8. Bố cục của luận văn
3.2. Những nỗ lực duy trì và tái ổn định của đế chế Ottoman
3.2.2. Nỗ lực phục hồi dưới thời gia đình Kroprulu
Năm 1656, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ottoman lên đến đỉnh điểm khi mà chỉ trong vòng 9 tháng đã có đến 5 vezir-i azam được bổ nhiệm và bãi miễn. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu vãn tình thế chính trị hỗn loạn và quân Venice đang phong tỏa các tuyến hải trình tới Constantinople, thái hậu và Padishah đã quyết định mời Köprülü Mehmed Pasha quay lại triều đình và nhậm chức vezir-i azam. Cả hai chấp thuận cho phép Köprülü Mehmed Pasha được toàn quyền quyết định mọi vấn đề của đế chế.
Là một người xuất thân từ hệ thống devşirme, Köprülü Mehmed Pasha bắt đầu với tham vọng tái lập lại hình ảnh trước đây của vezir-i azam Sokollu Mehmed Pasha. Kể từ khi Sokollu Mehmed Pasha bị ám sát vào năm 1579 cho đến khi Köprülü Mehmed Pasha lên nắm quyền, không có bất cứ vezir-i azam có được quyền lực tuyệt đối như vậy. Phương thức của Köprülü Mehmed Pasha cũng tương tự như Murad IV, khôi phục lại các giá trị cũ để cứu vãn tình thế bằng biện pháp cứng rắn. Để đảm bảo bộ máy chính trị và quân sự hoạt động một cách hiệu quả, ông ra lệnh thải hồi hoặc xử tử bất cứ những ai mà ông cho rằng không trung thành và thiếu năng lực. Ông cho đàn áp đẫm máu cuộc nổi loạn của các sipahi, chặt đầu hàng loạt các thủ lĩnh băng cướp tại Constantinople, trừng phạt những thủ lĩnh quân sự thất bại và cho lưu đày một loạt các học giả và chức sắc tôn giáo. Ngay cả Thượng phụ Parthenios III cũng bị ông cho treo cổ vì các cáo buộc tham gia kế hoạch chống lại đế chế Ottoman.
Không chỉ tái lập lại trật tự tại Constantinople, ông còn tiếp tục cho đẩy mạnh việc khôi phục lại quyền lực và ảnh hưởng của đế chế Ottoman với các nước chư hầu
và các vùng ngoại vi. Khi hoàng tử Transylvania George II Rákóczi nổi loạn và up hiếp các chư hầu Wallachia và Moldavia của đế chế Ottoman, Köprülü Mehmed Pasha đã mang quân Ottoman cùng với chư hầu Crimea tiến vào lật đổ ông ta và đặt một hoàng tử mới lên cai trị tiểu quốc này. Khi Abaza Hasan Pasha tiến quân về Konya yêu sách triều đình hạ bệ Köprülü Mehmed Pasha, một cuộc thanh trừng các phiến quân trên khắp Anatolia đã được tiến hành dẫn đến hàng ngàn người bị xử tử và hơn 80.000 khẩu súng hỏa mai đã bị tịch thu.
Chính sách cai trị cứng rắn của Köprülü Mehmed Pasha đã được ca ngợi là một bước ngoặt tốt lành nhất của đế chế Ottoman từ thời Murad IV. Các biên niên sử đương thời đã ca ngợi ông vì có công trong việc hưng vượng lại đế chế sau một thời kỳ trì trệ và khủng hoảng, cũng như có công trong việc trấn áp các nhóm phiến quân bất hảo. [155, tr. 24-25] Ngay cả trong mắt nhiều người nước ngoài, Köprülü Mehmed Pasha cũng được ca ngợi như là sự kết hợp giữa một người sắc sảo nhưng đầy nghiệt ngã và đôi khi phá cách hóm hỉnh. Đại sứ Habsburg đã nhắc lại tuyên bố của Köprülü Mehmed Pasha rằng “ai cũng nghĩ là đế chế Ottoman sẽ lụn bại hoặc không còn mạnh như trước, nhưng nó chỉ là vấn đề nhỏ cho việc chiến đấu với một đội quân nào khác [quân đội Habsburg].” [155, tr. 25] Khi vị vezir-i azam qua đời, hoàng đế Habsburg đã nhận xét ông là người đã “phóng hỏa dọc theo biên giới.” [155, tr. 25] Fazıl Ahmed Pasha (1635-1696) đã tiếp tục thay thế cha mình làm người cai quản đế chế thay mặt Mehmed IV, tạo dựng nên một triều đại vezir-i azam trong lịch sử Ottoman.
Những nỗ lực của nhà Köprülü đã kết thúc bởi thất bại tại Vienna năm 1683, một trong những thất bại nặng nề nhất trong lịch sử đế chế Ottoman. Padishah Mehmed IV đã buộc phải ra lệnh xiết cổ Kara Mustafa Pasha (con rể của Fazıl Ahmed Pasha) đến chết vì để thua trận. Chỉ trong vòng ba năm (1683-1686), Hungary và Moldavia đã rơi vào tay người Kitô giáo. Padishah Mehmed IV thoái vị năm 1687 và đế chế Ottoman đã bước vào một giai đoạn khủng hoảng mới. Phòng tuyến Danube đã bị phá hủy khi quân Habsburg chinh phục được Belgrade năm 1688.
Trước tình thế đó, Süleyman II (1687-1691) phải đề nghị một người nhà Köprülü là Fazil Mustafa Pasha (1637-1691) nắm quyền triều chính. Fazil Mustafa Pasha tiếp tục quay lại các biện pháp cứng rắn mà gia đình ông đã áp dụng trong quá khứ, khôi phục lại lực lượng quân sự các tỉnh và tổ chức lại hệ thống tài chính cho đế chế. Năm 1590, quân Ottoman dưới sự chỉ huy của Fazil Mustafa Pasha đã giành lại Nish, Semendria và Belgrade, khôi phục tuyến phòng ngự dọc sông Danube. Mọi nỗ lực của ông trở nên vô ích khi ông tử trận tại Slankamen năm 1591. Nỗ lực kháng cự của người Ottoman vẫn tiếp tục dưới sự trị vì của một Padishah mới là Ahmed II (1691-1695), người tuyên bố không chấp nhận nhượng lãnh thổ theo yêu cầu của nhà Habsburg.
Tuy nhiên, ưu thế của nhà Habsburg càng trở nên tuyệt đối từ những năm cuối cùng của thế kỷ XVII. Mặc dù Padishah Mustafa (1595-1703) đã đích thân ra trận và giành được một số chiến thắng tại Ulaş (1695) và Cenei (1596), nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận ký hiệp ước Karlowitz (1699), đánh dấu kết thúc cho hai thế kỷ bành trướng liên tục của đế chế Ottoman. Tuy nhiên, người Ottoman vẫn đảm bảo được vị trí cường quốc của mình khỏi chịu sự áp đặt của phe thắng trận. [16, tr. 511-512]