng như ngăn chặn mọi hình thức vi phạm giáo luật Hồi giáo. Họ cũng cai quản địa hạt của mình theo các thông lệ địa phương và luật pháp của triều đình, xét xử các mâu thuẫn dựa trên cả tinh thần Sharia cùng các định chế tôn giáo và truyền đạt tinh thần Hồi giáo trong đó. Khi người dân tìm đến họ để mong muốn công lý, các kadi đại diện cho Padishah đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi người. Các kadi và tòa án tôn giáo của họ còn là nơi liên kết và hỗ trợ dân chúng khi xảy ra biến cố, cũng như là một mối liên kết giữa nhà nước và tôn giáo vì họ hoạt động song song với nhà thờ Hồi giáo, đáp ứng cả nhu cầu tâm linh lẫn nhu cầu thực tại của dân chúng.

Nhà nước Ottoman tạo điều kiện cho các đàm phán liên tục giữa những nhóm sắc tộc-tôn giáo trong đế chế, vừa tách biệt vừa tích hợp các tôn giáo theo chiều dọc. Điều này nhằm khiến các tôn giáo khác nhau trung thành với triều đình Ottoman vì lợi ích của chính các tín đồ tôn giáo đó. Hai hệ thống tư pháp khác nhau được thiết lập với luật của Padishah (Kanun) và luật Hồi giáo (Sharia). Các xu hướng chính thống, phi chính thống và thậm chí là dị giáo của mọi tôn giáo đều được người Ottoman chấp nhận, và triều đình Ottoman luôn chào đón họ một cách cởi mở. Không có bất cứ nghi ngờ gì về việc người Ottoman hưởng lợi từ chính cách mâu thuẫn giữa người Chính Thống giáo và Công giáo, giữa người Sunni với người Shi’ite, giữa nhóm Sufi với hai nhóm Sunni và Shi’ite, giữa sự tách biệt hai trạng thái thế tục và tôn giáo trong hệ thống tư pháp. Tính nhị nguyên giữa hai trạng thái đối lập như vậy đã được thiết lập từ những năm tháng kiến quốc của người Ottoman và được duy trì một cách mạnh mẽ trong suốt thời gian tồn tại của đế chế.

Bởi tất cả những nguyên nhân trên, người Ottoman đã không áp đặt một cách nghiêm ngặt Hồi giáo lên toàn bộ đế chế. Bản thân, các nhà nước tiền bối trước đây của người Ottoman - các hầu quốc Anatolia cũng không hẳn là những thế lực sùng đạo. Người Turk từng ba lần thay đổi đức tin của mình chỉ trong một thế kỷ để phù hợp với lợi ích của mình. Do đó, người Ottoman xác định quyền lực của Padishah luôn đặt ở trên quyền lực tôn giáo với sự pha trộn các truyền thống chính trị Trung Á và luật tục địa phương. Sự pha trộn này bắt đầu từ dưới thời Mehmed II và hoàn chỉnh

dưới thời SüleymanI, với việc tăng cường sức mạnh của Kanun. Đây là sự mở đường cho quyền lực lập pháp của Padishah.

Từ thế kỷ XV, Tursun Bey đã lập luận tính nhị nguyên giữa ShariaKanun

rằng Kanun là nhằm bảo đảm trật tự của đời này, còn Sharia là nhằm bảo vệ trật tự nơi đời sau. Nếu như Sharia được Tiên tri Muhammad rao giảng thì chỉ có Padishah mới là người duy nhất có thẩm quyền để ban hành Kanun. Không có Padishah, con người không thể sống hòa thuận và có thể bị diệt vong, và bởi vậy phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Padishah. [160, tr. 68] Chính trong thời gian này, người Ottoman đã sớm hoàn thiện quyền lực tuyệt đối của Padishah và đặt vai trò của Kanun vượt lên trên cả Sharia, và tuyên bố rằng Sharia chỉ có thể được áp dụng và bảo hộ nếu có được một Padishah anh minh. Một lần nữa có thể thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa Hồi giáo và chính trị, hai cột trụ để thúc đẩy sức mạnh của Padishah.

Việc Hồi giáo không được áp đặt một cách nghiêm ngặt ở đế chế Ottoman cũng bắt nguồn từ ảnh hưởng của mô hình Đông La Mã trước đó. Người Ottoman đã nổi lên và tiêu diệt Đông La Mã, nhưng họ cũng kết hợp một cách đáng kể giới tinh hoa Đông La Mã vào trong hệ thống cai trị vì nhu cầu nhân lực cũng như vì sự cởi mở của họ theo truyền thống vùng biên. Việc vay mượn và tích hợp nhiều yếu tố Kitô giáo cũng phản ánh bản sắc chưa được hoàn chỉnh của người Ottoman. Ngay cả khi Hồi giáo Sunni được thúc đẩy mạnh mẽ trong đế chế Ottoman, hai đức tin Hồi giáo- Kitô giáo vẫn duy trì được sự hòa hợp vì mục đích cốt lõi là sự thịnh vượng của nhà nước và dân chúng.

Như vậy, Hồi giáo có vai trò quan trọng trong việc xác định bản sắc của đế chế Ottoman đối với thế giới bên ngoài, cũng như tạo điều kiện cho việc quản lý đế chế cũng như điều hòa lợi ích giữa nhà nước và dân chúng. Hồi giáo được xem là một cơ chế quản lý, còn các kadi là công cụ để nhà nước có thể kết nối với cơ chế quản lý này. Có thể thấy, người Ottoman không chỉ tự xác định trường phái Hanafi Sunni của mình thông qua việc chinh phục các vùng đất Ả Rập và cạnh tranh với nhà Safavid dòng Shi’ite, mà còn bởi từ các khía cạnh quản lý hành chính và tích hợp tôn giáo theo chiều dọc.

Tiểu kết

Ba bản chất cốt lõi của mô hình đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển đã cho thấy những vấn đề của nó như sau:

1. Tính chất huyết thống của hoàng gia được nhấn mạnh một cách tuyệt đối. Vị trí của gia đình Osmanli là không thể bị thách thức hay đe dọa, nhưng điều này không phải luôn gắn liền với quyền lực của một cá nhân Padishah. Chẳng hạn, Doukas đã nhận xét là người Ottoman không ngần ngại thay triều hoán vị, miễn sao người mà họ đưa lên là người nhà Osmanli. Hay đại sứ Anh tại Constantinople năm 1622 đã viết lại rằng khi người Ottoman lật đổ Padishah Osman II, tất cả đều thề một lời thề trung thành tuyệt đối với hoàng gia.

2. Nổi lên trong toàn bộ cấu trúc nhà nước Ottoman là việc tồn tại một cách song song của hai thiết chế thế tục và tôn giáo của người Ottoman. Cả hai thiết chế này đều được thành lập dựa trên cơ chế nghề nghiệp thay vì là dòng dõi hay sắc tộc- tôn giáo. Tuy nhiên, nếu như thiết chế thế tục của người Ottoman gần như hoàn toàn là những người gốc Kitô giáo và phục vụ đế chế như là nô lệ của Padishah, thì thiết chế tôn giáo là những người có xuất thân tự do. Cả hai thiết chế này đều được phát triển thông qua hoạt động giáo dục. Thiết chế thế tục đào tạo nhân sự của mình về cả thể chất lẫn tinh thần, trong khi thiết chế tôn giáo chấp nhận việc bỏ ngỏ đào tạo thể chất để dành phần lớn thời gian cho đào tạo trí tuệ. Một hệ thống đã nâng những người có xuất thân Kitô giáo trở thành các đại thần, phò mã và binh lính; hệ thống còn lại đã biến những người Hồi giáo trở thành các học giả và luật gia về Sharia,

Kanun. Bất chấp các thách thức nội tại và ngoại sinh, hai thiết chế thế tục và tôn giáo này đã vượt qua mọi thách thức nhờ vào việc đào tạo các cá nhân có thể chống đỡ được chúng.

3. Tính nhị nguyên giữa tôn giáo và nhà nước trong đế chế Ottoman được khẳng định thông qua Sharia Kanun, qua vezir-i azamşeyhülislam, tức giữa hai thiết chế thế tục và tôn giáo của đế chế Ottoman. Mặc dù những người thuộc thiết chế thế tục của Ottoman có thể đạt đến những vị trí đầy quyền lực và ảnh hưởng cũng như sự giàu có hơn hẳn những người thuộc về thiết chế tôn giáo, nhưng vị trí của họ có một

nhược điểm lớn. Nó nằm ở việc thiết chế này kém ổn định hơn nhiều. Mọi thành viên trong thiết chế thế tục đều là nô lệ, nhưng vấn đề tình trạng nô lệ của họ không thể di truyền. Do đó người Ottoman phải liên tục mua thêm nô lệ hoặc đánh bắt nô lệ tại các vùng chiến tranh, cũng như đánh thuế máu lên các cư dân Kitô giáo ở Balkan nhằm tạo thêm nguồn nhân lực. Khi mà đế chế Ottoman đạt đến giới hạn bành trướng, đồng nghĩa nguồn nhân lực cung cấp nô lệ cho thiết chế thế tục bị suy giảm.

Mối quan hệ giữa hai thiết chế thế tục và tôn giáo là kết quả từ việc xác lập những bản chất căn bản nhất của đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển. Cả hai đã góp sức vào sự trường tồn của nhau và của đế chế Ottoman. Thiết chế thế tục bảo vệ thiết chế tôn giáo bằng lưỡi gươm cũng như quản lý dân chúng và thực hiện các quyết sách được cố vấn bởi cơ chế tôn giáo. Các askeri cũng bảo vệ an toàn cho các ulema

cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu và giảng giải các kinh điển và huấn thị. Mặt khác, thiết chế tôn giáo giữ vững lòng trung thành của dân chúng với Padishah. Miễn hai thiết chế này vẫn tiếp tục được dung hòa và tương hỗ với nhau, mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển vẫn sẽ được duy trì ổn định.

CHƯƠNG 3

NHỮNG CHUYỂN BIẾN CỦA MÔ HÌNH ĐẾ CHẾ OTTOMAN TRONG THẾ KỶ XVII

3.1. Những chuyển biến nền tảng của đế chế Ottoman trong thế kỷ XVII

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)