Từ Osman II đến trước thời kỳ Köprülü

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 99 - 104)

8. Bố cục của luận văn

3.2. Những nỗ lực duy trì và tái ổn định của đế chế Ottoman

3.2.1. Từ Osman II đến trước thời kỳ Köprülü

Trước sự khủng hoảng rõ rệt như vậy, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để khắc phục tình trạng rối ren trong nước và ổn định lại xã hội. Khi mà sự lụn bại và cả những chuyển biến đã trở nên đủ nghiêm trọng để đe dọa đến sự tồn vong của đế chế Ottoman, các Padishah và triều thần bắt đầu thúc đẩy những chương trình hành động để cứu vãn đế chế. Trong thế kỷ XVII, triều đình Ottoman đã tung ra hàng loạt các cải cách khác nhau. Nhưng ngay cả những đại thần nhạy bén nhất với tình thế cũng vẫn luôn giữ một niềm tin rằng hệ thống Ottoman vượt trội hơn bất cứ thứ gì mà các nước bên ngoài có thể phát trển, một niềm tin xuất phát từ sự thịnh trị đầu thế kỷ XVI. Họ tin rằng việc đế chế suy sụp là do không áp dụng các nguyên tắc và mô hình đã mang đến thời kỳ đỉnh cao trong thế kỷ XVI. Những nhà cải cách theo mô phạm truyền thống này tin rằng cải cách chỉ có thể thực hiện bằng việc làm cho mô hình đế chế Ottoman hoạt động như nó đã từng trước đây, loại bỏ những kẻ thiếu năng lực, bài trừ hối lộ và tham nhũng, nâng đỡ nhân tài, cải tổ và khôi phục lại kỷ cương của

quân đội, thải hồi bất cứ ai từ chối làm đúng nghĩa vụ của mình. Mặc dù thường áp dụng các biện pháp tàn nhẫn, nhưng thành công của họ lại đáng ngạc nhiên, họ đã khôi phục lại nhà nước Ottoman sau mỗi lần khủng hoảng, cũng như đẩy lùi những đội quân xâm lược. Ít nhất trong thế kỷ XVII, những phương thức cải cách theo hướng truyền thống vẫn được đánh giá là hiệu quả.

Vào đầu thế kỷ XVII, Padishah Ahmed I đã có những cố gắng để thích nghi với tình hình mới và khôi phục lại sự ổn định xã hội Ottoman. Để làm được điều này, ông quyết định cho dàn hòa với cả nhà Habsburg và Safavid. Người Ottoman ký với nhà Habsburg hòa ước Zsitvatorok (1606), cùng một loạt các hiệp ước bổ sung sau đó với Transylvania (1607), Ba Lan (1614) và Habsburg (1615) để ổn định biên giới phía Tây. Trong khi đó, quân Ottoman vẫn tiếp tục giao chiến cầm chừng với người Safavid để bảo vệ biên cương phía Đông. Sau đó, người Ottoman tập trung trấn áp cuộc nổi loạn celali. Năm 1607-10, vezir-i azam Kuyucu Murad Pasha (1535-1611) đã dẫn quân vào Anatolia, và xử lý một cách dứt khoát cuộc nổi loạn này bằng việc xử tử hàng chục ngàn phiến quân. Tiếp đó, một nỗ lực nhằm tái thiết vùng nông thôn đã được tiến hành nhằm khôi phục lại Anatolia.

Padishah Osman II (1618-1622) sau khi lên ngôi, đã nỗ lực để khôi phục lại sức mạnh cho đế chế và thúc đẩy những chương trình cải cách mạnh mẽ hơn. Quyết tâm chấn chỉnh lại những biến động trong đế chế Ottoman, Osman II có tham vọng trong việc tái lập sự vô song dưới thời Süleyman I. Để làm được điều này, ông đã nhấn mạnh đến việc sử dụng các phương án nhằm tái khẳng định quyền lực tuyệt đối và chuyên chế của Padishah cũng như trấn áp mọi thế lực phe cánh trong triều đình và quân đội trung ương.

Ngay khi vừa nắm quyền, Osman II đã cho loại bỏ khỏi triều đình không chỉ những người ủng hộ Mustafa I mà còn cả những người đã đưa ông lên ngai vàng. Kösem Sultan bị đưa đến cung điện dành riêng cho các góa phụ hoàng gia. Các đại thần bị điều chuyển khỏi thủ đô. Quyền bổ nhiệm và bãi miễn ulema bị chuyển vào tay Padishah. Không chỉ vậy, ông còn cho khôi phục lại truyền thống cũ của nền

chính trị Ottoman. Hoàng tử Mehmed (con trai của Kösem Sultan) đã bị xiết cổ đến chết năm 1621, một động thái không ai ngờ đến. [45, tr. 32]

Việc quân Ottoman không đạt được thành công trong cuộc chiến với Ba Lan năm 1621 đã thúc đẩy quyết tâm cải cách sâu rộng của Osman II. Dưới ảnh hưởng từ những người thân tín cũng như lo ngại rằng sự suy đồi đã lan đến mọi bộ phận trong đế chế, Osman II tin rằng cách duy nhất là Turk hóa (turkify) toàn bộ triều đình và quân đội. Padishah dự định thay thế các janissarysipahi bằng một lực lượng dân quân và lính đánh thuê được tuyển từ những người Hồi giáo tại Syria và Anatolia. Ông chỉ trích những thất bại trong chiến dịch Ba Lan là do sự bất tuân và lười nhác của quân đội, cắt giảm lương thưởng và bắt họ phải luyện tập nhiều hơn. Vô hình chung, Osman II đã tự biến mình thành đối thủ của nhiều phe phái khác nhau trong triều đình.

Khi biết được tin về việc Osman II đang dự định thành lập một đội quân mới và hủy bỏ đặc quyền devshirme, nhiều phe phái đối lập trong triều đình đã coi đó là giọt nước làm tràn ly. Nhiều người đã chỉ trích rằng: “Lũ sekban đã cùng tổ tiên Người chinh phạt bờ cõi? Các tỉnh ở Anatolia thất thủ là bởi sự bất tuân của chúng. Kalenderoğlu và Canbulad [những thủ lĩnh celali] cùng nhiều kẻ giống chúng, trước đây đã dám đòi tiên hoàng quyền có hutbe ve sikk (xướng tên và đúc tiền, biểu tượng cho vương quyền trong Hồi giáo). Chúng đã mang đến sự hoang tàn của thế giới với đám sekban [của chúng].” [129, tr. 27] Những đối thủ cũ gạt bỏ mâu thuẫn và xung đột lợi ích để liên kết lại với nhau. Ngày 18 tháng 5 năm 1622, một cuộc nổi loạn đã nổ ra tại Constantinople. Şeyhülislam cũng ban một fatwa hợp pháp hóa cuộc nổi loạn này: “Phải làm gì khi mà có những kẻ mê hoặc hoàng thượng và cướp bóc tài sản của người Hồi giáo, rồi gây ra sự hỗn loạn như này? Chúng phải bị xử tử.” [133, tr. 192] Khi Osman II từ chối đề nghị này, quân nổi loạn đã tràn ra khắp thủ đô, đốt phá các dinh thự và giết các đại thần mà họ bắt được. Nhận thấy không đủ lực lượng để trấn áp quân nổi loạn, Osman II đã cố gắng điều đình nhưng không thành công. Ngày 19 tháng 5, các janissary tràn vào trong cung và đòi phải xử tử toàn bộ các triều thần thân tín của Padishah. Không còn cách nào khác, Osman ra lệnh giao vezir-i azam

quản thái giám) cũng bị quân nổi loạn phanh thây. Ngay sau đó, Osman cũng đã bị phế truất và xử tử. Mustafa I được mang trở lại ngai vàng nhưng lại bị lật đổ chỉ sau đó một năm. Triều đình Ottoman đưa hoàng tử Murad lên ngôi.

Khi Murad IV lên ngôi, nhà nước Ottoman đang trong giai đoạn khủng hoảng toàn diện. Hầu hết Rumelia và Anatolia đang bị quân nổi loạn kiểm soát. Các đối thủ bên ngoài đang chiếm dần những khu vực ngoại vi. Mặc dù triều đại của Murad IV đã chứng kiến sức mạnh và ảnh hưởng của đế chế Ottoman được phục hồi mạnh mẽ, nhưng phải chín năm sau khi ông lên ngôi, tình hình mới bắt đầu khả quan. Bắt đầu khi nắm quyền thực sự, Murad IV đã thi hành những chính sách cứng rắn nhằm loại bỏ các nhân tố mục rỗng trong nhà nước Ottoman.

Năm 1632, sự chia rẽ của các phe phái đã mang lại cơ hội cho Murad IV khẳng định quyền lực của mình. Sự việc bắt đầu với việc Topal Recep Pasha55 ám sát một số thủ lĩnh phe đối lập nhằm tăng cường quyền lực và của cải của mình. Các nhóm đối lập bắt đầu nổi lên và tiến vào Constantinople, hỗn chiến với nhau. Ngày 18 tháng 5 năm 1632, Murad IV ra lệnh cho xiết cổ Topal Recep Pasha và buộc toàn bô giai cấp thống trị còn lại tại thủ đô tuyên thệ lòng trung thành với ông. [133, tr. 197]

Với sự hậu thuẫn của quân đội và việc các phe phái trong triều đình kiệt quệ sau hơn một thập niên đấu đá chính trị, Murad IV đã ở một vị trí thuận lợi hơn rất nhiều so với Osman II trong việc khẳng định quyền lực của mình cũng như cải tổ lại nhà nước Ottoman. Murad IV đã thiết lập một mô phạm cho tất cả những nhà cải cách truyền thống sau này bằng việc duy trì các giá trị cũ để vãn hồi sự suy sụp của đế chế Ottoman, loại bỏ mọi nhân vật muốn sử dụng nhà nước để mưu đồ lợi ích cá nhân và ít nhiều nghe theo các lời tham vấn từ những đại thần như Koçi Bey. Murad IV với niềm tin về việc chính thể Ottoman truyền thống vượt trội hơn bất cứ mô hình nào đã phát triển ở châu Âu, đã thanh trừng bất cứ ai từ chối tin vào điều đó và cố gắng bổ nhiệm nhiều nhân tài vào các vị trí thích hợp.

55Topal Recep Pashavezir-i azam trong năm 1632. Tham vọng trở thành vezir-i azam của ông đã khiến ông đóng một vai trò quan trọng trong việc kích động quân đội nổi loạn giết chết Hafiz Ahmed Pasha, người tiền nhiệm của ông và cũng là sủng thần của Murad IV. Khi tình hình trở nên bất ổn và mất kiểm soát, ông đã bị Murad IV xử tử để trừng phạt vì tội lỗi của mình, cũng như để răn đe cho bất cứ ai thách thức quyền lực tối cao của Padishah.

Chỉ trong vòng vài tháng, Murad IV đã lệnh cho xử tử hàng ngàn các phiến quân và toán cướp, cũng như cho quân lính tiễu trừ khắp các vùng nông thôn và xử tử bất cứ tên cướp nào mà họ bắt được. Các phiến quân celali và những sipahi bất tuân mệnh lệnh cũng bị thanh trừng một cách tương tự. Các tổng trấn bị thuyên chuyển liên tục để tránh có thể thiết lập các mạng lưới quyền lực của riêng mình. Hệ thống

timar cũng đã được điều chỉnh lại, loại bỏ các sipahi không thể thực hiện các nghĩa vụ quân sự để đổi lấy đất đai. Ít nhất vào lúc này, một lần nữa các timar đã quay trở lại như những cơ sở quân sự và hành chính phục vụ cho nhà nước Ottoman. Trong một thời gian ngắn, Murad IV đã tái thiết lập được quyền kiểm soát toàn bộ thiết chế thế tục trong nhà nước Ottoman. Tham nhũng và hối lộ đã bị loại bỏ, trật tự và an ninh được khôi phục, cùng hàng ngàn người đã bị xử tử vì tội lỗi của mình. [162, tr. 163-164]

Không dừng lại với việc chấm dứt hỗn loạn và tham nhũng, Murad IV tiếp tục thực hiện những nỗ lực để khôi phục hiện trạng những gì đã từng được xem là hiệu quả trong thế kỷ trước. Lệnh cấm sử dụng thuốc lá và cà phê đã được ban bố. Mỗi người chỉ được phép mặc trang phục theo đúng millet của mình, cũng như mọi người đều phải tuân theo đúng nghĩa vụ tôn giáo của mình. Nhiều thành viên thuộc tầng lớp

ulema đã bị trừng phạt khi dám thách thức Murad IV. Khi Padishah cố gắng cải cách thể chế và tập trung quyền lực, ông đã bị şeyhülislam Ahizade Hüseyin Efendi (1572- 1634) chỉ trích và phản đối. Đổi lại, Murad IV đã ra lệnh giết chết Ahizade Hüseyin Efendi. Ngay cả kadi của Constantinople, Kara Celebi-zade Abdulaziz Efendi - một học giả hàng đầu thời bấy giờ, cũng bị xử tử vì để cho bơ sữa bị thiếu hụt. Chỉ có sự can thiệp của thái hậu mới có thể đảo ngược được mệnh lệnh này. Một nhà thơ nổi tiếng cũng bị xiết cổ vì tội lăng mạ nhiều quan chức cấp cao năm 1635.

Để có tiền phục vụ cải cách và chi trả cho các chiến dịch quân sự, Murad IV đã cho thiết lập một loạt các iltizam và tung ra hàng loạt các quan chức thu thuế nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. [162, tr. 160-161] Tuy nhiên, khi mà áp lực tài chính ngày càng gia tăng, ông đã cho tịch thu tài sản của cả quan lại và dân chúng, cùng một loạt chính sách đã gây ra hỗn loạn tài chính trong các triều đại trước đây. Murad IV qua đời vào năm 1640, ngay sau khi thành công giành lại Baghdad từ tay người

Safavid. Triều đại của ông đã thành công một cách đáng kể trong việc khôi phục lại đế chế Ottoman vốn đang trượt dài trong sự suy tàn và rối loạn. Bằng việc áp dụng những chính sách cứng rắn và tàn nhẫn, Murad IV đã xoay sở để tái lập lại phần lớn sức mạnh cho Đế chế, trì hoãn lại sự suy tàn của Ottoman trong thế kỷ XVII. Sau khi ông qua đời, đế chế Ottoman trượt dài trong sự khủng hoảng ít nhất trong 16 năm tiếp theo, khi các vezir-i azam nhà Köprülü tiếp nhận trách nhiệm gánh vác đế chế từ năm 1556.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 99 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)