Bản chất của nhà nước Ottoman trước năm 1453

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 32 - 37)

8. Bố cục của luận văn

1.1.3. Bản chất của nhà nước Ottoman trước năm 1453

Sự thành công một cách đầy ấn tượng của người Ottoman đã dẫn đến câu hỏi tại sao người Ottoman thành công trong khi các hầu quốc khác đã thất bại. Và ngay cả khi bị giáng một đòn nặng nề ở Ankara năm 1402, tại sao Ottoman có thể tái khôi phục lại sức mạnh và tiếp tục bành trướng như trước khi có sự biến đó. Phần nhiều các lý giải đều hướng đến luận điểm “vĩ nhân,” nhằm đề cao vai trò trong việc tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống quân sự của các nhà cai trị đầu tiên như Osman, Orhan, Murad, Bayezid. Điều này là không thể phủ nhận, nhưng nếu chỉ dựa vào năng lực của một số cá nhân sẽ khó có thể mang đến những thành công vượt trội như vậy. Rõ ràng, mô hình nhà nước Ottoman giai đoạn này đóng một vai trò quan trọng cho sự quật khởi nhanh chóng của người Ottoman tại Anatolia và Balkan. Cemal Kafadar đã nhận định rằng sự thành công của người Ottoman - ngoài các lợi thế về vị trí địa lý và bối cảnh khu vực cũng như năng lực của những thế hệ lãnh đạo đầu tiên - đến từ mô hình nhà nước mà họ xây dựng và áp dụng, bởi “người Ottoman đã tiến hành nhiều thử nghiệm để tái định hình lại [các xã hội bị họ chinh phục], nỗ lực tiếp thu các truyền thống Turk, Hồi giáo lẫn Byzantine” hơn các đối thủ của họ. [98, tr. 121]

Một quan điểm vẫn được các học giả sử dụng khi nghiên cứu về mô hình nhà nước Ottoman trước năm 1453 rằng người Ottoman chịu sự chi phối mạnh mẽ của tinh thần ghaza.17 Được đưa ra vào năm 1938, Luận điểm Ghaza (Ghaza Thesis) của Paul Wittek (1894-1978) cung cấp cho giới nghiên cứu một cách lý giải được xem là khả dĩ nhất cho đến hiện nay về sự thành công của người Ottoman.18 Với Wittek,

17 Trong tư tưởng Hồi giáo, Ghaza có nghĩa là một cuộc đột kích vào lãnh thổ hay của cải của những kẻ thù ngoại đạo nhằm phục vụ mục tiêu tôn giáo lẫn mục tiêu kinh tế. Người tham gia ghaza được gọi là ghazi, những chiến binh vùng biên. Sự khác biệt quan trọng của ghaza với jihad (thánh chiến) là ghaza mang theo cả yếu tố lợi ích kinh tế, đôi khi đơn thuần là những cuộc cướp phá vào lãnh thổ những người ngoại đạo. Trong khi đó jihad hướng tới một cuộc đấu tranh trong cả tư tưởng và chiến trận nhằm phục vụ mục tiêu tôn giáo hơn là mục tiêu kinh tế.

18 Paul Wittek đặt ra giả thuyết rằng người Ottoman thực chất không phải là một bộ lạc duy nhất, thay vào đó là tập hợp các nhóm chiến binh được gọi là ghazi, những người cam kết truyền bá niềm tin của Tiên tri Muhammad trong một cuộc chiến trường kỳ không ngừng nghỉ với những người ngoại đạo cho đến Ngày phán xét (Yawmuddin). Ông cho rằng sức sống của mỗi nhà nước đều dựa vào những sứ mệnh và nhiệm vụ đặt ra cho nó, và nếu không còn có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh đó thì sự tồn tại của nhà nước đó sẽ không còn cần thiết và nó sẽ dần lụi tàn và biến mất. Cách giải thích của ông phù hợp với quan điểm ‘trỗi dậy và sụp đổ’ (rise and fall) vốn được sử dụng một cách rộng rãi trong việc nghiên cứu lịch sử Ottoman truyền thống. Đối với Wittek, các vấn đề ở châu Âu chứ không phải là ở các vùng đất Ả Rập - vốn lớn hơn nhưng vẫn an toàn nằm

ghaza - một cuộc đột kích phục vụ cho cả mục đích tôn giáo lẫn kinh tế - chính là

raison d'être (lý do để tồn tại) của Ottoman. Quá trình bành trướng của Ottoman vào giữa thế kỷ XIV cho thấy ghaza đã sớm trở thành một nguyên tắc căn bản của Ottoman, trừ ngoại lệ Karasi19 thì những vùng đất do ba amir (tiểu vương)Ottoman đầu tiên chinh phục đều là do người Kitô giáo kiểm soát. Cuối những năm 1340 và đầu 1350 là thời điểm quan trọng cho sự lựa chọn của mô hình phát triển của nhà nước Ottoman: Đông tiến hay Tây tiến. Nhà nước Ottoman đã không sụp đổ vào giữa thế kỷ XIV cũng không bị sáp nhập vào một thế lực lớn hơn. Thay vào đó, người Ottoman đã lựa chọn việc tiến về phía tây, lúc đầu là theo lời mời của các phe trong cuộc Nội chiến Đông La Mã (1341-1347); sau đó là độc lập hành động với việc chiếm đóng Gallipoli năm 1354. Nửa thế kỷ tiếp theo dưới thời của Murad I và Bayezid I, tinh thần ghaza đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ thông qua các chiến công liên tiếp trên mặt trận châu Âu, cũng như các nỗ lực quân sự kết hợp ngoại giao để sáp nhập các hầu quốcở châu Á.

Nếu như các cuộc đột kích tiến hành ở châu Âu là chìa khóa giải thích cho nguồn gốc sức mạnh và sự giàu có của người Ottoman, thì bí mật cho sự thành công của những đợt cướp phá là vai trò điều tiết các nguồn nhân lực và tài nguyên của họ. Từ giữa thế kỷ XIV, khi mà các hầu quốc buộc phải từ bỏ hoạt động cướp bóc biên giới thì “đến đầu quân cho lá cờ của Ottoman là con đường duy nhất với các chiến binh vùng biên và những người sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống để đổi lấy sự giàu có.” [104, tr. 12] Với việc nắm giữ Gelibolu, người Ottoman không chỉ kiểm soát con đường cho các dòng chảy nhân lực vào châu Âu phục vụ cho hoạt động chiến tranh vùng biên, mà còn cả con đường chuyển giao chiến lợi phẩm cướp được ở châu Âu về Anatolia. Các thủ lĩnh quân sự vùng biên cần người Ottoman, vì nếu không có Anatolia - vừa là thị trường tiêu thụ chiến lợi phẩm vừa là nơi cung cấp thêm nhân lực - thì hoạt động đột kích ở châu Âu sẽ bị đình trệ và suy sụp.

dưới sự kiểm soát của đế chế - là nguyên nhân chính mang đến sự suy yếu sau đó của nhà nước Ottoman. [156, tr. 35, 37, 44]

19Hầu quốc Karasi (1297-1360) là một hầu quốc ở khu vực eo biển Dardanelles thuộc Anatolia. Karasi đã được sáp nhập một cách ôn hòa vào Ottoman trong khoảng những năm 1340-1350, trước khi hoàn toàn biến mất vào năm 1360.

Bên cạnh việc nâng tầm ghaza trở thành ý thức hệ của cả triều đại, người Ottoman cũng cố gắng tích hợp và chung sống hòa bình với các thần dân ngoại đạo dưới quyền cai trị của họ. Trên thực tế, Nhà nước Ottoman được hình thành trên sự cộng sinh giữa những cộng đồng Kitô giáo bản địa, Hồi giáo-Ba Tư cũng như yếu tố du mục của Mông Cổ-Thổ (Mongol-Turko). Giới tinh hoa Ottoman bao gồm các tín đồ Hồi giáo tại Anatolia, tín đồ Kitô giáo tại Balkan cũng như nhiều quý tộc Đông La Mã. Đồng thời có thể thấy rằng, đối lập với những thành công của Ottoman là sự thất bại của những nhà nước trước đó vốn rập khuôn theo mô hình Hồi giáo truyền thống. Từ Osman cho đến Murad II, người Ottoman để ngỏ vấn đề tôn giáo và không quan tâm đến một cách có chủ ý. Halil İnalcık đã gọi nhà nước Ottoman trong thế kỷ XIV thực sự là một ‘đế chế vùng biên,’ nhấn mạnh đây là một trong các bí mật đằng sau cho những thành công trong giai đoạn hình thành của người Ottoman. [160, tr. 11] Nhờ sự kết hợp một cách khéo léo các yếu tố này, người Ottoman đã tạo ra xung quanh mình một hệ thống các mạng lưới xã hội trung thành ở cả Balkan và Anatolia. Việc tiếp quản các hầu quốc Anatolia đã gần như không gặp phải sự chống đối nào, ngoại trừ Karaman. Ở Balkan, tình hình tương tự cũng diễn ra. Các cộng đồng tôn giáo được tự do hoạt động như trong quá khứ ngay cả khi người Ottoman thiết lập hệ thống tư pháp của mình. Thậm chí, dường như cả dân chúng lẫn tầng lớp tinh hoa bản địa đã chấp nhận sự cai trị của người Ottoman một cách dễ dàng và đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực tái lập lại chế độ Ottoman sau năm 1402.

Người Ottoman có lẽ không phải thế lực duy nhất thoát khỏi số phận của một nhà nước bảo trợ quân sự - khi chế độ thừa kế quân bình (polygeniture) thường xé nhỏ các đế chế chỉ sau một vài thế hệ - nhưng họ lại là những kẻ thành công nhất trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế. Thay vì chia nhỏ lãnh thổ cho các con trai theo truyền thống Trung Á, các amir và sultan Ottoman nhấn mạnh nguyên tắc thống nhất và độc tôn trong việc kế thừa. Khi một nhà cai trị Ottoman qua đời, một trong số các con trai của ông ta sẽ lên kế vị - thường được thông qua bằng một giải pháp bạo lực. Dù gặp phải một vài thách thức nghiêm trọng, nhưng các nhà cai trị Ottoman đều giữ vững được sự tập quyền trong tay và thanh trừng toàn bộ các anh em trai của mình thay vì chấp nhận chia sẻ quyền lực. Cuối cùng, ngay trước khi tổ chức cuộc

tấn công vào Constantinople, Mehmed II đã bác bỏ hoàn toàn chế độ kế thừa quân bình bằng việc ban bố một sắc lệnh cho phép một Padishah sau khi lên nắm quyền được phép xử tử toàn bộ các anh em mình mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm đạo đức hay tôn giáo.

Nhà nước Ottoman trong giai đoạn 1326-1453 vẫn đang trong một quá trình phát triển xung quanh việc cạnh tranh giữa hai xu thế phân quyền và tập quyền. Các nhà cai trị Ottoman trên danh nghĩa là người đứng đầu nhà nước, nhưng phải chấp nhận chia sẻ quyền lực cho các chư hầu và quý tộc địa phương. Trong nỗ lực tập quyền của mình, các nhà cai trị Ottoman đã cố gắng tích tụ đất đai vào trong tay nhà nước một cách tối đa nhất có thể, trước khi chia chúng thành các thái ấp và ban cấp lại cho binh lính để đổi lấy nghĩa vụ quân sự. Các gia tộc lớn ở Anatolia và Balkan bị loại bỏ dần khỏi hệ thống chính trị bằng mô hình chinh phục hai bước của Ottoman: (1) thiết lập quyền tôn chủ (2) sau đó thay thế dần bằng một hệ thống đơn vị hành chính trực tiếp nhận sự chỉ đạo của trung ương. [87]

Bản chất phong kiến20 của chính thể Ottoman trong thế kỷ XIV và nửa đầu thế kỷ XV đã tạo ra nguồn gốc cho hai xu hướng căng thẳng chính trị có liên quan đến hàng loạt các cuộc chinh phục tạo nên sự trỗi dậy của đế chế Ottoman cũng như tiền đề cho sự phát triển của một hệ thống quan liêu vào thế kỷ XVI.

Nguồn gốc cho xu hướng căng thẳng đầu tiên, theo chiều ngang, là thực tế người Ottoman không phải là thế lực chi phối duy nhất trong khu vực. Vì vậy, các nhà cai trị phải thiết lập và duy trì bằng được lòng trung thành của các chư hầu của mình, bởi bản thân từ Osman cũng chỉ là một trong nhiều tôn chủ cạnh tranh với nhau để giành được sự ủng hộ của các chư hầu. Nếu con cháu của Osman không thể chứng tỏ mình là một nhà cai trị đầy hứa hẹn, các chư hầu của ông sẽ bắt đầu chuyển đổi lòng trung thành của họ sang các tôn chủ khác trong khu vực. Orhan và những người kế tiếp ông, đã phải nỗ lực để giữ được sự ủng hộ từ các chư hầu cũng như lôi kéo thêm

20 Nhiều học giả tin rằng, đế chế Ottoman dù có tồn tại xu hướng phong kiến hóa ở một mức độ nhất định nhưng không đủ khả năng để hình thành một chế độ phong kiến thực sự. Đồng thời, xu hướng phong kiến hóa tại Ottoman cũng khác nhiều so với xu hướng phong kiến hóa tại châu Âu. Xem Josef Matuz (1982), The nature and stages of Ottoman Feudalism, Asian and African Studies 16, pp. 281-292.

nhiều các chiến binh khác gia nhập lực lượng. Mâu thuẫn căn bản của áp lực này là việc cố gắng giải quyết càng thành công bao nhiêu sẽ mang lại thêm nhiều áp lực hơn bấy nhiêu. Một chiến thắng quân sự hay một cuộc chinh phục thành công sẽ thu hút thêm nhiều người đến gia nhập lực lượng Ottoman, nhưng cũng tạo ra nhiều áp lực hơn nữa đối với tôn chủ để giữ vững lòng trung thành mong manh trong điều kiện các nguồn tài nguyên và đất nông nghiệp hạn chế. Do đó, người Ottoman liên tục phải chinh phục các lãnh thổ mới để duy trì hệ thống bệ đỡ của chính thể trong điều kiện sản lượng nông nghiệp thấp cũng như nhu cầu tìm kiếm các khu vực chăn thả gia súc tăng dần theo thời gian. Xu hướng căng thẳng thứ hai, theo chiều dọc, là luôn tồn tại khả năng việc một chư hầu có thể tách ra độc lập và thách thức sự cai trị của người Ottoman. Người Ottoman rất rõ ràng về nguy cơ này bởi chính họ cũng đã từng là chư hầu của nhiều thế lực trong quá khứ.

Hai xu hướng căng thẳng này, một theo chiều ngang giữa tôn chủ-tôn chủ (trong việc cạnh tranh lẫn nhau để lôi kéo các chư hầu) và một theo chiều dọc giữa tôn chủ- chư hầu (trong việc duy trì mối quan hệ phân cấp quyền lực), càng trở nên phức tạp khi tương tác với nhau. Trong khi tăng cường các đặc quyền cho chư hầu để ngăn họ đầu quân cho một tôn chủ khác, người Ottoman có thể vô hình trung tạo điều kiện cho chư hầu của mình độc lập; nhưng nếu làm suy yếu chư hầu thì cũng có thể người Ottoman đang đẩy chư hầu của mình vào vòng tay của một tôn chủ khác.

Như vậy, nhà nước Ottoman trước năm 1453 luôn dễ bị tổn thương khi các liên kết dựa trên quan hệ hôn nhân và tôn chủ-chư hầu thường xuyên được thành lập và tan vỡ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ các áp lực từ hai xu hướng căng thẳng này mà đế chế Ottoman đã được hình thành và phát triển đến đỉnh cao. Trong khi sự cạnh tranh theo chiều ngang giữa các tôn chủ đã mang đến những một chuỗi các cuộc chinh phục làm nên tên tuổi và vị thế của đế chế Ottoman; thì sự căng thẳng trong quan hệ giữa các nhà cai trị Ottoman và chư hầu của mình đã được giải quyết bằng việc thay thế mô hình quan hệ phong kiến sang áp dụng mô hình chủ nô-nô lệ với một hệ thống nô lệ chính trị. Tuy nhiên phải sau khi đánh chiếm được Constantinople năm 1453, việc thay thế mô hình nhà nước quân sự với bản chất phân quyền mới được thực hiện một cách hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)