Đặc điểm về chính trị-tôn giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 58 - 62)

8. Bố cục của luận văn

2.1.3. Đặc điểm về chính trị-tôn giáo

Nhà nước Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển là một mô hình quân chủ chuyên chế, được hậu thuẫn bởi tư tưởng chính trị Hồi giáo theo trường phái Hanafi. Nền chính trị Ottoman là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của Hồi giáo, nơi thần quyền và vương quyền được hợp nhất trong một chính thể. Tuy nhiên, bản chất nhất thể hóa giữa chính trị-tôn giáo trong đạo Hồi luôn song hành với việc phân tách hai bộ phận tôn giáo và thế tục riêng biệt, trước khi tái hợp lại dưới quyền lực của một cá nhân duy nhất theo tư tưởng chính trị Cận Đông. Trong trường hợp của mình, vương triều Osmanli được xây dựng trên sự kết hợp của hai thiết chế thế tục và tôn giáo được phân tách rõ rệt.

Thiết chế thế tục của nhà nước Ottoman được dựa trên sự lớn mạnh của một lực lượng nô lệ của Padishah.39 Những nô lệ được gọi là kul này, đã tạo thành lực lượng cai trị đông đảo nhất trong đế chế Ottoman. Người Ottoman tiếp nhận phần lớn chế độ chính trị Hồi giáo cùng một bộ phận quan liêu Ba Tư hóa, đồng thời phát triển những yếu tố chính trị phù hợp với thực tiễn quốc gia. Về mặt cơ quan chính trị, Ottoman tiếp nhận mô hình divan-i humayun từ thời Abbasid. Đứng đầu divan

vezir-i azam, và phụ tá cho ông này có các vezir (đại thần). Về mặt quản lý luật pháp và kỷ luật quân sự tại hai vùng lõi của đế chế, người Ottoman đặt chế độ kadıasker. Về quản lý tài chính và ngân khố triều đình, người Ottoman giao cho defterdar (tổng quản ngân khố)… [108, tr. 136-174, 182-192] Trừ Padishah và các hậu duệ của mình, tất cả các nhân vật trong thiết chế thế tục đều mang địa vị “nô lệ” của người đứng đầu đế chế. Đồng thời, gần như mọi thành viên trong thiết chế này đều là những người xuất thân gốc Kitô giáo và là thế hệ đầu tiên cải đạo.

Thiết chế tôn giáo của nhà nước Ottoman là sự kết hợp giữa các nhóm chính thống lẫn phi chính thống của Hồi giáo trong đế chế. Đứng đầu nhóm chính thống là

Şeyhülislam (đại giáo sĩ), nhân vật quan trọng nhất trong một hệ thống phân cấp

39 Trong đế chế Ottoman, thuật ngữ “nô lệ” mang ý nghĩa về mặt chính trị hơn là ý nghĩa về mặt kinh tế. Việc sử dụng thuật ngữ “nô lệ” của Ottoman bắt đầu từ nghĩa “ghulam” (nô lệ tinh hoa) trong tiếng Ả Rập. Tất cả mọi nhân vật trong bộ máy cai trị thế tục Ottoman đều có xuất thân nô lệ thực sự, với nguồn gốc là các tù binh chiến tranh (mà theo luật thì 20% tù binh được coi là tài sản của Padishah), thu mua qua các kênh phân phối khác nhau và đánh thuế máu lên các xã hội Kitô giáo.

nghiêm ngặt các ulemakadi. Hai nhân vật kadıasker cũng có thể tính là thuộc về thiết chế tôn giáo, do được đào tạo trong các medrese (trường đào tạo Hồi giáo). Nhóm phi chính thống trong đế chế Ottoman được biết đến với các dervish (các nhà tu khổ hạnh) của Hồi giáo Sufi. Sự cạnh tranh cũng như hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nhóm này đã liên tục diễn ra trong thời kỳ Cổ Điển, cho đến khi mà xu hướng chính thống hóa thắng thế trong thế kỷ XVII và những năm đầu thế kỷ XVIII. Bên cạnh đó, thiết chế tôn giáo trong đế chế Ottoman còn bao gồm cả những chức sắc tôn giáo phi Hồi giáo, những người được hợp pháp hóa bởi Padishah nhằm duy trì lòng trung thành của các millet (cộng đồng) không theo Hồi giáo.

Hai thiết chế thế tục và tôn giáo của nhà nước Ottoman đã tồn tại một cách độc lập và song song, vừa hỗ trợ vừa đối kháng với nhau. Padishah, người đứng đầu đế chế, khống chế sức mạnh thế tục thông qua vezir-i azam và sức mạnh tôn giáo thông qua şeyhülislam. Trong thời kỳ Cổ Điển, bất chấp các nỗ lực nhằm Hồi giáo hóa chính thể được đẩy mạnh sau năm 1516-1517, ưu thế luôn nằm trong tay những nhân vật thuộc thiết chế thế tục. Tuy nhiên, khuynh hướng thế lực Hồi giáo trở nên thắng thế ngày càng trở nên rõ rệt sau thế kỷ XVII, với đỉnh điểm một şeyhülislam trở thành người khống chế triều chính dưới thời Mustafa II40 (1695-1703).

Đặc trưng quan trọng nhất của nền chính trị-tôn giáo Ottoman có lẽ là sự tiếp thu của người Ottoman về một tư tưởng chính trị truyền thống của Hồi giáo và khu vực Cận Đông, thường được biết đến với cái tên daire-i adliye (vòng tròn cân bằng). Tư tưởng này đã sớm xuất hiện từ thời Lưỡng Hà Cổ đại, được phát triển xuyên suốt trong lịch sử thông qua các triết gia Hy Lạp, Ba Tư, Ả Rập và Hồi giáo,41 trước khi được người Ottoman áp dụng và hoàn thiện. Kınalızâde, một học giả Ottoman thế kỷ

40Mustafa II là Padishah cai trị đế chế Ottoman trong giai đoạn 1695-1703. Ông lên ngôi trong bối cảnh người Ottoman đang ngày càng bị đẩy lùi khỏi Hungary về xuống Danube. Mặc dù đích thân dẫn quân giành một số chiến thắng nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận nhượng lại Hungary cho nhà Habsburg theo hiệp ước 1699. Ông bị lật đổ trong sự biến Edrine năm 1703, chấm dứt thời kỳ của Padishah chiến binh cuối cùng trong lịch sử đế chế Ottoman.

41 Niềm tin về một vòng tuần hoàn của sự cân bằng đã liên tục được nhắc đến trong các tác phẩm của những học giả Hồi giáo từ thế kỷ VII trở đi, đặc biệt khi người Ả Rập sáp nhập các vùng đất thuộc đế chế Ba Tư vào trong lãnh thổ của họ. Một trong những học giả có ảnh hưởng nhất đối với người Hồi giáo dòng Sunni, Muhammad al-Ghazali (1058-1111) cũng đã viết rằng: “Đức tin phụ thuộc vào vương quyền, vương quyền phụ thuộc vào quân đội, quân đội phụ thuộc vào dân chúng, dân chúng phụ thuộc vào sự ấm no, ấm no chỉ có thể có khi mà có công lý.” [72, tr. 19]

XVI, người đầu tiên gọi tư tưởng này với cái tên daire-i adliye đã mô tả nó như sau: “Thế giới là một khu vườn, nhà nước là tường rào của nó. Nền tảng của nhà nước là Sharia. Người bảo vệ cho Sharia là Padishah. Padishah không thể cai trị nếu không có quân đội. Quân đội không thể duy trì nếu không có của cải. Của cải được tạo ra bởi dân chúng. Dân chúng không thể làm điều đó nếu không được bảo hộ bởi công lý của Padishah. Công lý là sự thịnh vượng của thế giới.” [69, tr. 262]

Daire-i adliye được xem là câu trả lời cho bốn yếu tố mang đến sự thịnh vượng của một nhà nước Cận Đông như Ottoman: nhà nước, quân đội, của cải và nông dân. Quyền lực tối cao của Padishah là một yếu tố thiết yếu, vì sự cai trị của ông được dựa trên sự ủy thác của Allah. Để Padishah có thể thực hiện được nhiệm vụ cai trị của mình, ông cần quân đội hỗ trợ. Và để có được quân đội, ngân khố của ông phải trả tiền cho binh lính. Và để có tiền, ông phải đảm bảo sự yên ổn và phát triển cho các thần dân của mình, trong đó nông dân được xem là quan trọng nhất bởi Ottoman trước hết là một xã hội nông nghiệp.

Vai trò quan trọng của nông dân trong daire-i adliye nằm ở việc họ là cơ sở cho các yếu tố khác liên kết lại với nhau. Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, quân đội phải bảo vệ nông dân khỏi các mối đe dọa an ninh. Cơ sở hạ tầng như các công trình thủy lợi, đường xá cũng phải được duy trì. Chính quyền phải đối xử với dân chúng một cách công bằng và đảm bảo cho họ có cuộc sống ấm no, đặc biệt phải miễn giảm thuế khi họ gặp phải thiên tai, cũng như bảo vệ họ khỏi sự nhũng nhiễu và áp bức của quan lại địa phương. Padisha thậm chí còn phải đặt mình trong vai trò là đồng minh của nông dân, bởi nghĩa vụ của ông còn bao gồm cả việc bảo vệ nông dân khỏi sự áp bức của quan lại và sự đe dọa từ các thế lực bên ngoài. Điển hình như Kınalızâde đã viết: “Khi một bạo chúa tịch thu bò của dân, thì làm sao ông ta còn có thể thu được thuế thập phân vào vụ thu hoạch? Do đó, nhà cai trị phải đảm bảo reaya của mình tiếp tục được ấm no. Nếu họ không có hạt giống, ông ta phải cho họ hạt giống. Nếu mùa màng thất bát, ông ta phải phát chẩn cho họ” “không được giết chóc nông dân tùy hứng, bởi họ là những người trung thành và là hậu phương của triều đại.” [61, tr. 65, 79]

Việc người Ottoman sử dụng daire-i adliye làm cơ sở cho mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, cũng như là giữa nhà nước và tôn giáo đã mang đến một thực tế rằng các mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở của một sự cân bằng mong manh. Mỗi yếu tố trong vòng tròn tuần hoàn này đều phụ thuộc vào sự hoạt động của các yếu tố còn lại, nghĩa là khi một yếu tố biến mất hay gặp vấn đề, đồng nghĩa toàn bộ cấu trúc có thể bị sụp đổ hoàn toàn. Chẳng hạn, nếu một Padishah không thể đảm bảo dân chúng của mình được ổn định và ấm no, sản xuất nông nghiệp sẽ bị đình trệ và kinh tế suy giảm, dẫn đến việc thất thu thuế. Một khi điều đó xảy ra, nhà nước sẽ không có tiền để trả lương cho binh lính và họ sẽ nổi loạn hoặc cướp bóc chính những người mà họ bảo vệ, còn Padishah sẽ bất lực trong việc cai trị của mình.

Bởi vậy, daire-i adliye buộc người Ottoman phải duy trì các quan hệ tương tác giữa các yếu tố với nhau, cũng như giữa Padishah với các thần dân của mình, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các yếu tố được duy trì. Chừng nào sự cân bằng đó được duy trì, daire-i adliye vẫn được đảm bảo. Nhưng nếu sự cân bằng trên không thể được duy trì, chỉ còn là vấn đề về mặt thời gian cho sự lụn bại của nhà nước Ottoman. Các cam kết giữa những yếu tố sẽ đổ vỡ. Khi đó, đế chế Ottoman sẽ phải khởi động một quá trình đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận mới để có thể khôi phục lại sự ổn định vốn có của vòng tròn tuần hoàn này. Đó là điều mà người Ottoman phải đối mặt trong thế kỷ XVII, khi mà daire-i adliye khủng hoảng và họ buộc phải thiết lập một mô hình mới vào thế kỷ XVIII.

Có thể thấy, về cơ bản đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển vẫn bảo lưu mô hình của một nhà nước bảo trợ quân sự phổ biến tại Trung Cận Đông từ sau sự sụp đổ của đế chế Abbasid. Sự khác biệt nằm ở chỗ, người Ottoman đã thành công trong việc đảm bảo sự phát triển gần như liền mạch và thống nhất của mình trước các biến thiên của thời cuộc. Ba bản chất quan trọng của nhà nước bảo trợ quân sự tiếp tục hiện diện trong mô hình đế chế Ottoman giai đoạn này: (1) tính gia trưởng của nhà nước, hay nhà nước là sản nghiệp của một cá nhân duy nhất (2) tính quân sự hóa hay nhà nước là một quân đội (3) thực tế là sự phân tách giữa hai cơ chế thế tục và tôn giáo trong mô hình đế chế Ottoman, dưới vỏ bọc của một đế chế Hồi giáo. Đây

là ba bản chất xuyên suốt của mô hình đế chế Ottoman trong giai đoạn 1453-1703, trước khi bị thay thế bởi một mô hình mới trong thế kỷ XVIII.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)