Khái niệm thời kỳ Cổ Điển của đế chế Ottoman

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 37 - 39)

8. Bố cục của luận văn

1.2. Sự phát triển của đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển (1453-1603)

1.2.1. Khái niệm thời kỳ Cổ Điển của đế chế Ottoman

Trong phần lớn các nghiên cứu của các học giả, khoảng thời gian từ năm 1453 đến năm 1603 của lịch sử Ottoman được gọi là “Thời kỳ Cổ Điển” (Klasik Çağ). [18] Cách gọi này cho thấy rõ góc độ và nhìn nhận của các học giả trong việc phản ánh đặc trưng của đế chế Ottoman trong thời kỳ đầy những sự biến động này. Xuất phát từ quan điểm lịch sử, “Cổ Điển” là thời kỳ mà đế chế Ottoman định hình các hình thức chính thể, thể chế, mô hình thành những hình mẫu nền tảng và chuẩn mực nhất. Không chỉ vậy, “Thời kỳ Cổ Điển” còn được xem là một thời kỳ lý tưởng hóa trong các diễn ngôn chính trị Hồi giáo ở cả Ottoman và Thổ Nhĩ Kỳ sau này, như Kaya Şahin nhận xét “…thậm chí đó là một “nỗi ám ảnh về thời kỳ Cổ Điển” trong các sử gia Ottoman.” [136, tr. 5]

Trong lịch sử Ottoman, Cổ Điển được xem là thời kỳ đỉnh cao và hoàng kim, của những thành công vô song và bất bại. Mặc dù sự thịnh vượng của Đế chế Ottoman đã bắt đầu từ trước năm 1453, và sức mạnh của nó vẫn được duy trì sau năm 1603, nhưng thời kỳ Cổ Điển đã mang tới một sự thay đổi toàn diện mọi hệ thống trong Đế chế Ottoman. Các học giả thường đưa ra cách giải thích cho lý do chọc mốc thời gian 1453-1603, như sau:

Sau năm 1453, bắt đầu có các dấu hiệu cho thấy nhà nước ghaza đang dần được thay đổi. Điều này không có nghĩa nhà nước Ottoman sẽ suy giảm, mà đơn giản là người Ottoman đã nhận thấy mô hình ghaza không còn phù hợp nữa và họ bước vào một giai đoạn mới với một mô hình mới. Những dấu hiệu cho thấy giai đoạn ghaza

đã được vượt qua bao gồm việc chinh phục Constantinople (1453), sự sụp đổ của đế chế Mamluk (1517) và việc sáp nhập các thánh địa với những gì còn lại của chính thể Abbasid. Việc sáp nhập các vùng đất Ả Rập trong năm 1516-17 cho thấy một bước ngoặt quan trọng. Người Ottoman lần đầu tiên thừa nhận rằng sự phát triển rõ rệt về hành chính và thương mại liên quan đến việc diện tích lãnh thổ tăng gấp đôi chỉ trong một thời gian ngắn; cũng như nhấn mạnh vai trò thực sự của các khía cạnh tôn giáo, pháp luật và văn hóa đối với sự tồn tại của nhà nước Ottoman. Đó cũng là thời điểm

cho việc bắt đầu Sunni hóa chính thể và tôn giáo khi các Padishah áp dụng vai trò bảo vệ các tuyến đường hành hương về Mecca trùng hợp với nỗ lực kiểm soát Anatolia được đặt ra trong đầu thế kỷ XVI bởi sự trỗi dậy của đế chế Safavid (1501-1736)21

dòng Shi’ite ở Ba Tư.

Các học giả nghiên cứu về lịch sử Ottoman đều đồng ý với quan điểm rằng triều đại của Süleyman I22 (1520-1566) là đỉnh cao của thời kỳ Cổ Điển, với việc thường được định nghĩa là kỷ nguyên mà thể chế Ottoman được xây dựng một cách hoàn chỉnh. Triều đình, hệ thống giáo dục và luật pháp, hệ thống sở hữu đất đai và cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương đã phát triển một cách đầy đủ trong thế kỷ XVI. Rõ ràng, với việc định hình thời kỳ Süleyman I là đỉnh cao của thời kỳ Cổ Điển, đồng nghĩa với đó là những gì sau thời Süleyman I thường được coi là ‘thời kỳ hậu Süleyman’ hay ‘tiền cận đại’ hoặc ‘tiền cải cách’, tiền đề đưa đến việc chấm dứt thời kỳ Cổ Điển dưới thời Mehmed III23 (1595-1603).

Triều đại của Mehmed III đã chứng kiến nhiều biến động mà từ đó được các sử gia coi là những dấu mốc cho việc kết thúc thời kỳ Cổ Điển của đế chế Ottoman. Từ sau năm 1600, phần lớn các cuộc đại chinh phục đã kết thúc, những thách thức đối với triều đình không còn là việc tích hợp các lãnh thổ mới vào đế chế nữa mà thay

21Đế chế Safavid (1501-1736) là đế chế đã cai trị khu vực Cao nguyên Iran và vùng Caspian trong hai thế kỷ. Là một trong ba đế chế thuốc súng của đạo Hồi, Safavid đóng vai trò là thế lực đối địch chính của người Ottoman tại phía Đông trong gần 150 năm, trước khi một đường biên ổn định được thiết lập trong những năm 1630. Người Safavid là những người theo Hồi giáo dòng Shi’ite và chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền tảng du mục hơn người Ottoman, tính chất Turk của họ cũng mạnh hơn và chỉ Ba Tư hóa mạnh mẽ trong triều đại của Abbas I (1587-1629).

22Süleyman I (1520-1566), đôi khi được gọi là Süleyman II nếu tính cả Süleyman Celebi - người cai trị Rumelia trong giai đoạn nội chiến 1402-1413. Là người cai trị thứ mười của nhà Osmanli và cũng là người có thời gian tại vị lâu nhất, ông đã chứng kiến sự phát triển lên đến đỉnh cao của đế chế Ottoman. Dưới thời Süleyman I, Ottoman được xem là siêu cường hàng đầu của thế giới và không thế lực nào có thể đơn độc thách thức nó trên chiến trường. Lãnh thổ Ottoman bao trùm lên Hungary đến Iraq, từ Crimea đến Yemen. Người Ottoman công hãm Vienna năm 1529 và buộc nhà Habsburg phải cống nạp để đổi lấy hòa bình. Được biết với danh hiệu Kaunni (Nhà Lập Pháp), Süleyman I đã pháp điển hóa hệ thống luật pháp và nhiều cơ chế quản lý khác nhau trong đế chế Ottoman. Sự huy hoàng trong triều đại của Süleyman đã trở thành nỗi ám ảnh của các thế hệ Ottoman lẫn Thổ Nhĩ Kỳ sau này, khi mà mục tiêu hưng thịnh lại quốc gia đồng nghĩa với quay lại sự huy hoàng từng có thời Süleyman I.

23Mehmed III (1595-1603) là nhà cai trị thứ mười ba của triều đại Osmanli. Ông là hoàng tử Ottoman cuối cùng được cử đến đất phong Manisa để học tập kinh nghiệm cai trị đất nước, và là người cuối cùng thực hiện cơ chế thế tập từ cha sang con. Triều đại của ông chứng kiến việc xử tử 19 hoàng tử ngay sau khi ông lên ngôi, cuộc chiến tranh kéo dài khốc liệt với người Kitô giáo ở Trung Âu và cả cuộc nổi loạn quy mô lớn của các kỵ binh khắp Anatolia. Trong thời gian trị vì của mình, ông thường chịu ảnh hưởng của mẹ mình, Safiye Sultan (1550-1619), một trong những người mở đầu cho thời kỳ các thái hậu chấp chính trong nửa đầu thế kỷ XVII.

vào đó là giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong nội bộ đế chế vốn chưa từng có tiền lệ, mô hình hay kinh nghiệm: sự thay đổi cơ cấu trong công nghệ quân sự với việc ưu thế của kị binh so với bộ binh ngày càng sụt giảm, việc mất giá 50% đồng bạc vào giữa những năm 1580 cũng như các nhu cầu mới trong việc sử dụng phương pháp đo đạc và thu thuế, sự cạnh tranh giữa các phe phái chính trị cũng như việc các cáo buộc suy đồi, tham nhũng dần hiện lên trong triều đình,… Mehmed III đồng thời cũng là ngườicuối cùng được nhận đất phong khi cha của mình còn sống, và triều đại của ông cũng chứng kiến lần cuối cùng việc xử tử hàng loạt các hoàng tử ngay sau khi một tân hoàng lên ngôi. Ông cũng là người cuối cùng duy trì việc truyền ngôi theo nguyên tắc từ cha sang con trước khi những điều này bị bãi bỏ trong triều đại của Ahmed I24 (1603-1617). Đó là nguyên nhân vì sao mà triều đại Mehmed III được coi là dấu mốc cho sự kết thúc của thời kỳ Cổ Điển của đế chế Ottoman. Sau khi ông qua đời, Ottoman bước vào thế kỷ XVII, ‘thế kỷ của khủng hoảng và chuyển đổi, của cả những thách thức và sai lầm,’ trước khi tái định hình lại vào thế kỷ XVIII.

Đế chế Ottoman sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi Mehmed III qua đời, nhưng vào thời điểm ông trút hơi thở cuối cùng, nó vẫn là một thế lực hùng mạnh đầy ấn tượng đang trải qua 150 năm thịnh vượng và phát triển rực rỡ, với lãnh thổ vắt ngang qua cả ba châu lục Á-Âu-Phi. Có thể thấy, thành công một cách vượt trội của đế chế Ottoman đi kèm với một nhiệm vụ là phải xác lập một mô hình mới thay thế cho mô hình nhà nước ghaza trước đây. Kết quả là một mô hình đế chế mới đã thiết lập và biến đổi dựa trên những cơ sở tiền đề trong thời kỳ này của Ottoman.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)