Đặc điểm về lãnh thổ địa lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 50 - 53)

8. Bố cục của luận văn

2.1.1. Đặc điểm về lãnh thổ địa lý

Trong phần lớn lịch sử của mình, Ottoman hiện diện như là một đế chế lục địa (continental empire) hơn là một đế chế đại dương (maritime empire). Đất đai là nguồn gốc cho toàn bộ sức mạnh của Ottoman, cung cấp tiềm năng nhân, vật lực đảm bảo sự tồn tại và hưng thịnh của đế chế lục địa này. Vì quan hệ giữa quyền lực chính trị trung tâm và các xã hội ngoại vi của Ottoman được thiết kế theo mô hình “trục - nan hoa” (hubs-and-spokes), lãnh thổ của Đế chế luôn được phân tách thành những loại hình đặc thù để phù hợp cho mục đích quản lý hơn là để áp dụng một cơ chế chung trên toàn bộ lãnh thổ. Theo đó, Ottoman được cấu thành một khu vực lõi (metropole) và các vùng ngoại vi (periphery). Donald W. Meinig cụ thể hóa cấu trúc lõi-ngoại vi bằng việc phân tách cấu trúc này thành từng đơn vị nhỏ hơn gồm: thủ đô (nơi đóng chính quyền trung ương), lõi (những vùng liền kề với thủ đô và có thể áp dụng các cơ chế cai trị trực tiếp) và các vùng ngoại vi (bên ngoài vùng lõi và phải áp dụng các cơ chế cai trị gián tiếp). [115, tr. 13] Sự tương đồng lịch sử gần nhất của cấu trúc này là mô hình đế chế Đông La Mã thời Macedonia33 (867-1056). Trước khi Selim I đẩy biên giới vượt qua Anatolia năm 1512, lãnh thổ Ottoman gần như trùng lên lãnh thổ của đế chế Đông La Mã. Giống như Đông La Mã, người Ottoman đặt thủ đô tại Constantinople và xem hai vùng Rumelia và Anatolia là vùng lõi của mình. Các vùng ngoại vi của đế chế bao gồm các lãnh thổ khắp Balkan, Cận Đông, Bán đảo Ả Rập và Bắc Phi.

33Vương triều Macedonia của Đông La Mã (867-1057)là một trong những vương triều đã khôi phục lại sự thịnh vượng và sức mạnh của đế chế Đông La Mã sau những thất bại trong cuộc chiến với người Ả Rập, Slav và Bulgaria. Dưới sự cai trị của các hoàng đế như Basileios II, Đông La Mã tiếp tục hiện diện như một bức tường bảo vệ thế giới Kitô giáo khỏi mối đe dọa của người Hồi giáo từ phía Đông.

Nếu phân tách kỹ hơn, có thể thấy lãnh thổ của Đế chế được cấu thành từ năm khu vực chính, với các phương thức quản lý và đặc trưng khác nhau:

(1) Thủ đô Constantinople - trái tim của đế chế: nơi tập trung mọi cơ quan của chính quyền trung ương, bao gồm cả hoàng gia, triều đình và quân đội chủ lực. Constantinople được biết đến là Nova Roma (Tân La Mã), là điểm khởi đầu và kết thúc của mọi tuyến giao thương lục địa và hàng hải, kết nối tất cả khu vực thuộc miền Đông Địa Trung Hải và Hắc Hải. Constantinople là trung tâm của đế chế Ottoman, nơi mệnh lệnh sẽ được phát đi đến những xứ sở xa xôi nhất của đế chế.

(2) Trên cơ sở trung tâm Rumelia và Anatolia, vùng lõi của Đế chế mở rộng ra phần lớn các tỉnh miền nam dòng Danube ở phía Tây và đến Bắc Syria ở phía Đông.34 Khu vực này có hai cố đô của Ottoman trước năm 1453 (Edrine ở Rumelia và Bursa ở Anatolia) nên được đặt dưới sự cai trị trực tiếp của chính quyền trung ương. Beylerbeyi (tổng trấn) và kadıasker (đại binh phán) của Rumelia và Anatolia được mặc định luôn có một vị trí trong divan-i humayun mỗi khi có thiết triều, [86, tr. 158] và cũng chỉ hai vùng này có chức vụ kadıasker. Đây cũng là nơi mà người Ottoman áp dụng hệ thống timar làm cơ sở cho việc quản lý các vùng nông thôn và cơ sở cho chính quyền cấp huyện. Trong thời kỳ Cổ Điển, hệ thống timar được xem là nguồn cung cấp nhân lực chủ yếu cho quân đội Ottoman. Cho đến các cải cách quân đội toàn diện được tiến hành vào thế kỷ XIX, binh lính từ hai vùng Rumelia và Anatolia luôn được xem là đôi tay của cỗ máy chiến tranh Ottoman trên chiến trường. [119, tr. 81, 83]

(3) Bên ngoài khu vực lõi là các tỉnh ngoại vi, được gọi là salyane eyâlêtler.35

Đặc trưng của các tỉnh này là việc không áp dụng hệ thống timar, được quyền tự quản tùy theo đặc trưng địa phương cũng như một cơ quan chủ quản từ trung ương cử đến. Phần lớn các tỉnh ngoại vi tập trung ở châu Á và Bắc Phi, nơi mà nghĩa vụ quân sự với chính quyền trung ương không quan trọng bằng các nghĩa vụ kinh tế. Các tỉnh ngoại vi thường được xem như những tỉnh bảo hộ, và có định kỳ nghĩa vụ cống nộp

34 Các tỉnh thuộc khu vực lõi này thường được gọi là timarli eyâlêtler (các tỉnh trực trị).

35 Theo thống kê của Sofyalı Ali Çavuş năm 1653, có 9 salyane eyâlêtler: Ai Cập, Habeş, Yemen, Basra, Baghdad, Lahsa, Trablusgrab, Tunus và Cezayir-I Grab.

tiền và các đặc sản địa phương về thủ đô. Ai Cập là trường hợp điển hình cho hình thức salyane (cống vật). Hàng năm, Ai Cập chịu trách nhiệm gửi hầu hết các nguồn thu được về ngân khố ở thủ đô, đặc biệt là thuế quá cảnh cũng như một lượng lớn lương thực thực phẩm, trong đó chủ yếu là ngũ cốc.36

(4) Các quốc gia chư hầu ở bên ngoài vùng ngoại vi, đóng vai trò như một phòng tuyến chốt chặn, ngăn những kẻ địch từ ngoài tiến sâu vào lãnh thổ Đế chế. Vị trí của các chư hầu này chủ yếu nằm ở các khu vực mà người Ottoman khó có thể đặt được chính quyền cai trị, hoặc những vùng đã tự nguyện thần phục Ottoman mà không bị đánh chiếm. Chẳng hạn, Hãn quốc Crimea được xem là chư hầu thân tín nhất của Ottoman, được giao nhiệm vụ ngăn chặn ảnh hưởng của người Ba Lan và Nga tiến xuống Hắc Hải và đe dọa Rumelia. Thông thường, người Ottoman duy trì ba loại hình chư hầu: chư hầu không phải cống nạp thường xuyên (Tarta, Geogria, Mingrelia và các tiểu quốc Ả Rập), chư hầu cống nạp thường xuyên (Ragusa, Transylvania, Wallachia, Moldavia và các đảo của Venice tại Đông Địa Trung Hải),

chư hầu quân sự và miễn cống nạp (Crimea, các nhà nước Barbary).

(5) Khu vực giáp ranh biên giới: được Đế chế biến thành một “vùng xám”, nơi chiến tranh cả chính thức lẫn không chính thức liên tục diễn ra cho đến khi người Ottoman thất thế năm 1699. Mục đích của việc biến biên giới trở thành một vùng tranh chấp và liên tục bất ổn là nhằm khẳng định ý thức hệ ghaza vẫn được tiếp tục, đáp ứng nhu cầu cướp bóc của cải của các chiến binh vùng biên và đảm bảo nguồn cung số lượng lớn cho nhu cầu nô lệ của người Ottoman. [63, tr. 112-114] Bên ngoài “vùng xám” này là Dar al Harb (Ngôi nhà của chiến tranh) - thế giới của những người không theo Hồi giáo hay không phải Hồi giáo cai trị - dựa theo các quan điểm truyền thống của Hồi giáo. Với Ottoman, “vùng xám” hay “vành đai đột kích” chủ yếu nằm ở phía châu Âu, bao gồm dải lãnh thổ vùng biên giữa Hungary và Áo kéo

36 Theo Alan Mikhail, trong nửa đầu thế kỷ XVIII, Constantinople đã liên tục gửi đến Ai Cập hàng trăm mệnh lệnh yêu cầu chuyển lương thực về thủ đô, cá biệt những năm 1750-51 có đến 125 mệnh lệnh được gửi đi, cho thấy vai trò quan trọng của Ai Cập trong việc cung cấp lương thực cho Đế chế Ottoman. [113, tr. 80] Một ví dụ khác về việc quản lý kho lương của Ai Cập như sau: “các quản lý mukata’a (đất thuộc sở hữu hoàng gia) phải kiểm kê lại sản lượng của năm vừa qua và năm nay rồi chuẩn bị báo cáo về số lượng ngũ cốc đã được xuất ra; và cho đến nay các kho lương ở Ai Cập phải được đảm bảo đầy đủ phòng trường hợp xảy ra nạn đói, do đó cần thiết phải báo cáo chính xác các kho nào đã đầy và kho nào vần còn trống, nếu trống thì phải giải thích tại sao một cách tuần tự.” (MD 5-601).

đến Biển Adriatic. Một vành đai khác nằm ở phía Đông, kéo dài từ miền Nam Ba Lan đến rìa các cánh rừng của Nga. Người Ottoman sau đó đã giao lại vành đai này cho Crimea với yêu cầu không được phép để bất cứ mối đe dọa nào có thể uy hiếp Ottoman từ phía Đông Bắc. Khu vực Địa Trung Hải (đặc biệt phía Tây Địa Trung Hải) và mọi hòn đảo mà người Kitô giáo kiểm soát cũng được tính là “vùng xám.” Biên giới với Safavid và Morocco dù liên tục xảy ra chiến tranh, nhưng không được tính là vành đai để đột kích bởi Sharia không cho phép bắt giữ người Hồi giáo làm nô lệ (dù họ có bị quy kết là dị giáo hay không).

Ở những khu vực lõi và ngoại vi, người Ottoman phân chia địa giới hành chính thành các eyalet (tỉnh hay trấn) do một beylerbeyi (tổng trấn) quản lý. Dưới các tỉnh, người Ottoman chia thành các sanjak (huyện) do một sanjak-beyi (huyện trưởng) quản lý. Các huyện trưởng được lệnh phải tuân theo mệnh lệnh của viên tổng trấn, và có nghĩa vụ trong việc điều động quân sự và bảo đảm trị an tại địa hạt mà mình quản lý. Bên dưới các huyện là các kaza (tiểu huyện) do các kadi (pháp quan) chịu trách nhiệm duy trì tư pháp xung quanh một thị trấn, trong khi vùng nông thôn được phân thành các timar để quản lý và bảo vệ nông dân địa phương. Vào năm 1609, theo ghi chép của Ayn Ali Efendi có 32 tỉnh được thiết lập trong đế chế Ottoman. [86, tr. 179]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm mô hình đế chế ottoman (1453 1703) (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)