8. Bố cục của luận văn
3.1.3. Những chuyển biến về kinh tế-xã hội
Đầu thế kỷ XVII cũng là thời điểm mà các học giả gọi là mốc bắt đầu cho những khủng hoảng và chuyển biến về nền kinh tế Ottoman, rằng “dòng chảy bạc và vàng từ Tân Thế Giới đã mang đến một cuộc cách mạng giá cả và lạm phát giá trị đồng tiền, nền kinh tế suy thoái sau những năm tháng thịnh vượng của thế kỷ, gánh nặng tài chính cho một bộ máy quan liêu và quân sự ngày một mở rộng, các cuộc nổi dậy liên miên trong những năm 1640-1650, và cả chuyển biến mạnh mẽ về ý thức hệ.” [49, tr. 8]
Điều đầu tiên có thể thấy là sự ổn định của đồng bạc akçe đã bị phá vỡ. Giá trị của đồng akçe liên tục biến động từ nửa sau thế kỷ XVI, từ 60 akçe đổi lấy 1 ducat
đình Ottoman khống chế được tình hình lạm phát bằng việc áp giá đồng tiền thì hệ thống tài chính của đế chế đã bị tổn hại nặng nề. Thâm hụt ngân sách đã diễn ra dưới tác động của những cuộc cách mạng giá cả và khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ XVI- đầu thế kỷ XVII. Trước năm 1580, thu nhập của ngân khố thường cao hơn nhiều so với các khoản chi. Nhưng từ năm 1580, hầu như năm nào ngân khố cũng thất thu và bội chi. Năm 1581, ngân sách của trung ương bội chi 56.255.462 akçe trước khi được tiền thuế từ các tỉnh bù đắp giảm xuống 727.870 akçe. [49, tr. 239] Năm 1597 là năm mà ngân khố Ottoman hao hụt nhất, lên đến 400 triệu akçe. Tình hình thâm hụt như vậy chỉ kết thúc từ sau năm 1700, khi mà việc đưa vào áp dụng hệ thống thầu khóan thuế không thời hạn (malikane iltizam) giúp ngân khố có thể cân bằng thu chi trong khi các cuộc chiến tranh dần kết thúc.
Trong thế kỷ XVII, nhằm cân bằng ngân sách đang ngày càng bội chi mà nguồn thu không còn đáng kể, triều đình Ottoman đã buộc phải thúc đẩy việc cho phép thầu khóan thuế ở các địa phương. Song song với đó là thương mại hóa (commercialization) nền kinh tế và cả xã hội. Việc thầu khoán thuế và thương mại hóa đã mang đến những thay đổi lớn về cấu trúc xã hội truyền thống Ottoman. Những thay đổi này bao gồm việc tích hợp theo chiều ngang của các mạng lưới bảo trợ và lợi ích khác nhau ở địa phương, cũng như những phe cánh trung gian và bảo trợ theo chiều dọc ở trung ương. Kết quả là một lực lượng chính trị mới trong xã hội có sức mạnh cả về kinh tế và quân sự đã nổi lên ở Anatolia và Rumelia, các ayan (nhân sĩ). Những nhân sĩ địa phương này hầu hết đều không phải là những người đến từ bộ phận quân sự, dân sự hay tôn giáo trong chính quyền đế chế; thay vào đó, họ nổi lên thông qua hoạt động kinh tế và tạo dựng được ảnh hưởng nhờ vào việc làm trung gian giữa chính quyền và dân chúng. Họ tích cực tham gia vào hoạt động chính trị, cả hỗ trợ lẫn chống đối lại nhà nước. Mặc dù một bộ phận có tham vọng giành lấy quyền tự chủ từ tay nhà nước Ottoman, nhưng cũng không ít người sẵn sàng tập hợp quân đội tiến về Constantinople để bảo vệ Padishah và đế chế.
Thầu khoán thuế (Iltizam) là một hình thức mà nhà nước giao quyền thu thuế một khu vực cho một cá nhân để đổi lấy một khoản tiền mặt và các khoản thu thêm hàng năm. Bắt đầu từ sau năm 1603, khi mà hệ thống timar, xương sống của cấu trúc
hành chính cấp huyện suy tàn thì hệ thống iltizam đã được phát triển để thay thế. [89, tr. 327] Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của việc áp dụng thầu khoán thuế là nhằm tái tổ chức lại hệ thống tài chính và thuế nông nghiệp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách liên tiếp và những phí tổn chiến tranh của đế chế Ottoman.
Tính từ năm 1645, và đặc biệt là đỉnh điểm những năm 1683 đến 1699, đế chế Ottoman luôn trong tình trạng chiến tranh. Ngân sách nửa sau thế kỷ XVII hầu như không bao giờ có cân bằng thu chi, một mặt bởi vì chi tiêu ngân sách liên tục gia tăng để theo đuổi chiến tranh, mặt khác là bởi việc thất thu thuế. Các hệ thống thu thuế cũ (chủ yếu thông qua timar) đang trong quá trình tan rã còn các cơ chế trung gian được thiết lập tạm thời để tăng nguồn thu gần như chỉ mang lại sự bóc lột không ngừng nông dân, còn nhà nước lại không thu được mấy thuế. Bất chấp các nỗ lực thắt lưng buộc bụng của những vezir-i azam gia đình Köprülü, ngân sách liên tục bị thâm hụt. Chiến tranh, căng thẳng tài khóa và sự mở rộng bộ máy hành chính đã khiến người Ottoman phải tiến hành một cuộc tái tổ chức lại đáng kể hệ thống thuế và nền kinh tế.
Thực tế, hệ thống iltizam đã được áp dụng song song với hệ thống timar ngay từ thời kỳ đầu của đế chế Ottoman. Hệ thống này chủ yếu được áp dụng ở những khu vực mà triều đình thấy khó khăn trong việc thu thuế, bởi vậy nó giúp giảm bớt rủi ro hơn và giúp triều đình có thể nhận ngay tiền mặt. [31, tr. 231] Các giao ước phần lớn đều ngắn hạn này được triều đình bán cho nhiều thành phần khác nhau như quan lại, thương nhân Hồi giáo lẫn Kitô giáo, v.v và biến họ trở thành trung gian giữa triều đình và dân chúng. Hạn chế của các giao ước ngắn hạn nằm ở việc chúng khiến cho những chủ thầu thường tăng cường bóc lột nông dân để tối đa hóa lợi nhuận hơn là đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, việc tồn tại một cách liên tục các giao ước thầu thuế ngắn hạn như vậy trong hơn một thế kỷ (ít nhất từ 1550-1650) cho thấy tính hữu ích của nó với nhà nước Ottoman.
Mô hình mới của các giao ước này, được gọi là malikane (không thời hạn) là một phương thức mà triều đình phát triển nhằm khắc phục sự áp bức lên nông dân cũng như huy động một lượng lớn tiền mặt để bơm vào ngân khố khi cần thiết. Mỗi
chủ thầu có malikane đều được triều đình Ottoman bảo hộ quyền sở hữu cho đến hết cuộc đời mình. Nghĩa vụ của họ ngoài khoản tiền mặt nộp lúc đấu thầu (muaccele) thì phải nộp thêm các khoản thuế nhất định mỗi năm. Bằng việc sở hữu một beratlı
(chứng thư), họ có thể tùy ý phát triển khu vực mà mình thầu hay nhượng lại cho người khác. Các cá nhân đôi khi thường liên kết với nhau để có thể thu mua quyền thầu thuế tại một địa phương, rồi chia lợi nhuận theo giá trị góp vốn của mỗi người.
Việc iltizam được đẩy mạnh áp dụng trong thế kỷ XVII không chỉ bắt nguồn từ nhu cầu cần tiền mặt bù đắp các khoản chi trong chiến tranh, mà còn bởi sự suy sụp của hệ thống timar cũng như sự đổ vỡ của trật tự xã hội nông thôn truyền thống. Chiến tranh đã khiến cho nhiều timar rơi vào tình trạng vô chủ khi các kỵ binh hưởng
timar tử trận và không có người thay thế, dù triều đình cố bù lấp bằng việc phong đất cho những người bên ngoài lãnh địa. Một chu kỳ khủng hoảng của hệ thống timar là khoảng hai mươi năm một lần, ngay từ những năm 1520 tức là khi bắt đầu thời kỳ của Süleyman I. Trên các İcmal Defterleri (sổ đăng ký thuế), một lượng lớn các timar
đã bị bỏ trống hoặc thay thế chủ nhân là những người hoàn toàn không có nguồn gốc xuất thân đã cho thấy những tổn thất to lớn về nhân lực. Những từ “lụn bại”, “suy sụp” hay “hỗn loạn” đã xuất hiện rải rác trong những lời tham vấn và ghi chép của nhiều đại thần Ottoman bởi việc hàng loạt timariot không có nguồn gốc xuất thân, như Mustafa Ali đã than rằng “những người được giáo dục tốt lại không được bổ nhiệm và vị trí xứng đáng chỉ vì cái cớ rằng họ không được đào tại tại nội cung.” [22, tr. 25]
Không có timariot (người nhận timar) đảm bảo trị an, các vùng nông thôn Rumelia và Anatolia rơi vào tình trạng mất kiểm soát bởi các toán cướp và biến đổi khí hậu gây mất mùa. Trật tự xã hội nông thôn Ottoman tại Anatolia đã sụp đổ như hệ quả của các cuộc nổi loạn celali, bởi trong cuộc trấn áp quân nổi dậy, quân triều đình tàn phá không kém gì những kẻ phiến loạn. Đất đai bị bỏ hoang còn dân chúng thì phiêu tán tới các đô thị và những vùng ổn định hơn nhằm tìm kiếm cơ hội làm lại từ đầu. Những ghi chép về thuế và dân số được thống kê bởi triều đình Ottoman cho thấy nhiều ngôi làng tại Anatolia bị bỏ hoang và biến mất. Ví dụ vào năm 1576, người Ottoman thống kê được có 379 ngôi làng tại tỉnh Amasya, nhưng đến năm 1643, chỉ
còn có 162 ngôi làng còn tồn tại, tức là giảm đi 57,25%. [124, tr. 104] Quy mô dân số nông thôn cũng suy giảm rõ rệt, cũng ở Amasya, từ 28.449 nefer (nam giới nộp thuế thân) năm 1576 đã giảm xuống 6.068 vào năm 1643, tức giảm đi 78,67%. [124, tr. 117] Tại nhiều vùng khác ở Anatolia, tình hình cũng diễn ra tương tự. Inzik, Manis, Kütahya và Antalya giảm từ 40-85% dân số. Nhiều ngôi làng và khu dân cư nhỏ tại Kastamonu gần như bị bỏ hoang toàn bộ. Các khu vực Bozok và Harput của tỉnh Rum, số người chịu thuế tại nông thôn hầu như không còn được 30% so với trước khi cuộc nổi loạn celali diễn ra, khoảng 70-80% dân số nông thôn đã không được ghi lại trong các lần thống kê thuế tiếp theo. [123] Sổ thuế năm 1603-04 cho thấy 25% thị trấn ở Manyas bị biến mất. [124, tr. 170] Đại sứ Anh Thomas Roe ở Constantinople những năm 1620 đã nhận xét rằng trong số 553.000 ngôi làng của đế chế vào năm 1606, chỉ còn lại 75.000 ngôi làng còn tồn tại vào năm 1619. [143, tr. 784] Ông còn nhấn mạnh rằng có thể đi liên tiếp ba ngày từ Constantinople mà không gặp nổi một người sống định cư. Người Venice cũng đã gửi đi nhiều báo cáo cho hội đồng ở chính quốc về những gì đang diễn ra ở Anatolia. [150, tr. 173-79] Nông dân và các ngôi làng biến mất, các timariot còn lại cũng nhanh chóng phá sản sau khi không còn nguồn thu thuế. Bởi lẽ đó mà triều đình Ottoman buộc lòng phải áp dụng nhanh chóng hệ thống iltizam nhằm tái thiết vùng nông thôn, và lấp khoảng trống mà hệ thống timar để lại.
Trong thế kỷ XVII, nền kinh tế Ottoman cũng đã chuyển dần từ một nền kinh tế mang tính tự cung tự cấp (provisionalism) sang một nền kinh tế cởi mở hơn với sự gia tăng về trao đổi thương mại nội địa cũng như quốc tế. Mặc dù thương nhân châu Âu ngày càng hoạt động rộng rãi tại đế chế Ottoman, họ không chiếm được ưu thế trong nền thương mại đế chế vào giai đoạn này. [90, tr. 150] Các thương nhân châu Âu vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp của triều đình Ottoman, và chỉ có một số ít cá nhân (sau đó là quốc gia) mới được hưởng các đặc quyền thương mại (ahdname). Mặc dù sức mạnh thương mại của Ottoman nằm trong tay các gia đình Hy Lạp hay Do Thái giáo, nhưng nhà nước không bao giờ để mất quyền kiểm soát với hoạt động thương mại. Nhà nước Ottoman vừa đóng vai trò là người bảo vệ thị trường và bảo hộ thương mại trước sự xâm nhập của các thương nhân nước ngoài, vừa tham gia cả vào hoạt
động điều tiết thương mại và cả những hoạt động không chính thức như yêu cầu tặng phẩm, gây khó dễ cho các phường hội và thương đoàn trong và ngoài nước.
Bởi sự chuyển biến về kinh tế như vậy, xã hội Ottoman cũng chứng kiến những chuyển biến quan trọng. Những người nắm giữ sức mạnh kinh tế đã dần gia nhập được vào tầng lớp thống trị Ottoman, thông qua các phương tiện tiền bạc và mối quan hệ. Những người có xuất thân thương nhân hay thợ thủ công dần gia nhập vào hàng ngũ quân sự, ngay cả khi họ theo Hồi giáo. Bởi việc hối lộ trở nên công khai, đồng nghĩa với nhiều người có thể gia nhập lực lượng janissary một cách dễ dàng mà không cần đủ các tiêu chuẩn truyền thống. Trở thành quân nhân dường như được xem là một phương thức đầu tư an toàn, cung cấp cho người đầu tư cả sự an toàn về tài chính và địa vị xã hội. Quân đội Ottoman dần trở thành một tổ chức tài chính thay vì một lực lượng vũ trang. Việc thăng tiến của mỗi cá nhân giờ đây gần như phụ thuộc vào khả năng kinh tế hơn là các chiến công trên chiến trường. Những nhân vật như vậy sẽ trở thành những người thay đổi mô hình đế chế Ottoman trong thế kỷ XVIII.