Đặc điểm về kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 53 - 58)

8. Bố cục của luận văn

2.1.2. Đặc điểm về kinh tế-xã hội

Giống như các đế chế lục địa khác, Ottoman là một đế chế nông nghiệp. Phần lớn dân số Ottoman sống ở các vùng nông thôn và gắn chặt với sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự đa dạng về môi trường tự nhiên, đế chế Ottoman có thể phát triển nhiều giống cây trồng khác nhau tùy từng điều kiện mỗi địa phương về địa hình, khí hậu hay thổ nhưỡng. Các loại ngũ cốc phổ biến như lúa mì, lúa mạch, kiều mạch hay yến mạch được trồng khắp đế chế bởi bánh mỳ là thực phẩm chính trong chế độ ăn của người Ottoman, cũng như các quốc gia Địa Trung Hải. Lúa gạo và mía có thể trồng ở các vùng châu thổ sông Nile, Mesopotamia cũng như các vùng ấm áp. Nhờ Mậu dịch Columbus (Columbus Exchange), giống cây trồng trở nên đa dạng hơn với sự du nhập của nhiều loài mới từ Tân Thế Giới.

Nền nông nghiệp Ottoman chủ yếu là nông nghiệp khô, được đại diện bởi các hộ nông dân cá thể (çift-hane). [90, tr. 143-154] Bất chấp các thay đổi về việc trao quyền quản lý các địa phương cũng như nghĩa vụ thuế cấp cao trong các thế kỷ XVI- XIX, những hộ nông dân vẫn tiếp tục là nền tảng cho nông nghiệp Ottoman. [94] Các gia đình nông dân này canh tác bằng sức lao động của những thành viên cùng với gia súc của mình (thường là bò, một số khu vực đầm trũng đôi khi họ sử dụng trâu làm sức kéo). Đất đai họ canh tác thuộc sở hữu của nhà nước (miri) nhưng quyền sử dụng đất của họ là không thay đổi theo các thế hệ, tuy nhiên họ không có quyền bán, tặng hay trao đổi cho người khác.

Để quản lý vùng nông thôn và đảm bảo sản xuất nông nghiệp được chăm lo, người Ottoman đưa vào áp dụng hệ thống kaza (tiểu huyện) và timar (thái ấp quân sự). Triều đình Ottoman luôn hy vọng mỗi kaza có thể tự cung tự cấp, và chỉ cho phép nông sản và hàng hóa được bán ra bên ngoài một khi các nhu cầu thiết yếu trong vùngđó đã được đáp ứng. [19, tr. 192] Trong khi đó, hệ thống timar dựa trên trao cho các sipahi những thái ấp quân sự thay cho việc trả lương cho các nghĩa vụ quân sự. Các sipahi được quyền thu thuế nông dân và giữ lại một phần öşür (thuế thập phân), thường một nửa bằng tiền mặt và một nửa bằng hiện vật. Không giống như các lãnh chúa ở châu Âu, các sipahi cư trú cùng nông dân ngay trong ngôi làng. Họ không quyền lực can thiệp vào việc xử phạt nông dân cũng như không được quyết định đến sản xuất nông nghiệp. Họ cũng không có bất cứ quyền gì với đất đai cũng như những nông dân mà họ quản lý. Ngoài ra, vì timar thực chất là một hệ thống ân sủng, đồng nghĩa với việc nó có thể bị tước đi bất cứ lúc nào tùy thuộc vào ý chí của Padishah, do đó ngăn không cho sipahi hành động độc lập với triều đình cũng như ngăn chặn quá trình phong kiến hóa đế chế.

Bên cạnh trồng trọt, hoạt động chăn nuôi gia súc tại đế chế Ottoman khá phát triển, như một di sản từ nền tảng du mục trong quá khứ cũng như việc một lượng lớn dân chúng Ottoman là các bộ lạc du mục hay bán du mục. Trong tình trạng mà các cấm kỵ tôn giáo ngăn cản việc nuôi lợn, cũng như việc thịt bò khan hiếm do là sức kéo trong nông nghiệp còn ngựa là động vật quan trọng cho chiến tranh; thì cừu trở

thành nguồn cung cấp thịt, sữa cũng như mỡ quan trọng nhất của đế chế Ottoman.37

Chỉ riêng Constantinople mỗi năm tiêu thụ đến khoảng 1,5 triệu con cừu, trong đó 70.000 con được dành cho nhà bếp của hoàng gia. [150, tr. 36] Chưa kể đến cừu còn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho quân đội Ottoman, bởi chúng thường được dẫn đi theo sau các đạo quân như một nguồn thịt tươi cho binh lính.

Nếu như nông nghiệp làm bệ đỡ cho đế chế, thì thương mại là nguồn gốc cho sự giàu có và xa hoa của hoàng gia và triều đình. Sự bành trướng của Ottoman mang lại lợi ích ngay lập tức cho các trung tâm thương mại mà họ kiểm soát. Bursa ngay từ thế kỷ XIV đã trở thành một trạm trung chuyển quan trọng trong thương mại khu vực cũng như thương mại đường dài giữa châu Á và châu Âu. [92, tr. 210] Đến cuối thế kỷ XIV, các thương đoàn mang lụa từ những tỉnh sản xuất lụa chất lượng cao ven biển Caspian đến Bursa, biến nó trở thành một thị trường quan trọng trong việc buôn bán lụa. Trong khi đó, Constantinople và Alexandria đóng vai trò như những thương cảng quan trọng nhất của đế chế Ottoman. Hương liệu, vàng và hàng hóa phương Đông phải đi qua Alexandria để có thể đến được Địa Trung Hải, còn nô lệ, lông thú, lanh từ Nga và Trung Á phải đến Constantinople thông qua Hắc Hải để có thể giao dịch. Mối đe dọa của nạn cướp bóc các đoàn buôn đã buộc đế chế Ottoman phải tham dự nhiều hơn vào hoạt động thương mại, thay vì chỉ đóng vai trò thu thuế hải quan và hàng hóa. Một loạt các biện pháp đã được đưa ra. Đầu tiên, họ cho xây dựng các

caravanserai (lữ quán) dọc theo các tuyến đường và bedestan (chợ mái vòm) ở các thành phố để bảo vệ an toàn cho thương nhân. Triều đình cũng thuê thêm một số lực lượng bán quân sự ở địa phương để canh giữ trên các tuyến đường chính, giao cho họ nhiệm vụ giữ gìn trị an nơi địa hạt họ quản lý và miễn thuế cho họ, hay đôi khi sẵn sàng cấp cho họ cả timar. Cuối cùng, người Ottoman phát triển các thành phố dựa trên trung tâm là hệ thống imaret. Imaret là một khu vực bao gồm nhiều công trình phúc lợi, thường có một thánh đường Hồi giáo trung tâm, bệnh xá, lữ quán, nhà tắm cho đến bếp ăn tập thể. Các tổ chức tôn giáo, chính trị và thương mại sẽ tập hợp xung

37 Các sử gia ước tính khu vực Danube có lẽ là nơi cung cấp phần lớn nhu cầu về cừu trên toàn đế chế, vào khoảng 440.000 con mỗi năm. [140, tr. 125] Đồng thời trong các tư liệu lưu trữ, dễ dàng tìm thấy các mệnh lệnh từ thủ đô yêu cầu vùng Danube nộp cừu, như vào năm 1582 là 472.000 con [MD 48: 705]; và riêng Moldavia nộp đến 300.000 con [MD 53: 294].

quanh imaret và theo thời gian, các thị trấn và thành phố mới được thiết lập. [160, tr. 127-145]

Có thể nói hoạt động kinh tế Ottoman liên hệ mật thiết với các khái niệm cơ bản về nhà nước và xã hội Cận Đông, với mục tiêu cuối cùng là củng cố và mở rộng quyền kiểm soát của triều đình trung ương và coi điều đó chỉ thể thực hiện được khi mà chính quyền đủ khả năng nắm trong tay một nguồn thu nhập ổn định và dồi dào. Với Đế chế Ottoman, sự thịnh vượng của kinh tế không chỉ đến từ nguồn chiến lợi phẩm chiến tranh, mà còn từ việc các thành phần xã hội giữ nguyên vai trò và vị trí vốn có. Bằng việc phát triển các trung tâm thương mại và tuyến thương mại quan trọng, khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất cũng như mở rộng diện tích canh tác, ưu đãi các thương nhân và các phường hội thủ công, nhà nước Ottoman đã thực hiện được các chức năng kinh tế cơ bản của mình. Nhưng để có thể làm được điều đó, Đế chế phải thiết lập một bộ máy mới có khả nảng kiểm soát và điều tiết nguồn lực một cách hiệu quả một nền kinh tế đặc trưng như vậy.

Sở hữu một đế chế rộng lớn vắt ngang qua ba châu lục. người Ottoman đã tổ chức xã hội phức tạp và đa dạng của mình thành các millet, một tổ chức cộng đồng theo tôn giáo. Về cơ bản có năm millet đã liên tục tồn tại xuyên suốt cho đến những tháng năm cuối cùng của đế chế Ottoman: Hồi giáo, Rum (Chính thống giáo), Armenia, Do Thái và Công giáo La Mã. Các tín đồ trong mỗi millet không chỉ được giữ lại đức tin của mình, mà còn cả hệ thống tư pháp và quyền tự trị đáng kể. Trừ khi liên quan đến vấn đề Hồi giáo, các millet không theo Hồi giáo có thể tự mình hành động miễn là đảm bảo lòng trung thành với đế chế Ottoman.

Cấu trúc xã hội phân chia theo nghề nghiệp của Ottoman có thể được mô tả bẳng mô hình kim tự tháp. Ở đỉnh của mô hình này là những người thuộc tầng lớp cai trị, những người được xem là “người Ottoman đích thực”, các askeri. Trong khi phần còn lại, hầu hết dân chúng được biết đến với cái tên reaya (lũ dân). [12, tr. 149] Sự phân chia xã hội của người Ottoman dựa theo trường phái luật học mang tính tự do

nhất của Hồi giáo, trường phái Hanafi38, nhưng mô hình xã hội của họ được tổ chức cực kỳ nghiêm ngặt và gần như bất biến.

Sự phân chia này được thực hiện trên cơ sở đánh giá tính liên kết và vai trò của một cá nhân đối với nhà nước Ottoman. Nhóm askeri, thường được nhắc đến như giới tinh hoa quân sự, bao gồm Padishah và hoàng gia, các quan lại, binh lính ở cả trung ương và địa phương, cũng như các ulema. Những người nhận bổng lộc trong ngân khố của Padishah được xem như là “người Ottoman đích thực.” [140, tr. 33] Với người Ottoman, thuật ngữ Osmaniyye (hay Ottoman trong tiếng Anh) chỉ bản sắc chính trị của một cá nhân hơn là chỉ một sắc tộc. Nhóm askeri thường được chia làm ba nhóm nhỏ: kalemiye (quan chức dân sự), seyfiye (quan chức quân sự) và ilmiye

(các chức sắc tôn giáo).

Nhóm còn lại là reaya, chiếm đa số trong đế chế Ottoman. Họ được ví như những đàn cừu mà Padishah có vai trò là người chăn chiên. Họ đóng vai trò là các nông dân, thương nhân hay thợ thủ công, những người có nghĩa vụ với triều đình để đổi lấy việc được bảo vệ. Và giống như askeri, các thành viên của nhóm này đều có thể là Hồi giáo hoặc không theo Hồi giáo.

Mối quan hệ giữa hai nhóm askerireaya đã được quy định một cách nghiêm ngặt và góp phần mang đến sự thịnh vượng và phát triển cho đế chế Ottoman. Miễn là sự cân bằng giữa hai nhóm này vẫn còn được duy trì, sự ổn định của mô hình Cổ Điển vẫn sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, khi những thay đổi trở nên cần thiết, cấu trúc truyền thống này sẽ trở thành một trở ngại không thể vượt qua. Mọi khía cạnh chặt chẽ đã khiến cho ngay cả sự thay đổi nhỏ nhất cũng có thể làm ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho toàn bộ cấu trúc. Cấu trúc xã hội truyền thống này là một trong những tài sản quý giá nhất của đế chế Ottoman từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, và dần trở thành gánh nặng và sức ì từ nửa sau thế kỷ XVII trở đi.

38Hanafi là một trong bốn trường phái luật học quan trọng nhất của Hồi giáo Sunni. Được sáng lập bởi học giả Abu Hanifa (mất 767), đây là trường phái có số lượng tín đồ đông đảo nhất trong số các trường phái dòng Sunni. Dưới thời Ottoaman và các đế chế gốc Turk ở Ấn Độ và Trung Á, Hanafi được công nhận là trường phái chủ đạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)