Quá trình thiết lập mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 43 - 50)

8. Bố cục của luận văn

1.2. Sự phát triển của đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển (1453-1603)

1.2.3. Quá trình thiết lập mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển

Việc Mehmed II lên ngôi lần thứ hai vào năm 1451 không chỉ đánh dấu kết thúc giai đoạn phục hồi một cách thận trọng của người Ottoman sau thất bại tại Ankara năm 1402, mà còn báo hiệu sự hồi sinh các tham vọng bá quyền từ thời Bayezid I. Những biến đổi trong cấu trúc kinh tế-xã hội cũng như các chuyển biến trong bối cảnh khu vực và thế giới đã đặt ra yêu cầu khách quan và bức thiết đối với người Ottoman về việc thiết lập một mô hình nhà nước mới. Mô hình ghaza đã bộc lộ nhiều hạn chế và nhược điểm ngay cả vào thời điểm nó mang đến cho người Ottoman những thành công vang dội trong thế kỷ XIV và nửa đầu thế kỷ XV. Không phải đến Mehmed II mà ngay từ thời Bayezid I, những nỗ lực chuyển đổi mô hình ghaza sang một mô hình nhà nước tập quyền đã được tiến hành, với một số thành công ngắn hạn. Tuy nhiên, chỉ đến khi Mehmed II lên nắm quyền chính thức vào năm 1452, đặc biệt sau khi chinh phục Constantinople và dời đô về đấy ngay sau đó, quá trình thiết lập mô hình nhà nước tập quyền hơn mới được đẩy mạnh và hoàn thiện.

27Aq QoyunluQara Qoyunlu là những liên minh bộ lạc Turk đã thay thế nhau trong việc thống trị khu vực Iraq và miền Tây Iran trong thế kỷ XV. Cả hai đều đã thất bại trong việc tranh giành ảnh hưởng với người Ottoman ở phía Tây và không thể tồn tại trước sự nổi lên của người Safavid ở phía Đông.

Cuộc chinh phục Constantinople năm 1453 luôn được xem là mốc bắt đầu cho kỷ nguyên đế chế của người Ottoman. Trong lịch sử Ottoman lẫn Thổ Nhĩ Kỳ, câu chuyện về cuộc chinh phục vĩ đại năm 1453 luôn là câu chuyện được truyền tụng nhiều hơn bất cứ sự kiện nào khác. [74, tr. 52] Constantinople không chỉ cung cấp một thành phố làm thủ đô cho đế chế Ottoman, mà còn cung cấp cả các suy tưởng về một hình ảnh mới của người Ottoman. Khi Mehmed II tiến vào Constantinople, ông đặt mình vào hình ảnh của một Hoàng đế La Mã (Kayser-i Rum), và như một người Hy Lạp đã viết lại thì Mehmed II “không bao giờ muốn thiên hạ tin rằng gia đình của ông ta vốn xuất thân là những kẻ chăn cừu đến từ vùng đất của bọn Tarta. Ông ta tin rằng nguốn gốc gia đình mình là thuộc về dòng dõi các hoàng đế của Constantinople, hoàng tộc Komnenos.” [112, tr. 11] Vị trí chiến lược về mọi mặt của Constantinople đã cung cấp cho các Padishah một cảm giác thực sự an toàn, giúp họ có thể đưa ra các quyết định quan trọng và táo bạo mà không phải lo ngại tìm đường lui. Từ Constantinople, quân Ottoman đã tiến hành hàng loạt các cuộc chinh phục lãnh thổ để biến Padishah trở thành một hoàng đế La Mã đích thực, và Ottoman trở thành “đế chế Đông La Mã tái sinh” - dù sự tái sinh này có phần lệch lạc và xa lạ. [132, tr. 12] Do đó mà cuộc chinh phục Constantinople năm 1453 được xem là cuộc chinh phục vĩ đại nhất của người Ottoman, cuộc chinh phục đã đưa Ottoman từ một vương quốc trở thành một đế chế, cuộc chinh phục không bao giờ có thể bị lu mờ hay vượt qua.

Chinh phục đồng nghĩa với yêu cầu quản lý các vùng đất mới cũng như tích hợp chúng vào với những vùng đất lâu đời của Đế chế. Để làm được điều đó, Mehmed II đã đặt ra ba vấn đề mà ông cần phải giải quyết: (1) đảm bảo nguyên tắc tập trung và thống nhất trong việc thừa kế ngai vàng (2) cải cách ruộng đất và trấn áp tất cả các thế lực huân cựu (3) tổ chức bộ máy hành chính, tư pháp và nâng đỡ các thế lực mới. Đối với vấn đề thừa kế ngai vàng, Mehmed II đã kết thúc mối đe dọa đến sự thống nhất đế chế Ottoman bằng cách luật hóa buộc bất cứ một Padishah sau khi lên ngôi sẽ phải xử tử ngay lập tức toàn bộ những hoàng tử còn lại (và cả những người con trai của họ) để bảo vệ ngai vàng. Ông ra lệnh rằng: “Khi bất cứ đứa con trai nào của ta lên ngôi, nó sẽ buộc phải chấp nhận xử tử toàn bộ các anh em trai của nó vì đại cuộc. Các ulema đều đã đồng thuận điều này. Bởi vậy, hãy tuân theo nghiêm

cẩn.” Thực tế, việc xử tử các hoàng tử thất bại trong cuộc đua đến ngai vàng đã được người Ottoman áp dụng từ trước khi điều này được luật hóa, như Mehmed I đã khẳng định trong một bức thư: “Tổ tiên của ta đã xử trí một vài phiền phức như này bằng kinh nghiệm của riêng họ. Hai Sultan không được phép cai trị trên cùng một vương quốc.” Và để ngăn chặn khả năng các cháu ngoại có thể giành lấy quyền lực và lật đổ hoàng gia, Mehmed II cũng quy định “con trai của các con gái ta sẽ được ban tặng một sanjak có thu nhập cao nhưng không phải là cả một beylerbeyligi [tỉnh].” [55, tr. 1017-18]

Đối với vấn đề tập trung quyền lực vào tay Padishah, Mehmed nhấn mạnh đến việc cải cách ruộng đất và trấn áp phần lớn các thế lực huân cựu. Theo lệnh của ông, hơn 20.000 làng mạc và thị trấn vốn là tài sản của các quý tộc địa phương đã bị tịch thu, và trở thành tài sản của nhà nước (miri). [122] Nỗ lực đáng kể của Mehmed II không nhằm đến một cuộc cải cách ruộng đất thực sự, thay vào đó là nhằm tăng nguồn thu cho ngân khố cũng như làm suy yếu quyền lực và ảnh hưởng của giới quý tộc nông thôn. Đây có thể như là một lời tuyên chiến của nhà nước chống lại các dòng họ quý tộc nông thôn lâu đời. Bằng cách này, Mehmed II tước đoạt đi đặc quyền của một nhóm thiểu số đối lập với ông hoặc buộc họ phải chấp nhận các nghĩa vụ quân sự và kinh tế với nhà nước - chẳng hạn như gửi quân đến tham gia các chiến dịch - để có thể giữ lại đất đai.

Song song với quá trình tịch thu và tái phân phối lại đất đai thành các timar, các thế lực huân cựu hay được xem là có thể đe dọa đến quyền lực của Padishah cũng dần bị loại bỏ. Các quý tộc Đông La Mã bị bắt sau khi Constantinople đều bị xử tử. [103, tr. 83-85] Çandarlı Halil Pasha và con trai ông ta cũng bị chém đầu ngay sau đó, chấm dứt 64 năm gia đình Çandarlı nắm giữ chức vụ vezir-i azam. [103, tr. 87- 88] Hoàng đế Trebizond và toàn bộ con trai của ông này cũng bị chém đầu hai năm sau khi đầu hàng người Ottoman. [132, tr. 40] Quốc vương Bosnia cùng toàn bộ dòng nam của hoàng gia Bosnia cũng chịu số phận tương tự. [132, tr. 45] [103, tr. 188-189] Hàng loạt các thủ lĩnh và quý tộc lâu đời người Turk ở Anatolia bị lưu đày trong danh dự đến Balkan sau khi bị tước đoạt toàn bộ đất đai và bãi chăn thả gia súc. [92, tr. 217-221, 293-292, 299-303] Bốn gia đình Malkoçoğlu, Turhanlı, Evrenosoğlu và

Mihalli nhờ vào một cam kết lâu đời từ thời Osman I, được phép tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến vùng biên, nhưng phải chấp nhận việc không bao giờ có thể được bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong triều đình. [107, tr. 140]

Cuối cùng, Mehmed II đã cho thiết lập các cơ chế tập trung quyền lực bằng việc tạo ra một triều đình chủ yếu là các nô lệ trung thành với riêng ông. Đế chế Ottoman đã chuyển dần từ ý thức hệ ghaza truyền thống và các nguyên tắc chính trị bộ lạc cổ xưa sang một nhà nước quan liêu tập trung với nền tảng là hệ thống devshirme (trưng tập). Việc tập trung hóa quyền lực được chính thức thông qua việc ban hành

kanunname (vương pháp) trong các năm 1477-1481, quy chuẩn hóa các cấu trúc bộ máy nhà nước Ottoman, vai trò của các quan lại và quyền lợi trách nhiệm, cũng như cả mối quan hệ giữa các cơ quan với nhau và với Padishah.28

Người kế tục Mehmed II là Bayezid II29 (1481-1512) đã tiếp tục những gì mà Mehmed II tiến hành. Khác với cha mình, Bayezid II tập trung vào việc củng cố quyền lực và khắc phục những hậu quả sau ba thập kỷ người Ottoman lao vào các cuộc chiến tranh chinh phục không ngừng nghỉ.30 Dưới thời cai trị của Bayezid II, quyền lực của người Ottoman đã được củng cố ở cả Balkan và Anatolia, trong khi cuộc chiến với Venice và Mamluk đã giúp hiện đại hóa quân đội Ottoman. Người Ottoman cũng tiến gần hơn đến xu hướng chính thống hóa Hồi giáo, và tăng cường các nguyên tắc về dhimmi với các cư dân không phải đạo Hồi trong đế chế. Một trong những minh chứng quan trọng cho việc khoan dung tôn giáo dưới thời Bayezid II là việc Padishah cho đón những người Do Thái bị trục xuất khỏi Iberia dưới sắc lệnh của hoàng gia Tây Ban Nha, cung cấp nơi ở và bảo hộ họ.

28 Halil İnalcık (1997), “Kanunname”, Encyclopaedia of Islam vol. 4, pp. 562-565.

29Bayezid II là Padishah của đế chế Ottoman từ năm 1481 đến năm 1512. Bayezid lên ngôi nhờ sự ủng hộ của các janissary lẫn các ulema, và đã phải đấu tranh kịch liệt với em trai Cem Sultan trong nửa đầu triều đại của mình. Bayezid II được xem là Padishah ôn hòa, nhất là khi so sánh với cha ông Mehmed II và con trai Selim I của ông. Bayezid bị lật đổ năm 1512 bởi con trai Selim của mình, và chết một cách đột ngột chưa đầy một tháng sau khi thoái vị khi trên đường đi tới Manisa.

30 Các cuộc chinh phục dưới thời Mehmed II có thể kể đến: Constantinople (1453), Serbia (1456), Morea (1458), Sinople (1460), Trebizond (1461), Bosnia (1463), Karaman (1473), Crimea (1475), Euboia và Epirus (1470-1478), Salento (1481).

Đế chế Ottoman đã chứng kiến một sự bùng nổ về diện tích lãnh thổ cũng như dân số chỉ trong vòng tám năm dưới thời cai trị của Selim I31 (1512-1520). Selim I đã chiến đấu chống lại sự bành trướng về phía Tây của đế chế Safavid, một trong những chiến dịch quân sự khó khăn nhất trong lịch sử Ottoman. Khi mà người Safavid tuyên bố trung thành với niềm tin Shi’ite và nhiều bộ lạc Turk ở Anatolia đã ngả sang phía Shah Ismail (1501-1524), người Ottoman quyết định rằng họ phải xác định niềm tin chính thống hóa vào hệ phái Sunni của Hồi giáo để đối chọi lại. Selim I đã tuyên bố: “Tham vọng và mục tiêu cao nhất của ta là tái lập lại khilafah thần thánh đã bị tan rã nhằm củng cố lại đức tin và chiến đấu chống lại những dấu tích của sự áp bức, [ta sẽ] xóa bỏ mọi niềm tin sai lầm và dị giáo khỏi Cairo […] và vì sự huy hoàng và niềm tự hào được phụng sự cho các thánh địa và bảo hộ các nguyên tắc đúng đắn của đức tin, cũng như đảm bảo sự thanh khiết và thống nhất.” [58, tr. 44] Xu hướng Hồi giáo mạnh mẽ này tiếp tục được Selim I thể hiện qua những bức thư mà ông gửi cho Safavid, lên án tình trạng “dị giáo” của Shah Isamil và người Shi’ite.32 Hai năm sau khi đánh bại người Safavid, Selim I tiến quân về phía nam, chinh phục Syria, Palestine và Ai Cập. Đế chế Mamluk đã sụp đổ trước sức mạnh của Ottoman. Sau chiến thắng cuối cùng này, sharif (hậu duệ của Tiên tri) của Mecca và Medina đã quy thuận Ottoman, công nhận Selim như là người bảo hộ cho hai vùng thánh địa.

Việc thiết lập đế chế Ottoman trong thời kỳ Cổ Điển được hoàn thiện dưới thời Süleyman I. Với sự hỗ trợ của Ebussuud Efendi (1490-1574), Padishah đã cho thống kê lại luật pháp được ban hành trước đó, tích hợp lại trong một bộ luật mới hoàn chỉnh mà không vi phạm các nguyên tắc căn bản của Sharia. Bộ luật của Süleyman I đã tồn tại trong ba thế kỷ tiếp theo, trước khi bị thay thế trong các cuộc cải cách tư pháp vào những năm 1830. Các nguyên tắc về ghazajihad vẫn tiếp tục được nhấn mạnh. Quân đội Ottoman vẫn tiếp tục tiến về phía Tây và phía Đông, chinh phục Baghdad, Hungary và uy hiếp Vienna. Hệ thống devshirme đã hoàn thiện và vận hành hiệu quả, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính quyền Ottoman đến tận những

31Selim I là Padishah Ottoman cai trị từ năm 1512 đến 1520. Dưới sự trị vì của ông, người Ottoman đã chinh phục được khu vực Levant và Ai Cập, biến Ottoman trở thành một thế lực hùng mạnh khống chế thế giới Hồi giáo trong nhiều thế kỷ tiếp theo.

năm cuối của thế kỷ XVII. Khi Süleyman I qua đời năm 1566, về cơ bản mô hình đế chế Ottoman thời kỳ Cổ Điển đã được hoàn thiện. Các cuộc chinh phục lớn đã chững lại, triều đình gần như đã hoàn toàn trở thành một chính quyền định cư và các Padishah dần lui về phía sau, để lại triều chính cho các đại thần. Sharia và Kaunname đã cùng hoạt động một cách thống nhất và riêng biệt. Thịnh vượng và ổn định trên khắp đế chế Ottoman, và không một thế lực nào mạo hiểm thách thức sức mạnh của triều đình Constantinople một cách đơn độc.

Tiểu kết

Từ những điều trình bày ở trên có thể thấy, mô hình đế chế mà người Ottoman thiết lập và phát triển là hệ quả của đồng thời của nhiều nhân tố tác động đến thể chế chính trị và nền kinh tế-xã hội.

Rõ ràng là những tiền đề cho việc xác lập một mô hình đế chế Ottoman không chỉ được nhìn nhận dưới một góc độ như là sự phản ứng của triều đình Ottoman trước những biến động và chuyển biến của tình hình trong nước và khu vực sau năm 1453. Thực tế lịch sử cho thấy, những cơ sở cho việc xác lập và phát triển hoàn chỉnh mô hình đế chế của Ottoman sau năm 1453 đã xuất hiện từ những hệ quả của sự đổ vỡ trật tự chính trị tại Trung Cận Đông nói chung, Anatolia nói riêng bởi các đợt xâm nhập của người Mông Cổ vào thế kỷ XIII. Trong tình trạng sự đổ vỡ quyền lực và bất ổn chính trị diễn ra liên tục trong suốt 250 năm sau khi Baghdad thất thủ năm 1258; rõ ràng rằng cả mô hình quan liêu Ba Tư vốn được các khalifah Abbasid áp dụng trong hơn nửa thiên niên kỷ đã không đủ khả năng để tái ổn định lại tình hình, còn mô hình nhà nước bảo trợ quân sự cũng không thể duy trì được tính vững bền khi thường tan vỡ ngay sau thế hệ đầu tiên. Kết quả là người Ottoman đã buộc phải tìm kiếm một phương thức mô hình phát triển mới.

Có thể coi việc chinh phục Constantinople là yếu tố quan trọng trong việc mở đầu không chỉ cho quá trình đế quốc hóa (imperialization) mà còn cho quá trình tập trung hóa quyền lực vào tay của Padishah và triều đình trung ương. Trong chiến lược phát triển của mình, người Ottoman luôn coi trọng việc tập trung quyền lực như là một điều kiện quan trọng để ngăn chặn bất cứ mối đe dọa cả thực tế lẫn tiềm tàng đối

với sự cai trị của nhà Osmanli. Bằng việc xử tử và lưu đày những gia đình quan trọng, sức mạnh của triều đình đã được củng cố. Cuối cùng để đảm bảo sự thống nhất của quyền lực, Padishah đã phải đề ra những biện pháp xử lý kiên quyết và sẵn sàng chấp nhận các tổn thất lớn.

Trong quá trình vươn lên xác lập một mô hình mới, triều đình Ottoman cũng chú trọng đồng thời đến nhiều yếu tố như kinh tế và tôn giáo. Do giành được quyền sở hữu tối cao về mặt đất đai sau cuộc cải cách của Mehmed II mà triều đình Ottoman càng khẳng định được ưu thế chính trị của mình. Bằng việc tái phân phối lại ruộng đất thông qua các timar cũng như nhiều hình thức ân sủng khác mà quyền cai trị tối cao của Padishah được thừa nhận. Về tôn giáo, nhận thức được nhiều thay đổi trong nội bộ đất nước cũng như tình hình quốc tế và khu vực, Padishah bắt đầu khởi động quá trình Hồi giáo chính thống hóa lại chính thể nhưng vẫn duy trì nhiều ưu đãi và ân sủng cho người không theo đạo Hồi. Những chính sách này không những đã giúp kiểm soát được tình hình đất nước, khẳng định được uy quyền của triều đình trung ương mà còn góp phần giữ vững được lòng trung thành của cả hai bộ phận thần dân không theo Hồi giáo và theo Hồi giáo với Padishah. Chính những điều này đã là tiền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 43 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)